Iraq trả lại hơn 120 tài sản nhà cửa bị đánh cắp cho người Kitô giáo
Zaid AL-OBEIDI | AFP
27/02/22 - updated on 02/26/22
Các bất động sản đã bị chuyển nhượng bất hợp pháp sau khi chủ sở hữu người Kitô giáo buộc phải tháo chạy.
Hơn 120 bất động sản đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp từ những người Kitô giáo và người Sabeans ở Iraq sẽ sớm được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của chúng. Quyết định này được đưa ra nhờ vào Ủy ban Giải quyết Tài sản Kitô giáo và người Sabaean mới được thành lập và được ủng hộ bởi phe Sadrist.
Asia News tường thuật rằng hiện tượng trộm cắp bất hợp pháp nhà cửa và tài sản của người Kitô giáo đã bắt đầu từ năm 2003. Trong chiến dịch do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm lật đổ Saddam Hussein khỏi quyền lực, hàng loạt người Kitô giáo đã tháo chạy khỏi đất nước, khiến dân số theo Kitô giáo giảm đi khoảng một phần ba. Khi tài sản đất đai của họ bị bỏ hoang, các nhóm được gọi là “mafia đất” chuyển đến để tiếp quản.
“Mafia đất”
Đất đã bị đánh cắp bởi các công cụ “hợp pháp”. Có nghĩa là, những “mafia” này làm giả tài liệu và tuyên bố quyền sở hữu tài sản tại tòa án. Trong hầu hết các trường hợp, những chiến thuật này đã dẫn đến việc các tài sản nhà cửa của người Kitô giáo bị sung công và giao cho những tên trộm. Không rõ các yếu tố tham nhũng trong phòng xử án ở mức độ nào, hoặc đây có phải là kết quả của việc các chủ sở hữu người Kitô giáo hợp pháp không có mặt để tranh luận hay không.
Ngày 21 tháng Hai, Ủy ban đã đi đến quyết định trả lại tài sản. Các tài sản được đề cập bao gồm nhà cửa, doanh nghiệp, nhà máy và đất trống. Báo cáo lưu ý rằng chúng đã được khôi phục trước khi trả lại cho chủ sở hữu của chúng.
Phong trào Sadrist
Theo Fides, quyết định này được thúc đẩy bởi những người ủng hộ phong trào Sadrist, với những người lãnh đạo của họ đã lên nắm quyền sau các cuộc bầu cử quốc hội Iraq vào năm 2021. Với các thành viên của họ nắm giữ 73 trong tổng số 329 ghế, các đảng Shiite thân Iran đã mất đi một số vị trí. Sadrist tuyên bố vai trò như là người bảo vệ “của mọi người yếu đuối.” Họ đã thề sẽ hỗ trợ các cộng đồng thiểu số trong các nỗ lực pháp lý và xã hội để sửa chữa những bất công như vậy.
Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp các nhóm thiểu số Iraq, chẳng hạn như người Kitô giáo và người Sabean, có được sự bảo vệ ở một quốc gia có lịch sử vi phạm nhân quyền. Nó cũng có nghĩa như một cành ô-liu có thể làm cho một số người Kitô hữu đã tháo chạy từ năm 2003 quay trở về.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/2/2022]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét