Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 27 tháng 2, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 27 tháng 2, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 27 tháng Hai, 2022

______________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trong bài Tin mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy tư về cái nhìn và lời nói của chúng ta. Cách nhìn và cách nói của chúng ta.

Trước hết là cách nhìn của chúng ta. Chúa cho biết nguy cơ mà chúng ta gặp phải là chúng ta chỉ tập trung nhìn vào hạt bụi trong mắt của người anh em mà không chú ý đến cái xà trong con mắt của chúng ta (x. Lc 5:41). Nói cách khác là chú ý đến những sai lỗi của người khác, ngay cả những lỗi chỉ nhỏ như hạt bụi, thản nhiên nhìn vào sai lỗi của chúng ta, xem chúng là nhẹ. Điều Chúa Giêsu nói là đúng: chúng ta luôn tìm những lý do để đổ lỗi cho người khác và biện minh cho bản thân. Và rất thường khi chúng ta phàn nàn về những điều sai trái trong xã hội, trong Giáo hội, trên thế giới, mà trước hết không tự vấn bản thân, không cố gắng thay đổi bản thân. Mọi sự thay đổi hiệu quả, tích cực đều phải bắt đầu từ chính chúng ta. Bằng không, sẽ không có thay đổi. Nhưng như Chúa Giêsu giải thích, khi làm việc này, chúng ta nhìn một cách mù quáng. Và nếu chúng ta mù, chúng ta không thể nhận mình là người hướng dẫn và là thầy dạy cho người khác: thật vậy, Chúa nói người mù không thể dắt người mù (x. c. 39).

Anh chị em thân mến, Chúa mời gọi chúng ta hãy dọn dẹp sạch sẽ cái nhìn của mình. Dọn sạch cái nhìn của chúng ta. Ngài yêu cầu chúng ta trước tiên hãy nhìn vào bên trong bản thân mình và nhận ra những khuyết điểm của mình. Vì nếu chúng ta không có khả năng nhìn thấy những nhược điểm của chính bản thân, chúng ta có khuynh hướng sẽ luôn phóng đại khuyết điểm của người khác. Ngược lại nếu chúng ta thừa nhận những sai lỗi và thói xấu của mình thì cánh cửa của lòng thương xót sẽ mở ra cho chúng ta. Và sau khi nhìn vào bản thân, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào người khác như cách nhìn của Ngài – đây là bí quyết, nhìn vào người khác như cách Ngài nhìn – trước hết không nhìn vào điều ác, nhưng nhìn vào điều thiện. Thiên Chúa nhìn vào chúng ta theo cách này: Người không nhìn thấy những lỗi lầm không thể cứu vãn trong chúng ta, nhưng như những đứa con phạm sai lỗi. Nó là việc thay đổi cách nhìn: Ngài không tập trung vào những lỗi lầm, nhưng tập trung vào những đứa con phạm lỗi. Thiên Chúa luôn phân biệt giữa con người và lỗi lầm của người đó. Ngài luôn cứu con người. Ngài luôn luôn tin tưởng con người và luôn sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn luôn thứ tha. Và Người mời gọi chúng ta cũng hãy làm như vậy: không tìm cái ác nơi người khác, nhưng tìm cái tốt.

Sau cách nhìn, hôm nay Chúa Giêsu mời chúng ta hãy suy ngẫm về lời nói của mình. Chúa giải thích rằng “lòng có đầy thì miệng mới nói ra” (c. 45). Đúng như vậy, từ cách một người nói ra, bạn có thể biết ngay những gì có trong lòng họ. Lời nói chúng ta sử dụng cho biết chúng ta là ai. Tuy nhiên, có những lúc chúng ta ít để ý tới lời nói của mình và sử dụng chúng cách nông cạn. Lời nói có sức nặng: chúng giúp chúng ta bày tỏ những suy nghĩ và cảm giác, nói lên những nỗi sợ hãi mà chúng ta có và những kế hoạch mà chúng ta dự định thực hiện, chúc tụng Chúa và chúc phúc người khác. Tuy nhiên, thật đáng buồn, qua ngôn ngữ chúng ta cũng có thể nuôi dưỡng những định kiến, dựng lên những rào cản, gây hại và thậm chí tàn phá; chúng ta có thể tiêu diệt anh em của mình bằng ngôn ngữ. Đồn thổi chuyện sẽ làm tổn thương và nói xấu có thể còn sắc hơn cả một con dao! Ngày nay, đặc biệt trong thế giới số, lời nói đi rất nhanh; nhưng quá nhiều lời chuyển tải sự giận dữ và gây hấn, đưa ra những tin tức giả tạo và lợi dụng nỗi sợ hãi chung để tuyên truyền những ý tưởng xuyên tạc. Một nhà ngoại giao, ông từng lại Tổng thư ký Liên hợp quốc, nói rằng “lạm dụng lời nói là khinh bỉ con người” (D. HAMMARSKJÖLD, Waymarks, Magnano BI 1992, 131).

Vậy chúng ta hãy tự hỏi bản thân chúng ta sử dụng loại từ ngữ như thế nào: những lời diễn tả sự quan tâm, tôn trọng, thấu hiểu, gần gũi, thương xót, hay những lời chỉ nhằm mục đích làm cho chúng ta trông tốt đẹp trước mặt người khác? Và chúng ta ăn nói nhẹ nhàng hay chúng ta làm ô nhiễm thế giới bằng cách gieo rắc nọc độc: chỉ trích, phàn nàn, nuôi dưỡng sự gây hấn rộng khắp?

Xin Đức Maria Mẹ của chúng ta, Đấng mà Thiên Chúa đã nhìn đến lòng khiêm nhường của Mẹ, Đức Nữ đồng trinh của sự thinh lặng mà giờ đây chúng ta dâng lên lời cầu nguyện, giúp chúng ta thanh tẩy cái nhìn và lời nói của chúng ta.

____________________________________

Sau Kinh truyền tin

Anh chị em thân mến!

Trong những ngày gần đây, chúng ta đã bị chấn động bởi một điều bi thảm: chiến tranh. Chúng ta đã liên tục cầu nguyện xin rằng con đường này sẽ không được chọn. Và chúng ta không ngừng nói chuyện; chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện tha thiết hơn lên Thiên Chúa. Vì lý do này, cha nhắc lại với tất cả anh chị em lời mời gọi chọn ngày 2 tháng Ba, là Thứ Tư Lễ Tro, là một ngày cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình ở Ukraine. Một ngày để gần gũi với những đau khổ của người dân Ukraine, để cảm nhận rằng tất cả chúng ta là anh chị em, và nài xin Thiên Chúa kết thúc chiến tranh.

Những kẻ gây chiến quên đi nhân tình. Họ không bắt đầu từ con người, họ không nhìn vào cuộc sống thực của con người, mà đặt lợi ích đảng phái và quyền lực lên trên tất cả. Họ tin vào luận lý ma quỷ và phi lý của vũ khí, là thứ xa rời nhất với luận lý của Thiên Chúa. Và họ xa cách với những con người bình thường, những người muốn hòa bình, và những người – những người bình thường – là nạn nhân thực sự trong mọi cuộc xung đột, những người phải trả giá cho sự điên rồ của chiến tranh bằng chính da thịt của mình. Tôi nghĩ đến những người già, đến những người tìm nơi nương náu trong lúc này, những người mẹ tháo chạy cùng với con cái của họ… Họ là những người anh chị em, những người cần được mở hành lang nhân đạo cấp bách và là những người phải được chào đón. Với trái tim đau đớn vì những gì đang xảy ra ở Ukraine – và chúng ta đừng quên những cuộc chiến ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như Yemen, Syria, Ethiopia ... – tôi xin nhắc lại: hãy bỏ vũ khí xuống! Thiên Chúa ở cùng những người xây dựng hòa bình, không phải với những người sử dụng bạo lực. Vì người yêu chuộng hòa bình, như Hiến pháp Ý chỉ rõ, “từ chối chiến tranh như một công cụ gây hấn chống lại tự do của các dân tộc khác và như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.

Hôm qua, linh mục Gaetano Giménez Martín và mười lăm bạn tử đạo, đã bị giết ở odium fidei trong cuộc đàn áp tôn giáo vào những năm ba mươi của thế kỷ trước ở Tây Ban Nha, được tuyên phong chân phước ở Granada, Tây Ban Nha. Ước mong chứng tá của những người môn đệ anh dũng này của Chúa Kitô khơi dậy trong mọi người sự khao khát phục vụ Tin Mừng với lòng trung thành và can đảm. Xin một tràng pháo tay cho các tân Chân phước!

Đặc biệt cha gửi lời chào las niñas Quinceñeras của Panama, các sinh viên đại học từ giáo phận Porto, các tín hữu của Mérida-Badajoz và Madrid, Tây Ban Nha, những anh chị em đến từ Paris và Ba Lan, các nhóm từ Reggio Calabria, Sicilia và đơn vị mục vụ Alta Langa, các ứng viên Thêm sức từ Urgnano và các bạn trẻ từ Petosino, thuộc giáo phận Bergamo.

Xin gửi lời chào đặc biệt đến những người đến đây nhân Ngày Bệnh Hiếm gặp, diễn ra vào ngày mai. Tôi động viên các Hiệp hội chăm sóc người bệnh và gia đình của họ, cùng với các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực này. Tôi gần gũi với anh chị em! Cha gửi lời chào thân ái đến các dân tộc có mặt ở đây hôm nay. Và cha nhìn thấy nhiều lá cờ của Ukraine! [nói bằng tiếng Ukraina]: Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/2/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét