Tượng được Đức Cha Antonius Subianto Bunjamin, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Indonesia, chính thức khánh thành vào ngày 19 tháng 9 Ảnh: UCA News
*******
Indonesia khánh thành tượng Chúa Giêsu cao nhất thế giới, một biểu tượng mới của Đức tin
Tọa lạc ở một khu vực có mật độ dân số theo Kitô giáo khá dày của Indonesia, theo Cơ quan Thống kê Trung ương Bắc Sumatra là quê hương của hơn một triệu người Công giáo và hơn bốn triệu người Tin lành
23 THÁNG CHÍN, 2024 21:56
LIM KYM
(ZENIT News / Sumatra, 23.09.2024). - Một cách thể hiện niềm tin và sự khéo léo vô cùng ấn tượng, Indonesia đã khánh thành tượng Chúa Giêsu Kitô cao nhất thế giới, sừng sững uy nghi trên Đồi Sibeabea ở phía Bắc Sumatra. Vút cao tới 61 mét, tượng “Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế” hiện tại là một địa danh toàn cầu mới, vượt qua bức tượng “Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế” nổi tiếng của Rio de Janeiro hơn 20 mét. Công trình đồ sộ này nhìn ra Hồ Toba tuyệt đẹp ở Samosir Regency, kết hợp vẻ đẹp thiên nhiên với ý nghĩa thiêng liêng.
Tượng chính thức được khánh thành ngày 19 tháng 9 bởi Đức Giám mục Antonius Subianto Bunjamin, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Indonesia, trong một buổi lễ thu hút sự chú ý cả trong nước và quốc tế. Chỉ vài tuần trước đó, vào ngày 6 tháng 9, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm phép cho một phiên bản thu nhỏ của bức tượng trong một sự kiện đặc biệt tại đại sứ quán Vatican ở thủ đô Jakarta. Đức Thánh Cha cũng đã ký vào một bảng cầu nguyện hiện được đặt dưới chân bức tượng cao vút, ghi lại lời của ngài: “Điều đáng kính phục ở Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế là tình yêu vô bờ của Người.”
Việc khánh thành bức tượng này không chỉ là một hành động theo nghi thức — mà còn là minh chứng cho cam kết của Indonesia đối với sự hòa hợp giữa các tôn giáo dù là một quốc gia chủ yếu theo Hồi giáo. Với tinh thần này, tượng Chúa Giêsu đóng vai trò là biểu tượng của sự hòa nhập và là ngọn hải đăng cho tất cả những ai tìm kiếm sự an ủi và sự phản tỉnh thiêng liêng. Đức Giám mục Bunjamin nhận xét trong lễ khánh thành, “Đây là ngọn đồi được Thiên Chúa chúc phúc, được kỳ vọng sẽ là nơi để đức tin của mọi người có thể phát triển mạnh mẽ hơn.”
Tọa lạc ở một khu vực có dân số theo Kitô giáo khá đông của Indonesia, theo Cơ quan Thống kê Trung ương Bắc Sumatra là quê hương của hơn một triệu người Công giáo và hơn bốn triệu người Tin lành. Do đó, bức tượng có ý nghĩa sâu sắc đối với cộng đồng Kitô giáo trong khu vực, mà bây giờ họ có một tượng đài khổng lồ thể hiện niềm tin của họ, cũng thu hút hàng nghìn khách du lịch và người hành hương mỗi năm.
Đức Tổng Giám mục dòng Phanxicô Cải cách Kornelius Sipayung thuộc thành phố Medan nhấn mạnh ý nghĩa sâu xa hơn của bức tượng, gọi đó không chỉ là một kỳ quan. Ngài nói, “Bức tượng này là lời nhắc nhở rằng Thiên Chúa luôn hiện diện trên thế giới. Đó là lời kêu gọi con người hãy trở thành ánh sáng cho thế gian”. Đôi tay giang rộng của Chúa Giêsu, nét chính của bức tượng, tượng trưng cho sự chấp nhận và tình yêu vô biên của Chúa Kitô dành cho tất cả mọi người, bất kể người đó xuất thân như thế nào hay thuộc tín ngưỡng gì.
Đứng trên đỉnh Đồi Sibeabea, bức tượng đã biến đổi cảnh quan thành một điểm đến không chỉ cho du khách mà còn cho những tín hữu tìm kiếm sự canh tân tinh thần.
Bản thân ngọn đồi, mà Đức cha Bunjamin gọi là “được Chúa chúc phúc”, dự kiến sẽ trở thành một điểm hành hương, nơi du khách có thể liên kết đức tin của mình trong khi chiêm ngưỡng quang cảnh ngoạn mục của Hồ Toba, một trong những kỳ quan thiên nhiên của Indonesia.
Việc xây dựng bức tượng diễn ra vào thời điểm Indonesia, một quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, thường được coi là hình mẫu của sự khoan dung tôn giáo. Lễ khánh thành tượng “Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế” nhấn mạnh thông điệp này, tôn vinh tính đa dạng của đất nước đồng thời làm nổi bật sự hiện diện mạnh mẽ của Kitô giáo ở Bắc Sumatra. Là tượng Chúa Giêsu cao nhất thế giới, bức tượng trở thành một cột mốc của đức tin và biểu tượng hy vọng cho nhiều người.
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/10/2024]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét