Diễn văn của Mẹ Teresa tại Liên hiệp quốc nhân dịp kỷ niệm 40 năm
"Một quyết tâm mạnh mẽ: Tôi sẽ yêu”
Sảnh đường Đại hội đồng
26 tháng 10, 1985
[Dựa trên đoạn phim video chưa biên tập của UNTV. Nguyên văn được ghi bởi Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên Hiệp quốc, New York, 14 tháng 01, 2004.]
Giới thiệu của Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Pérez de Cuéllar:
Đây là đại sảnh diễn giả. Chỉ vài ngày trước, trên bục diễn thuyết này, chúng ta chỉ thấy nam giới là những người có quyền lực nhất trên trái đất này. Bây giờ chúng ta có đặc ân được có một người phụ nữ quyền lực nhất trên thế giới. Tôi nghĩ tôi không cần phải giới thiệu Mẹ. Mẹ không cần lời nói. Mẹ cần việc làm. Tôi nghĩ điều tốt nhất tôi có thể làm là tôn vinh Mẹ và nói với Mẹ rằng Mẹ quan trọng hơn tôi nhiều, quan trọng hơn tất cả chúng ta. Mẹ là Liên Hiệp quốc. Mẹ là hòa bình trên thế giới.
Xin cảm ơn.
Mẹ Teresa:
Chúng ta họp nhau ở đây để tạ ơn Chúa trong 40 năm qua với những công việc tốt đẹp mà Liên hiệp quốc đã thực hiện vì ích lợi của con người, để bắt đầu năm hòa bình, chúng ta hãy cùng cầu nguyện, tất cả quý vị đã có bản in, chúng ta cùng cầu nguyện cho hòa bình. Vì công việc của tình yêu là công việc của hòa bình. Chúng ta hãy cùng đọc với nhau để chúng ta có thể đạt được hòa bình và Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta hòa bình, bằng cách hiệp nhất chúng ta với nhau.
Lạy Chúa xin cho con trở nên xứng đáng để phục vụ tha nhân trên khắp thế giới,
những người sống và qua đời trong cảnh nghèo nàn và đói rách.
Xin cho họ hôm nay có lương thực hàng ngày qua đôi bàn tay của chúng con
và bằng tình yêu thấu hiểu trao tặng bình an và niềm vui.
Lạy Chúa xin hãy dùng con
Như khí cụ bình an của Chúa,
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Ðem an hòa vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Ðem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi th tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống
Những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.
Amen.
Chúng ta đã cầu xin Chúa dùng chúng ta như những khí cụ của hòa bình, của niềm vui, của yêu thương, của hiệp nhất, và đây là lý do tại sao Đức Giê-su đến: để chứng minh cho tình yêu đó. Thiên Chúa yêu thương con người quá đỗi đến mức Người ban Giê-su con của Người đến với chúng ta, để trao cho chúng ta tin vui rằng Thiên chúa yêu thương chúng ta. Và biết rằng Người muốn chúng ta yêu thương nhau như Người yêu thương từng người chúng ta. Và biết rằng Người tạo dựng nên chúng ta vì một lý do: để yêu và được yêu. Chẳng còn lý do nào khác. Chúng ta không phải là một con số trên trần gian. Chúng ta là con cái Thiên Chúa.
Lần vừa rồi tôi đến Trung quốc và người ta hỏi tôi “Đối với bà, người Cộng sản là gì?” Tôi trả lời “một người con của Thiên Chúa, một người anh em chị em của tôi.” Và đó đích thực là ý nghĩa của quý vị và của tôi; là anh em chị em. Bởi vì cùng một bàn tay yêu thương của Thiên Chúa đã tạo dựng nên quý vị, tạo dựng nên tôi, tạo dựng nên người nằm trên hè phố, tạo dựng nên người phong cùi, người đói nghèo, người giàu có, cho cùng một mục đích: để yêu và được yêu. Và đây là điều mà quý vị và tôi đến với nhau hôm nay để tìm ra ý nghĩa của hòa bình.
Hòa bình từ đâu đến? Từ công việc của tình yêu. Nó bắt đầu từ đâu? Từ trong gia đình. Nó bắt đầu như thế nào? Bằng việc cùng nhau cầu nguyện. Với gia đình biết cùng nhau cầu nguyện sẽ cùng ở với nhau. Và nếu quý vị ở lại với nhau, quý vị sẽ yêu nhau như Thiên Chúa yêu mỗi con người quý vị. Vì cầu nguyện sẽ cho một tâm hồn thanh sạch và một tâm hồn thanh sạch có thể nhìn thấy được Thiên Chúa. Và nếu quý vị nhìn thấy Thiên Chúa trong anh em, nếu quý vị có niềm vui được nhìn thấy Thiên Chúa trong anh em, chúng ta sẽ yêu nhau. Đó là lý do tại sao không có màu da, không có tôn giáo, không có quốc tịch ngăn cách giữa chúng ta. Vì chúng ta tất cả cùng là con cái do cùng bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, được tạo dựng cho những điều lớn lao hơn: để yêu và được yêu. Chỉ có chúng ta mới được trải nghiệm niềm vui yêu thương đó.
Tôi không bao giờ quên, một thời gian trước đây, hai bạn trẻ đến nhà của chúng tôi và họ cho chúng tôi rất nhiều tiền. Tôi hỏi họ “Chúng con có tiền ở đâu mà nhiều vậy?” Và họ trả lời “hai ngày trước chúng con làm đám cưới. Trước đám cưới, chúng con đã quyết định sẽ không mua quần áo cưới. Chúng con sẽ không tổ chức nghi thức cưới. Chúng con sẽ trao số tiền đó cho Mẹ.” Và tôi hiểu rằng trong đất nước của chúng tôi, trong một gia đình Ấn giáo, điều đó có nghĩa là gì nếu không có quần áo cưới, nếu không có nghi thức cưới. Vì vậy tôi hỏi lại, “Nhưng tại sao? Tại sao chúng con làm như vậy?” Và họ nói “Chúng con yêu nhau nhiều lắm và chúng con muốn chia sẻ niềm vui yêu thương đó với những người mà Mẹ đang phục vụ.” Chúng ta trải nghiệm niềm vui yêu thương đó như thế nào? Chúng ta trải nghiệm nó bằng cách nào? Bằng cách cho đi cho đến khi cảm thấy đau đớn.
Khi tôi đi Ethiopia, mấy đứa bé chạy lại tôi. Chúng nghe biết tôi sắp đến đó , và chúng đến. Nhờ các soeur, chúng đã biết ở Ethiopia trẻ em khổ sở như thế nào. Chúng chạy đến và mỗi bé tặng một thứ gì đó, rất rất rẻ tiền. Và một vài bé cho bất cứ thứ gì chúng có. Một bé trai chạy lại tôi và nói “Con chẳng có gì hết, con không có tiền. Con không có bất cứ thứ gì. Nhưng con có miếng sô-cô-la này. Mẹ cho con, giờ mẹ lấy và mẹ cho các bạn ở Ethiopia.” Em bé đó đã yêu bằng một tình yêu vĩ đại, vì tôi nghĩ rằng đó là lần đầu tiên bé có được miếng sô-cô-la trong tay. Và bé đã cho đi. Bé cho đi với niềm vui được chia sẻ, làm vơi đi một chút đau khổ của ai đó ở đất nước Ethiopia xa xôi.Đây là niềm vui yêu thương: cho đi đến khi đau đớn. Chúa Giê-su đã đau đớn khi yêu chúng ta, vì ngài chết trên cây thập giá, để dạy chúng ta yêu. Và đây cũng là cách chúng ta phải yêu: yêu cho đến khi đau đớn.
Chúng tôi có rất nhiều con người đẹp ;quý vị đã nhìn thấy trong các bức ảnh, những người nghèo của chúng tôi, những con người vĩ đại của chúng tôi. Tôi đã ở với họ trong rất nhiều năm và tôi chưa hề bao giờ nghe thấy một lời phàn nàn. Cách đây ít ngày, tôi đón một người đàn ông trên đường phố về, bị giòi bọ rúc rỉa. Tôi đưa ông ta về nhà của chúng tôi. Và người đàn ông này nói gì? “Tôi đã sống như một con thú vật trên đường, nhưng tôi sẽ chết như một thiên thần, được yêu và được chăm sóc.” Chúng tôi phải mất 3 giờ để lau rửa ông ta, để lấy ra từng con giòi con bọ đang rúc rỉa da thịt ông. Và ông ta không nói gì. Và ngay trước khi, khi chúng tôi vẫn đang cầu nguyện với ông ta, cho ông ta, ông ngước nhìn lên một soeur và nói “Soeur à, tôi sắp về nhà Chúa.” Và ông ta qua đời. Có một nụ cười rất đẹp, rất tuyệt vời trên khuôn mặt ông. Ông về nhà Chúa. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một nụ cười như vậy. Và đấy, người đàn ông này, bị giòi bọ ăn thịt, không kêu ca, không nguyền rủa, và chỉ nói “Tôi về nhà Chúa.” Và thật là một con đường đẹp để trở về với Chúa. Với một tâm hồn thanh sạch, một trái tim tinh tuyền, ngập tràn niềm vui. Đầy tràn lòng nhân hậu và sự yêu thương mà ông nhận được từ các nữ tu chăm sóc ông.
Vâng, đây là điều mà quý vị và tôi, hôm nay, nếu chúng ta đứng lên bảo vệ cho cái lý do mà chúng ta họp nhau nơi đây hôm nay, để bắt đầu cho năm hòa bình, chúng ta phải bắt đầu từ trong gia đình, chúng ta phải bắt đầu từ trong gia đình riêng của chúng ta. Những công việc của tình yêu bắt đầu từ trong gia đình và công việc của tình yêu là công việc của hòa bình. Tất cả chúng ta đều muốn có hòa bình, và chúng ta rất sợ bom nguyên tử, chúng ta sợ căn bệnh mới này. Nhưng chúng ta lại không sợ giết một đứa trẻ vô tội, một sinh linh bé nhỏ chưa ra đời. Ai đã được tạo dựng nên cho cùng một mục đích: để yêu mến Thiên Chúa và yêu quý vị và yêu tôi.
Đây thực sự là một nghịch lý, và ngày nay tôi cảm thấy rằng việc phá thai là một kẻ tàn phá hòa bình lớn nhất. Chúng ta sợ vũ khí nguyên tử, vì nó đụng chạm đến chúng ta, nhưng chúng ta lại không sợ, người mẹ không hề sợ phạm vào tội ác giết người đó. Thậm chí khi chính Thiên Chúa nói về điều đó, Người nói “cho dù người mẹ có quên đứa con của mình, ta cũng sẽ không quên ngươi. Ta đã tạo tác nên ngươi trong lòng bàn tay của ta, ngươi rất quý giá đối với ta. Ta yêu ngươi.” Đây là lời của Thiên Chúa nói với quý vị, với tôi, với đứa trẻ chưa ra đời đó. Và đây là lý do tại sao nếu chúng ta thực sự muốn hòa bình, nếu chúng ta rất chân thành trong tâm hồn rằng chúng ta thực sự muốn hòa bình, thì hôm nay, chúng ta hãy làm một quyết định mạnh mẽ rằng trong những quốc gia của chúng ta, trong các thành phố của chúng ta, chúng ta sẽ không để cho một em bé nào cảm thấy không được cần đến, cảm thấy không được yêu, và bị quăng ra khỏi xã hội. Và chúng ta hãy giúp nhau để làm vững mạnh điều đó, để trong các quốc gia của chúng ta, cái luật giết người vô tội kinh hoàng đó, phá hủy sự sống, phá hủy sự hiện hữu của Thiên Chúa, được tống khứ ra khỏi đất nước của chúng ta, ra khỏi dân tộc của chúng ta, ra khỏi gia đình của chúng ta.
Và vì vậy hôm nay, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta hãy đem lời cầu nguyện trở lại với đời sống của chúng. Vì sự cầu nguyện sẽ cho chúng ta sức mạnh. Cầu nguyện là một việc giúp chúng ta nhìn thấy được Thiên Chúa trong con người của nhau, giúp chúng ta biết yêu nhau như Người yêu mỗi người chúng ta. Đây là điều mà quý vị và tôi phải mang ra cho thế giới. Cả thế giới đang nhìn vào quý vị. Quý vị họp nhau ở đây, từ mọi dân tộc để tìm ra những con đường và những ý nghĩa của hòa bình. Quả thực, những công việc của tình yêu là những công việc của hòa bình, và những việc đó phải bắt đầu từ trong gia đình của chúng ta. Nhiều đau khổ, nhiều sự tàn phá xuất phát từ trong gia đình. Bằng việc phá hủy đứa trẻ chưa ra đời, chúng ta đang phá hủy sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chúng ta đã tàn phá sự yêu thương. Chúng ta đã tàn phá điều thiêng liêng nhất mà một con người có được: niềm vui yêu thương và niềm vui được yêu thương.
Và như vậy ngày hôm nay, khi chúng ta họp nhau ở đây, chúng ta hãy mang trong tim mình một quyết tâm mạnh mẽ: Tôi sẽ yêu. Tôi sẽ là người chuyển tải tình yêu của Thiên Chúa. Vì đó là những gì Đức Giê-su đến để dạy chúng ta: cách yêu thương nhau. Và hãy đem Ngài về nhà chúng ta để yêu thương Ngài, trong gia đình chúng ta … với những người không được cần đến. Có thể ngay trong gia đình chúng ta, chúng ta có những người bé mọn đó.
Tất cả chúng ta đều nói đến nạn đói kinh khủng. Những gì tôi nhìn thấy ở Ethiopia, những gì tôi nhìn thấy ở những nơi khác, đặc biệt trong những ngày này ở những nơi khủng khiếp như Ethiopia, hàng trăm hàng ngàn con người đang đối mặt với cái chết chỉ vì thiếu một miếng bánh ăn, thiếu một ly nước uống. Người ta chết trên bàn tay của tôi. Và rồi chúng ta lãng quên, tại sao là họ mà không phải là chúng ta? Chúng ta hãy yêu thương trở lại đi, hãy chia sẻ, chúng ta hãy cầu xin rằng sự đau khổ kinh hoàng này được tống khứ ra khỏi đất nước chúng ta. Chúng ta hãy cùng chia sẻ với họ niềm vui yêu thương, và tình yêu bắt đầu từ đâu? Lại một lần nữa tôi nhắc lại, từ trong gia đình của chúng ta. Chúng ta hãy mang lại tình yêu, sự bình an và niềm vui qua lời cầu nguyện. Chúng ta hãy mang theo lời cầu nguyện, và cùng nhau cầu nguyện, vì cầu nguyện sẽ mang đến cho quý vị một tâm hồn thanh sạch. Tôi sẽ cầu nguyện cho quý vị để quý vị có thể lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa, bằng cách yêu thương nhau như Người yêu chính mỗi người quý vị, và đặc biệt qua tình yêu này, quý vị trở nên thánh thiện. Sự nên thánh không phải là một sự xa xỉ cho một vài người. Nó là một bổn phận đơn giản cho mỗi người chúng ta. Vì sự nên thánh đem đến tình yêu, tình yêu đem đến hòa bình, hòa bình đem chúng ta lại với nhau.
Và chúng ta đừng sợ hãi vì Thiên Chúa ở cùng chúng ta nếu chúng ta cho phép Ngài, nếu chúng ta tặng cho Ngài niềm vui của một trái tim thanh sạch. Chúng ta hãy cầu nguyện, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Và quý vị cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để chúng tôi có thể tiếp tục công việc của Thiên Chúa với tình yêu vĩ đại.
Quý vị đã nhìn thấy những nữ tu trẻ, hoàn toàn tận hiến cuộc đời của họ cho việc phục vụ người nghèo nhất trong những người nghèo. Những nữ tu trẻ tuổi này chăm sóc 158.000 người bị phong hủi, ở Trung đông, ở Châu Phi, và Ấn độ, và quá nhiều niềm vui, một sự sống mới đã trổ sinh trong cuộc đời họ. Tại sao? Vì có người yêu họ, có người cần đến họ, có người sẽ trao tặng cho họ tình yêu âu yếm và sự chăm sóc. Ngày kia có người hỏi tôi, “Mẹ sẽ làm gì ở chỗ này? Chúng ta có đủ mọi thứ. Chính phủ cho chúng ta mọi thứ. Mẹ sẽ làm gì ở đây?” Tôi chỉ nói “Mẹ sẽ cho họ tình yêu âu yếm và sự chăm sóc.” Không có đồng tiền nào cho được điều đó. Vì vậy quý vị và tôi, chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu với tình yêu âu yếm và sự chăm sóc đó từ trong gia đình. Vì đây là lý do để chúng ta được tạo dựng nên. Đây là điều Chúa Giê-su đến để dạy chúng ta, hãy yêu nhau như Người yêu mỗi người chúng ta. Chúng ta có quá nhiều người nghèo trên khắp thế giới, nhưng tôi thấy rằng sự nghèo nàn do cô đơn, nghèo nàn do không được cần đến, không được yêu, không được chăm sóc, bị bỏ rơi, một sự loại bỏ của xã hội, là một cảnh nghèo nàn rất khó và rất, rất nặng nề, rất khó loại bỏ.
Tôi đã đón về từ đường phố những con người đói khát, và bằng cách cho họ thức ăn, bằng cách cho họ giường để ngủ, tôi đã loại bỏ được sự đau khổ, nhưng chỉ là cho những người cô đơn, những người bị gia đình và xã hội từ chối, những người bị loại bỏ, nó đã chẳng phải dễ dàng. Và vì thế quý vị và tôi phải tiến tới, và chia sẻ niềm vui yêu thương, nhưng chúng ta không thể trao tặng những gì chúng ta không có. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cầu nguyện. Và cầu nguyện sẽ cho chúng ta một trái tim thanh sạch, và một trái tim thanh sạch sẽ cho phép chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa ở trong mỗi người. Và nếu chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa trong mỗi con người, chúng ta sẽ có thể sống trong hòa bình, và chúng ta sẽ có thể chia sẻ niềm vui yêu thương với nhau và Thiên Chúa sẽ hiện diện giữa chúng ta.
Xin Chúa chúc lành cho quý vị.
Mẹ Teresa
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/09/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét