Bật màn hình, tắt não? Làm thế nào để bảo vệ con cái của chúng ta
Psychotherapist Alberto Pellai
*******
Hãy tưởng tượng một thế giới nơi trẻ em dành thời gian khám phá thiên nhiên, xây lâu đài cát, chơi trò trốn tìm, chuyện trò với nhau và nơi mọi người sống chậm và hạnh phúc. Một thế giới nơi internet được sử dụng để nuôi dưỡng những sở thích, giao tiếp bằng các ngôn ngữ khác, nghiên cứu, đọc và tìm thông tin, từ đó nâng cao tính tự chủ và lợi thế học tập. Đáng tiếc rằng sự thật là con cái chúng ta làm rất ít những điều này. Chúng dành hàng giờ dán mắt vào màn hình điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, và sự chú ý của chúng liên tục bị hút bởi các thông báo và những thứ kích thích thị giác.
Tất cả những điều này đều dẫn đến các hậu quả tiêu cực rõ ràng ảnh hưởng đến việc học tập bị giảm sút: trẻ em gặp khó khăn hơn trong việc học đọc, học viết và ghi nhớ thông tin. Ở một số quốc gia nơi việc sử dụng công nghệ trở thành một thông lệ được mặc định lại đang thực hiện những bước đi lùi, đặc biệt là với việc sử dụng điện thoại di động trong trường học. Chúng ta có thể nói rằng đây là một quyết định đi ngược lại xu hướng hiện tại khi ủng hộ việc sử dụng tập vở, giấy bút và sách, đặc biệt là đối với học sinh nhỏ tuổi. Khoa học thần kinh cho biết rằng một số vùng của não bộ, rất quan trọng để hỗ trợ các kỹ năng hữu ích cho việc học nhận thức, sẽ không phát triển đúng cách nếu trẻ em chuyển các hoạt động và trải nghiệm mà đáng lẽ chúng phải trải qua trong đời sống thực sang thế giới kỹ thuật số, đặc biệt là những hoạt động và trải nghiệm cần thiết để rèn luyện sống đúng cách. Do đó, điều cần thiết là cha mẹ phải đặt ra những giới hạn rõ ràng về việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số để bảo vệ con cái. Nếu con của bạn là cư dân kỹ thuật số và thuộc về thế hệ được gọi là Alpha, nếu bạn lo lắng về việc lạm dụng điện thoại di động quá mức, thì cuộc trò chuyện này với nhà trị liệu tâm lý Alberto Pellai sẽ rất thú vị đối với bạn.
Độ tuổi lý tưởng: không bao giờ trước 14 tuổi
Tiến sĩ Alberto Pellai, bác sĩ và nhà trị liệu tâm lý của độ tuổi phát triển, nhà nghiên cứu tại Phân khoa Khoa học Y sinh thuộc Đại học Milan, đồng thời là tác giả của nhiều sách về tâm lý học, đã có cuộc trò chuyện rất thú vị với chúng tôi về độ tuổi thích hợp nhất để cho trẻ em sử dụng điện thoại thông minh và những hậu quả của việc sử dụng các thiết bị này quá sớm ở trẻ em.
Theo Tiến sĩ Pellai, độ tuổi lý tưởng là “14 tuổi. Trên thực tế, trong quá trình phát triển và trưởng thành của não bộ trước độ tuổi này, các chức năng tinh thần chịu ảnh hưởng rất mạnh của những xúc cảm”. Nhà trị liệu tâm lý – đồng tác giả quyển sách Vietato ai minori di 14 anni (De Agostini, 272 trang) với Barbara Tamborini – giải thích rằng trước độ tuổi này, các em “rất dễ bị tổn thương khi tìm kiếm sự thỏa mãn tức thời, gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian trong cuộc sống thực so với cuộc sống ảo”. Mặt khác, sau 14 tuổi, “các em có được những kỹ năng tự điều chỉnh cho phép các em hạn chế hành vi của mình trong đời sống ảo, trải qua sự rèn luyện tốt trong đời sống thực”.
Tiến sĩ làm nổi bật bốn hậu quả chính của việc sử dụng điện thoại thông minh sớm: mất ngủ, phụ thuộc, thiếu tập trung và tác động tiêu cực đến việc học. Ông cho thấy rằng ngày nay “trẻ em ngủ ít hơn một hoặc hai giờ so với các thế hệ trước, phát triển các chứng nghiện và kết quả học tập kém. Cũng cần đề cập đến tình trạng suy giảm chung về các kỹ năng xã hội, thừa cân và cận thị ở trẻ em.
“Cha mẹ phải là mẫu gương tốt”
Về các biện pháp giáo dục, tiến sĩ Pellai nhấn mạnh “trách nhiệm của cha mẹ trong việc lập kế hoạch giáo dục cho cuộc sống trực tuyến và ngoại tuyến của con cái mình”, đồng thời tiết chế việc sử dụng các thiết bị điện tử. “Cha mẹ phải làm gương”, nhà nghiên cứu giải thích, đồng thời làm rõ nghĩa vụ phải “thiết lập và tôn trọng những quy tắc rành mạch để bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi sự lạm dụng công nghệ”. Để hạn chế những tác động tiêu cực nhưng vẫn không bỏ sử dụng các công cụ kỹ thuật số, tiến sĩ Pellai đề nghị cách giải thích công nghệ như là “một công cụ hướng đến mục tiêu rõ ràng, trong đó người lớn bảo đảm việc sử dụng đúng cách”. Nhà trị liệu tâm lý nói thêm, “Tình hình sẽ trở thành vấn đề khi công nghệ tạo ra một môi trường nơi trẻ không còn khả năng đặt ra những giới hạn cho bản thân”.
Những công cụ: sự kiểm soát của cha mẹ và hợp đồng giáo dục
Thông thường, những thiết bị này, đáng lẽ phải là công cụ hữu ích và lành mạnh để quản lý cuộc sống hàng ngày, lại trở thành lý do cho những cuộc tranh cãi và xung đột giữa cha mẹ và con cái. Trong những trường hợp xấu nhất, và cũng không quá xa vời, chúng mở ra cánh cửa cho những vấn đề nghiêm trọng hơn như quấy rối trực tuyến hoặc có thể gây nghiện. Về vấn đề hạn chế sử dụng điện thoại di động, ông Pellai khuyến nghị cha mẹ nên áp dụng một số hướng dẫn căn bản, những quy tắc cụ thể. Chẳng hạn, “không ai được mang điện thoại đến bàn ăn” và “không được bật điện thoại sau 9 giờ tối”. Ngoài ra, nhà tâm lý học còn kêu gọi “tạo ra những mạng lưới của cha mẹ hoặc bạn bè để thiết lập các quy tắc chung” và từ đó bảo vệ con cái. Tóm lại, tiến sĩ nhấn mạnh vào việc “trì hoãn thời điểm trẻ em được sử dụng điện thoại lần đầu tiên càng lâu càng tốt”. Ông cũng đề xuất việc “lập một hợp đồng nghiêm túc giữa cha mẹ và con cái về việc sử dụng điện thoại đúng cách, xác định các quy tắc cụ thể và áp dụng các công cụ như sử dụng hệ thống kiểm soát của cha mẹ để theo dõi việc sử dụng thiết bị”.
Cần có những quy định rõ ràng ở trường học
Để kết luận, nhà tâm lý trị liệu nhắc lại “tầm quan trọng của các chính sách giáo dục, chẳng hạn như thông tư gần đây của bộ trưởng quy định rằng ở Ý, các trung tâm giáo dục phải là môi trường không có điện thoại thông minh”. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có quy định của nhà nước để có thể bảo vệ trẻ vị thành niên, nơi chúng biết sử dụng công nghệ và thông tin một cách phù hợp và có trách nhiệm, bảo vệ quyền riêng tư của mình và tôn trọng quyền của người khác, như đã được thiết lập đối với vấn đề cờ bạc, thuốc lá và tiêu thụ rượu, đồng thời nhấn mạnh đến cách các quốc gia khác như Thụy Điển và Pháp đã bắt đầu đi theo con đường này.
[Nguồn: exaudi]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/10/2024]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét