Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Đức Thánh Cha nói, ‘Chúng ta hãy nghĩ đến Đức Mẹ Sầu bi & và tạ ơn vì Mẹ đã nhận lời làm Mẹ’ (Toàn văn Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha Phanxico)

Đức Thánh Cha nói, ‘Chúng ta hãy nghĩ đến Đức Mẹ Sầu bi & và tạ ơn vì Mẹ đã nhận lời làm Mẹ’ (Toàn văn Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha Phanxico)
© Vatican Media

Đức Thánh Cha nói, ‘Chúng ta hãy suy nghĩ về Mẹ Sầu bi & và cảm tạ vì Mẹ đã nhận lời làm Mẹ’ (Toàn văn Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha Phanxico)

Tại Nhà nguyện Thánh Marta, ngài nhắc nhở rằng Mẹ Maria không bao giờ xin điều gì cho riêng Mẹ, nhưng chỉ xin cho người khác


03 tháng Tư, 2020 10:17

“Chúng ta hãy nghĩ đến những sự thương khó của Đức Mẹ và cảm tạ Mẹ vì đã nhận lời làm Mẹ.”

Theo Vatican News, hôm nay ngày 3 tháng Tư Đức Thánh Cha Phanxico đã nhấn mạnh đến điểm này trong Thánh Lễ riêng ngài dâng tại Nhà nguyện Thánh Marta hôm Thứ Sáu Thương khó trước Chúa nhật Lễ Lá, ngày chúng ta tưởng nhớ đến những đau đớn của Mẹ Maria.

Đức thánh Cha dành riêng bài giảng nói về Đức Nữ Đồng trinh Sầu bi.

Ngài nói, “Hôm nay, thật tốt lành khi chúng ta suy nghĩ về những sự thương khó của Đức Mẹ và cảm tạ Mẹ vì đã nhận lời làm Mẹ.”

Bắt đầu Thánh Lễ tưởng nhớ tất cả các nạn nhân coronavirus, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những người mang trách nhiệm cao cả, cho dù cuối cùng có thể gánh hậu quả của đại dịch, để giúp đỡ những người trong thời gian này gặp các vấn đề túng thiếu, việc làm và đói kém.

“Có những người bây giờ đang bắt đầu suy nghĩ về hậu quả: hậu quả của đại dịch. Với tất cả các vấn đề sẽ xảy đến: những vấn đề về sự túng thiếu, việc làm, đói kém …,” ngài mời gọi: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người hôm nay giúp đỡ, nhưng cũng nghĩ về ngày mai, để giúp đỡ tất cả chúng ta.”

Thứ Sáu Thương Khó này, Giáo hội tưởng nhớ những đau đớn của Mẹ Maria, Đức Phanxico động viên các tín hữu thực hiện bài thực hành này: “Chiều tối nay tôi đọc Kinh Truyền tin, cầu nguyện và hồi tưởng lại bảy sự thương khó như sự tưởng nhớ của Mẹ của Giáo hội, như là Mẹ của Giáo hội đã sinh ra tất cả chúng ta với quá nhiều đau đớn …”

Đức Phanxico nói, lòng đạo hạnh của người Ki-tô hữu noi theo con đường của Mẹ Maria đồng hành với Chúa Giê-su.

Đức Thánh Cha nói, “Đức Mẹ không bao giờ xin bất cứ điều gì cho bản thân, không bao giờ.”

Ngài nhấn mạnh, “Có, nhưng chỉ xin cho người khác: chúng ta hãy nghĩ đến Ca-na, khi Mẹ đến nói với Chúa Giê-su.”

Nhắc lại lòng hoàn toàn vị tha của Mẹ, Đức Phanxico nói: “Tôn vinh Mẹ chúng ta và nói: “Đây là Mẹ tôi,” vì Mẹ là Mẹ.

Đức Giáo hoàng người Argentine nói, “Đức Mẹ không muốn nhận bất kỳ tước hiệu nào từ Chúa Giê-su; Mẹ đón nhận ân huệ làm Mẹ của Ngài và trách nhiệm đồng hành với chúng ta như người Mẹ, là Mẹ của chúng ta.”

Ngài nói, “Mẹ là Mẹ của chúng ta,” Đấng với sức mạnh và niềm tín thác vào Thiên Chúa. “Đó không phải là một tiếng khóc giả tạo, đó là trái tim của Mẹ bị đâm thâu vì nỗi đau đớn.”

Vì lý do này, Đức Phanxico kêu gọi: “Sẽ rất tốt lành cho chúng ta khi dừng lại một chút và thưa với Mẹ: “Cảm tạ Mẹ đã nhận lời là Mẹ khi Sứ thần báo tin cho Mẹ và tạ ơn Mẹ đã nhận lời làm Mẹ khi Chúa Giê-su thưa với Mẹ”

Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu Rước Lễ Thiêng liêng trong thời gian khó khăn này, và kết thúc Thánh Lễ với nghi thức Chầu Thánh Thể và Phép lành.

***

***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia Forrester của ZENIT’]

Thứ Sáu Thương khó này, Giáo hội tưởng nhớ những sự thương khó của Mẹ Maria, Addolorata [Đấng Sầu bi]. Sự sùng kính của Dân Chúa đã có chiều dài nhiều thế kỷ. Những bài thánh ca được viết để tôn vinh Đấng Addolorata: Mẹ đứng dưới chân Thập giá, và chúng ta chiêm ngắm Mẹ ở đó, đau thương. Lòng đạo hạnh Ki-tô giáo đã lấy những sự đau thương của Mẹ và kể ra “bảy sự thương khó.” Sự thương khó thứ nhất, chỉ 40 ngày sau khi sinh Chúa Giê-su, lời tiên báo của ông Si-mê-on nói đến một lưỡi gươm đâm thâu trái tim Mẹ (x. Lc 2:35). Sự thương khó thứ hai là cuộc chạy trốn sang Ai-cập để cứu mạng sống của Chúa Con (x. Mt 2:13-23). Sự thương khó thứ ba là ba ngày đau khổ khi Cậu bé Giê-su ở lại Đền thờ (x. Lc 2:41-50). Sự thương khó thứ tư là khi Mẹ gặp Chúa Giê-su trên con đường lên đồi Can-vê (x. Ga 19:25). Sự thương khó thứ năm là cái chết của Chúa Giê-su, nhìn thấy Con của Mẹ ở đó, bị đóng đinh, trần truồng, và chịu chết. Sự thương khó thứ sáu, tháo xác Chúa Giê-su khỏi Thập giá. Mẹ ẵm Chúa trong vòng tay của Mẹ như Mẹ đã ẵm Người trong vòng tay hơn 30 năm trước tại Bê-lem. Sự thương khó thứ bảy là chôn xác Chúa Giê-su. Và như vậy, lòng đạo hạnh của người Ki-tô hữu đi theo con đường của Đức Mẹ, Đấng đồng hành với Chúa Giê-su. Thật tốt lành cho cha tôi chiều tối nay, khi cha đọc Kinh Truyền tin, cầu nguyện bảy sự thương khó như là việc tưởng nhớ của Mẹ của Giáo hội, Mẹ của Giáo hội đã sinh ra tất cả chúng ta với quá nhiều đau đớn.

Mẹ không bao giờ xin điều gì cho bản thân — không bao giờ. Có, Mẹ xin cho người khác. Chúng ta hãy nhớ đến Ca-na, khi Mẹ đến nói với Chúa Giê-su. Mẹ không bao giờ nói: “Mẹ là Mẹ; hãy nhìn đến Mẹ này, Mẹ sẽ trở thành Mẫu Hậu.” Mẹ chẳng bao giờ nói điều đó. Mẹ không đòi hỏi điều gì quan trọng cho bản thân trong Tông đồ đoàn. Mẹ chỉ chấp nhận là Mẹ. Mẹ đồng hành với Chúa Giê-su như một môn đệ, vì Tin mừng cho thấy rằng Mẹ đi theo Chúa Giê-su với các bạn bè, những người phụ nữ đạo đức. Mẹ đi theo Chúa Giê-su; Mẹ lắng nghe Chúa Giê-su. Có lần có người nhận ra Mẹ: “À, Mẹ đến đây rồi; có Mẹ của Thầy đang ở đây” (x. Mc 3:31). Mẹ đi theo Chúa Giê-su – lên đồi Can-vê. Và đứng ở đó … chắc chắn người ta nói: “Kìa, người phụ nữ tội nghiệp, bà ấy sẽ đau đớn,” và những người ác độc chắc chắn nói: “Bà ấy cũng chịu trách nhiệm, vì nếu Bà ấy dạy bảo Ông ta tốt thì đã không có kết thúc như vậy.” Mẹ ở đó với Chúa Con, với sự nhục nhã của Chúa Con.

Chúng ta phải tôn vinh Mẹ và nói: “Đây là Mẹ tôi,” vì Mẹ là Mẹ. Và đây là tước hiệu Mẹ đón nhận từ Chúa Giê-su, chính trong lúc đó, trong giây phút trên thập giá (x. Ga 19:26-27). Mẹ là Mẹ của các con cái Mẹ. Ngài không đặt Mẹ lên làm Thủ tướng hay cho Mẹ những tước hiệu “mang tính chức năng,” — chỉ là “Mẹ.” Và từ đó, sách Tông đồ Công vụ cho chúng ta thấy Mẹ cầu nguyện với các Tông đồ như người Mẹ (x. Cv 1:14). Đức Mẹ không nhận bất cứ một tước hiệu nào từ Chúa Giê-su. Mẹ đón nhận ân huệ làm Mẹ của Ngài và trách nhiệm đồng hành với chúng ta như người Mẹ, là Mẹ của chúng ta. Mẹ không đòi được là một quasi-Redemptrix hay là một Co-Redemptrix (đồng công cứu chuộc), không. Đấng Cứu thế chỉ có một và tước hiệu này không được nhân đôi. Mẹ chỉ là một môn đệ và là Mẹ. Và như vậy, chúng ta phải nghĩ đến Mẹ, chúng ta phải tìm kiếm Mẹ là Mẹ chúng ta; chúng ta phải cầu xin với Mẹ. Mẹ là Mẹ — trong Giáo hội Mẹ. Trong tình mẫu tử của Đức Mẹ chúng ta nhìn thấy tình mẫu tử của Giáo hội, đón nhận tất cả, người thiện cũng như ác — tất cả.

Sẽ rất tốt lành cho chúng ta hôm nay khi dừng lại một chút và suy nghĩ về sự đau đớn và những sự thương khó của Đức Mẹ. Mẹ là Mẹ của chúng ta. Và Mẹ mang đến sự tốt lành, với sức mạnh, với tiếng khóc, đó không phải là tiếng khóc giả tạo; đó chính là một trái tim bị đâm thâu bởi sự đau thương. Sẽ rất tốt lành cho chúng ta khi dừng lại một chút và thưa với Mẹ: “Cảm tạ Mẹ đã nhận lời là Mẹ khi Sứ thần báo tin cho Mẹ, và tạ ơn Mẹ đã nhận lời làm Mẹ khi Chúa Giê-su thưa với Mẹ.”

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ với nghi thức Chầu Thánh Thể và Phép lành, mời gọi tín hữu Rước Lễ Thiêng liêng.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/4/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét