Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô
Khán phòng Phaolô VI
Thứ Tư, 12 tháng Một, 2022
Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Giuse, tập trung vào chủ đề: “Thánh Giuse người thợ mộc” (Bài đọc Kinh Thánh, Mt 13:54-55,57).
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu có mặt.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.
______________________________
Bài giáo lý về Thánh Giuse: 7. Thánh Giuse người thợ mộc
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Các thánh sử Matthêu và Máccô đề cập đến Thánh Giuse là “bác thợ” hay “người thợ mộc”. Trước đó, chúng ta đã nghe thấy những người làng Nadarét, khi nghe Chúa Giêsu giảng dạy, họ đã tự hỏi: “Ông ta không phải là bác thợ sao?” (13:55; xem Mc 6:3). Chúa Giêsu đã làm nghề nghiệp của cha mình.
Thuật ngữ tekton trong tiếng Hy Lạp, được sử dụng để chỉ công việc của Thánh Giuse, đã được dịch theo nhiều cách khác nhau. Các Giáo phụ Latinh của Giáo hội diễn tả nó là “người thợ mộc”. Nhưng chúng ta nhớ rằng ở Palestine vào thời Chúa Giêsu, gỗ không chỉ được sử dụng để chế tạo cày làm nông và nhiều đồ đạc trong nhà, mà còn để dựng nhà, có khung bằng gỗ và mái bậc thang làm bằng dầm nối với với các đà rầm và đất.
Do đó, “bác thợ” hay “người thợ mộc” chỉ khả năng chuyên môn cách khái quát, vừa nói về người thợ làm mộc và thợ thủ công tham gia vào các hoạt động liên quan đến việc xây dựng. Đó là một công việc khá vất vả, phải làm việc với các loại vật liệu nặng như gỗ, đá và sắt. Xét về khía cạnh kinh tế, nó không bảo đảm nguồn thu nhập cao như có thể suy ra từ việc Đức Maria và thánh Giuse khi dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ, chỉ dâng đôi chim gáy hoặc cặp bồ câu (x. Lc 2:24) , như Luật đã quy định cho người nghèo (x. Lv 12:8).
Vì vậy, cậu bé Giêsu đã học nghề này từ cha mình. Do đó, khi trưởng thành, Ngài bắt đầu rao giảng và những người trong làng ngạc nhiên hỏi: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?” (Mt 13:54), và bị vấp ngã vì Ngài (x. câu 57), vì Ngài là con ông thợ mộc, nhưng Ngài nói như một luật sĩ, và họ đã bị vấp ngã vì điều này.
Sự thật này trong tiểu sử về Thánh Giuse và Chúa Giêsu khiến cha nghĩ đến tất cả những người lao động trên thế giới, đặc biệt là những người làm công việc vất vả trong các hầm mỏ và nhà máy; những người bị bóc lột qua các công việc làm chui không chính thức; những nạn nhân của lao động: chúng ta đã thấy rất nhiều trường hợp này ở Ý gần đây; những đứa trẻ buộc phải lao động và những người phải lục tung thùng rác để tìm kiếm thứ gì đó khả dĩ đem bán …
Cha xin nhắc lại những gì cha đã nói: những người lao động giấu mặt, những công nhân lao động nặng nhọc trong các hầm mỏ và trong các nhà máy: hãy nghĩ về họ. Chúng ta hãy nghĩ về họ. Chúng ta hãy nghĩ về những người bị bóc lột với công việc không được khai báo, những người được trả lương lậu, lén lút, không có lương hưu, không có bất cứ thứ gì. Và nếu bạn không làm việc, bạn không có gì bảo đảm. Công việc làm chui. Và ngày nay có rất nhiều công việc làm chui.
[Chúng ta hãy nghĩ đến] những nạn nhân của công việc, những người bị tai nạn lao động. Đối với những đứa trẻ bị buộc phải lao động: điều này thật kinh khủng! Một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi, đáng lẽ được vui chơi thì lại bị bắt phải lao động như một người lớn! Trẻ em bị buộc phải lao động. Và với những người đáng thương, những người phải lục tung các bãi rác để tìm kiếm thứ gì đó có thể bán được: họ đi đến các bãi rác ... Tất cả những người này là anh chị em của chúng ta, họ phải kiếm sống bằng cách này: những công việc không cho họ phẩm giá! Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó. Và nó đang xảy ra ngày nay, trên thế giới, điều này đang xảy ra ngày nay.
Nhưng cha cũng nghĩ đến những người không có việc làm. Có bao nhiêu người đi gõ cửa các nhà máy, xí nghiệp [hỏi rằng] “Có việc gì làm không?” — “Không, không có gì, không có việc gì cả. [Tôi nghĩ] về những người cảm thấy phẩm giá của họ bị tổn thương vì họ không thể tìm được công việc. Họ trở về nhà: “Và? Anh đã tìm được việc gì làm chưa? ” — “Không, chẳng có việc gì… Anh đến Caritas và anh mang về bánh mì. Điều mang lại phẩm giá không phải là đem bánh mì về nhà. Bạn có thể nhận nó từ Caritas — không, điều này không mang đến cho bạn phẩm giá. Điều mang lại cho bạn phẩm giá là kiếm được cơm bánh — và nếu chúng ta không tạo cho người dân của chúng ta khả năng kiếm được bánh mì, thì đó là một sự bất công xã hội ở nơi đó, ở quốc gia đó, ở lục địa đó. Các nhà lãnh đạo phải cung cấp cho mọi người khả năng kiếm được cơm bánh, bởi vì khả năng này mang lại cho họ phẩm giá. Đây là một sự xức dầu cho phẩm giá: công việc. Và điều này là quan trọng.
Nhiều người trẻ, nhiều ông bố, bà mẹ trải qua thử thách khi không có được một công việc cho phép họ có cuộc sống yên ổn. Họ sống ngày này qua ngày khác. Và rất thường khi việc tìm kiếm việc làm trở nên quá tuyệt vọng đến mức họ mất hết hy vọng và khát vọng sống. Trong thời gian đại dịch này, nhiều người đã mất việc làm — chúng ta biết điều này — và một số người bị đè bẹp bởi gánh nặng quá mức, đã đi đến việc tự kết liễu mạng sống mình. Hôm nay cha muốn tưởng nhớ đến từng người và gia đình của họ. Chúng ta hãy dành một chút thời gian thinh lặng, tưởng nhớ những người nam, người nữ này, những người đang tuyệt vọng vì không tìm được việc làm.
Chúng ta chưa cân nhắc đủ đến sự thật rằng việc làm là một thành phần thiết yếu của đời sống con người, và thậm chí là con đường nên thánh. Công việc không chỉ là phương tiện kiếm sống: nó còn là nơi cho chúng ta thể hiện bản thân, cảm thấy mình hữu ích, và học được bài học lớn về tính cụ thể giúp giữ cho đời sống tinh thần không trở thành chủ nghĩa duy linh. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, lao động thường trở thành con tin của bất công xã hội, và thay vì là một phương tiện nhân tế hóa, nó trở thành một vùng ngoại vi của cuộc sống. Tôi thường tự hỏi mình: chúng ta làm công việc hàng ngày với tinh thần như thế nào? Chúng ta làm cách nào để đối phó với sự mệt mỏi? Chúng ta có thấy hoạt động của mình chỉ liên quan đến vận mệnh của chính mình hay liên quan với vận mệnh của người khác? Trên thực tế, việc làm là một cách thể hiện tính cách của chúng ta, về bản chất nó mang tính tương quan. Và công việc cũng là một cách để thể hiện sự sáng tạo của chúng ta: mỗi người chúng ta làm việc theo cách riêng của mình, theo phong cách riêng của mình: cùng một công việc nhưng với những phong cách khác nhau.
Thật là tốt khi nghĩ về thực tế rằng chính Chúa Giêsu đã làm việc và học nghề này từ Thánh Giuse. Hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng chúng ta có thể làm gì để phục hồi giá trị của công việc; và chúng ta có thể đóng góp gì, trong vai trò là Giáo hội, để lao động có thể thoát khỏi luận lý của lợi nhuận thuần túy và có thể được trải nghiệm như một quyền và nghĩa vụ căn bản của con người, là điều thể hiện và làm tăng phẩm giá của con người.
Anh chị em thân mến, với tất cả những điều này, hôm nay cha muốn cùng anh chị em đọc lại lời kinh nguyện mà Thánh Phaolô VI đã dâng lên Thánh Giuse vào ngày 1 tháng 5 năm 1969:
Lạy Thánh Giuse,
Bổn mạng của Giáo hội!
Người luôn ở bên Ngôi Lời trở thành người phàm,
đã làm việc hằng ngày để kiếm cơm bánh,
kín múc từ Người sức mạnh để sống và lao động;
Người đã trải qua nỗi lo toan cho ngày mai,
sự cay đắng của cảnh nghèo, sự bấp bênh của công việc:
Ngày nay Người nêu gương sáng,
khiêm nhu trước mắt con người
nhưng cao đẹp nhất trước mặt Chúa:
xin bảo vệ những người lao động trong cuộc sống hằng ngày vất vả của họ,
xin giữ họ không bị ngã lòng,
thoát khỏi sự nổi loạn tiêu cực,
và thoát khỏi những cám dỗ đam mê lạc thú;
và xin giữ sự hòa bình trên thế giới,
nền hòa bình mà chỉ mình nó có thể bảo đảm sự phát triển cho các dân tộc.
Amen.
______________________________________
Lời chào bằng tiếng Anh
Cha gửi lời chào anh chị em hành hương và du khách tham dự buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt anh chị em đến từ Hoa Kỳ. Cha khẩn xin phúc lành của niềm vui và sự bình an đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em!
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/1/2022]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét