Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự phục vụ trong bài giảng Ngày Thế giới Người nghèo

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự phục vụ trong bài giảng Ngày Thế giới Người nghèo

© Vatican Media

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự phục vụ trong bài giảng Ngày Thế giới Người nghèo

Được cử hành trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô


15 tháng Mười Một, 2020 13:32

JIM FAIR


Phân tích dụ ngôn về những yến bạc trong Tin mừng theo Thánh Mátthêu, hôm nay Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự phục vụ trong đời sống người Kitô hữu.

Những lời dạy của ngài đưa ra trong bài giảng Ngày Thế giới Người Nghèo, được cử hành trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô với cộng đoàn rất giới hạn vì đại dịch. Ngài cảnh báo rằng chúng ta rất thường xuyên phàn nàn về những yến bạc chúng ta thiếu thay vì biết trân quý chúng — và sử dụng — những yến bạc mà chúng ta có.

Đức Thánh Cha lưu ý, “Mùa Giáng sinh đang đến, mùa nghỉ ngơi. Chúng ta rất thường nghe thấy người ta đặt câu hỏi: ‘Tôi có thể mua gì? Tôi có thể mua thêm thứ gì? Tôi phải đi sắm sửa.’ Chúng ta hãy sử dụng những lời khác: ‘Tôi có thể cho người khác thứ gì?’ để trở nên giống Chúa Giêsu là Đấng đã trao hiến thân mình và hạ sinh trong máng cỏ.”

Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản Tiếng Anh):


Dụ ngôn chúng ta vừa lắng nghe có phần mở đầu, phần thân, và phần kết, soi rọi ánh sáng cho sự khởi đầu, giai đoạn giữa, và giai đoạn kết của cuộc đời chúng ta.

Sự khởi đầu. Mọi sự bắt đầu với sự điều tốt đẹp lớn lao. Ông chủ không giữ của cải cho riêng mình, nhưng chia cho những người đầy tớ; năm yến cho một người, hai yến cho một người, một yến cho người thứ ba, “tuỳ khả năng riêng mỗi người” (Mt 25:15). Người ta ước tính rằng một yến bạc tương đương với thu nhập của một công việc trong khoảng hai mươi năm: nó có giá trị to lớn và sẽ đủ cho cả đời. Đây là sự khởi đầu. Đối với chúng ta cũng vậy, mọi sự đều bắt đầu bằng ơn của Chúa – mọi sự luôn bắt đầu bằng ân sủng, không phải bằng nỗ lực của riêng chúng ta – bằng ơn Chúa, Người là Cha và đã ban cho chúng ta biết bao điều tốt đẹp, giao phó những yến bạc khác nhau cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có một gia tài lớn không phụ thuộc vào những gì chúng ta sở hữu mà phụ thuộc vào chính con người chúng ta: sự sống chúng ta đã đón nhận, những điều tốt đẹp bên trong chúng ta, vẻ đẹp không thể phai mờ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta bằng cách tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Người… Tất cả những điều này làm cho mỗi chúng ta trở nên quý giá trong mắt Người, mỗi người chúng ta là vô giá và là duy nhất trong lịch sử! Đây là cách Chúa nhìn đến chúng ta, là cách Chúa cảm thấy đối với chúng ta.

Chúng ta cần phải ghi nhớ điều này. Thông thường, khi chúng ta nhìn vào cuộc sống của mình, chúng ta chỉ thấy những thứ chúng ta thiếu, và chúng ta phàn nàn về những thứ chúng ta thiếu. Sau đó, chúng ta sa vào cám dỗ và nói rằng: “Giá như ...!” Giá như tôi có được công việc đó, giá như tôi có căn nhà đó, giá như tôi có tiền và thành công, giá như tôi không gặp khó khăn này khó khăn kia, giá như tôi có những người tốt hơn ở xung quanh tôi…! Nhưng những từ ngữ hão huyền đó – giá như! – cản trở chúng ta nhìn thấy những điều tốt đẹp xung quanh mình. Chúng khiến chúng ta quên đi những yến bạc mà chúng ta đang sở hữu. Bạn có thể không có điều đó, nhưng bạn có điều này, và cái “giá như” kia khiến chúng ta quên đi điều này. Nhưng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta những yến bạc đó vì Người biết từng người chúng ta và Người biết khả năng của chúng ta. Người tin tưởng chúng ta, bất kể những điểm yếu của chúng ta. Chúa thậm chí còn tin tưởng cả người đầy tớ sẽ chôn giấu yến bạc của anh ta, hy vọng rằng vượt qua được nỗi sợ hãi và anh ta cũng sẽ sử dụng tốt những gì anh ta nhận được. Nói một cách ngắn gọn, Chúa yêu cầu chúng ta tận dụng tối đa thời gian hiện tại, không ao ước quá khứ nhưng kiên trì chờ đợi sự trở lại của Người. Sự hoài cổ kia thật là xấu xa, nó như một thứ hắc ám đầu độc linh hồn chúng ta và khiến chúng ta luôn nhìn lại phía sau, luôn nhìn vào người khác, nhưng không bao giờ nhìn đến chính đôi bàn tay của mình hoặc những cơ hội làm việc mà Chúa đã ban cho chúng ta, không bao giờ nhìn vào hoàn cảnh của chính chúng ta. … Thậm chí không bao giờ nhìn thấy sự nghèo khó của chính mình.

Điều này đưa chúng ta đến trung tâm của dụ ngôn: công việc của những người hầu đó là phục vụ. Phục vụ cũng là công việc của chúng ta; nó làm cho tài năng của chúng ta đơm hoa kết trái và nó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Những người không sống để phục vụ thì hữu ích rất ít trong cuộc sống này. Chúng ta phải lặp đi lặp lại điều này, và thường xuyên lặp lại nó: những ai không sống để phục vụ thì hữu ích rất ít trong cuộc sống này. Chúng ta nên suy ngẫm về điều này: những người không sống để phục vụ thì hữu ích rất ít trong cuộc đời này. Nhưng chúng ta đang nói đến sự phục vụ nào? Trong Phúc Âm, những người đầy tớ giỏi là những người chấp nhận rủi ro. Họ không sợ hãi và không quá thận trọng, họ không bám víu vào những gì họ sở hữu, nhưng sử dụng nó vào mục đích tốt. Vì nếu lòng tốt không được đầu tư, nó sẽ mất đi, và sự vĩ đại của cuộc đời chúng ta không được đo bằng con số chúng ta đã để dành được nhưng bằng thành quả chúng ta tạo ra. Có bao nhiêu người đã dành cả đời chỉ để tích lũy tài sản, chỉ quan tâm đến cuộc sống tốt đẹp chứ không phải là điều tốt đẹp họ có thể làm. Tuy nhiên, cuộc sống thật là trống rỗng khi chỉ tập trung vào những nhu cầu của chúng ta và đui mù trước những nhu cầu của người khác! Lý do chúng ta có được các ơn là để chúng ta có thể trở thành các ơn cho người khác. Và ở đây, thưa anh chị em, chúng ta hãy tự đặt câu hỏi cho mình: tôi chỉ bám theo nhu cầu của bản thân, hay tôi có khả năng hướng đến nhu cầu của người khác, hướng đến bất cứ ai đang túng thiếu không? Bàn tay tôi đang mở ra hay đã nắm chặt lại?

Điều đáng lưu ý là những người đầy tớ đầu tiên đã đầu tư các yến bạc của họ, những người đã dám mạo hiểm, bốn lần được gọi là “trung tín” (câu 21, 23). Với Tin Mừng, sự trung thành không bao giờ là không có rủi ro. “Nhưng thưa cha, có phải là một Kitô hữu có nghĩa là phải mạo hiểm không?” – “Vâng, thưa bạn rất yêu quý, hãy mạo hiểm. Nếu bạn không mạo hiểm, cuối cùng bạn sẽ giống như [người hầu] thứ ba: chôn giấu những khả năng của mình, sự giàu có về tinh thần và vật chất của mình, tất cả mọi thứ”. Chấp nhận rủi ro: không có sự trung thành nào mà không có rủi ro. Trung thành với Thiên Chúa có nghĩa là phó thác cuộc sống của chúng ta, cho phép những kế hoạch được sắp đặt cẩn thận của chúng ta bị phá vỡ bởi nhu cầu phục vụ của chúng ta. “Nhưng tôi có những kế hoạch của tôi, và nếu tôi phải phục vụ…”. Hãy để cho kế hoạch của bạn bị xáo trộn, hãy đi và phục vụ. Thật buồn khi người Kitô hữu thực hiện trò chơi phòng ngự, bằng lòng với việc thi hành những lề luật và tuân giữ các điều răn. Những người Kitô hữu “ôn hòa” đó không bao giờ vượt ra ngoài các ranh giới, không bao giờ, vì họ sợ rủi ro. Và những người, cho phép cha lấy hình ảnh này, những người chăm sóc bản thân tránh rủi ro là đã bắt đầu tiến trình ướp xác linh hồn của họ trong cuộc sống, và cuối cùng họ trở thành những xác ướp. 

Tuân giữ lề luật thôi là không đủ; trung thành với Chúa Giêsu không chỉ là không phạm lỗi lầm, điều này hoàn toàn sai lầm. Đó là điều mà người đầy tớ lười biếng trong dụ ngôn đã suy nghĩ: vì thiếu chủ động và sáng tạo, anh ta đã khuất phục trước nỗi sợ hãi và chôn giấu những yến bạc mà anh ta đã nhận được. Ông chủ gọi anh ta là “tồi tệ” (câu 26). Tuy rằng anh ta không làm gì sai! Nhưng anh ta cũng chẳng làm điều gì tốt. Anh ta chọn cách phạm tội bằng sự thiếu sót bổn phận hơn là phiêu lưu phạm sai lầm. Anh ta không trung thành với Chúa là Đấng ban phát một cách nhưng không, và anh ta làm cho hành vi phạm lỗi của mình càng tồi tệ hơn khi trả lại ân tứ mà anh ta đã nhận được. “Ông đã đưa cho tôi khoản này, và tôi trả lại nó cho ông,” không còn gì nữa. Đối với Thiên Chúa, Người yêu cầu chúng ta phải quảng đại, chiến thắng nỗi sợ hãi bằng sự can đảm của tình yêu, vượt qua tính thụ động là tính trở thành đồng lõa. Ngày nay, trong những thời gian bấp bênh, trong những lúc bất ổn này, chúng ta đừng lãng phí cuộc sống trong việc chỉ nghĩ đến bản thân, thờ ơ với người khác, hoặc tự lừa dối mình với suy nghĩ: “bình an và yên ổn!” (1 Tx 5: 3). Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy nhìn thẳng vào thực tại và tránh làm lây nhiễm sự thờ ơ.

Vậy chúng ta phục vụ như thế nào, như Chúa muốn chúng ta phục vụ? Ông chủ nói với người đầy tớ bất trung: “đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ” (c. 27). Ai là “những chủ ngân hàng” có thể trả cho chúng ta lãi suất dài hạn? Họ là người nghèo. Xin đừng quên: người nghèo là trung tâm của Tin Mừng; chúng ta không thể hiểu Tin Mừng nếu không có người nghèo. Người nghèo cũng giống như chính Chúa Giêsu, Ngài mặc dù vô cùng giàu có nhưng đã tự trút bỏ mình, hạ mình trở thành người nghèo, thậm chí gánh lấy tội lỗi: đó là sự nghèo khó tồi tệ nhất. Người nghèo đảm bảo cho chúng ta một lợi tức đời đời. Ngay cả bây giờ họ cũng giúp chúng ta trở nên giàu có trong tình yêu thương. Loại nghèo nàn tồi tệ nhất cần phải chống lại đó là sự nghèo yêu thương của chúng ta. Loại nghèo nàn tồi tệ nhất cần phải chống lại là sự nghèo nàn về tình yêu thương của chúng ta. Sách Châm ngôn ca tụng người phụ nữ giàu tình yêu thương, giá trị còn lớn hơn cả những hạt ngọc. Chúng ta được dạy hãy noi gương người phụ nữ “rộng tay giúp người nghèo khổ” (Cn 31:20): đó là sự giàu có lớn lao của người phụ nữ này. Hãy giang rộng tay ra với người nghèo, thay vì đòi hỏi những gì bạn còn thiếu. Bằng cách này, anh chị em sẽ làm sinh sôi nảy nở những yến bạc mà anh chị em đã nhận được.

Mùa Giáng sinh đang đến, mùa nghỉ ngơi. Chúng ta rất thường nghe thấy người ta đặt câu hỏi: ‘Tôi có thể mua gì? Tôi có thể mua thêm thứ gì? Tôi phải đi sắm sửa.’ Chúng ta hãy sử dụng những lời khác: ‘Tôi có thể cho người khác thứ gì?’ để trở nên giống Chúa Giêsu là Đấng đã trao hiến thân mình và sinh ra trong máng cỏ.”

Bây giờ chúng ta đến với phần cuối của dụ ngôn. Một số người sẽ giàu có, trong khi những người khác, những người đã có dư dả và lãng phí cuộc đời của họ, sẽ trở nên nghèo (x. c. 29). Và khi đến cuối cuộc đời của chúng ta, sự thật sẽ được phơi bày. Những kỳ vọng của thế giới này sẽ phai nhạt, với quan niệm cho rằng sự thành công, quyền lực và tiền bạc mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, trong khi tình yêu – tình yêu mà chúng ta đã trao đi – sẽ được tỏ lộ là gia tài thực sự. Những thứ đó sẽ sụp đổ, và tình yêu sẽ trỗi dậy. Một đại Giáo phụ của Giáo hội đã viết: “Với cuộc sống này, khi cái chết ập đến và sân khấu vắng lặng, khi tất cả cởi bỏ lớp mặt nạ của sự giàu có hoặc của sự nghèo khó và bước ra đi, thì khi đó chỉ được xét xử bởi công việc của họ, họ sẽ được nhìn thấy con người thật của họ: một số người thực sự giàu có, những người khác thì nghèo” (THÁNH JOHN CHRYSOSTOM, Bài giảng về người nghèo Ladarô, II, 3). Nếu chúng ta không muốn sống cuộc đời nghèo nàn, thì chúng ta hãy xin ơn để được nhìn thấy Chúa Giêsu trong người nghèo, để phục vụ Chúa Giêsu trong người nghèo.

Cha xin cảm ơn tất cả những người tôi tớ trung thành của Chúa đã âm thầm sống theo cách này, là phục vụ tha nhân. Chẳng hạn, cha nghĩ đến Cha Roberto Malgesini. Vị linh mục này không quan tâm đến các lý thuyết; ngài chỉ đơn giản nhìn thấy Chúa Giêsu trong những người nghèo khó và tìm thấy ý nghĩa cuộc sống khi phục vụ họ. Ngài đã lau khô nước mắt của họ bằng sự dịu dàng của mình, nhân danh Chúa là Đấng ủi an. Bắt đầu một ngày của ngài là cầu nguyện, để đón nhận các ơn của Chúa; trung tâm trong ngày của ngài là việc bác ái, để làm cho tình yêu mà ngài đã đón nhận đơm hoa kết trái; kết thúc là chứng tá rõ ràng của ngài cho Tin mừng. Con người này nhận ra rằng ngài phải dang rộng tay ra cho tất cả những người nghèo khó mà ngài gặp hàng ngày, vì ngài nhìn thấy Chúa Giêsu trong mỗi người họ. Thưa anh chị em, chúng ta hãy xin ơn để trở nên người Kitô hữu không phải bằng lời nói, nhưng bằng việc làm. Để sinh hoa kết quả, như Chúa Giêsu mong muốn. Nguyện xin để điều này thực sự là như vậy.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/11/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét