Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Cựu Phóng viên Tạp chí Time nhớ lại buổi Phỏng vấn khó khăn với Mẹ Teresa

Cựu Phóng viên Tạp chí Time nhớ lại buổi Phỏng vấn khó khăn với Mẹ Teresa

BÌNH LUẬN: Vóc người nhỏ bé, lưng khom, quấn mình trong bộ sari màu trắng với những sọc xanh gắn một cỗ tràng hạt — Mẹ Teresa dường như có thể làm mọi việc cùng lúc.

EDWARD DESMOND
06/09/2016
mother teresa
– L’Osservatore Romano
Tôi không nghĩ là sắp xếp phỏng vấn Mẹ Teresa lại khó đến vậy. Là trưởng phòng tạp chí Time ở New Delhi vào cuối thập niên 1980 và ‘90, tôi thường phỏng vấn các thủ tướng, các tướng quân sự, các nhà lãnh đạo chính trị và bất cứ ai có trong phần tin tức ở Nam Á. Nhưng những cú gọi điện thoại liên tục đến nhà mẹ của dòng Thừa sai Bác ái ở Kolkata (tên cũ là Calcutta) làm tôi mất cả phương hướng. Các soeur rất lịch sự nhưng không phải ai cũng quan tâm.
Tôi tìm lời khuyên của các nhân vật trong Giáo hội và các nhà báo, kể cả vợ tôi, Joan Frawley Desmond, thời gian đó vợ tôi thỉnh thoảng viết cho Register. Những gì tôi nghe được là Mẹ Teresa không thích các nhà báo đưa hình ảnh Mẹ lên như một nhân viên xã hội.
Phải mất một vài cuộc điện thoại của các bạn bè trong nhà thờ để có thể chuyển thông tin đến và tôi có cơ hội tốt hơn. Cuối cùng, tôi nhận được một lá thư đánh máy từ Mẹ Teresa yêu cầu tôi có mặt tại nhà mẹ, số 54a A.J.C. Đường Bose, ngày 16 tháng 12, 1988, để phỏng vấn. Thư của Mẹ chuyển từ hành chính sang rao giảng trong một vài câu. Mẹ viết cuối thư, “Yêu cầu nguyện, trong một ngày cần phải thường xuyên cảm thấy nhu cầu cầu nguyện và đừng ngại cầu nguyện để anh có thể làm công việc được ủy thác cho anh nhằm làm vinh danh Người. Cầu nguyện làm mở rộng con tim cho đến khi nó có thể chứa đựng được ân sủng của chính Thiên Chúa.” Chỉ có thế, và Mẹ ký tên.
Kolkata thậm chí ồn ào hơn, đông đúc hơn và hỗn loạn hơn bạn có thể tưởng tượng. Nhưng nó cũng là một thành phố rất thân thiện và nhiệt tình, khi cú sốc ban đầu vào thành phố qua đi. Tôi cảm thấy một chút có tội khi ở trong cảnh tiện nghi của khách sạn Oberoi, nó là một khu ốc đảo ẩn sau những cánh cổng sắt khổng lồ nặng nề trên đường Jawaharlal Nehru, một dòng sông cuộc đời thực sự chảy qua thành phố. Điểm dừng đầu tiên của tôi là đến gặp Cha Edward Le Joly, là một linh mục dòng Tên cao tuổi gốc Bỉ và đã là cư dân của Kolkata rất lâu. Ngài đã làm việc với các nữ tu nhiều năm và là linh mục giải tội của Mẹ Teresa. Ngài sống ở một chỗ rất giản dị, chỉ có một cái giường, một cái bàn, một mùng ngủ và một cái quạt — để chống lại cái nóng đổ mồ hôi quanh năm.
Chúng tôi nói chuyện về cuộc phỏng vấn suốt bữa trưa. Cha Le Joly nói với tôi rằng ngài luôn muốn hỏi Mẹ về quan điểm của Mẹ về việc trở lại đạo ở Ấn độ. Vị linh mục nói, Mẹ rất muốn làm những lần rửa tội số đông. Trong 60 năm kể từ lần đầu tiên Mẹ đến Ấn độ, mẹ được người Ấn giáo, Hồi giáo, và Ki-tô giáo tôn sùng như nhau, và công việc của mẹ với người nghèo nhất trong những người nghèo, trẻ mồ côi và người hấp hối rất nổi tiếng trên thế giới. Nhưng việc rửa tội trở lại đạo rất âm thầm, và chỉ là đối với những người nằm ở bên lề của xã hội Ấn độ. Tôi nói với Cha Le Joly tôi sẽ hỏi.
Sáng hôm sau, tôi khởi hành đến nhà mẹ của dòng Thừa sai Bác ái, thực ra là một khu tổng hợp rất nhộn nhịp hơn là một tòa nhà đơn. Tôi tìm đường vào qua cái cổng và hỏi tìm gặp Mẹ Teresa, nhưng cũng khá dễ tìm mẹ.
Vóc người nhỏ bé, lưng khom, quấn mình trong bộ sari màu trắng với những sọc xanh gắn một cỗ tràng hạt — Mẹ Teresa di chuyển rất nhanh qua sân để chào các khách đến thăm, hướng dẫn các soeur và xướng kinh Mân côi. Mẹ dường như làm mọi việc này cùng một lúc. Tôi chặn Mẹ lại và tự giới thiệu, nhưng mẹ hơi chuyển hướng và vẫn tiếp tục đi. Tôi vội bước theo và thử giới thiệu lại một lần nữa, buột miệng nói rằng tôi hy vọng có một chỗ nào đó yên tĩnh để nói chuyện. Ngay lúc đó, Mẹ quay sang chào một bác sĩ người Bengali và vợ của ông ta làm thiện nguyện trong một phòng mạch của mẹ.
Mẹ dường như quyết tâm tách khỏi tôi như một luồng gió chướng thổi qua cơ sở của mẹ. Cách trả lời duy nhất là phải bám theo Mẹ và giữ micro ở phía dưới miệng của mẹ và phải nói thật lớn qua đôi tai mẹ bị khăn lúp trùm kín. Nó giống như một sự thỏa thuận mà mẹ phải cố chịu. Mẹ có thể nghe thấy tôi, nhưng tôi thì khó mà nắm được hết những gì mẹ nói. Tôi nhìn thấy bàn tay nhỏ bé của mẹ lần các hột chuỗi tràng hạt. Mẹ đang trả lời tôi hay đang lần Chuỗi Mân côi? Tôi không biết nữa.
Cứ lúc nào có dịp, mẹ lại ngắt lại và nói chuyện với một khách mới đến thăm. Cuối cùng, sau khoảng 15 phút, mẹ quay lại và nói, “Thôi đủ rồi; làm ơn về đi.” Tôi liền hỏi ngay liệu tôi có thể trở lại. Tôi nghĩ là tôi nghe thấy mẹ nói, “Ngày mai.”
Tôi biết Mẹ sẽ dự lễ 6 giờ sáng trong nhà nguyện ít người trong nhà mẹ, vì vậy tôi quyết tâm đến đó, hy vọng mẹ có thể có ấn tượng vì tôi thức dậy sớm. Chẳng có dấu hiệu nào như tôi nghĩ. Sau lễ, mẹ quỳ rất lâu lần hạt Mân côi. Cuối cùng, mẹ đứng lên và nhanh chóng rời khỏi nhà nguyện.
Tôi đón mẹ và nài nỉ xin hỏi thêm vài câu. Mẹ thở dài khi tôi rút cái micro ra và bắt đầu, lại thêm một lần nữa, nhưng có thể nghe rõ câu trả lời của mẹ. Có một chỗ, mẹ lại đưa tôi vào cuộc và hỏi tôi là tôi dùng nghề nghiệp của tôi để phục vụ cho công việc của Thiên Chúa như thế nào, làm tôi đỏ cả mặt lên. Tôi tiếp tục và không trả lời, và mẹ có vẻ cũng không thấy phiền lòng. Tôi có nhận được câu trả lời cho câu hỏi của cha Le Joly về việc đưa người ta trở lại đạo, và ngay lập tức mẹ nói, “Thôi đủ rồi.” Và Mẹ Teresa bỏ đi.
Cuộc phỏng vấn coi như thất bại, tôi chắc chắn như vậy. Tôi gửi telex về các biên tập viên của tôi ở New York, và khi tôi trở lại New Delhi, tôi tua đi tua lại băng cassette trong văn phòng của tôi. Một năm sau, giữa những tin đồn sức khỏe của Mẹ Teresa đang xấu đi, tôi lại lôi băng ghi âm ra khỏi ngăn kéo và gọi một đồng nghiệp ngồi viết lại. Tôi cố tìm những câu nói nào đó hữu dụng cho lời trối trăn. Thay vì vậy những gì tôi tìm được là một ngạc nhiên lớn: Cuộc phỏng vấn rất rõ ràng, dứt khoát và đáng chú ý. Đôi tai và tâm trạng thất vọng đã đánh lừa tôi. Những lời của Mẹ Teresa hiện ra thật đẹp.
Tôi biên tập nhanh để lời văn sáng hơn, rút ngắn để hợp vừa với mẫu phỏng vấn hai trang cho Tạp chí Time và gửi telex cho các biên tập viên của tôi ở New York. Liền sau đó, cuộc phỏng vấn được đăng trên tạp chí hàng tuần và hàng triệu người trên thế giới đọc. Về phần Mẹ Teresa, tôi không bao giờ nghe mẹ nói một lời  nào về buổi phỏng vấn. Tôi nghi ngờ không biết Mẹ có đọc không. Cũng hơi buồn, tôi thừa nhận như vậy, vì tôi thực sự muốn có một tín hiệu nào đó cho thấy dù sao buổi phỏng vấn cũng không đến nỗi quá tệ.
Tôi thực sự lại nghe được tin từ Mẹ Teresa, nhưng vì một lý do khác. Tôi đã gửi cho các soeur một số mẩu báo cắt ra từ tờ The New York Times nói về những điều kiện kinh khủng của các trẻ khuyết tật ở các nhà mồ côi của Rumani theo sau sự sụp đổ của thể chế cộng sản. Đây mới thực sự là bản tin dành cho Mẹ Teresa, Mẹ ngay lập tức bắt tay vào việc đưa các soeur sang Rumani để một lần nữa các soeur lại đem tình yêu của Thiên Chúa đến với người nghèo nhất giữa những người nghèo.
Đối với việc đó, các soeur của Mẹ chuyển lời cảm ơn của Mẹ. Có thể là cuối cùng mẹ cũng nghe được câu trả lời cho câu hỏi của mẹ, câu hỏi làm tôi đỏ mặt. Một hành động vô cùng nhỏ bé, tôi đã thực hiện “công việc được ủy thác cho tôi để làm vinh danh Người hơn.”
Edward Desmond là cựu trưởng phòng Châu Á cho tạp chí Time.
Xin đọc phỏng vấn ở bản tin đăng tiếp theo (gồm 2 phần).

[Nguồn:  ncregister]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 07/09/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét