Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ năm của Đức Thánh Cha Phanxicô
14 tháng Mười Một năm 2021, Chúa nhật thứ Ba mươi ba Mùa Thường niên
*****
“Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình” (Mc 14:7)
1. “Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình” (Mc 14:7). Chúa Giêsu đã nói những lời này trong một bữa ăn tại làng Bêtania vài ngày trước Lễ Vượt Qua, trong nhà của một người phong cùi tên Simon. Như Thánh sử kể lại, một người phụ nữ bước vào với một bình bạch ngọc chứa đầy dầu thơm quý giá và đổ lên đầu Chúa Giêsu. Hành động này đã gây ra sự kinh ngạc và đưa đến hai cách giải thích khác nhau.
Trước hết là sự phẫn nộ của một số người có mặt, trong đó có cả các môn đệ, họ là những người xét đến giá trị của dầu thơm – khoảng 300 quan tiền, tương đương với số tiền lương hàng năm của một người lao động – nghĩ rằng đáng lẽ phải đem bán nó và lấy số tiền thu được cho người nghèo. Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, Giuđa có quan điểm này: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” Thánh Gioan tiếp tục lưu ý rằng Giuđa “nói thế không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (12: 5-6 ). Không phải ngẫu nhiên mà lời chỉ trích gay gắt đó phát ra từ miệng kẻ phản bội: nó cho thấy những ai không tôn trọng người nghèo thì phản lại lời dạy của Chúa Giêsu và không thể là môn đệ của Ngài. Origen đã có những lời lẽ mạnh mẽ về vấn đề này: “Giuđa dường như quan tâm đến người nghèo ... Nếu trong thời đại của chúng ta, một số người nắm giữ hầu bao của Giáo hội, và giống như Giuđa, lên tiếng bênh vực người nghèo, nhưng sau đó lại lấy đi những gì người ta đã bỏ vào, thì hãy để họ chia sẻ số phận với Giuđa” (Chú giải Tin mừng Thánh Mátthêu, 11, 9).
Cách giải thích thứ hai là của Chúa Giêsu, và nó khiến chúng ta biết đánh giá cao ý nghĩa sâu sắc của hành động của người phụ nữ. Ngài nói, “Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa” (Mc 14, 6). Chúa Giêsu biết rằng cái chết của mình đang đến gần, và Ngài nhìn thấy trong hành động của người phụ nữ ấy một sự báo trước về việc xức dầu cho thân xác của Ngài trước khi được đặt trong mồ. Điều này vượt ra ngoài sức tưởng tượng của những người có mặt. Chúa Giêsu đang nhắc họ rằng Ngài là người nghèo đầu tiên, là người nghèo nhất trong những người nghèo, vì Ngài đại diện cho tất cả họ. Cũng chính vì lợi ích của người nghèo, của người cô đơn, người bị gạt ra bên lề và những nạn nhân của sự phân biệt đối xử, Con Thiên Chúa đã chấp nhận cử chỉ của người phụ nữ.
Với sự nhạy cảm của một người phụ nữ, chỉ một mình chị hiểu được Chúa đang nghĩ gì. Người phụ nữ vô danh đó, có lẽ là đại diện cho tất cả những người phụ nữ trải qua suốt nhiều thế kỷ phải im lặng và gánh chịu bạo lực, do đó trở thành người đầu tiên trong số những phụ nữ có mặt trong những thời khắc đỉnh điểm của cuộc đời Chúa Kitô: chịu đóng đinh, chịu chết, được mai táng và phục sinh. Phụ nữ, rất thường bị phân biệt đối xử và bị loại ra khỏi các vị trí trách nhiệm, nhưng trong các Tin mừng chúng ta nhìn thấy họ đóng vai trò hàng đầu trong lịch sử mặc khải. Sau đó, Chúa Giêsu tiếp tục liên kết người phụ nữ đó với sứ mệnh rao giảng tin mừng cao cả: “Amen, tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô” (Mc 14:9).
2. “Sự đồng cảm” mạnh mẽ được thiết lập giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ, và cách giải thích của Ngài về việc xức dầu của cô trái ngược với quan điểm chướng tai của Giuđa và những người khác, dẫn đến sự phản ánh hữu hiệu về mối liên hệ không thể tách rời giữa Chúa Giêsu, người nghèo và việc loan báo Tin Mừng.
Dung nhan Thiên Chúa được Chúa Giêsu mặc khải là dung nhan của một người Cha luôn quan tâm và gần gũi với người nghèo. Trong mọi sự, Chúa Giêsu dạy rằng nghèo không phải là kết quả của số phận, nhưng là một dấu hiệu cụ thể chỉ ra sự hiện diện của Ngài giữa chúng ta. Chúng ta không tìm thấy Ngài ở thời điểm và địa điểm mà chúng ta muốn, nhưng nhìn thấy Ngài trong cuộc sống của những người nghèo, trong những đau khổ và thiếu thốn của họ, trong những điều kiện thường là vô nhân đạo mà họ buộc phải sống. Tôi không bao giờ thấy mệt mỏi khi nhắc lại rằng người nghèo là những người loan báo Tin mừng thật sự, vì họ là những người đầu tiên được loan báo Tin mừng và được kêu gọi để chia sẻ niềm vui của Thiên Chúa và vương quốc của Người. (xem Mt 5:3).
Người nghèo, trong mọi lúc và ở mọi nơi đều rao giảng Tin mừng cho chúng ta, bởi vì họ giúp chúng ta khám phá ra dung nhan đích thực của Chúa Cha theo những cách thức mới mẻ. “Họ có nhiều điều để dạy chúng ta. Không những họ tham dự vào cảm thức đức tin (sensus fidei), nhưng nhưng giữa những khó khăn họ biết Đức Kitô chịu đau khổ. Chúng ta cần phải để mình được phúc âm hoá bởi họ. Tân phúc âm hoá là một lời mời gọi nhìn nhận quyền năng cứu độ đang hoạt động trong đời sống của họ và đặt nó vào tâm điểm cuộc lữ hành của Hội Thánh. Chúng ta được kêu gọi tìm thấy Đức Kitô nơi họ, lên tiếng bênh vực mục đích của họ, nhưng đồng thời cũng là bạn của họ, nghe họ, nói với họ và ôm ấp sự khôn ngoan mầu nhiệm mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta thông qua họ. Sự dấn thân của chúng ta không chỉ duy nhất hệ tại các hoạt động hay chương trình thăng tiến và cứu giúp; cái mà Chúa Thánh Thần huy động không phải là một thái độ hiếu hoạt vô trật tự, nhưng trên hết là một sự chú tâm coi người khác ‘hầu như là một với chúng ta’. Sự chú tâm yêu thương này là khởi đầu cho một sự quan tâm thực sự đối với nhân vị của họ, thúc đẩy chúng ta hoạt động để mưu cầu lợi ích cho họ” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 198-199).
3. Chúa Giêsu không chỉ đứng về phía người nghèo; Ngài cũng chia sẻ thân phận của họ. Đây là một bài học mạnh mẽ cho các môn đệ của Ngài trong mọi thời đại. Đây là ý nghĩa cho lời nhận xét của Ngài rằng “người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình.” Người nghèo sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta, nhưng chúng ta không được thờ ơ trước điều đó, nhưng thay vì vậy nó kêu gọi chúng ta biết chia sẻ cho nhau trong cuộc sống và không cho phép đùn đẩy. Người nghèo không phải là những người “bên ngoài” cộng đoàn của chúng ta, nhưng là những anh chị em mà chúng ta nên chia sẻ những đau khổ của họ, trong nỗ lực giảm bớt khó khăn và thiệt thòi của họ, phục hồi lại phẩm giá đã mất và bảo đảm sự hòa nhập xã hội cần thiết của họ. Mặt khác, như chúng ta biết, những hành động từ thiện hàm ý chỉ về một người cho và một người nhận, trong khi sự chia sẻ cho nhau tạo ra tình huynh đệ. Bố thí thì chỉ thỉnh thoảng; nhưng ngược lại sự chia sẻ cho nhau thì kéo dài. Những nguy cơ của hành động bố thí là làm mãn nguyện những người thực hiện nó và có thể cho thấy sự hạ thấp những người nhận nó; hành động chia sẻ củng cố tình liên đới và đặt những nền tảng cần thiết để đạt được công bằng. Tóm lại, những người tin Chúa, khi họ muốn tận mắt nhìn thấy Chúa Giêsu và chạm tay vào Ngài, thì họ biết phải đi đến đâu. Người nghèo là một bí tích của Chúa Kitô; họ đại diện cho con người của Ngài và chỉ về Ngài.
Có nhiều tấm gương của các vị thánh đã chia sẻ với người nghèo về dự án cuộc sống của họ. Trong số đó tôi nghĩ đến Cha Damien de Veuster, vị tông đồ thánh thiện của người phong cùi. Với lòng độ lượng cao cả, ngài đã đáp lại tiếng gọi để đến hòn đảo Molokai để sống và chết với họ, nơi trở thành một khu ổ chuột chỉ dành cho người phong cùi. Ngài đã xắn tay áo và làm mọi việc có thể để cải thiện đời sống của những người nghèo khổ, bệnh tật và bị ruồng bỏ. Ngài vừa là bác sĩ vừa là y tá, không màng đến những rủi ro trong công việc, và mang ánh sáng của tình yêu đến “lãnh địa của thần chết”, như tên gọi của hòn đảo lúc bấy giờ. Bản thân ngài cũng lây bệnh cùi, nó trở thành dấu hiệu cho thấy sự chia sẻ hoàn toàn của ngài đối với thân phận của những anh chị em mà ngài hiến thân vì họ. Chứng tá của ngài rất phù hợp trong thời đại của chúng ta, bị ghi dấu bởi đại dịch coronavirus. Ân sủng của Thiên Chúa chắc chắn đang hoạt động trong tâm hồn của tất cả những người đến với những người nghèo nhất, chia sẻ với họ với những con đường cụ thể mà không phô trương.
4. Do đó, chúng ta phải hết lòng thi hành lời Chúa mời gọi “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Sự sám hối này bao gồm việc mở rộng tâm hồn chúng ta để nhận ra nhiều hình thức nghèo khó khác nhau và trình bày Nước Thiên Chúa qua một lối sống phù hợp với đức tin mà chúng ta tuyên xưng. Thông thường, người nghèo được coi là những người riêng biệt, như một “hạng mục” cần các hoạt động từ thiện cụ thể. Tuy nhiên, việc theo Chúa Giêsu đòi phải thay đổi lối suy nghĩ này và chấp nhận thách đố của việc chia sẻ và chấp nhận lẫn nhau. Cương vị người môn đệ Kitô giáo đòi hỏi quyết định không tích lũy những kho báu của thế gian, vì nó tạo ra ảo tưởng về một sự an toàn nhưng thật ra chỉ là mong manh và phù du. Nó đòi hỏi sự sẵn sàng thoát khỏi tất cả những gì ngăn cản chúng ta đạt được niềm hạnh phúc và vui sướng, để nhận ra được điều gì là bền vững, điều gì không thể bị phá hủy bởi bất kỳ ai hay bất cứ thứ gì (xem Mt 6:19-20).
Ở đây, lời dạy của Chúa Giêsu đi ngược lại với ý muốn, vì lời đó hứa hẹn những gì chỉ có thể nhìn thấy và trải nghiệm một cách chắc chắn bằng con mắt đức tin. “Ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19:29). Nếu chúng ta không chọn trở nên nghèo khó nơi những của cải chóng qua, quyền lực thế gian và sự hư ảo, chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiến thân vì tình yêu; chúng ta sẽ sống một đời sống bị phân mảnh, đầy những mục đích tốt đẹp nhưng không có tác dụng để biến đổi thế giới. Do đó, chúng ta cần dứt khoát mở lòng mình đón nhận ân sủng của Chúa Kitô, là ân sủng có thể làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân cho đức ái vô biên của Người và khôi phục tính xác thực cho sự sống của chúng ta trên thế giới.
5. Tin mừng của Chúa Kitô kêu gọi chúng ta thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với người nghèo và nhận ra những hình thức rối loạn về đạo đức và xã hội đa dạng và quá mức đang tạo ra những hình thức nghèo đói mới. Dường như ngày càng có nhiều quan niệm cho rằng người nghèo không chỉ chịu trách nhiệm về tình trạng của họ, mà họ còn là gánh nặng không thể chịu đựng được đối với một hệ thống kinh tế tập trung vào lợi ích của một số ít nhóm đặc quyền. Một thị trường bỏ qua các nguyên tắc đạo đức, hoặc chọn và lọc lựa những nguyên tắc đó, tạo ra các điều kiện vô nhân đạo cho những người vốn đã ở trong những hoàn cảnh bấp bênh. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến việc tạo ra những cái bẫy đói nghèo và loại trừ mới, được đặt ra bởi những tác nhân kinh tế và tài chính vô đạo đức, thiếu ý thức nhân đạo và trách nhiệm xã hội.
Năm ngoái, chúng ta đã trải qua một thảm họa khác khiến số người nghèo tăng lên gấp bội: đại dịch, nó tiếp tục ảnh hưởng đến hàng triệu người, và ngay cả khi nó không mang đến sự đau khổ và cái chết, nhưng vẫn là một tín hiệu của nghèo đói. Người nghèo đã tăng lên một cách không cân đối, và đáng buồn thay họ sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng tới. Một số quốc gia đang phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề do đại dịch gây ra, do đó những người dễ bị tổn thương nhất của các nước đó thiếu những nhu cầu thiết yếu. Những hàng dài người trước các bếp ăn bác ái là một dấu hiệu hữu hình của sự xuống cấp này. Rõ ràng là cần phải tìm ra những phương tiện phù hợp nhất để chống lại virus ở cấp độ toàn cầu mà không thúc đẩy lợi ích đảng phái. Điều đặc biệt cấp bách là phải đưa ra các câu trả lời cụ thể cho những người thất nghiệp, trong số đó bao gồm nhiều người cha, người mẹ và người trẻ tuổi. Tạ ơn Chúa, tình liên đới xã hội và lòng quảng đại mà nhiều người đã và đang thể hiện, cùng với các dự án thăng tiến con người có tầm nhìn xa, là một đóng góp quan trọng nhất vào thời điểm này.
6. Tuy nhiên, một câu hỏi không hoàn toàn rõ ràng vẫn còn đó. Làm cách nào chúng ta có thể đưa ra một phản ứng cụ thể cho hàng triệu người nghèo là những người thường xuyên vấp phải sự thờ ơ, nếu không nói là sự phẫn uất? Phải đi theo con đường công lý nào để có thể khắc phục những bất bình đẳng xã hội, và có thể phục hồi lại nhân phẩm thường bị chà đạp? Lối sống theo chủ nghĩa cá nhân đồng lõa với việc tạo ra đói nghèo, và thường đổ trách nhiệm cho người nghèo về tình trạng của họ. Tuy nhiên, nghèo đói không phải là kết quả của số phận; nó là kết quả của sự ích kỷ. Do đó, điều quan trọng là phải tạo ra các tiến trình phát triển trong đó khả năng của tất cả mọi người đều được coi trọng, để sự liên kết những kỹ năng và tính đa dạng của các vai trò có thể dẫn đến một nguồn lực chung là sự tham gia tương hỗ. Có rất nhiều hình thức nghèo giữa những người “giàu” có thể được giải tỏa bởi sự giàu có của người “nghèo”, nếu như họ có thể gặp gỡ và làm quen với nhau! Không ai nghèo đến mức không thể cho đi một thứ gì đó của mình trong sự trao đổi cho nhau. Người nghèo không chỉ là những người đón nhận; họ phải được đặt vào một vị trí để cho đi, bởi vì họ biết rõ cách để đáp trả lòng quảng đại. Trước mắt chúng ta có biết bao tấm gương chia sẻ! Người nghèo thường dạy chúng ta về tình liên đới và chia sẻ. Đúng vậy, họ có thể là những người thiếu một số thứ, thường là nhiều thứ, kể cả những nhu cầu tối thiểu, nhưng họ không thiếu mọi thứ, vì họ vẫn giữ được phẩm giá là con cái Thiên Chúa mà không điều gì và không ai có thể lấy mất của họ.
7. Vì lý do này, cần phải có một cách tiếp cận khác đối với sự nghèo đói. Đây là một thách thức mà các chính phủ và các tổ chức quốc tế cần phải đối mặt bằng một mô hình xã hội có tầm nhìn xa hơn có khả năng chống lại những hình thức nghèo đói mới đang hoành hành trên toàn thế giới, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những thập kỷ tới. Nếu người nghèo bị gạt ra ngoài lề xã hội, dường như họ phải chịu lỗi cho tình trạng của họ, thì khái niệm dân chủ sẽ bị nguy hại và mọi chính sách xã hội sẽ bị phá sản. Với lòng khiêm nhường thật lớn, chúng ta phải thú nhận rằng chúng ta thường thiếu trình độ khi nói đến người nghèo. Chúng ta nói về họ trên lý thuyết; chúng ta chỉ dừng lại ở con số thống kê và nghĩ rằng chúng ta có thể làm lay động trái tim mọi người bằng cách quay một bộ phim tài liệu. Ngược lại, sự nghèo đói phải là động lực để chúng ta lập kế hoạch sáng tạo, nhằm gia tăng sự tự do cần thiết để sống một cuộc sống viên mãn tùy theo khả năng của mỗi người. Đây là một ảo tưởng khi nghĩ rằng sự tự do sẽ tự đến và phát triển qua việc sở hữu tiền bạc, nó là điều chúng ta phải loại bỏ. Phục vụ người nghèo một cách hiệu quả thúc đẩy chúng ta hành động và giúp chúng ta có thể tìm ra những cách thích hợp nhất để nâng cao và thăng tiến những con người vốn thường vô danh và không có tiếng nói, nhưng họ đã được in dấu dung nhan của Đấng Cứu Độ là Đấng xin chúng ta giúp đỡ.
8. “Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình” (Mc 14: 7). Đây là lời kêu gọi để không bao giờ đánh mất mọi cơ hội làm việc thiện. Hàm ý trong nó, chúng ta có thể nhìn thấy mệnh lệnh xa xưa của Kinh thánh: “Nếu giữa anh em … có một người anh em nghèo, thì anh em đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng; nhưng phải mở rộng tay, và cho họ vay mượn tất cả những gì họ thiếu… Khi anh em cho họ, anh em phải cho họ cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng; thật vậy, vì việc đó, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em sẽ chúc phúc cho anh em trong mọi việc anh em làm và mọi công trình tay anh em thực hiện. Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo ...” (Đnl 15: 7-8, 10-11). Tương tự như vậy, Thánh Tông đồ Phaolô kêu gọi những Kitô hữu trong các cộng đoàn của ngài hãy đến giúp đỡ người nghèo trong cộng đoàn đầu tiên của Giêrusalem, và làm như vậy “không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9: 7). Nó không phải là vấn đề xoa dịu lương tâm của chúng ta bằng cách bố thí, mà là chống lại văn hóa thờ ơ và bất công mà chúng ta đã tạo ra đối với người nghèo.
Trong bối cảnh này, chúng ta nên nhớ lại những lời của Thánh John Chrysostom: “Những người rộng lượng không nên đòi hỏi một giải trình về hạnh kiểm của người nghèo, nhưng chỉ cần cải thiện tình trạng nghèo khó và đáp ứng nhu cầu của họ. Người nghèo chỉ có một lời cầu xin: sự nghèo khó của họ và tình trạng thiếu thốn của họ. Đừng hỏi bất cứ điều gì khác nơi họ; cho dù họ là những người xấu xa nhất trên thế giới, nếu họ thiếu lương thực cần thiết, chúng ta hãy giải thoát họ khỏi sự đói khát. ... Người có lòng từ bi giống như một bến cảng cho những người thiếu thốn: hải cảng chào đón và giải thoát tất cả những người bị đắm tàu khỏi sự nguy khốn; cho dù họ là những kẻ bất lương, là người tốt, hay họ là bất cứ ai, bến cảng sẽ cho họ trú ngụ trong vịnh nước an toàn của nó. Anh chị em cũng vậy, khi anh chị em thấy một người bị đắm tàu trong sự nghèo đói, đừng phán xét, đừng hỏi một lý lịch về hạnh kiểm của họ, nhưng hãy giải cứu họ khỏi sự bất hạnh của họ” (Các bài giảng về Người Nghèo Ladarô, II, 5).
9. Điều quan trọng là chúng ta phải trưởng thành trong nhận thức về nhu cầu của người nghèo, những nhu cầu luôn thay đổi, cũng như điều kiện sống của họ. Trên thực tế, ngày nay ở các khu vực kinh tế phát triển hơn trên thế giới, con người ít sẵn sàng đối đầu với đói nghèo hơn trước đây. Tình trạng sung túc tương đối mà chúng ta đã quen thuộc khiến chúng ta khó chấp nhận những hy sinh và thiếu thốn hơn. Người ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì hơn là bị tước đoạt thành quả của sự gặt hái dễ dàng. Do đó, họ rơi vào các tình trạng oán hận, căng thẳng từng lúc và những đòi hỏi dẫn đến nỗi sợ hãi, lo âu và trong một số trường hợp dẫn đến bạo lực. Đây không phải là cách để xây dựng tương lai của chúng ta; chính những thái độ đó là hình thức của sự nghèo mà chúng ta không thể coi thường. Chúng ta cần phải mở lòng để đọc được những dấu chỉ của thời đại yêu cầu chúng ta tìm ra những cách thức mới để trở thành người rao giảng Tin Mừng trong thế giới hiện tại. Sự trợ giúp cấp thời khi đáp ứng nhu cầu của người nghèo không thể ngăn cản chúng ta cho thấy tầm nhìn xa trong việc thực hiện các dấu chỉ mới của tình yêu và đức ái Kitô giáo như một phản ứng đối với các hình thức nghèo mới mà nhân loại đang trải qua ngày nay.
Tôi hy vọng rằng việc cử hành Ngày Thế giới Người nghèo, hiện đã là năm thứ năm, sẽ phát triển trong các Giáo hội địa phương của chúng ta và truyền cảm hứng cho một phong trào loan báo Tin mừng gặp gỡ trực tiếp người nghèo ở bất cứ nơi đâu. Chúng ta không thể đợi người nghèo gõ cửa nhà mình; chúng ta cần khẩn trương đến với họ tại nhà của họ, trong các nhà thương và viện dưỡng lão, trên đường phố và trong những góc tối nơi họ đôi khi ẩn náu, trong các mái ấm và trung tâm tiếp nhận. Điều quan trọng là phải hiểu được cảm nhận của họ, những gì họ đang trải qua và lòng họ mong muốn những gì. Chúng ta hãy lấy lời cầu xin tha thiết của Cha Primo Mazzolari làm của riêng mình: “Tôi xin các bạn đừng hỏi tôi có người nghèo không, họ là ai và có họ có bao nhiêu người, bởi vì tôi sợ rằng những câu hỏi đó chỉ là một cách làm phân tán hoặc một cái cớ để né tránh tiếng gọi rõ ràng đối với lương tâm và con tim của chúng ta ... Tôi chưa bao giờ đếm số người nghèo, vì không thể đếm được họ: người nghèo cần được ôm lấy chứ không phải đếm con số” (“Adesso” số 7 - 15 tháng Tư năm 1949). Người nghèo hiện diện ở giữa chúng ta. Thật là Tin mừng nếu chúng ta có thể nói với tất cả sự thật: chúng ta cũng là người nghèo, bởi vì chỉ bằng cách này chúng ta mới thực sự có thể nhận ra họ, làm cho họ trở thành một phần của cuộc đời chúng ta và là khí cụ cho ơn cứu độ của chúng ta.
Rôma, Đền thánh Gioan Lateran, 13 tháng Sáu năm 2021, Lễ nhớ Thánh Antôn thành Padua
PHANXICÔ
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/6/2021]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét