Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2019

Đức Tổng Giám mục Auza trình bày những vấn đề về quyền tại Liên Hợp quốc

Đức Tổng Giám mục Auza trình bày những vấn đề về quyền tại Liên Hợp quốc
UN TV Screenshot

Đức Tổng Giám mục Auza trình bày những vấn đề về quyền tại Liên Hợp quốc

‘Loại bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc, tình trạng phân biệt đối xử sắc tộc, sự bài ngoại và tính bất khoan dung.’

06 tháng Mười Một, 2019 17:10

Ngày 30 tháng Mười, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, có bài phát biểu tại Ủy ban thứ Ba của Phiên họp thứ 74 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc về Chương trình Hành động Mục 68 (a, b), nói về “Loại bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc, tình trạng phân biệt đối xử sắc tộc, sự bài ngoại và tính bất khoan dung.” Bài phát biểu được đọc bởi Đức ông Fredrik Hansen.

Trích dẫn Tuyên ngôn chung về Nhân quyền, Đức Tổng Giám mục Auza lên án tình trạng phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử sắc tộc và phản đối lối suy nghĩ khích động sự bất bao dung và thái độ phân biệt chủng tộc. Ngài bày tỏ lo ngại trước hai hiện tượng: sự gia tăng những thái độ phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và bài ngoại đối với người di dân và tị nạn; và sự gia tăng những hành động bất bao dung và phân biệt đối xử chống lại các cộng đồng và cá nhân chỉ vì tôn giáo và niềm tin của họ, đề cập đặc biệt đến những hành động bạo lực chống lại người Ki-tô giáo và những người khác. Ngài kêu gọi tinh thần đoàn kết, đối thoại liên văn hóa và liên tôn để vượt qua sự thờ ơ và chống lại sự sợ hãi.



Dưới đây là toàn văn phát biểu:

Thưa ông Chủ tịch,

Tuyên ngôn chung về Nhân quyền công nhận rằng “mọi con người sinh ra được tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền. Họ được ban cho lý trí và lương tâm và phải đối xử với nhau trong tinh thần huynh đệ.”[1] Thật đáng buồn, lịch sử chứng minh rằng sự thật nền tảng này liên tục bị thách thức và những thái độ phân biệt chủng tộc và bài ngoại và sự bất bao dung vẫn tiếp tục tồn tại.[2]

Tòa Thánh chưa bao giờ và sẽ không bao giờ bàng quan trước tính nghiêm trọng của những hiện tượng này và mạnh mẽ lên án mọi hình thức của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử sắc tộc. Đầu năm nay, Đức Giáo hoàng Phanxico kêu gọi sự chú ý đến hiện tượng “sợ hãi người khác” nổi lên, trình bày rằng vấn đề không quá đến mức “chúng ta phải nghi ngờ và sợ hãi. Vấn đề nằm ở chỗ khi chúng điều khiển lối suy nghĩ và hành động của chúng ta tới mức độ làm chúng ta trở nên bất khoan dung, khép kín và thậm chí có thể trở thành phân biệt chủng tộc — mà không hề ý thức. Theo cách đó, sự sợ hãi tước mất của chúng ta khát khao và khả năng gặp gỡ người khác, một con người khác với chính tôi.”[3]

Là một Quốc gia Tham gia Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc, Tòa thánh nỗ lực đảm nhận trọn vẹn trách nhiệm của mình phù hợp với bản chất và sứ mệnh của nó. Tòa Thánh cũng tích cực tham gia Hội nghị Durban năm 2001 và đưa ra sự hỗ trợ về đạo đức cho Tuyên ngôn và Chương trình Hành động Durban (DDPA), công nhận rằng việc chống lại sự phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử sắc tộc, sự bài ngoại, và bất khoan dung là vô cùng cần thiết và là điều kiện tiên quyết không thể thiếu cho công lý và hòa bình trên thế giới.

Thưa ông Chủ tịch,

Phái đoàn của tôi bày tỏ mối quan tâm của mình đối với hai hiện tượng đang lớn lên.

Hiện tượng thứ nhất là sự gia tăng những thái độ phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và bài ngoại chống lại người di cư và tị nạn. Trong thông điệp trong Hội nghị Chuyên đề của Mexico-Tòa Thánh về Di cư và Phát triển, Đức Giáo hoàng Phanxico nói rằng người di cư “tiếp tục là đối tượng của những thái độ phân biệt chủng tộc và bài ngoại.”[4] Cần phải có sự cảnh giác trước những hình thức mới của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hoặc thái độ bài ngoại, là những thái độ chỉ gây thêm sự đau đớn và thống khổ cho những người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em vốn đã bị buộc phải chạy trốn khỏi quê hương của họ.

Hiện tượng thứ hai là sự gia tăng đáng lo ngại của những hành động bất khoan dung và phân biệt đối xử chống lại các cộng đồng và cá nhân chỉ vì tôn giáo và niềm tin của họ. Hiện thực đáng báo động về tình trạng bắt bớ tôn giáo là mối quan tâm rất lớn cho Tòa Thánh, không chỉ liên quan riêng đến người Ki-tô hữu chịu đau khổ nhưng cả những tín đồ của các tôn giáo khác đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và bất khoan dung – thường là bạo lực và sát hại. Về vấn đề này, điều quan trọng là phải nhắc lại tính tương thuộc, phù hợp với tính không thể chia tách, và mối tương quan của những quyền con người phổ quát mà những cam kết về tính khoan dung và không phân biệt đối xử không bị tách rời ra khỏi những nghĩa vụ và cam kết dài lâu đối với sự tự do tôn giáo và niềm tin. Sự thực hiện trọn vẹn điều thứ nhất đòi hỏi rằng điều thứ hai cũng phải được thực thi hoàn toàn: thật vậy, một sự khoan dung mang tính hình thức không thể là một cái cớ để từ chối hay không bảo đảm cho sự tự do tôn giáo.

Thưa ông Chủ tịch,

Những gì cần thiết đó là một sự thay đổi về thái độ để vượt qua tính thờ ơ và chống lại sự sợ hãi. Giáo hội Công giáo làm việc để thúc đẩy đối thoại liên văn hóa và liên tôn – thường bao gồm cả sự hy sinh mạng sống – và một tinh thần đoàn kết và huynh đệ để chống lại sự thờ ơ và sợ hãi. Một trong những môi trường trọng điểm để thực hiện việc này là gia đình, Đức Giáo hoàng Phanxico gần đây kêu gọi, “Chúng ta được kêu gọi, trong các vai trò của mỗi người, để nuôi dưỡng và thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của mỗi nhân vị bắt đầu từ trong gia đình — là nơi trong đó chúng ta học được những giá trị chia sẻ, chào đón, huynh đệ và đoàn kết ngay từ tuổi ấu thơ — và cả trong những bối cảnh xã hội khác nhau của chúng ta.”[5]

Xin cảm ơn ông Chủ tịch.

______________________________

1. Tuyên ngôn chung về Nhân quyền, Art. 1.

2. A/73/371.

3. Đức Thánh Cha Phanxico, Thông điệp Ngày người Di cư và Tị nạn Thế giới lần thứ 105, 2019.

4. Đức Thánh Cha Phanxico, Thông điệp nhân dịp Hội nghị Chuyên đề Mexico-Tòa Thánh về Di cư và Phát triển, Mexico City, 14 tháng Bảy năm 2014.

5. Đức Thánh Cha Phanxico, Diễn từ trước các tham dự viên Hội nghị Thế giới về “Sự Bài ngoại, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc dân túy trong bối cảnh di cư toàn cầu,” 20 tháng Chín năm 2018.


Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/11/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét