Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

Đức Tổng giám mục Canterbury ‘mong chờ’ ‘cuộc hành hương lịch sử vì hòa bình đến Nam Sudan’ với Đức Giáo hoàng Phanxicô

Đức Tổng giám mục Canterbury ‘mong chờ’ ‘cuộc hành hương lịch sử vì hòa bình đến Nam Sudan’ với Đức Giáo hoàng Phanxicô

Đức Tổng giám mục Canterbury ‘mong chờ’ ‘cuộc hành hương lịch sử vì hòa bình đến Nam Sudan’ với Đức Giáo hoàng Phanxicô

AFP/PHOTO POOL/ALESSANDRA TARANTINO

I.Media for Aleteia 

30/05/22 - updated on 05/30/22


Đức Justin Welby, Tổng giám mục Canterbury, ‘rất mong chờ’ cuộc hành hương đại kết lịch sử vì hòa bình ở Nam Sudan.

Khi Tòa Thánh chính thức thông báo ngày 28 tháng Năm chương trình của Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Nam Sudan, Đức Justin Welby, Tổng giám mục Canterbury và là người đứng đầu Giáo hội Anh giáo, cho biết “Tôi rất mong đợi” chuyến đi chung tới đất nước bị tàn phá này. Ngài sẽ đi cùng với Đức Giáo hoàng người Argentina và Tiến sĩ Iain Greenshields, người điều hành Đại hội đồng chung Giáo hội Scotland. Chuyến thăm đại kết này đã được hứa hẹn vào năm 2019 sau cuộc gặp gỡ tại Vatican giữa các nhà lãnh đạo Nam Sudan và các nhà lãnh đạo Giáo hội Kitô giáo.

Đức Justin Welby cho biết trong một công bố trên trang web của Tổng giáo phận Canterbury: “Chúng tôi cầu nguyện rằng tính biểu tượng của chuyến viếng thăm của chúng tôi sẽ cho thấy sự hòa giải và tha thứ là có thể – và có thể biến đổi các mối quan hệ. Chúng tôi đến với tư cách là những người tôi tớ và môn đệ theo tiếng gọi của Đức Giêsu Kitô để trở thành những người kiến tạo hòa bình,” ngài nói thêm, “Thiên Chúa không quên Nam Sudan.”

Đức Iain Greenshields, vị điều hành mới của Đại hội đồng chung Giáo hội Scotland, cho biết ngài “rất khiêm nhường” trước cơ hội “giúp đỡ các anh chị em của chúng ta ở Nam Sudan với niềm khát khao hòa bình, hòa giải và công bằng.” Tuyên bố của ngài cho biết Giáo hội Scotland đã được mời để đại diện cho gia đình Trưởng lão (Presbyterian) vì mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Giáo hội Trưởng lão Nam Sudan.

Kế hoạch cho chuyến hành hương đại kết

Trước khi đến Juba, thủ đô của Nam Sudan, hai nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ cùng với Đức Giáo hoàng Phanxicô đến Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi Đức Giáo hoàng sẽ hoàn thành phần đầu của chuyến tông du Châu Phi. Vào sáng ngày 5 tháng Bảy, cả ba vị sẽ bay từ Kinshasa đến Juba trong khoảng giữa buổi chiều. Sau đó, ba vị sẽ gặp Tổng thống Salva Kiir Mayardit và năm phó tổng thống của đất nước “để phản ánh về những cam kết” được đưa ra tại cuộc họp năm 2019 ở Vatican, Giáo hội Anh giáo cho biết.

Ba vị sẽ cùng đến thăm những người sống trong trại IDP vào ngày hôm sau và tổ chức một buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình ở ngoài trời. Tại quốc gia non trẻ được thành lập vào năm 2011, người ta cho rằng 400.000 người đã chết trong cuộc nội chiến khởi đầu từ năm 2013 do xung đột chính trị giữa Tổng thống đương nhiệm Salva Kiir, người dân tộc Dinka, và Phó Tổng thống Riek Machar, người dân tộc Nuer. Ước tính có khoảng 4 triệu người đã phải di tản.

Chuyến đi đại kết có tác động cao về mặt ngoại giao chưa từng có ở dạng này. Ý tưởng bắt nguồn từ “một buổi tĩnh tâm” tại Vatican vào ngày 11 tháng Tư năm 2019, quy tụ hai nhà lãnh đạo đối thủ của Nam Sudan – Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar – và các nhà lãnh đạo Kitô giáo.

Một hình ảnh từ cuộc gặp gỡ đặc biệt nổi bật: Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quỳ gối trước các nhà lãnh đạo thù địch và hôn chân họ để buộc họ hòa giải. Đức Justin Welby và Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết hai vị sẽ sẵn sàng cùng nhau đi đến Nam Sudan nếu đạt được tiến bộ đáng kể về hòa bình.

Còn nhiều việc phải làm ở Nam Sudan

Vào tháng Mười Hai năm 2020, Đức Giáo hoàng, Đức Tổng giám mục Canterbury và Vị điều hành Giáo hội Scotland đã mô tả việc đạt được “tiến bộ nhỏ” là “không đủ” trong một lá thư gửi các nhà lãnh đạo của đất nước này. Vào tháng Bảy, ba vị lãnh đạo đã tái khẳng định mong muốn cùng nhau đến Nam Sudan, với điều kiện “những lời hứa có trọng lượng” đưa ra vào năm 2019 phải được tôn trọng.

Các ngài nói: “Người dân của các bạn tiếp tục sống trong sợ hãi và bấp bênh, cũng như thiếu tin tưởng vào khả năng thực thi công lý, tự do và thịnh vượng của quốc gia họ”. Và ba vị khẳng định, “vẫn còn nhiều việc phải làm ở Nam Sudan để hình thành một quốc gia phản chiếu Nước Thiên Chúa”.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/5/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét