Những gì chúng ta mang đến bàn thờ: Toàn văn bài giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Antoine Mekary | ALETEIA
03/06/24
Đức Thánh Cha Phanxicô long trọng ban phép lành từ bậc tam cấp của Đền thờ Đức Bà Cả cuối cuộc rước kiệu sau Thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran.
Ngày 2 tháng Sáu năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô trong Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran của ngài. Sau Thánh Lễ, Mình Thánh được rước sang Đền thờ Đức Bà Cả. Trên bậc tam cấp của Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, Đức Thánh Cha đã ban phép lành trọng thể.
Đức Thánh Cha không cùng tham dự rước kiệu giữa hai vương cung thánh đường nhưng ban phép lành cuối cuộc rước kiệu.
Dưới đây là toàn văn bài giảng.
_______________________________________
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô
“Người cầm lấy bánh và dâng lời chúc tụng” (Mc 14:22). Bằng cách này, Tin Mừng Thánh Marcô bắt đầu trình thuật về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể. Như vậy, bắt đầu từ cử chỉ Chúa Giêsu làm phép bánh, chúng ta cùng suy ngẫm về ba khía cạnh của mầu nhiệm chúng ta đang cử hành: tạ ơn, tưởng nhớ và hiện diện.
Trước hết là tạ ơn. Thật vậy, từ “Eucharist” (Thánh Thể) có nghĩa là “tạ ơn”: “dâng lời tạ ơn” Thiên Chúa vì những ân ban của Ngài. Vì vậy, dấu chỉ của bánh rất quan trọng vì nó là lương thực của cuộc sống hàng ngày, và cùng với bánh, chúng ta dâng lên bàn thờ toàn bộ con người chúng ta và tất cả những gì chúng ta có: cuộc sống, công việc, những thành công và cả những thất bại. Trong một số nền văn hóa, điều này được thể hiện bằng phong tục rất đẹp là nhặt bánh lên và hôn bánh nếu nó rơi xuống đất, để nhắc nhở chúng ta rằng bánh là vô cùng quý giá và không thể vứt bỏ, ngay cả khi nó rơi xuống đất. Vì thế, Thánh Thể dạy chúng ta hãy luôn chúc tụng, đón nhận và trân quý những ân tứ của Thiên Chúa như một hành động tạ ơn; không chỉ trong việc cử hành mà còn trong đời sống hằng ngày.
Một ví dụ đó là không lãng phí những của cải và tài năng Chúa ban cho chúng ta. Tương tự như vậy, chúng ta nên tha thứ và trợ giúp những người phạm sai lỗi và vấp ngã vì yếu đuối hoặc sa ngã, nhận biết rằng mọi sự đều là ân tứ và không có gì đáng bị hư mất, rằng không bỏ rơi người nào ở phía sau, và mọi người đều xứng đáng được cơ hội đứng dậy trên đôi chân của mình. Chúng ta có thể làm điều này trong cuộc sống hàng ngày, thực hiện công việc của mình với tình yêu thương, sự chính xác và sự chăm chút, coi đó như một món quà và sứ mệnh. Và luôn luôn trợ giúp những người vấp ngã: thời điểm duy nhất chúng ta có thể nhìn người khác từ trên cao xuống là khi chúng ta giúp họ đứng dậy. Đây là sứ mệnh của chúng ta.
Chắc chắn, chúng ta có thể thêm vào nhiều điều khác để tạ ơn. Đây là những thái độ “Thánh Thể” rất quan trọng vì nó dạy chúng ta hiểu rõ giá trị của những gì chúng ta đang làm và đang cống hiến.
Trước hết là tạ ơn. Tiếp theo là “dâng lời chúc tụng” có nghĩa là nhớ lại. Chúng ta nhớ lại điều gì? Với dân Israel xưa, điều này có nghĩa là nhớ lại cuộc giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập và bắt đầu cuộc xuất hành về miền Đất Hứa. Đối với chúng ta, điều đó có nghĩa là tưởng nhớ Cuộc Vượt qua, Cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô, qua đó Người đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Nó có nghĩa là nhớ lại cuộc sống của chúng ta, những thành công, những lỗi lầm, nhớ lại đôi tay giang rộng của Chúa luôn giúp chúng ta vực dậy trên đôi chân của mình, nhớ lại sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng ta.
Có người cho rằng tự do đích thực có nghĩa là chỉ nghĩ đến bản thân, tận hưởng cuộc sống và làm bất cứ điều gì mình muốn và không cần quan tâm đến người khác. Đây không phải là tự do mà là một hình thức nô lệ ẩn giấu, một hình thức nô lệ càng khiến chúng ta thành nô lệ nhiều hơn nữa.
Nhưng tự do không được tìm thấy trong hầm trú ẩn an toàn của những người tích trữ của cải cho riêng bản thân, cũng như không tìm thấy trên chiếc trường kỷ của những kẻ lười biếng thả mình trôi theo sự buông thả và chủ nghĩa cá nhân. Tự do được tìm thấy ở Phòng Tiệc ly, nơi chúng ta cúi xuống phục vụ tha nhân với động lực thúc đẩy duy nhất là tình yêu, hiến dâng sự sống của mình như những người “được cứu thoát”.
Cuối cùng, bánh Thánh là sự hiện diện thực sự. Điều này nói với chúng ta về một Thiên Chúa không xa cách, không ghen tuông nhưng gần gũi và liên đới với nhân loại; một Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta nhưng luôn tìm kiếm, chờ đợi và đồng hành với chúng ta, đến mức phó mình vào tay chúng ta. Và sự hiện diện thực sự của Người cũng mời gọi chúng ta hãy gần gũi với anh chị em mình ở bất cứ nơi nào tình yêu lên tiếng gọi chúng ta.
Thưa anh chị em, thế giới của chúng ta rất cần loại bánh này là lòng biết ơn, sự tự do và gần gũi, với hương thơm và vị ngọt của nó. Mỗi ngày chúng ta chứng kiến quá nhiều đường phố đã từng tràn ngập hương bánh mì tươi nướng, nhưng giờ đây đã biến thành đống đổ nát bởi chiến tranh, sự ích kỷ và thờ ơ! Chúng ta cần phải cấp bách mang lại cho thế giới của chúng ta hương thơm tươi mới của bánh tình yêu, tiếp tục hy vọng không mệt mỏi và xây dựng lại những gì đã bị phá hủy bởi hận thù.
Đây cũng là ý nghĩa của cử chỉ chúng ta sẽ thực hiện trong cuộc Rước Thánh Thể. Bắt đầu từ bàn thờ, chúng ta sẽ đem Chúa đến trong các ngôi nhà trong thành phố của chúng ta. Chúng ta làm điều này không phải để phô trương hay khoe khoang đức tin của mình nhưng để mời gọi mọi người tham gia vào Thánh Thể, vào đời sống mới mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Chúng ta hãy rước kiệu theo tinh thần này. Cảm ơn anh chị em.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/6/2024]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét