© Vatican Media
Sứ điệp Ngày Quốc tế Giới trẻ 2020 lần thứ 35 của Đức Thánh Cha
“Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7:14)
05 tháng Ba, 2020 12:20
Dưới đây là toàn văn bản dịch tiếng Anh của Vatican huấn từ Ngày Quốc tế Giới trẻ XXXV của Đức Thánh Cha Phanxico, sẽ được tổ chức ở cấp giáo phận trên toàn thế giới ngày 5 tháng Tư, Chúa nhật Lễ Lá, với chủ đề: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7:14):
*****
“Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7:14)
Các bạn trẻ thân mến,
Cùng với Thượng Hội đồng Giám mục vào Tháng Mười năm 2018 về Giới trẻ, Đức tin và sự Phân định Ơn gọi, Giáo hội cam kết một tiến trình suy tư về vị trí của các con trong thế giới hôm nay, sự tìm kiếm ý nghĩa và mục đích cuộc sống của chúng con, và mối tương quan của các con với Thiên Chúa. Vào Tháng Một năm 2019, cha đã gặp gỡ với hàng trăm ngàn bạn đồng niên của chúng con từ khắp thế giới tập trung tại Panama trong Ngày Quốc tế Giới trẻ. Những sự kiện như vậy – Thượng Hội đồng và Ngày Quốc tế Giới trẻ – là cách thể hiện chiều kích nền tảng của Giáo hội: sự thật đó là chúng ta “cùng nhau đồng hành.”
Trong hành trình này, mỗi khi chúng ta đạt đến một giai đoạn quan trọng, chúng ta được rèn giũa bởi Thiên Chúa và cuộc sống để thực hiện một khởi đầu mới. Là những người trẻ tuổi, chúng con là những chuyên gia trong vấn đề này! Các con thích du lịch để khám phá những địa điểm và con người mới, và để có những trải nghiệm mới. Đó là lý do tại sao cha chọn thành phố Lisbon, thủ đô của Bồ Đào Nha, là mục tiêu cho cuộc hành hương xuyên lục địa kế tiếp của chúng ta, sẽ diễn ra vào năm 2022. Từ Lisbon, trong thế kỷ 15 và 16, con số đông đảo những người trẻ tuổi, bao gồm nhiều nhà truyền giáo, khởi hành đi đến những miền đất mới để chia sẻ kinh nghiệm của họ về Chúa Giê-su với các dân tộc và đất nước khác. Chủ đề của Ngày Quốc tế Giới trẻ Lisbon sẽ là: “Bà Maria vội vã lên đường” (Lc 1:39). Trong hai năm trước sự kiện, cha muốn cùng các con suy niệm về hai câu kinh thánh: cho năm 2020, “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7:14) và cho năm 2021, “Đứng thẳng lên. Ta chọn ngươi làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy” (x. Cv 26:16).
Như chúng con thấy, động từ “trỗi dậy” và “đứng thẳng lên” đều xuất hiện trong ba chủ đề. Những chữ này cũng nói về sự phục sinh, về việc thức dậy trong đời sống mới. Đó là những từ ngữ liên tục xuất hiện trong Tông huấn Christus Vivit (Đức Ki-tô sống!) mà cha đã gửi đến chúng con sau Thượng Hội đồng năm 2018, và cùng với Tài liệu Đúc kết, Giáo hội trao cho chúng con một ngọn đèn để soi sáng trên hành trình cuộc sống của chúng con. Cha tha thiết mong rằng hành trình đưa chúng ta đến Lisbon sẽ trùng khớp với nỗ lực lớn lao của toàn thể Giáo hội để áp dụng hai tài liệu này và để chúng hướng dẫn cho sứ mạng của những người gắn kết trong việc mục vụ giới trẻ.
Chúng ta hãy trở lại với chủ đề của năm nay: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (x. Lc 7:14). Cha đã đề cập đến câu Tin mừng này trong Tông huấn Christus Vivit: “Nếu các con đã đánh mất sức sống, mất những ước mơ, mất nhiệt huyết, mất sự lạc quan và tính quảng đại của các con, Chúa Giê-su đứng trước các con như Người xưa kia đã đứng trước người con trai đã chết của bà góa, và với toàn bộ sức mạnh Phục sinh của Người, Người thúc giục chúng con: ‘Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!’” (S. 20).
Trích đoạn Kinh Thánh kể cho chúng ta biết, khi tiến vào thành Na-in ở Ga-li-lê, Chúa Giê-su tình cờ gặp đám đưa tang một người thanh niên, là con trai duy nhất của người mẹ góa. Chúa Giê-su, động lòng thương trước sự đau buồn não nề của người phụ nữ, đã làm phép lạ cho con trai của bà sống lại. Phép lạ diễn ra sau những lời nói và hành động: “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: ‘Bà đừng khóc nữa!’ Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: ‘Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!’” (Lc 7:13-14). Chúng ta hãy dành ra chút thời gian để suy niệm về những lời nói và hành động của Chúa.
Khả năng nhìn thấy nỗi đau khổ và cái chết
Chúa Giê-su quan sát kỹ đám tang này. Giữa đám đông người, Ngài tìm thấy khuôn mặt của người phụ nữ vô cùng đau khổ. Khả năng nhìn thấy của Ngài dẫn đến sự gặp gỡ, nguồn mạch của sự sống mới. Chỉ cần rất ít lời nói.
Khả năng nhìn thấy của tôi là như thế nào? Khi tôi nhìn vào các sự việc, tôi có nhìn một cách chăm chú không, hay nó giống như lúc tôi nhanh chóng lướt qua hàng ngàn tấm ảnh hoặc các tài khoản xã hội trên điện thoại của tôi? Không biết bao nhiêu lần chúng ta trở thành những người xem thấy các biến cố bằng mắt nhưng chưa bao giờ trải nghiệm chúng trong thời gian thật! Đôi khi phản ứng đầu tiên của chúng ta là lấy điện thoại chụp một tấm ảnh, mà thậm chí không hề bận tâm nhìn vào mắt của những người trong cuộc.
Tất cả chung quanh chúng ta, nhưng cũng có những lúc trong chính chúng ta, chúng ta nhìn thấy thực tại của cái chết: về thể xác, tinh thần, cảm xúc, xã hội. Chúng ta có thật sự chú ý đến chúng, hay chỉ đơn giản để cho chúng xảy ra? Có cách nào chúng ta có thể thực hiện để phục hồi lại sự sống không?
Cha cũng nghĩ đến tất cả những hoàn cảnh tiêu cực mà những người đồng tuổi với chúng con đang phải trải qua. Một số người đánh cược mọi sự cho giây phút hiện tại và liều mạng sống của họ cho những trải nghiệm mạnh. Những người khác đã “chết” vì họ cảm thấy vô vọng. Một bạn trẻ nữ viết gửi cho cha: “Trong số bạn bè của con, con nhìn thấy ít dần sự khát khao dấn thân, ít can đảm để đứng lên.” Thật đáng buồn, sự suy sụp cũng đang lây lan giữa người trẻ, và trong một số trường hợp thậm chí dẫn đến ý muốn cắt đứt sự sống của mình. Có không biết bao nhiêu hoàn cảnh như vậy ở những nơi sự thờ ơ ngự trị, nơi người ta quăng mình xuống các vực sâu của nỗi thống khổ và hối tiếc! Không biết bao nhiêu người trẻ bật lên tiếng khóc mà không ai nghe thấy tiếng nài van của họ! Thay vì vậy, họ bắt gặp ánh mắt hờ hững và thờ ơ của những người chỉ muốn tận hưởng “giây phút hạnh phúc” của riêng họ, mà không hề bận tâm đến bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì chung quanh.
Những người khác phung phí cuộc sống của họ với những thứ hời hợt, cho rằng họ đang sống trong khi thật ra họ đã chết trong lòng (x. Kh 3:1). Ở tuổi hai mươi, họ có thể đang kéo cuộc sống của họ đi xuống, thay vì nâng nó lên đúng tầm mức đúng với phẩm giá đích thực của họ. Mọi thứ bị giảm thiểu chỉ còn là “sống theo trào lưu” và tìm kiếm một chút hài lòng: một phút giải trí, một giây phút chóng qua được chú ý và khen ngợi của người khác … Và còn tính tự kỷ ái mộ đang phát triển mạnh trên thế giới số ảnh hưởng đến cả người trẻ và người lớn. Quá nhiều người đang sống theo cách này! Một số người có lẽ đã đi vào chủ nghĩa duy vật của những người xung quanh, những người chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền và tiêu xài, như thể đó là mục đích duy nhất của cuộc sống. Về lâu dài, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự bất hạnh, hờ hững và buồn chán với cuộc sống, một cảm giác trống rỗng và thất vọng ngày càng tăng.
Những hoàn cảnh tiêu cực cũng có thể là kết quả của sự thất bại cá nhân, bất cứ khi nào điều mà chúng ta quan tâm, điều chúng ta cam kết, dường như không có kết quả hoặc không cho những kết quả như ý. Điều này có thể xảy ra với việc học hành hoặc với những tham vọng trong thể thao và trong nghệ thuật … Kết thúc của “giấc mơ” có thể khiến chúng ta cảm thấy đã chết. Nhưng các thất bại là một phần trong cuộc sống của tất cả mọi người; đôi khi cuối cùng chúng lại trở thành một ân sủng! Cũng không ít lần, điều mà chúng ta nghĩ sẽ mang đến cho chúng ta hạnh phúc lại chỉ là ảo tưởng, một ngẫu thần. Ngẫu thần đòi hỏi mọi thứ của chúng ta; chúng bắt chúng ta làm nô lệ nhưng chúng lại chẳng cho lại chúng ta bất kỳ thứ gì. Và cuối cùng chúng sụp đổ, chỉ để lại một đám mây bụi. Sự thất bại lại là một điều tốt, nếu nó làm cho ngẫu thần của chúng ta sụp đổ, tuy nhiên nó gây ra không biết bao đau khổ.
Có nhiều hoàn cảnh chết về thể lý hoặc đạo đức khác mà người trẻ có thể gặp phải. Cha nghĩ đến sự nghiện ngập, tội phạm, nghèo khổ hoặc đau bệnh nặng. Cha để cho chúng con suy nghĩ về những điều này và nhận ra được điều gì chứng tỏ là “chết người” cho chính bản thân các con hoặc cho người thân cận với các con, trong hiện tại hoặc trong quá khứ. Đồng thời, cha muốn chúng con nhớ rằng người thanh niên trong Tin mừng đã chết thật sự, nhưng anh ta đã có thể trở lại với cuộc sống vì anh ta được nhìn thấy bởi Đấng muốn anh ta được sống. Điều tương tự như vậy cũng có thể xảy ra cho chúng ta, hôm nay và tất cả mọi người.
Chạnh lòng thương
Các Sách Thánh thường nói về cảm xúc của những người cho phép bản thân họ được đụng chạm “trực tiếp” bởi nỗi đau của người khác. Cảm xúc của Chúa Giê-su thúc giục Ngài chia sẻ cuộc sống của người khác. Ngài lấy nỗi đau khổ của họ làm của riêng mình. Nỗi thống khổ của người mẹ đó trở thành của riêng Ngài. Cái chết của người thanh niên đó trở thành cái chết của Ngài.
Là người trẻ, các con đã nhiều lần cho thấy rằng các con có khả năng chạnh lòng thương. Cha nghĩ đến tất cả những người trong chúng con đã quảng đại giúp đỡ bất cứ khi nào hoàn cảnh đòi hỏi. Không có thảm họa nào, trận động đất hoặc lũ lụt xảy ra lại không có những người thiện nguyện trẻ tiến lên để đưa bàn tay trợ giúp. Sự huy động đông đảo người trẻ quan tâm đến việc bảo vệ môi trường cũng là một chứng minh cho khả năng chúng con nghe thấy tiếng khóc của trái đất.
Các bạn trẻ thân mến, đừng để cho bản thân các con bị cướp mất sự nhạy cảm này! Ước mong rằng chúng con luôn luôn chú ý đến tiếng nài xin của những người đang đau khổ, và chạnh lòng trước những người đang khóc và chết trong thế giới hôm nay. “Một số thực tại cuộc sống chỉ có thể nhìn thấy với đôi mắt được lau sạch bằng nước mắt” (Tông huấn Christus Vivit, 76). Nếu chúng con học được cách khóc với những ai đang khóc, thì các con sẽ tìm được hạnh phúc đích thực. Quá nhiều bạn đồng thời chúng con bị thua thiệt và là nạn nhân của bạo lực và bắt bớ. Hãy để những vết thương của họ trở thành của chúng con, và chúng con sẽ trở thành những người mang đến hy vọng cho thế giới này. Chúng con sẽ có thể nói với người anh em hoặc chị em của mình: “Hãy đứng dậy, bạn không còn cô đơn,” và các con sẽ giúp họ nhận biết rằng Thiên Chúa Cha yêu thương chúng ta, rằng Chúa Giê-su là cánh tay Người giang ra với chúng ta để nâng chúng ta dậy.
Tiến đến và “chạm vào”
Chúa Giê-su dừng đám đưa tang lại. Người đến gần, Người thể hiện sự gần gũi của mình. Do đó sự gần gũi biến thành một hành động can đảm để phục hồi lại sự sống cho người khác. Một cử chỉ mang tính ngôn sứ. Sự chạm đến của Chúa Giê-su, Đấng Hằng sống, thông truyền sự sống. Đó là một cái chạm rót đổ Thần Khí vào trong thân xác đã chết của người thanh niên và đưa anh ta trở lại cuộc sống.
Cái chạm đó thấm đẫm vào tất cả sự đau đớn và tuyệt vọng. Đó là cái chạm của chính Thiên Chúa, một cái chạm cũng được cảm nhận trong tình yêu đích thực của con người; nó là một cái chạm mở ra những viễn cảnh bao la của sự tự do và kiện toàn đời sống mới. Hiệu quả của cử chỉ của Chúa Giê-su là vô cùng. Nó nhắc chúng ta nhớ rằng chỉ cần một tín hiệu của sự gần gũi, đơn sơ nhưng cụ thể, có thể đánh thức sức mạnh của sự phục sinh.
Là người trẻ tuổi, các con cũng có thể đến gần những thực tại đau khổ và cái chết mà chúng con bắt gặp. Chúng con cũng có thể chạm đến họ, và như Chúa Giê-su, mang đến sự sống mới, nhờ Chúa Thánh Thần. Nhưng chỉ khi chúng con được chạm đến trước bởi tình yêu của Người, khi con tim chúng con bị tan chảy bởi kinh nghiệm về sự tốt lành của Người dành cho chúng con. Nếu chúng con cảm nhận được tình yêu bao la của Chúa cho mọi sinh vật – đặc biệt những anh chị em chúng ta đang chịu đựng cái đói và khát, hoặc bệnh tật hoặc trần truồng hoặc bị tù đày – thì chúng con sẽ có thể đến gần họ như Người làm. Chúng con sẽ có thể chạm đến họ như Người làm, và mang đến sự sống của Ngài cho những người bạn bè của chúng con đang chết trong lòng, những người đau khổ hoặc đã mất niềm tin và hy vọng.
“Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”
Tin mừng không nói cho chúng ta biết tên của người thanh niên được Chúa Giê-su phục hồi sự sống ở Na-in. Điều này mời gọi từng người đọc hãy đồng hóa mình thành người thanh niên đó. Chúa Giê-su nói với các con, với cha, với mỗi người chúng ta: “Hãy trỗi dậy.” Là người Ki-tô hữu chúng ta rất ý thức rằng chúng ta liên tục bị vấp ngã và phải đứng dậy. Người không lên đường thì không bao giờ vấp ngã; và họ cũng chẳng tiến tới. Đó là lý do tại sao chúng ta cần đón nhận sự trợ giúp Chúa Giê-su trao tặng cho chúng ta và đặt lòng vững tin vào Thiên Chúa. Bước thứ nhất là hãy cho phép bản thân trỗi dậy và nhận biết rằng sự sống mới Chúa Giê-su ban cho chúng ta là tốt đẹp và đáng sống. Nó được giữ gìn bởi Đấng luôn ở bên cạnh chúng ta trên hành trình đến tương lai. Chúa Giê-su giúp chúng ta sống cuộc sống này theo con đường phẩm giá và có ý nghĩa.
Sự sống này thật sự là một sáng tạo mới, một sự tái sinh, không phải là một hình thức tâm lý. Có thể trong những lúc khó khăn, nhiều người chúng con đã nghe người ta lặp đi lặp lại những công thức “thần thông” đang rất hợp thời ngày nay, những công thức được cho là giải quyết tất cả: “Bạn phải tự tin vào chính mình,” “Bạn phải khám phá những khả năng tiềm ẩn của bạn,” “Bạn phải ý thức được năng lượng tích cực của bạn” … Đây chỉ là những lời nói đơn thuần; chúng không có tác dụng với người đã thật sự “chết trong lòng.” Lời của Chúa Giê-su có sự vang vọng sâu thẳm; lời đó đi sâu vô tận. Đó là lời của Chúa và lời sáng tạo, và có thể đưa người chết trở lại cuộc sống.
Sống đời sống mới như “những người đã sống lại”
Tin mừng kể cho chúng ta rằng người thanh niên “bắt đầu nói” (Lc 7:15). Những người đã được chạm đến và được phục hồi sự sống bởi Chúa Giê-su ngay lập tức lên tiếng nói và diễn tả những gì đã xảy ra sâu thẳm trong lòng mà không hề đắn đo hoặc sợ hãi: tính cách, những khát khao, những thiếu thốn và ước mơ của họ. Có lẽ họ chưa bao giờ làm được điều này trước đây, vì họ nghĩ rằng không ai có thể hiểu được.
Nói cũng có nghĩa là đi vào mối tương quan với người khác. Khi chúng ta “chết”, chúng ta khóa chặt lòng mình lại. Những mối tương quan của chúng ta tan vỡ, hoặc trở nên hời hợt, giả tạo và giả hình. Khi Chúa Giê-su đưa chúng ta trở lại với cuộc sống, Người “trao” chúng ta cho người khác (x. c 15).
Ngày nay, chúng ta “được kết nối” thường xuyên nhưng không giao tiếp. Việc sử dụng bừa bãi các thiết bị điện tử có thể làm chúng ta liên tục dán chặt vào màn hình. Với Sứ điệp này, cha muốn mời gọi chúng con, những người trẻ tuổi, cùng tham gia kêu gọi một sự thay đổi văn hóa, dựa trên mệnh lệnh của Chúa Giê-su “hãy trỗi dậy.” Trong một văn hóa làm cho người trẻ bị cô lập và thu mình vào trong những thế giới ảo, chúng ta hãy làm lan tỏa lời mời gọi của Chúa Giê-su: “Hãy trỗi dậy!” Ngài kêu gọi chúng ta hãy ôm lấy thực tại hơn biết bao thế giới ảo. Điều này không có nghĩa là chối bỏ công nghệ, nhưng hơn thế phải sử dụng nó như một phương tiện chứ không phải một mục đích. “Hãy trỗi dậy!” cũng là một lời mời gọi để “ước mơ,” để “phiêu lưu,” để “cam kết thay đổi thế giới,” để thắp lên những hy vọng và hoài bão, và để chiêm ngưỡng bầu trời, các vì tinh tú và thế giới chung quanh chúng ta. “Hãy trỗi dậy và trở thành chính bạn!” Nếu đây là thông điệp của chúng ta, nhiều bạn trẻ sẽ không còn dáng vẻ buồn chán và mệt mỏi, và hãy để cho khuôn mặt của họ sống trở lại và trở nên xinh đẹp hơn bất kỳ thực tại ảo nào.
Nếu các con cho đi sự sống, sẽ có người ở đó để đón nhận nó. Như một bạn nữ trẻ từng nói: “Hãy bước xuống khỏi ghế trường kỷ khi bạn nhìn thấy một điều đẹp đẽ, và cố làm tương tự như vậy.” Cái đẹp đánh thức đam mê. Và nếu một người trẻ đam mê một điều gì đó, hoặc tốt hơn nữa là đam mê một ai đó, bạn trẻ đó sẽ trỗi dậy và bắt đầu làm những việc lớn lao. Người trẻ sẽ trỗi dậy từ kẻ chết, trở thành những chứng nhân cho Chúa Giê-su và cống hiến đời sống cho Ngài.
Các bạn trẻ thân mến, đam mê và ước mơ của các con là gì? Hãy để chúng được thể hiện, và qua đó trao tặng cho thế giới, cho Giáo hội và cho những bạn trẻ khác một điều gì đó đẹp đẽ, trong bất kỳ lĩnh vực nào thuộc tinh thần, nghệ thuật hoặc xã hội. Cha lặp lại câu cha đã từng nói với các con bằng tiếng mẹ đẻ của cha: Hagan lío! Hãy làm cho tiếng nói của các con được nghe thấy! Cha cũng nhớ một bạn trẻ nói: “Nếu Chúa Giê-su là người chỉ quan tâm đến bản thân Ngài, người con trai của bà góa đã không được trỗi dậy.”
Sự sống lại của người thanh niên đó đã trao anh ta lại cho mẹ của anh. Nơi người phụ nữ ấy, chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh của Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, là Đấng chúng ta dâng lên tất cả những người trẻ trên thế giới. Nơi Mẹ, chúng ta cũng nhìn thấy Giáo hội muốn chào đón từng người trẻ bằng tình yêu dịu hiền, không loại trừ ai. Chúng ta hãy khẩn xin sự can thiệp của Mẹ Maria cho Giáo hội, để Giáo hội luôn là một người mẹ cho những đứa con đã chết, khóc thương và cầu xin để những người con ấy được phục hồi lại sự sống. Trong mỗi người con đã chết, Giáo hội cũng chết, và trong mỗi người con của Giáo hội sống lại, Giáo hội cũng sống lại.
Cha chúc lành cho hành trình của chúng con. Và cha xin chúng con đừng quên cầu nguyện cho cha.
Roma, từ Đền thờ Thánh Gioan Lateran, 11 tháng Hai, 2020,
Lễ Đức Mẹ Lộ Đức
PHANXICO
[Văn bản chính: tiếng Ý]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/3/2020]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét