Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Truyền thông Giáo Hội phải kết hợp Chân lý và Lòng thương xót, Đức Thánh Cha nói

Truyền thông Giáo Hội phải kết hợp Chân lý và Lòng thương xót, Đức Thánh Cha nói

Hôm nay là kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc tế Truyền thông
8 tháng 5, 2016
Ngày thế giới truyền thông
Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh rằng hôm nay kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc tế Truyền thông, ngài diễn tả hy vọng của mình rằng những nhà làm truyền thông cho Giáo hội luôn luôn kết hiệp chân lý và lòng thương xót.
Đức Thánh Cha đề cập đến ngày lễ kỷ niệm hôm nay sau khi đọc Kinh Truyền tin giữa trưa với những người có mặt ở Quảng trường Thánh Phê-rô.
Thông điệp (message) của ngài trong năm nay tập trung vào “Truyền thông và Lòng Thương xót: Một sự gặp gỡ trổ sinh nhiều hoa trái.”
Đức Thánh Cha trích dẫn lại thông điệp cho năm nay để nhắc nhớ rằng ngày quốc tế này được thành lập bởi Công đồng Vatican II, và “các vị tiền thân của công đồng, phản ánh lại Giáo hội trong thế giới hiện đại, đã hiểu được tầm quan trọng đặc biệt của truyền thông, qua đó có thể ‘xây những chiếc cầu nối giữa các cá nhân trong gia đình, các nhóm xã hội và các dân tộc. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được trong cả thế giới thực tại và thế giới kỹ thuật số.”
“Tôi xin gửi đến tất cả những người đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông một lời chào thân ái nhất,” ngài nói, “và tôi hy vọng rằng cách chúng ta truyền thông trong Giáo hội luôn luôn thể hiện việc rao truyền Tin mừng, một phương cách kết hiệp chân lý và lòng thương xót.”
THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NHÂN KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH LẬP NGÀY QUỐC TẾ TRUYỀN THÔNG
Truyền thông và Lòng thương xót: Một sự gặp gỡ trổ sinh nhiều hoa trái
Anh chị em thân mến,
Năm thánh Lòng thương xót mời gọi tất cả chúng ta phải thể hiện được mối tương quan giữa truyền thông và lòng thương xót. Giáo hội, trong sự kết hiệp với Chúa Ki-tô, đang sống hiện thân của Người Cha giàu Lòng thương xót, được mời gọi để thực thi lòng thương xót như là một đặc tính riêng biệt của mình. Những điều chúng ta nói và cách chúng ta nói, trong mỗi từ ngữ và cử điệu của chúng ta phải thể hiện được lòng thương xót của  Thiên Chúa, nhân hậu và thứ tha cho tất cả mọi người. Tình yêu, theo đúng bản chất tự nhiên của nó, là sự truyền thông; nó dẫn đến sự mở lòng và chia sẻ. Nếu con tim và hành động của chúng ta được thúc đẩy bởi tình bác ái, bởi tình yêu thiêng liêng, thì sự truyền thông của chúng ta sẽ được tăng sức bởi quyền năng của Thiên Chúa.
Là những người con của Chúa, chúng ta được mời gọi để giao tiếp với nhau, không có ngoại trừ. Theo một cách thể hiện đặc biệt, những ngôn ngữ và hoạt động của Giáo hội đều mang ý nghĩa chuyển tải lòng thương xót, để có thể đụng chạm đến con tim của mỗi người và giữ cho họ vững vàng trên hành trình đến nguồn sống dồi dào mà Chúa Cha đã sai Chúa Giê-su mang đến cho nhân loại. Điều này có nghĩa là chính bản thân chúng ta phải sẵn sàng đón nhận hơi ấm của Mẹ Giáo hội và chia sẻ hơi ấm đó với mọi người, để mọi người nhận biết và yêu mến Chúa Giê-su. Hơi ấm đó sẽ tăng thêm sự vững vàng cho lời của đức tin; qua sự rao truyền và chứng nhân của chúng ta, nó nhóm lên một “tia sáng” ban tặng sự sống cho họ.
Truyền thông có sức mạnh để xây dựng những chiếc cầu nối, để nối kết những sự gặp gỡ và hiệp nhất, và do đó làm phong phú thêm cho xã hội. Thật đẹp biết bao khi con người biết cẩn trọng chọn lựa từ ngữ và hành động, với cố gắng tránh mọi hiểu lầm, để chữa lành những ký ức bị thương tổn, và để xây dựng hòa bình và hòa hợp. Lời nói có thể xây dựng những chiết cầu nối giữa các cá nhân trong gia đình, trong các tổ chức xã hội và các dân tộc. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được trong cả thế giới thực tại và thế giới kỹ thuật số. Lời nói và hành động của chúng ta phải làm sao giúp chúng ta tránh được những vòng quỹ đạo xấu xa của những chỉ trích, những kết án và hận thù, mà nó sẽ tiếp tục cài bẫy những cá nhân và các dân tộc, nó khuyến khích thể hiện lòng hận thù. Những lời nói của người Ki-tô hữu phải luôn mang tính động viên tình kết hiệp, và thậm chí trong những trường hợp người Ki-tô hữu chắc chắn phải kết án tội lỗi, thì họ cũng đừng bao giờ cố gắng cắt đức những mối quan hệ và liên lạc.
Vì lý do này, Cha muốn kêu mời tất cả những người thiện chí hãy tái khám phá sức mạnh của lòng thương xót để chữa lành những mối quan hệ đã bị tổn thương và lấy lại sự bình an và hòa hợp cho gia đình và cho cộng đoàn. Tất cả chúng ta đều biết có biết bao nhiêu những vết thương xưa kia và biết bao sự hận thù truyền đời này sang đời khác đều đã hóa giải được giữa các cá nhân và dựa trên con đường đối thoại và hòa giải. Những mối quan hệ giữa người với người cũng giống như vậy. Trong mọi trường hợp, lòng thương xót có thể tạo ra một loại ngôn ngữ và đối thoại mới. Shakespeare đã rất có lý khi ông nói rằng: “Giá trị của lòng thương xót không bị gượng ép. Nó tuôn đổ như cơn mưa nhẹ nhàng từ trời xuống trên vùng đất bên dưới. Phúc lành được ban gấp đôi: phúc cho người có lòng thương xót, và phúc cho ai nhận được lòng thương xót đó” (Người thương gia thành Venice, Hồi IV, Cảnh I).
Ngôn ngữ ngoại giao và chính trị của chúng ta sẽ thể hiện vai trò của mình rất tốt nếu nó được thôi thúc bởi lòng thương xót, mà nó sẽ không bao giờ làm mất niềm tin. Tôi kêu gọi những người có trách nhiệm trong cơ quan và chính trị, những người có trách nhiệm hình thành nên công luận, phải thật chú ý đến cách họ nói về những người có tư tưởng hay hành động ngược lại, hay bình luận về những người đã vấp lỗi lầm. Thật dễ dàng đầu hàng trước cám dỗ để lợi dụng những tình huống như vậy để khơi lên những ngọn lửa hoài nghi, sợ hãi và căm ghét. Thay vì vậy, cần có tính can đảm để dẫn đưa con người quay về tiến trình hòa giải. Đó là một sự táo bạo tích cực và đầy sáng tạo để đưa ra được những giải pháp thực sự cho những xung đột cũ xưa và cơ hội xây dựng hòa bình dài lâu. “Phúc cho những ai làm cho người hòa thuận, vì họ sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời” (Mt 5:7-9)
Cha thật mong ước rằng cách truyền thông riêng của chúng ta, cũng như sự phục vụ trong cương vị là chủ chăn của Giáo hội của chúng ta, sẽ không bao giờ gợi ra ưu thế đầy kiêu hãnh và chiến thắng vinh quang trước một đối thủ, hay đánh mất đi sự tôn trọng những người mà thế giới coi như đã mất và dễ dàng bị loại bỏ. Lòng thương xót có thể giúp làm dịu bớt những khó khăn của cuộc đời và tạo ra hơi ấm cho những  ai trải qua cuộc đời chỉ biết đến sự lạnh lùng của những phán xét. Nguyện xin cho cách truyền thông của chúng ta giúp vượt qua được những quan niệm muốn tách biệt rõ ràng những người tội lỗi khỏi người công chính. Chúng ta có thể và chúng ta phải xét đoán những tình trạng của tội – chẳng hạn bạo lực, tham nhũng và bóc lột – nhưng chúng ta không thể xét đoán từng cá nhân mỗi người, vì chỉ Thiên Chúa mới có thể nhìn thấu suốt sâu thẳm tâm hồn họ. Trách nhiệm của chúng ta là phải khuyên nhủ cảnh báo những ai đang bước vào đường lầm lỗi, và tố giác tội lỗi và bất công theo nhiều cách và hành động khác nhau, vì lợi ích giải thoát các nạn nhân  và vực dậy những ai bị vấp ngã. Tin Mừng theo thánh Gioan đã cho chúng ta biết “sự thật sẽ giải phóng các ông” (Gioan 8:32). Sự thật chính là Đức Ki-tô, lòng thương xót dịu êm của Người là một cây thước để đo con đường chúng ta tuyên xưng sự thật và lên án bất công. Nghĩa vụ căn bản của chúng ta là bảo vệ sự thật bằng tình yêu (Eph 4:15). Chỉ những từ ngữ được nói ra trong tình yêu và cùng với sự nhân hậu và thương xót mới có thể chạm đến được với những tâm hồn đầy tội lỗi. Những lời nói và hành động đạo đức và cay nghiệt có nguy cơ làm xa lánh thêm những người chúng ta đang muốn dẫn dắt trở về và giải thoát họ, làm cho họ trở nên cố chấp và phản kháng.
Một số người cảm thấy rằng một viễn cảnh của một xã hội đặt nền móng trên lòng thương xót chỉ là lý tưởng vô vọng hay bao dung thừa thãi. Nhưng chúng ta hãy cố gắng quay lại với sự trải nghiệm những mối quan hệ đầu tiên trong gia đình của chúng ta. Cha mẹ chúng ta yêu thương và hiểu giá trị của chúng ta vì chúng ta là người con hơn là vì những khả năng và thành đạt của chúng ta. Cha mẹ luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái, nhưng tình yêu đó không bao giờ bị phụ thuộc vào những tiêu chí chuẩn mực phù hợp nào cả. Căn nhà của gia đình luôn là nơi chào đón chúng ta (Lc 15:11-32). Cha muốn động viên mọi người đừng bao giờ nhìn xã hội như một diễn đàn là nơi để những người lạ lẫm đua tranh với nhau và cố gắng để vượt lên đứng trên đầu, nhưng trên tất cả hãy xem xã hội như một căn nhà hay một gia đình, nơi cánh cửa luôn luôn rộng mở và mọi người đều cảm thấy được chào đón.
Để điều này có thể xảy ra, trước hết chúng ta phải biết lắng nghe. Truyền thông mang nghĩa chia sẻ, mà chia sẻ đòi hỏi lắng nghe và chấp nhận. Lắng nghe không chỉ đơn thuần là nghe thấy. Nghe thấy là việc tiếp nhận thông tin, trong khi lắng nghe là sự giao tiếp, và đòi phải có sự gần gũi. Lắng nghe cho phép chúng ta hiểu đúng sự việc, và không đơn thuần là một người bàng quan thụ động, một người sử dụng hay một người tiêu dùng. Lắng nghe cũng có nghĩa là có khả năng chia sẻ các vấn đề và sự hồ nghi, là đồng hành bên nhau, là gạt ra khỏi đầu mọi khẳng định về quyền lực tuyệt đối và là dùng những khả năng và tài trí của mình để phục vụ những lợi ích chung.
Lắng nghe không bao giờ là dễ dàng. Rất nhiều khi chúng ta thấy dễ dàng hơn nếu giả điếc. Lắng nghe có nghĩa là phải tập trung, là muốn thấu hiểu, là đánh giá đúng, là tôn trọng và suy nghĩ về những gì người khác nói. Nó cũng mang sắc thái của một sự tử đạo hay tự hiến thân, khi chúng ta cố gắng theo gương Môi-sê đứng trước bụi gai bốc cháy: chúng ta phải tháo đôi giày đang mang khi đứng trên “đất thánh” của cuộc gặp gỡ với người đang nói chuyện với chúng ta (Xh 3:5). Biết lắng nghe là một ơn sủng to lớn, đó là một ân sủng chúng ta cần phải cầu xin để được ban cho và rồi cố gắng thực hành nó.
Emails, tin nhắn, mạng xã hội và chat cũng hoàn toàn có thể là những hình thức giao tiếp truyền thông. Không phải kỹ thuật quyết định có hay không tính xác thực của truyền thông, nhưng do chính con tim của con người và khả năng sử dụng một cách thông minh những phương tiện trong tầm tay của mình. Những mạng xã hội có thể tạo sự dễ dàng cho những mối quan hệ và cổ vũ cho sự tốt đẹp của xã hội, nhưng chúng cũng có thể dẫn đến những sự chia rẽ và phân hóa xa hơn giữa những cá nhân và các tổ chức. Thế giới kỹ thuật số là một quảng trường công cộng, một nơi hội họp mà chúng ta có thể hoặc động viên hoặc thóa mạ nhau, tham gia vào một cuộc thảo luận đầy ý nghĩa hay những cuộc công kích thiếu công bằng. Cha khấn xin rằng trong Năm Thánh này, sống trong lòng thương xót, “có thể mở ra cho chúng ta đến với sự đối thoại chân tình hơn để chúng ta hiểu và biết  nhau nhiều hơn; và nhờ đó nó có thể xóa đi mọi hình thức đóng cửa tâm hồn và thiếu tôn trọng nhau, loại bỏ mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử” (Tông sắc công bố Năm Thánh về Lòng thương xót (Misericordiae Vultus, 23). Internet có thể giúp chúng ta trở thành những công dân tốt hơn. Truy cập vào các mạng kỹ thuật số buộc chúng ta phải có trách nhiệm với những người hàng xóm ở đó của chúng ta là những người chúng ta không gặp mặt, nhưng thực thể họ là người thật và có phẩm giá phải được tôn trọng. Internet phải được sử dụng một cách thông minh để xây dựng một xã hội khỏe mạnh và mở ra sự chia sẻ.
Thông tin truyền thông, diễn ra ở bất kỳ nơi đâu và bằng bắt kỳ cách thức nào, đã mở ra những chân trời lớn hơn cho nhiều người. Đây là một ân ban của Thiên Chúa và đòi hỏi phải có một trách nhiệm cao. Cha muốn nói đến sức mạnh của truyền thông bằng từ “gần gũi”. Sự gặp gỡ giữa truyền thông và lòng thương xót sẽ trổ sinh hoa trái tới mức độ nó xây dựng tình thân để chăm sóc, để an ủi, để chữa lành, để cùng đồng hành và cùng mừng vui. Trong một thế giới đã bị phân hóa, bị rạn nứt và phân tán, giao tiếp với lòng thương xót có nghĩa là giúp tạo ra một tình thân huynh đệ thuần khiết và tự do giữa con cái của Thiên Chúa và tất cả những anh em và chị em trong một gia đình nhân loại.
Từ Vatican, 24 tháng 01, 2016
Phanxico

[Nguồn: https://zenit.org]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 09/05/2016]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét