Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đảo Síp và Hy Lạp – Cầu nguyện đại kết với người di cư trong Nhà thờ Thánh Giá ở Nicosia, 03.12.2021

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đảo Síp và Hy Lạp – Cầu nguyện đại kết với người di cư trong Nhà thờ Thánh Giá ở Nicosia, 03.12.2021

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đảo Síp và Hy Lạp – Cầu nguyện đại kết với người di cư trong Nhà thờ Thánh Giá ở Nicosia, 03.12.2021


Cầu nguyện đại kết với người di cư trong Nhà thờ Thánh giá ở Nicosia

Vào buổi chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Nhà thờ Thánh Giá ở Nicosia để tham dự giờ cầu nguyện đại kết với những người di cư.

Khi đến nơi, ngài được Đức Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, đón tại bàn thờ vào trao cho ngài nước thánh để rảy. Sau bài thánh ca mở đầu, lời chào của Đức Thượng Phụ Latinh và những chứng ngôn của một thành viên Caritas tại Cyprus và bốn thanh niên di cư, Đức Thánh Cha đã đọc diễn từ của ngài.

Cuối cùng, sau giờ cầu nguyện đại kết, đọc Kinh Lạy Cha và ban phép lành sau cùng, một món quà được dâng lên Đức Thánh Cha. Trước khi trở lại Tòa Khâm sứ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ và chào các thành viên của Sáng kiến Religious Track.

Trước khi rời khỏi Nhà thờ Thánh Giá, Đức Thánh Cha gặp gỡ một số người tị nạn, những người sẽ được chuyển từ Síp đến Ý trong những tuần sắp tới, như một dấu hiệu cho sự quan tâm của Đức Thánh Cha đối với các gia đình và người di cư, theo một thỏa thuận giữa Phủ Quốc vụ khanh, với các cơ quan có thẩm quyền của Ý và Síp, và sự hợp tác với Phân bộ Người di cư và Tị nạn của Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện của Tòa Thánh và Cộng đoàn Sant'Egidio.

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trong buổi cầu nguyện đại kết tại Nhà thờ Thánh Giá ở Nicosia:

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đảo Síp và Hy Lạp – Cầu nguyện đại kết với người di cư trong Nhà thờ Thánh Giá ở Nicosia, 03.12.2021

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Thật là một niềm vui lớn khi được ở đây với anh chị em và kết thúc chuyến thăm của tôi đến Đảo Síp bằng buổi gặp gỡ cầu nguyện này. Tôi xin cảm ơn Đức Thượng phụ Pizzaballa và Đức Béchara Raï, và Bà Elisabeth của Caritas. Tôi xin gửi lời chào thân ái và lòng biết ơn anh chị em đại diện của các nền tảng tuyên xưng Kitô giáo khác nhau hiện diện tại Síp.

Từ trong tâm khảm, cha muốn nói lời “cảm ơn” thật lớn đến các con, những người thanh niên di cư đưa ra những lời chứng của mình. Cha đã nhận được các bản sao của các chứng ngôn khoảng một tháng trước. Chúng để lại ấn tượng sâu đậm với cha, và hôm nay cha được nghe lại một lần nữa. Không chỉ đơn thuần là cảm xúc, cha có cảm thức mạnh mẽ đến từ việc được gặp gỡ cái đẹp của sự thật. Chúa Giêsu đã xúc động như thế khi kêu lên: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11:25). Cha cũng dâng lời ngợi khen Cha trên trời vì điều này đang xảy ra hôm nay, ở đây và trên khắp thế giới. Thiên Chúa đang cho thấy Vương quốc của Người, Vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình, cho những người bé mọn.

Sau khi nghe các con nói, chúng ta hiểu rõ hơn tất cả sức mạnh tiên tri của lời Chúa, qua lời của Thánh Tông đồ Phaolô nói với chúng ta: “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Êp 2,19). Những lời đó được gửi đến những người Kitô hữu ở Êphêsô nhiều thế kỷ trước, nơi cách đây không xa, nhưng những lời đó vẫn phù hợp hơn bao giờ hết, như thể chúng được viết cho chúng ta ngày nay: “Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương”. Đây là lời tiên tri của Giáo hội: một cộng đồng, với tất cả những giới hạn của con người, là hiện thân cho ước mơ của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa cũng ước mơ, giống như con, Mariamie, đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo, con đã mô tả mình là “người đầy những ước mơ”. Giống như con, Thiên Chúa mơ ước về một thế giới hòa bình, trong đó tất cả con cái của Người sống như anh chị em. Thiên Chúa muốn điều này, Thiên Chúa mơ ước điều này. Chúng ta lại là những người không muốn điều đó.

Thưa các anh chị em di cư, sự hiện diện của anh chị em có ý nghĩa rất lớn cho buổi cử hành này. Những lời chứng của anh chị em giống như một “tấm gương” soi cho chúng ta, cho các cộng đoàn Kitô chúng ta. Khi Thamara, đến từ Sri Lanka, nói với chúng ta rằng mọi người thường hỏi, “Bạn là ai?”: Kinh nghiệm đau đớn của cuộc di cư khiến thân phận của chúng ta bị nghi ngờ. “Đây có phải là tôi không? Tôi không biết… Nguồn cội của tôi ở đâu? Tôi là ai?” Khi con đặt những câu hỏi này, con nhắc chúng ta rằng đôi khi chúng ta cũng được hỏi cùng một câu hỏi: “Bạn là ai?” Và thật đáng buồn, thường thì ngụ ý thật sự được hỏi là: “Bạn đứng về phe nào?”, “Bạn thuộc nhóm nào?” Tuy nhiên, như con đã nói, chúng ta không phải là những con số, những cái tên trên một danh sách; chúng ta là “anh chị em”, là “bạn bè”, là “người có lòng tin”, là “hàng xóm” của nhau. Tuy nhiên, khi những lợi ích phe nhóm hoặc chính trị, bao gồm cả lợi ích của các quốc gia, bắt đầu thúc đẩy, nhiều người trong chúng ta cuối cùng bị gạt sang một bên và dù không muốn, vẫn trở thành nô lệ. Vì lợi ích luôn đưa vào vòng nô lệ, nó luôn tạo ra những nô lệ. Tình yêu, trải rộng và nghịch lại với thù hận, làm cho chúng ta tự do.

Khi Maccolins, người đến từ Cameroon, nói với chúng ta rằng trong suốt chặng đường đời, con đã bị “thương tổn bởi sự thù ghét”, con nói về điều này, về những vết thương do lợi ích gây ra: và con nhắc nhở chúng ta rằng sự thù ghét cũng đã đầu độc các mối tương quan giữa chúng ta là những người Kitô hữu. Và điều này như con đã nói, làm chúng ta thay đổi; nó để lại dấu ấn sâu sắc và lâu dài. Nó là một chất độc. Đúng, con đã khiến chúng tôi cảm nhận được điều này bởi cảm xúc mạnh khi con nói. Thù ghét là một liều thuốc độc khó loại bỏ, một quan niệm xấu xa, thay vì cho phép chúng ta coi mình như anh chị em, lại khiến chúng ta coi nhau là kẻ thù, là đối thủ, hoặc thậm chí là những đồ vật để bán hoặc bóc lột.

Khi Rozh, đến từ Iraq, nói rằng con là người “đang trên một hành trình”, con nhắc nhở chúng ta rằng bản thân chúng ta là một cộng đồng đang trên hành trình; chúng ta đang đi từ xung đột đến kết hợp. Trên con đường dài và có những thăng trầm này, chúng ta không nên e ngại sự khác biệt của chúng ta, nhưng hãy sợ tư tưởng khép kín và định kiến ​​có thể cản trở chúng ta không thật sự gặp nhau và cùng nhau lên đường. Tư tưởng khép kín và thành kiến ​​đã dựng lại bức tường chia rẽ, sự thù địch giữa chúng ta, mà Đức Kitô đã phá đổ (x. Ep 2:14). Hành trình của chúng ta hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn chỉ có thể tiến tới khi chúng ta cùng nhau chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu, vào Đấng là “sự bình an của chúng ta” (sđd), “đá tảng góc tường” (c. 20). Chính Chúa Giêsu, Đấng mà chúng ta gặp trên khuôn mặt của những anh chị em bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị loại bỏ. Đứng trước những người di cư bị khinh miệt, bị từ chối, bị nhốt vào lồng, bị bóc lột… Nhưng đồng thời – như con nói – khuôn mặt của người di cư đang hành trình đến một mục tiêu, đến một niềm hy vọng, đến tình bằng hữu con người lớn hơn …

Trong những cách này, Chúa nói với chúng ta qua những giấc mơ của các con. Điều nguy hiểm đó là nhiều khi chúng ta không để cho ước mơ xuất hiện, thà ngủ chứ không mơ. Rất dễ để nhìn theo hướng khác. Và trong thế giới này, chúng ta đã quá quen với một văn hóa thờ ơ, một văn hóa nhìn theo hướng khác và từ đó ngủ yên. Tuy nhiên, cách đó không thể mơ ước. Chúa nói qua giấc mơ của các con. Chúa không nói qua những người không có ước mơ, vì họ có tất cả hoặc vì trái tim họ chai đá. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta không bằng lòng với một thế giới bị chia rẽ, bằng lòng với các cộng đoàn Kitô giáo bị chia rẽ, nhưng hành trình xuyên suốt lịch sử theo ước mơ của Người: ước mơ về một nhân loại được giải thoát khỏi các bức tường chia rẽ, thoát khỏi sự thù địch, nơi không còn những người xa lạ, nhưng chỉ là những người đồng hương, như chúng ta đã nghe Thánh Phaolô nói trong trích đoạn cha vừa đề cập. Những người đồng hương đa dạng, nhưng tự hào về sự đa dạng và tính cách riêng đó, đó là những món quà của Chúa. Đa dạng, tự hào là đa dạng, nhưng luôn hòa thuận, luôn là anh chị em.

Cầu mong cho hòn đảo này, bị đánh dấu bởi sự chia rẽ đau đớn – tôi có thể nhìn thấy bức tường đó từ đây – nhờ ân sủng của Chúa sẽ trở thành một xưởng xây dựng tình huynh đệ. Tôi cảm ơn tất cả những người đang làm việc để biến điều đó thành hiện thực. Chúng ta phải nhận ra rằng hòn đảo này rất hào phóng, nhưng nó không thể làm được tất cả mọi việc, vì số lượng người đến nhiều hơn khả năng tiếp nhận, hội nhập, đồng hành và thăng tiến. Sự gần gũi về địa lý của nó có thể làm cho nó dễ dàng hơn ... nhưng không phải là dễ dàng. Chúng ta phải hiểu các giới hạn mà các nhà lãnh đạo của hòn đảo bị ràng buộc. Nhưng trên đảo này, và tôi đã thấy điều này ở những nhà lãnh đạo mà tôi gặp một cam kết trở thành, nhờ ơn Chúa, trở thành xưởng xây dựng tự do. Và nó sẽ xảy ra, nếu hai điều sau có thể xảy ra. Thứ nhất, sự công nhận hữu hiệu phẩm giá của mỗi con người (xem Tông huấn Fratelli Tutti, 8). Phẩm giá của chúng ta không phải để bán; nó không thể cho thuê; cũng không được phung phí nó. Hãy ngẩng cao đầu và nói: Tôi là con của Chúa; Tôi có phẩm giá của tôi. Việc công nhận phẩm giá này cách hữu hiệu là nền tảng đạo đức, một nền tảng phổ quát, cũng là cốt lõi của giáo lý xã hội Kitô giáo. Thứ hai, sự mở lòng tin cậy Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người; đây là “men bột” mà người tín hữu chúng ta được kêu gọi để dâng lên (xem sđd, 272).

Nếu hai điều này có thể xảy ra, giấc mơ có thể chuyển thành một hành trình hàng ngày, được tạo thành từ những bước đi cụ thể từ xung đột đến kết hiệp, từ thù ghét đến yêu thương, từ trốn tránh đến gặp gỡ. Một hành trình kiên trì, từng ngày từng ngày dẫn chúng ta đến vùng đất mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta. Vùng đất mà khi mọi người hỏi “Bạn là ai?”, anh chị em có thể dễ dàng trả lời, “Xem này, tôi là người anh em, người chị em của bạn. Bạn không nhận ra tôi sao?” Và sau đó, đi theo con đường của bạn trong hòa bình.

Khi tôi lắng nghe anh chị em nói và nhìn thấy khuôn mặt của anh chị em, tôi được nhắc nhở về một điều khác: sự đau khổ của anh chị em. Anh chị em đã đến đây, nhưng còn bao nhiêu người anh em chị em khác vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình? Bao nhiêu người tuyệt vọng đã lên đường trong những điều kiện khó khăn, bấp bênh nhưng không đến được đích? Chúng ta hãy nghĩ về vùng biển này, nơi đã trở thành một nghĩa trang khổng lồ. Nhìn vào anh chị em, tôi thấy những đau khổ do cuộc hành trình gây ra; tôi thấy tất cả những người đã bị bắt cóc, bị bán, bị bóc lột… và những người vẫn đang trên hành trình, chúng ta không biết ở đâu. Chúng ta đang nói về tình trạng nô lệ, về sự nô dịch chung. Chúng ta thấy những gì đang xảy ra, và điều tồi tệ nhất là chúng ta đang trở nên quen với nó. “Ồ vâng, hôm nay một chiếc thuyền khác bị lật… rất nhiều sinh mạng đã mất….” Việc “trở nên quen” với mọi thứ này là một căn bệnh trầm kha, một căn bệnh rất nghiêm trọng, và không có thuốc kháng sinh cho nó! Chúng ta phải chống lại việc quen đọc về những thảm kịch này trên báo chí hoặc nghe về chúng trên các phương tiện truyền thông khác.

Nhìn vào anh chị em, tôi cũng nghĩ đến tất cả những người đã phải quay về vì họ bị ngoảnh mặt đi và kết thúc trong các trại tập trung, trại tập trung thực sự, nơi phụ nữ bị bán, và đàn ông bị tra tấn và làm nô lệ…

Chúng ta kinh sợ khi đọc những câu chuyện về các trại tập trung của thế kỷ trước, của Đức Quốc xã hay của Stalin, và chúng ta nói: “Làm sao điều này có thể xảy ra được?” Thưa anh chị em, nó đang xảy ra ngày hôm nay, trên các bờ biển gần đó! Những nơi nô dịch. Tôi đã xem một số lời chứng ngôn được ghi hình về điều này: những nơi tra tấn và buôn người. Tôi nói tất cả những điều này bởi vì trách nhiệm của tôi là giúp mở mắt mọi người trước thực tại này. Di cư cưỡng bức không phải là một loại hình “du lịch”! Và tội lỗi của chúng ta khiến chúng ta nghĩ: “Những con người tội nghiệp đó, những con người đáng thương đó!”, và với những từ đó, “những người đáng thương”, chúng ta xóa sạch mọi thứ. Đây là cuộc chiến tranh của ngày nay: nỗi đau khổ của những người anh chị em của chúng ta, mà chúng ta không thể im lặng làm ngơ. Những người anh chị em đã bỏ lại tất cả để lên một con thuyền, trong đêm tối, và sau đó… không biết họ có tới bến bờ được không. Và tất cả những người đã bị quay mặt làm ngơ và kết thúc trong các trại tập trung, những nơi tra tấn và nô dịch thật sự.

Đó là câu chuyện của nền văn minh phát triển mà chúng ta gọi là phương Tây này. Và rồi – thứ lỗi cho tôi, nhưng ở đây tôi muốn nói những điều trong lòng của tôi, ít nhất là để chúng ta có thể cầu nguyện cho nhau và làm điều gì đó – và rồi có hàng rào thép gai. Chúng ta thấy nó ở đây: nó là một phần của cuộc chiến tranh hận thù chia cắt một đất nước. Tuy nhiên, ở những nơi khác, hàng rào thép gai được dựng lên để ngăn chặn lối vào của những người tị nạn, những người đến để tìm kiếm tự do, lương thực, sự trợ giúp, tình huynh đệ, niềm vui, những người chạy trốn khỏi sự hận thù nhưng rồi lại thấy mình đang đứng trước một dạng thù ghét được gọi là dây thép gai. Xin Chúa đánh thức lương tâm của tất cả chúng ta trước những thực tại này.

Xin lỗi nếu tôi đã nói về mọi thứ đúng như thực tế của chúng, nhưng chúng ta không thể im lặng và nhìn về hướng khác giữa cái văn hóa thờ ơ này.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em! Cảm ơn anh chị em.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/12/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét