Chặng đường Vatican của tôi
Thứ Năm, 9 thánh Hai 2017
Đức Thánh Cha Phanxico đọc diễn văn trước ngoại giao đoàn tại Vatican tháng trước (CNS)
Ngoại giao của Tòa Thánh đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc ủng hộ những nỗ lực hòa bình trên toàn thế giới. Là đại sứ của nước Anh, tôi hy vọng hỗ trợ trong hoạt động đó
Xuyên qua trung tâm của đô thị Siena có con đường hành hương cổ xưa được biết đến với tên gọi Via Francigena, bắt đầu từ Canterbury và kết thúc ở Roma. Mùa hè năm ngoái, khi đang học tiếng Ý ở Siena, tôi khám phá con đường và nhìn thấy các ngôi nhà thờ và nhà trọ nổi lên trong thành phố dành cho người hành hương từ thời Trung Cổ. Từ Siena, con đường Via Francigena uốn lượn theo hướng nam xuyên qua các thị trấn Val d’Orcia, tiếp theo con đường của đức Sigeric, Tổng Giám mục Canterbury, hơn 1.000 năm trước ngài đã nhận dây pallium từ Đức Giáo Hoàng. Nhiều nhà thờ và tu viện trong hành trình của Đức Giám mục Sigeric vẫn còn đó, cho phép chúng ta hình dung ra những người hành hương Anh đến Roma trong thế kỷ thứ 10 như thế nào.
Hành trình của riêng tôi đến Roma diễn ra Tháng Tám năm ngoái khi tôi đến nhận vị trí là Đại sứ tại Tòa Thánh. Mặc dù những quan hệ ngoại giao lấy lại với Tòa Thánh từ năm 1914 (và sứ mạng chỉ được thực hiện trọn vẹn năm 1982), đường hành hương Via Francigena nhắc chúng ta nhớ rằng mối quan hệ quay lại từ thời xa xưa hơn nhiều. Thậm chí bây giờ ở Roma tôi vẫn nhìn thấy nhiều điều nhắc nhở về quê hương ở khắp nơi: từ nhà thờ nơi Thánh Gregory gửi Thánh Augustine đến để hoán cải nước Anh năm 596, đến nhiều ảnh chân dung của Thánh Thomas More và Chân Phước John Henry Newman, cả hai đều là một nguồn cảm hứng cho nhiều người Công giáo hiện nay.
Sự hiện diện hữu hình của lịch sử là một trong những điều làm Vatican khác biệt với hầu hết bộ ở các nước khác. Không chỉ là những tòa nhà (du khách được tiếp đón tại các phòng họp kiểu ba-rốc của Vatican) hay những nghi thức theo đúng một thời đại khác. Tòa Thánh có cái nhìn xa. Những kế hoạch của Tòa Thánh không giới hạn bởi viễn cảnh của những cuộc bầu chọn 5 năm một lần. Vì thế Đức Giáo hoàng nói đến những vấn đề bao quát chung có một ảnh hưởng đối với tất cả chúng ta: di cư, biến đổi khí hậu, chiến tranh và khủng bố, sự đau khổ của con người trong mọi hình thức hiện đại của nó.
Làm ngoại giao với Tòa Thánh khác với những nơi khác. Thoạt nhìn, mức độ của nó rất nhỏ so với công việc của những bộ ngoại giao cỡ trung bình khác. Không giống như Văn Phòng Ngoại Giao, trong đó có nhiều nhóm người xây dựng và áp dụng chính sách, bộ ngoại giao Vatican có dưới 50 người. Hầu hết đều là người thảo bản chính (minutante), hoặc chuyên gia, và chỉ có hai viên chức cấp cao, Đức Tổng Giám mục người Anh Paul Gallagher và Đức ông Antoine Camilleri, người Malta, điều hành hoạt động. Với những nguồn nhân lực nhỏ như vậy nhưng Vatican đạt được những kết quả đáng kể – Tòa Thánh đã giúp lấy lại được những quan hệ ngoại giao toàn bộ giữa Hoa kỳ và Cuba, hỗ trợ tiến trình hòa bình ở Colombia, và bây giờ đang can dự vào Venezuela.
Vatican tin cậy rất nhiều vào các hội đồng giám mục ở mỗi quốc gia. Việc này cho phép Giáo Hội Công giáo can dự vào tới mức độ địa phương. Ở Cộng hòa Dân chủ Congo các giám mục làm trung gian cho hiệp định hòa bình hiện tại và các giám mục (kể cả Anh giáo) luôn đứng hàng đầu trong những nỗ lực đem lại hòa bình cho Nam Sudan. Bằng cách này, chính sách ngoại giao của Vatican là rất “sát với thực tế”: đặt nền tảng từ những điều quan tâm của người dân và các giám mục địa phương.
Những khác biệt này mang những lợi ích tiềm tàng rất lớn cho những bộ ngoại giao truyền thống chẳng hạn công việc của chúng tôi với Tòa Thánh. Chúng tôi đưa những nguồn tài nguyên và ảnh hưởng của chính sách ngoại giao vào các tổ chức như LHQ. Vatican cần nhờ đến 5.000 giám mục trên toàn thế giới và 800.000 tu sĩ nam nữ, những người này thường làm việc với những nạn nhân của nạn buôn người, nô lệ hiện đại và bạo lực tình dục trong những vùng có xung đột, đây là những vấn đề Chính phủ Anh có sự tham gia giải quyết rất nhiều. Các dòng tu hoạt động tại hiện trường, ở một số vùng các nhà ngoại giao Tây phương thấy rất khó đi vào, nhưng được kết nối với các bề trên ở Roma.
Các tổ chức như Hội Phục vụ Người Tị Nạn của Dòng Tên gửi trực tiếp những trợ giúp tới nơi họ thấy nhu cầu khẩn thiết nhất. Liên kết kiến thức của các vấn đề thuộc địa phương với kinh nghiệm của chính phủ của chúng tôi về việc sử dụng bộ máy quốc tế để ngăn chặn những thủ phạm giúp chúng tôi tạo ra được sự tiến bộ thực sự trong việc chấm dứt một số những tai họa này.
Tôi hy vọng trong bốn năm tiếp theo bước đi trên một phần của con đường Via Francigena, nhưng cũng là làm một hành trình để hiểu Tòa Thánh và cung cấp một cầu nối giữa Vatican và chính quyền nước Anh. Lịch sử chung của chúng tôi, từ sự hiệp nhất thuở ban đầu, qua nhiều thế kỷ đã có những lúc rất khó khăn.
Tôi hy vọng bằng một con đường nhỏ bé có thể đóng góp cho những mối quan hệ ấm áp hơn, mà chúng đã được làm nổi rõ trong những năm qua, và sử dụng mối quan hệ đó để thúc đẩy xa hơn những vấn đề quan trọng cho cả hai đất nước.
Sally Axworthy là Đại sứ của Anh tại Tòa Thánh
Bài viết này được đăng đầu tiên ngày 10 tháng Hai 2017 trên Catholic Herald.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/02/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét