Đức Thánh Cha bị vết bầm tím do té ngã, Công nghị tấn phong Hồng y
TIZIANA FABI | AFP
07/12/24
Chỉ còn 10 ngày trước sinh nhật lần thứ 88, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn bình thường và không bị hậu quả nghiêm trọng nào từ lần bị té ngã.
Cập nhật từ ngày 8 tháng 12:
Ngày 7 tháng 12 năm 2024, ông Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho biết rằng ngày hôm trước, Đức Thánh Cha đã va vào tủ đặt đầu giường. Cuối ngày hôm đó, ngài đã có mang băng trên vết bầm tím.
Bài viết gốc:
Theo bản tin, Đức Thánh Cha Phanxicô bị ngã vào sáng ngày 6 tháng 12 khi thức dậy, một nguồn tin từ Vatican cho I.Media biết vào ngày 7 tháng 12, vì Đức Thánh Cha bị vết bầm tím lớn khi tham dự công nghị. Vị giáo hoàng 87 tuổi đã tấn phong 21 vị tân hồng y vào chiều nay.
Vào dịp công nghị được tổ chức chiều nay tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện với một vết bầm tím lớn dưới cằm.
“Ngài đã bị ngã sáng hôm qua khi thức dậy”, một nguồn tin từ Vatican nói với I.Media, đồng thời cho biết thêm rằng Đức Giáo hoàng vẫn ổn và không gặp vấn đề gì khác.
Pope Francis places the biretta upon the head of newly-appointed Canadian cardinal Frank Leo, archbishop of Toronto, during an Ordinary Public Consistory for the creation of new cardinals, at St Peter's Basilica in the Vatican, on December 7, 2024.
TIZIANA FABI | AFP
Đức Giáo hoàng người Argentina sẽ bước sang tuổi 88 vào ngày 17 tháng 12.
Tại công nghị, ngài đọc bài giảng mà không gặp khó khăn gì. Ngoài ra, sáng nay, ngài đã có ba bài diễn từ và có ba cuộc gặp gỡ với các tân hồng y.
Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:
________________________________
Chúng ta cùng suy ngẫm một chút về trình thuật trong Phúc âm: Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Tuy nhiên, chuyến đi của Người không phải là để bước lên đài vinh quang của thế gian mà là tiến đến vinh quang của Thiên Chúa, điều này đòi buộc Người phải bước xuống vực thẳm của sự chết. Trong Thành Thánh, Người sẽ chết trên thập giá để phục hồi sự sống cho chúng ta. Ngược lại, Thánh Giacôbê và Gioan lại tưởng tượng ra một số phận khác cho Thầy của họ, và vì vậy họ xin Người hai chỗ danh dự: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10:37).
Phúc Âm nhấn mạnh sự tương phản đầy kịch tính này: Chúa Giêsu đang đi ngược dốc trên con đường đầy khó khăn sẽ dẫn Người lên Đồi Canvê, trong khi các tông đồ lại nghĩ đến con đường dễ dàng xuôi dốc của Đấng Mêsia vinh thắng. Chúng ta đừng thấy chướng tai gai mắt vì điều này, nhưng hãy chú ý với lòng khiêm nhường rằng – cùng với thi sĩ Manzoni nói rằng – “đó là sự mâu thuẫn của tâm hồn con người” (The Betrothed, Ch. 10). Nó là như vậy.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta: tâm hồn chúng ta có thể bị lạc lối, khiến chúng ta lóa mắt bởi sự quyến rũ của danh vọng, sự cám dỗ của quyền lực, do lòng nhiệt thành quá mức của con người đối với Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta cần nhìn vào trong lòng mình, đứng trước Chúa với lòng khiêm nhường và trước chính mình với sự chân thành, và tự hỏi: Tâm hồn tôi đang hướng về đâu? Hôm nay tâm hồn tôi đang hướng về đâu? Nó hướng đến đâu? Có lẽ tôi đã đi sai đường chăng? Như Thánh Augustinô đã cảnh báo chúng ta: “Tại sao lại đi theo những con đường trống không chỉ khiến bạn lầm đường lạc lối? Hãy trở về với Chúa. Người đang chờ đợi. Nhưng trước hết, hãy trở về với chính lòng của mình, vì ở đó có hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa Kitô ngự trong linh hồn, và trong linh hồn, bạn được đổi mới theo hình ảnh của Chúa” (Chú giải Phúc âm Gioan, XVIII, 10).
Để trở về cùng một con đường như Chúa Giêsu, chúng ta cần trở về với trái tim. Hôm nay, theo một cách đặc biệt, tôi muốn nói với các anh em, những người anh em thân mến đang được tấn phong Hồng y: Hãy cố gắng hết sức để bước đi trên con đường của Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là gì?
Bước đi trên con đường của Chúa Giêsu trước hết có nghĩa là trở về với Người và đặt Người trở lại vị trí trung tâm của mọi sự. Có những lúc, trong đời sống thiêng liêng và hoạt động mục vụ của mình, chúng ta có nguy cơ chú ý vào những gì là phụ mà quên đi điều cốt lõi. Những điều thứ yếu rất thường thay thế những gì là cần thiết, vẻ ngoài làm lu mờ những gì thực sự quan trọng. Chúng ta lao vào những hoạt động mà chúng ta cho là cấp bách, mà không đi vào trọng tâm của vấn đề. Thay vào đó, chúng ta nên liên tục trở về trung tâm, trở về với những gì là căn bản, và từ bỏ tất cả những gì là không cần thiết, để mặc lấy Chúa Kitô. (x. Rm 13:14). Bản thân từ “Hồng y” (Cardinal) nhắc nhở chúng ta về điều này, vì nó ám chỉ đến chiếc bản lề được lắp vào để giữ cho chắc chắn, trợ lực và gia cố cánh cửa. Anh em thân mến: Chúa Giêsu là sự trợ lực thực sự của chúng ta, là “trọng tâm” của công việc phục vụ của chúng ta, là “điểm chính” định hướng cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta.
Bước đi trên con đường của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là vun trồng lòng đam mê gặp gỡ. Chúa Giêsu không bao giờ bước đi một mình; mối quan hệ của Người với Chúa Cha không cách ly Người với những hoàn cảnh và những khổ đau mà Người gặp trên thế gian này. Ngược lại, Người đến chính là để chữa lành nhân loại chúng ta bị thương tổn, để làm nhẹ những gánh nặng trong tâm hồn chúng ta, để tẩy sạch các vết nhơ tội lỗi và phá vỡ xiềng xích nô lệ. Trên con đường của mình, Chúa đã gặp gỡ khuôn mặt của những người đau khổ và những người đã mất niềm hy vọng; Người nâng dậy những người vấp ngã và chữa lành những người bệnh tật. Con đường mà Chúa Giêsu đi qua đầy những khuôn mặt và câu chuyện khác nhau. Khi Người đi qua, Người lau khô giọt nước mắt của những người than khóc, “chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương băng bó cho lành” (x. Tv 147:3).
Những cuộc phiêu lưu trên đường đi, niềm vui khi gặp gỡ người khác, chăm sóc những người cần đến nhất: những điều này sẽ truyền cảm hứng cho việc phục vụ của anh em trong vai trò là Hồng y. Những cuộc phiêu lưu trên đường đi, niềm vui khi gặp gỡ người khác, chăm sóc những người cần đến nhất. Cha Don Primo Mazzolari, một người nổi tiếng trong giới giáo sĩ Ý, đã từng nói: “Giáo hội bắt đầu bằng việc bước đi, Giáo hội tiếp tục bằng cách bước đi. Không cần phải gõ cửa hay chờ đợi để được vào. Hãy bước đi và bạn sẽ tìm thấy Giáo hội; hãy bước đi và Giáo hội sẽ ở đó bên cạnh bạn; hãy tiếp tục bước đi và bạn sẽ ở trong Giáo hội” (Tempo di credere, Bologna 2010, 80-81). Chúng ta đừng quên rằng việc đứng tại chỗ sẽ làm hại tâm hồn giống như thứ nước tù đọng là thứ đầu tiên bị ô nhiễm.
Cuối cùng, bước đi trên con đường của Chúa Giêsu có nghĩa là trở thành những người xây dựng tình hiệp thông và hiệp nhất. Giữa các môn đệ, con sâu của sự ganh đua đã phá hủy sự hiệp nhất, trong khi con đường mà Chúa Giêsu đi đã dẫn Người lên Đồi Canvê. Trên thập giá, Chúa hoàn thành sứ mạng được giao phó cho Người, để không ai bị hư mất (x. Ga 6:39), để bức tường ngăn cách của hận thù (x. Êp 2:14) cuối cùng bị phá vỡ, và để tất cả mọi người có thể thấy mình là người con của cùng một Cha và là anh chị em của nhau. Vì lý do này, Chúa đang nhìn đến anh em đến từ các nền tảng và văn hóa khác nhau, và đại diện cho tính công giáo của Giáo hội. Người đang gọi anh em hãy trở thành các chứng nhân của tình huynh đệ, những thợ thủ công của tình hiệp thông và những người xây dựng sự hiệp nhất. Đây là sứ mệnh của anh em!
Thánh Phaolô VI vĩ đại, khi nói chuyện với một nhóm các tân Hồng y, đã lưu ý rằng, cũng như các môn đệ, đôi khi chúng ta có thể bị khuất phục trước cám dỗ gây chia rẽ, trong khi “lòng nhiệt thành theo đuổi sự hiệp nhất là dấu hiệu của những môn đệ đích thực của Đức Kitô”. Rồi vị Giáo hoàng thánh thiện nói thêm: “Chúng ta mong muốn rằng mọi người đều cảm thấy trong gia đình giáo hội như ở nhà, rằng sẽ không có sự loại trừ hoặc cô lập nào, đó là những điều chứng tỏ là rất nguy hại cho sự hiệp nhất của chúng ta trong đức ái, hoặc những nỗ lực để một số người thắng thế gây bất lợi cho những người khác… Chúng ta phải làm việc, cầu nguyện, chịu đựng và đấu tranh để làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh” (Diễn từ nhân dịp Công nghị Hồng y, ngày 27 tháng 6 năm 1977).
Anh em thân mến, với cùng tinh thần này anh em sẽ tạo nên sự khác biệt, như lời cảnh báo của Chúa Giêsu với các môn đệ về sự ganh đua dần dần phá hủy thế gian này: “Nhưng giữa anh em thì không được như vậy” (Mc 10:43). Như thể Người nói rằng: Hãy đến, theo Ta trên con đường của Ta, và anh em sẽ trở nên khác biệt. Hãy đến, theo Ta và anh em sẽ là dấu chỉ rạng ngời giữa một xã hội bị ám ảnh bởi bề ngoài và quyền lực. Một lần nữa, Người nói với chúng ta: “Nhưng giữa anh em thì không được như vậy”. Hãy yêu thương nhau bằng tình yêu huynh đệ và hãy phục vụ nhau, hãy làm tôi tớ của Tin Mừng.
Anh em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau bước đi trên con đường của Chúa Giêsu; chúng ta hãy bước đi với sự khiêm nhường; chúng ta hãy bước đi với sự kinh ngạc và chúng ta hãy bước đi với niềm vui.
______________________________________
(Quý vị hãy bấm vào đây để xem thêm ảnh)
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/12/2024]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét