Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

‘Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo’ — Đức Tổng Giám mục Fisichella trình bày Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ Tư

‘Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo’ — Đức Tổng Giám mục Fisichella trình bày Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ Tư

ZENIT - Sergio Mora

‘Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo’ — Đức Tổng Giám mục Fisichella trình bày Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ Tư

Mô tả những sáng kiến cho dù bị hạn chế bởi COVID nhưng vẫn hoạt động mạnh mẽ

12 tháng Mười Một, 2020 13:08

DEBORAH CASTELLANO LUBOV


‘Hãy rộng tay giúp đỡ người nghèo …’

Đây không chỉ là chủ đề mà còn là sự động viên cho Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ tư sắp diễn ra vào ngày 15 tháng Mười Một năm 2020.

Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Thúc đẩy Tân Phúc âm hóa, đã nhấn mạnh điều này trong một cuộc họp báo trực tuyến – do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 – từ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh hôm nay, ngày 12 tháng Mười Một, để trình bày những sáng kiến của thời gian sắp tới. Tham dự còn có Đức ông Graham Bell, thư ký của Hội đồng Giáo hoàng.

Đưa ra các tín hiệu cụ thể cho những người gặp khó khăn

Với một tầm nhìn xa, ngài chủ tịch của Hội đồng giải thích rằng Đức Giáo hoàng Phanxico muốn nhấn mạnh đến tính cấp bách mà đại dịch Covid-19 đã gây ra cho toàn thế giới. Đức Tổng Giám mục Fisichella tiếp tục giải thích các sáng kiến đã được thực hiện “để đưa ra một tín hiệu cụ thể về sự trợ giúp và hỗ trợ cho số lượng ngày càng nhiều các gia đình gặp khó khăn khách quan”.

Đức Tổng Giám mục Fisichella nhấn mạnh, “Một bàn tay giang ra là một tín hiệu, một tín hiệu ngay lập tức nói lên sự gần gũi, tình liên đới và tình yêu thương. Trong những tháng này, khi cả thế giới đang trở thành con mồi cho một loại virus mang đến sự đau đớn và cái chết, tuyệt vọng và hoang mang, chúng ta đã nhìn thấy không bao nhiêu bàn tay giang rộng!”

“Bàn tay giang rộng của các thầy thuốc… của các y tá… của những người quản lý … của các dược sĩ… của các linh mục,” ngài nêu ra.

Ngài Tổng Giám mục người Ý cũng ca ngợi bàn tay giang rộng của các người thiện nguyện đã giúp đỡ những người sống trên đường phố, và những người có nhà cửa nhưng không có gì để ăn, cùng với những người nam và nữ làm việc để cung cấp các dịch vụ thiết yếu và sự an ninh.

Ngài lưu ý, “Chúng tôi có thể tiếp tục nói đến rất nhiều bàn tay giang rộng khác, tất cả đều tạo nên một khối đồ sộ những công việc tốt lành,” đặc biệt là những “bàn tay bất chấp sự lây nhiễm và sợ hãi để hỗ trợ và an ủi.”

Ngài lưu ý, Đức Thánh Cha nói: “Bây giờ là thời điểm tốt để khôi phục lại niềm tin rằng chúng ta cần nhau, rằng chúng ta có trách nhiệm chung đối với tha nhân và thế giới.”

Các quy định hiện hành dẫn đến một số hạn chế

Đức Tổng Giám mục giải thích, “Như chúng ta có thể hình dung, các sự kiện theo thông lệ đã được thực hiện trong những năm gần đây, tôi đặc biệt muốn đề cập đến Nhà thương Lưu động ở Quảng trường Thánh Phêrô và bữa ăn trưa với 1500 người nghèo cùng với Đức Thánh Cha tại Khán phòng Phaolô VI, đã bị tạm ngưng để tuân thủ các quy định hiện hành.”

Tuy nhiên, ngài cho biết rõ rằng đại dịch “đã không ngăn cản việc đánh dấu Ngày này thông qua các tín hiệu cụ thể.”

Ngài lưu ý: “Trong phòng khám chữa bệnh dưới hàng cột của Quảng trường Thánh Phêrô, của Elemosineria Apostolica (Văn phòng Bác ái Giáo hoàng), những người nghèo phải tìm đến nhà tập thể hoặc những người muốn trở về quê có thể được xét nghiệm virus corona bằng phương pháp tăm bông.” Phòng khám mở cửa từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều, và trong hai tuần, đã thực hiện 50 lần xét nghiệm tăm bông mỗi ngày.

Đồng thời, ngài lưu ý, đại dịch đã không làm giảm bớt lòng quảng đại của một số nhà hảo tâm. Ngài nói, “Ngược lại, nó đã làm lan tỏa và được thể hiện nhiều hơn. Vì lý do này, chúng tôi đã cố gắng thực hiện một số dấu chỉ đơn sơ thể hiện sự gần gũi và quan tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô vào thời điểm này”.

Hội đồng Giáo hoàng đang gửi 5000 gói nhu yếu phẩm đến các gia đình của khoảng sáu mươi giáo xứ ở Roma, những người đặc biệt đang gặp khó khăn trong giai đoạn này, được thực hiện nhờ lòng quảng đại của Roma Cares và lòng quảng đại của các Siêu thị Elite.

Mỗi hộp chứa nhiều loại thực phẩm, từ các thương hiệu rất uy tín, (mì ống, gạo, sốt cà chua, dầu, muối hạt, bột, cà phê, đường, mứt, cá ngừ, bánh quy và sôcôla), cùng với một số khẩu trang và một thẻ cầu nguyện in lời cầu nguyện của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Ngài lưu ý rằng việc đóng gói và phân phát những hộp này được thực hiện nhờ vào công sức của một nhóm 20 bạn trẻ hiện đang chờ việc làm.

Theo cách tương tự, cũng trong năm nay, nhà máy mì ống “La Molisana” đã hỗ trợ những sáng kiến của hội đồng với 2,5 tấn mì ống nổi tiếng của họ, sẽ được chuyển đến các Mái ấm Gia đình và Hiệp hội Bác ái khác nhau.

Nhà máy cũng đã gửi một lô hàng đầu tiên gồm 350.000 chiếc khẩu trang, dành cho ít nhất 15.000 học sinh các cấp lớp khác nhau, đặc biệt là những học sinh đến từ các vùng ngoại ô rộng lớn của thành phố, để một lần nữa hỗ trợ các gia đình và giảm bớt chi phí cho những chiếc khẩu trang này.

Ngài nói: “Sự cố gắng này cũng hy vọng là một lời mời gọi các sinh viên trẻ của chúng ta không xem nhẹ những nguy hiểm của đại dịch, đặc biệt là với những hành vi có thể gây hại khi các em từ nhà trường trở về với gia đình có người già.”

Ngày thế giới vẫn sống động ngay cả khi bị giới hạn

Có thể thấy, Ngày Người nghèo Thế giới, mặc dù chỉ hạn chế trong các sáng kiến của nó, vẫn là một ngày mà các Giáo phận trên toàn thế giới hướng tới để duy trì sống động ý thức biết quan tâm và tình huynh đệ đối với những người bị gạt ra bên lề và thiệt thòi nhất.

Ngài nhắc nhở rằng ‘Pastoral Aid’ (Hỗ trợ Mục vụ) hàng năm, được tiếp tục chuẩn bị trong năm nay để hỗ trợ các giáo xứ và tổ chức giáo hội khác nhau, có thể được coi là một công cụ kịp thời “để Ngày này không chỉ giới hạn ở các sáng kiến bác ái, mà là những sáng kiến này được hỗ trợ bởi lời cầu nguyện của cá nhân và cộng đoàn là điều không bao giờ có thể thiếu để chứng tá của chúng ta được trọn vẹn và hữu hiệu.” Ngoài ấn bản in tiếng Ý của Edizioni San Paolo, Pastoral Aid đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và tiếng Ba Lan, và các phiên bản của nó có sẵn trên website của Hội đồng Giáo hoàng Thúc đẩy Tân Phúc âm hóa.

“Các Giáo hội cũng đã thông báo về sự tham gia tích cực của họ trong Ngày này, với những cố gắng tiếp cận thông thường cùng với sự tham gia tại nhà của mọi người để tránh sự lây lan của virus.”

Đức Cha nhắc nhở, những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp của ngài thể hiện rõ mục đích của những sáng kiến đó, cụ thể là câu ngài trích dẫn: “Trong mọi lời ăn tiếng nói, hãy nghĩ đến đời con chung cuộc thế nào” (Hc 7:36).

Nhắc nhở rằng có một chung cuộc hoặc mục tiêu mà mỗi chúng ta đang hướng tới, ngài lưu ý: “Đây là mục tiêu cuối cùng trong hành trình của chúng ta, và không có gì có thể khiến chúng ta sao lãng khỏi nó”.

Vì chung cuộc cho mọi hành động của chúng ta chỉ có thể là tình yêu, ngài động viên rằng dù chỉ một nụ cười hay một bàn tay giang rộng cũng có khả năng thể hiện sự gần gũi đó. Ngài nói: “Chính trong tinh thần này mà chúng ta đang chuẩn bị để sống Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ Tư này.”

Dưới đây là văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh) toàn văn phát biểu của Đức Tổng Giám mục Fisichella:

****

Ngày Người nghèo Thế giới đã bước đến kỷ niệm lần thứ tư. Chủ đề của Ngày, được thể hiện trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ngày 13 tháng Sáu vừa qua nhân phụng vụ lễ nhớ Thánh Antôn thành Padua, lấy trung tâm là lời diễn đạt trong Kinh thánh: “Hãy rộng tay giúp người nghèo khó” (Hc 7:32). Với một tầm nhìn xa, trong Sứ điệp Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn nhấn mạnh đến tính cấp bách mà đại dịch Covid-19 đã gây ra cho toàn thế giới. Nhắc lại một số cách diễn đạt trong văn bản có thể giúp chúng ta hiểu được những sáng kiến đã được thực hiện để đưa ra một tín hiệu cụ thể về sự trợ giúp và hỗ trợ cho số lượng ngày càng nhiều các gia đình gặp khó khăn khách quan.

“Một bàn tay giang ra là một tín hiệu, một tín hiệu ngay lập tức nói lên sự gần gũi, tình liên đới và sự yêu thương. Trong những tháng này, khi cả thế giới đang trở thành con mồi cho một loại virus mang đến sự đau đớn và cái chết, tuyệt vọng và hoang mang, chúng ta đã nhìn thấy không bao nhiêu bàn tay giang rộng! Bàn tay giang rộng của các thầy thuốc… của các y tá… của những người quản lý … của các dược sĩ… của các linh mục. Những bàn tay giang rộng của các người thiện nguyện đã giúp đỡ những người sống trên đường phố, và những người có nhà cửa nhưng không có gì để ăn. Bàn tay giang rộng của những người nam và nữ làm việc để cung cấp các dịch vụ thiết yếu và sự an ninh. Chúng tôi có thể tiếp tục nói đến rất nhiều bàn tay giang rộng khác, tất cả đều tạo nên một khối đồ sộ những công việc tốt lành. Những bàn tay đó bất chấp sự lây nhiễm và sợ hãi để hỗ trợ và an ủi” (s. 6). Đức Thánh Cha tiếp tục: “Bây giờ là thời điểm tốt để khôi phục lại niềm tin rằng chúng ta cần nhau, rằng chúng ta có trách nhiệm chung đối với tha nhân và thế giới” (s.7).

Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở rộng bàn tay của ngài với những sáng kiến khác nhau để làm cho Ngày này trở nên hữu hình hơn và cụ thể hơn. Ngày Chúa nhật, 15 tháng Mười Một, lúc 10 giờ sáng, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ để đánh dấu Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ Tư. Sự kiện này sẽ được truyền trực tiếp trên kênh Rai 1, TV2000, Telepace và trên tất cả các đài truyền hình Công giáo trên thế giới có kết nối với Bộ Truyền thông, và nó sẽ được truyền phát trực tiếp trên cổng Vatican News (vaticannews.va) cho những người muốn tham gia trong khi giữ được sự an toàn của họ. Ngoài các người Thiện nguyện và các Nhà hảo tâm, chỉ có 100 người sẽ có mặt trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô để đại diện tượng trưng cho tất cả người nghèo trên thế giới, những người đặc biệt cần sự quan tâm và tình liên đới của cộng đoàn Kitô giáo vào ngày này. Một số người, được các hiệp hội bác ái hỗ trợ hàng ngày, sẽ đọc các bài đọc.

Như chúng ta có thể hình dung, các sự kiện theo thông lệ đã được thực hiện trong những năm gần đây, tôi đặc biệt muốn đề cập đến Nhà thương Lưu động ở Quảng trường Thánh Phêrô và bữa ăn trưa với 1500 người nghèo cùng với Đức Thánh Cha tại Khán phòng Phaolô VI, đã được tạm ngưng để tuân thủ các quy định hiện hành. Tuy nhiên, đại dịch đã không ngăn cản việc đánh dấu Ngày này thông qua các tín hiệu cụ thể. Trong phòng khám chữa bệnh dưới hàng cột của Quảng trường Thánh Phêrô, của Elemosineria Apostolica (Văn phòng Bác ái Giáo hoàng), những người nghèo phải tìm đến nhà tập thể hoặc những người muốn trở về quê có thể được xét nghiệm virus corona bằng phương pháp tăm bông. Phòng khám mở cửa từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều, và trong hai tuần, đã thực hiện 50 lần xét nghiệm tăm bông mỗi ngày. Đồng thời, đại dịch đã không làm giảm bớt lòng quảng đại của một số nhà hảo tâm; ngược lại, nó đã làm lan tỏa và được thể hiện nhiều hơn. Vì lý do này, chúng tôi đã cố gắng thực hiện một số dấu chỉ đơn sơ thể hiện sự gần gũi và quan tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô vào thời điểm này.

Với sự hỗ trợ lớn lao của Roma Cares và lòng quảng đại của các Siêu thị Elite, chúng tôi hiện đang chuyển 5000 hộp nhu yếu phẩm đến các gia đình thuộc khoảng 60 giáo xứ ở Roma, những người đang gặp khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn này. Mỗi hộp chứa nhiều loại thực phẩm, từ các thương hiệu rất uy tín, (mì ống, gạo, sốt cà chua, dầu, muối hạt, bột, cà phê, đường, mứt, cá ngừ, bánh quy và sôcôla), cùng với một số khẩu trang và một thẻ cầu nguyện in lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến ông Giám đốc điều hành của Roma, ông Guido Fienga (có mặt ở đây với chúng tôi) vì chương trình Roma Cares và Fedeli Family chủ sở hữu của các Siêu thị Elite (có mặt ở đây với chúng tôi là ông Franco Fedeli, người sáng lập và ông Marco Conti, Giám đốc điều hành). Về vấn đề này, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng việc đóng gói và phân phát những hộp này được thực hiện nhờ vào công sức của một nhóm 20 bạn trẻ hiện đang chờ việc làm.

Theo cách tương tự, cũng trong năm nay, nhà máy mì ống “La Molisana” muốn hỗ trợ những sáng kiến của hội đồng với 2,5 tấn mì ống nổi tiếng của họ, sẽ được chuyển đến các Mái ấm Gia đình và Hiệp hội Bác ái khác nhau. Điều quan trọng là phải nhắc đến công ty Société des Centers Commerciaux Italia s.r.l. và Quỹ Robert Halley cũng hỗ trợ các sáng kiến của Đức Thánh Cha với lòng quảng đại của họ hỗ trợ nhiều người nghèo trong thành phố và được nhiều tổ chức giáo hội trợ giúp.

Nhà máy cũng đã gửi một lô hàng đầu tiên gồm 350.000 chiếc khẩu trang, dành cho ít nhất 15.000 học sinh các cấp lớp khác nhau, đặc biệt là những học sinh đến từ các vùng ngoại ô rộng lớn của thành phố, để một lần nữa hỗ trợ các gia đình và giảm bớt chi phí cho những chiếc khẩu trang này.

Với sự hỗ trợ của UnipolSai Assicurazioni, chúng tôi đã gửi lô hàng đầu tiên gồm 350.000 chiếc khẩu trang, dành cho ít nhất 15.000 học sinh thuộc các cấp lớp khác nhau, đặc biệt là những học sinh đến từ các vùng ngoại ô rộng lớn của thành phố, để một lần nữa hỗ trợ cho các gia đình và giải tỏa bớt cho họ, ít nhất là chi phí dành cho khẩu trang. Sự cố gắng này cũng hy vọng là một lời mời gọi các sinh viên trẻ của chúng ta không xem nhẹ những nguy hiểm của đại dịch, đặc biệt là với những hành vi có thể gây hại khi các em từ nhà trường trở về với gia đình có người già.

Có thể thấy, Ngày Người nghèo Thế giới, mặc dù chỉ hạn chế trong các sáng kiến của nó, vẫn là một ngày mà các Giáo phận trên toàn thế giới hướng tới để duy trì sống động ý thức biết quan tâm và tình huynh đệ đối với những người bị gạt ra bên lề và thiệt thòi nhất. ‘Pastoral Aid’ (Hỗ trợ Mục vụ) được tiếp tục chuẩn bị trong năm nay để hỗ trợ các giáo xứ và các tổ chức giáo hội khác nhau, có thể được coi là một công cụ kịp thời để Ngày này không chỉ giới hạn ở các sáng kiến bác ái, mà là những sáng kiến này được hỗ trợ bởi lời cầu nguyện của cá nhân và cộng đoàn là điều không bao giờ có thể thiếu để chứng tá của chúng ta được trọn vẹn và hữu hiệu. Như hàng năm, ngoài ấn bản in tiếng Ý của Edizioni San Paolo, Pastoral Aid đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và tiếng Ba Lan, và các phiên bản của nó có sẵn trên website của Hội đồng Giáo hoàng Thúc đẩy Tân Phúc âm hóa (pcpne.va). Các Giáo hội cũng đã thông báo về sự tham gia tích cực của họ trong Ngày này, với những cố gắng tiếp cận thông thường và với sự tham gia tại nhà của mọi người để tránh sự lây lan của virus.

Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp của ngài thể hiện rõ mục đích của những sáng kiến này. Đức Thánh Cha viết: “Trong mọi lời ăn tiếng nói, hãy nghĩ đến đời con chung cuộc thế nào” (Hc 7:36)... Đây là những lời cuối cùng của chương này trong sách Huấn ca. Chúng có thể được hiểu theo hai cách. Trước hết, cuộc sống của chúng ta sớm muộn cũng sẽ kết thúc. Ghi nhớ vận mệnh chung của chúng ta có thể giúp dẫn đến một đời sống biết quan tâm đến những người nghèo hơn chúng ta hoặc thiếu cơ hội mà chúng ta đã có được. Thứ hai, có một chung cuộc hoặc mục tiêu mà mỗi chúng ta đang hướng tới … Đây là mục tiêu cuối cùng trong hành trình của chúng ta, và không có gì có thể khiến chúng ta sao lãng khỏi nó. “Chung cuộc” cho mọi hành động của chúng ta chỉ có thể là yêu thương … Yêu thương là chia sẻ, cống hiến và phục vụ, được sinh ra từ việc chúng ta nhận biết rằng chúng ta được yêu thương trước và được thức tỉnh để yêu thương. Chúng ta nhìn thấy điều này qua cách trẻ thơ chào đón nụ cười của người mẹ và cảm nhận được yêu thương đơn giản bởi nhân đức hữu thể sống. Ngay cả một nụ cười chúng ta chia sẻ với người nghèo cũng là một nguồn yêu thương và là một cách để lan tỏa niềm vui. Do đó, một bàn tay giang rộng luôn có thể được làm phong phú bởi nụ cười của những người âm thầm và khiêm tốn giúp đỡ, được truyền cảm hứng duy nhất bởi niềm vui được là người môn đệ của Đức Kitô” (s. 10). Chính trong tinh thần này mà chúng ta đang chuẩn bị để sống Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ Tư này.

[01362-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý – bản dịch (tiếng Anh)]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/11/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét