Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho Ngày Lương thực Thế giới
‘Nếu chỉ cảm thấy bồn chồn và cảm động vì những người, ở mọi vĩ độ, cầu xin có lương thực hàng ngày thì chưa đủ. Những quyết định và hành động mới là cần thiết’
14 tháng 10, 2016
Pope - CTV Screenshot
Nhân dịp Ngày Lương thực Thế giới vào ngày Chủ nhật 16 tháng 10, và năm nay có chủ đề: “Khí hậu đang biến đổi,” Đức Thánh Cha gửi tới ông Tổng Giám đốc của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp quốc (FAO), thông điệp do Vatican cung cấp sau đây:
* * *
Gửi Giáo sư José Graziano da Silva
Tổng Giám đốc của FAO
Thưa ngài,
1. Trước thực tế FAO đã chọn cống hiến cho Ngày Lương thực Thế giới hôm nay với chủ đề “Khí hậu đang biến đổi. Lương thực và Nông nghiệp cũng phải thay đổi”, bắt chúng ta phải cân nhắc đến việc đấu tranh chống lại nạn đói vì đó là một mục tiêu khó khăn để đạt được trước thực trạng của một hiện tượng phức tạp như biến đổi khí hậu. Liên quan đến việc phải đối mặt với những thử thách mà thiên nhiên đặt ra cho con người, và con người đặt ra cho thiên nhiên (Tông huấn Laudato si’, 25), tôi trình bày một số phản ánh liên quan đến FAO, những chính phủ thành viên của nó và những người tham gia vào hoạt động của nó.
Nguyên nhân của biến đổi khí hậu hiện tại là gì? Chúng ta phải chất vấn trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm chung của chúng ta, mà không viện dẫn lối ngụy biện giả tạo ẩn giấu đằng sau những số liệu thống kê hoặc những dự báo đối lập. Điều này không có nghĩa từ bỏ những dữ liệu khoa học mà chúng ta cần hơn bao giờ hết, nhưng phải vượt xa hơn việc chỉ giải thích đơn thuần hiện tượng hoặc báo cáo lại những ảnh hưởng của nó.
Tình trạng con người của chúng ta rất cần thiết có mối tương hỗ lẫn nhau, và trách nhiệm của chúng ta là những người bảo vệ tạo vật và trật tự của nó, đòi hỏi chúng ta phải dò tìm lại những nguyên nhân của những biến đổi hiện tại và đi đến gốc rễ của chúng. Đầu tiên và trên hết, chúng ta phải thừa nhận rằng rất nhiều tác động tiêu cực hiện nay về khí hậu đều xuất phát từ thái độ đối xử hàng ngày của con người, của các cộng đồng, các dân tộc và các chính phủ. Nếu chúng ta ý thức được điều này, thì một sự đánh giá đơn thuần trong những thuật ngữ đạo đức và luân lý là không đủ. Cần thiết là phải có hành động một cách khôn ngoan và từ đó đưa ra được những quyết định cần thiết, để ngăn chặn hoặc thúc đẩy những thái độ và lối sống nào đó vì lợi ích của những thế hệ trẻ và những thế hệ sau này. Chỉ bằng cách này thì chúng ta mới bảo tồn được hành tinh của chúng ta.
Những sự hồi đáp đưa vào thực hành phải được lên kế hoạch phù hợp, và không được tạo ra bởi những cảm tính hay những động cơ nhất thời. Lập kế hoạch cho chúng là vô cùng quan trọng. Trong nhiệm vụ này, các tổ chức phải làm việc với nhau và điều đó đóng một vai trò rất quan trọng, bởi vì hành động của các cá nhân, trong khi rất cần thiết, chỉ trở nên hiệu quả nếu nó được đóng khung trong một mạng lưới được cấu thành bởi những con người, những cơ quan công và tư, và các bộ máy quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, mạng lưới này không thể tồn tại ở tình trạng vô danh; mạng lưới này là tình huynh đệ, và phải hoạt động trên căn bản của tình đoàn kết cơ sở của nó.
2. Những người gắn bó trong công việc trên các cánh đồng, trong nông trại, trong ngành đánh bắt thủy sản tầm mức nhỏ, hay trong rừng, hoặc những người sống ở các khu vực nông thôn phải tiếp xúc trực tiếp với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ý thức rằng nếu có những biến đổi khí hậu, cuộc sống của họ cũng thay đổi. Đời sống thường nhật của họ bị ảnh hưởng bởi những tình hình khó khăn hay từng lúc như thảm kịch, tương lai ngày càng trở nên bấp bênh, và do tình hình này ý nghĩ phải bỏ nhà cửa và những người thân yêu ra đi bắt đầu trỗi dậy. Đang có một xu hướng phổ biến về sự bỏ mặc, cảm giác bị bỏ rơi bởi các cơ quan, bị tước đoạt những đóng góp về kỹ thuật khả thi hay thậm chí sự suy xét công bằng về phía của tất cả những người được hưởng lợi từ công việc của họ.
Từ sự khôn ngoan của những cộng đồng vùng nông thôn chúng ta có thể học được một lối sống có thể giúp bảo vệ chúng ta thoát khỏi lập luận của chủ nghĩa tiêu dùng và sản xuất bằng mọi giá, một lập luận, được che đậy trong những biện minh rất đẹp đẽ, chẳng hạn sự gia tăng dân số, thực tế chỉ đơn thuần nhắm mục đích gia tăng lợi nhuận. Trong lĩnh vực của FAO hoạt động, ngày càng có thêm con số những người tin rằng họ có quyền tuyệt đối, hoặc có thể bỏ qua những chu kỳ mùa màng và chuyển đổi không đúng cách nhiều chủng loại động vật và cây trồng, dẫn đến sự đánh mất tính đa dạng mà bản chất mỗi thứ phải có một vai trò của nó nếu nó tồn tại trong tự nhiên. Những chất lượng sản xuất có khả năng tạo ra những kết quả tuyệt vời trong phòng thí nghiệm có thể thuận lợi cho một số loài, nhưng lại có hậu quả hủy hoại những loài khác. Và nguyên tắc cảnh báo là không đủ, vì nó thường chỉ là giới hạn không cho phép làm một điều gì đó, trong khi thực sự cần phải hành động theo cách cân bằng và chân thật. Việc lựa chọn gien thực vật chất lượng cao có thể tạo ra những kết quả ấn tượng trên bình diện sản lượng, nhưng chúng ta có cân nhắc đến đất trồng bị kiệt quệ khả năng sinh lợi, người nông dân không còn đồng cỏ cho đàn gia súc của họ, và những nguồn nước trở thành vô dụng? Và trên tất cả, chúng ta đã đặt vấn đề có phải chúng ta đã góp phần vào việc làm biến đổi khí hậu và góp phần đến mức độ nào không?
Vậy thì, đây không phải là lời cảnh báo, nhưng là một sự khôn ngoan: những gì các người nhà quê, ngư dân và nông dân còn giữ lại trong ký ức được truyền lại cho các thế hệ mà bây giờ bị coi khinh và bị lãng quên bởi một mô hình sản xuất hoàn toàn đem lại lợi ích cho một nhóm rất giới hạn và một phần rất nhỏ của dân số thế giới. Chúng ta hãy nhớ rằng nó là một mô hình trong đó, bất kể tính khoa học của nó, để lại khoảng 800 triệu người tiếp tục bị đói.
3. Vấn đề được trực tiếp phản ánh trong tình trạng khẩn cấp mà các tổ chức liên chính phủ như FAO được kêu gọi để đương đầu và tìm cách giải quyết trên căn bản mỗi ngày, ý thức thật rõ ràng rằng những biến đổi khí hậu không phải duy nhất thuộc về phạm vi của khí tượng. Làm sao chúng ta có thể quên rằng khí hậu góp phần làm cho sự dịch chuyển của con người không thể dừng lại được? Những số liệu gần đây nhất cho chúng ta thấy rằng tình trạng di cư vì những lý do khí hậu ngày càng tăng mạnh, làm tăng mạnh con số những người thấp hèn nhất, những người bị loại trừ, những người bị từ chối có một vai trò trong đại gia đình nhân loại. Một vai trò không phải là sự ban ơn bởi một nhà nước hay bởi một địa vị xã hội, nhưng nó thuộc về mỗi con người bởi nhân đức họ là một con người, cùng với phẩm giá và quyền của con người đó.
Nếu chỉ cảm thấy bồn chồn và cảm động vì những người, ở mọi vĩ độ, cầu xin có lương thực hàng ngày thì chưa đủ. Những quyết định và hành động mới là cần thiết. Rất thường khi, cũng như Giáo hội Công giáo, chúng ta lặp lại rằng mức độ sản lượng của thế giới đủ để bảo đảm lương thực cho tất cả, miễn là sự phân chia được công bằng. Nhưng liệu chúng ta có thể cứ tiếp tục đi theo dòng chảy này, nếu lập luận thị trường đi theo những con đường khác, tới mức tạo ra những sản phẩm lương thực thành một mặt hàng như những thứ khác, để sử dụng sản vật ngày một nhiều cho những ứng dụng không với mục đích như lương thực, hay hủy bỏ thực phẩm vì lý do đơn giản rằng đã có sự vượt mức liên quan đến lợi nhuận và không cần thiết nữa? Quả thật, chúng ta biết rằng cơ cấu phân phối vẫn còn là lý thuyết nếu người bị đói không có được sự tiếp cận hiệu quả với thực phẩm, và nếu họ tiếp tục phải lệ thuộc vào sự hỗ trợ có điều kiện từ bên ngoài, nếu mối tương quan đúng đắn giữa nhu cầu và sự tiêu thụ không được thiết lập, và quan trọng hơn nữa, nếu sự lãng phí không chấm dứt và sự bỏ phí lương thực không được giảm bớt.
Tất cả chúng ta đều bị đòi hỏi phải chung sức trong việc thay đổi tiến trình này: những nhà nắm quyền quyết định chính trị, những nhà sản xuất, những người làm việc trên đất đai, ngư nghiệp và rừng, và mọi công dân. Đương nhiên mỗi người với trách nhiệm khác nhau, nhưng tất cả cùng chung vai trò xây dựng trật tự nội bộ trong các quốc gia và một trật tự quốc tế không còn cho phép sự phát triển là đặc quyền của một số ít, cũng như tài sản của tạo hóa không phải là tài sản kế thừa của giới quyền lực. Không hề thiếu những tiềm năng hoặc những mẫu gương tích cực và những thực tiễn tốt đẹp có sẵn cho chúng ta những kinh nghiệm để có thể noi theo, chia sẻ và nhân rộng.
4. Ước mong hành động không thể lệ thuộc vào những mối lợi có thể lấy được từ nó, nhưng thay vào đó nó là một đòi hỏi có mối liên kết tới những nhu cầu hiển nhiên trong đời sống của con người và của toàn gia đình nhân loại. Những nhu cầu vật chất và tinh thần, như trong bất cứ trường hợp thực tế nào, nó không phải là kết quả của những quyết định của một thiểu số người, của những mốt thời trang của thời đại hay của những mô hình sống biến con người thành một vật thể, sự sống con người thành một công cụ, thậm chí là để thử nghiệm, và việc sản xuất lương thực chỉ là một việc thuần túy buôn bán kinh tế, thậm chí có thể hy sinh những lương thực đã thu hoạch sẵn sàng, được thiên nhiên ban tặng để bảo đảm rằng mỗi con người đều có thể có đủ số lượng thực phẩm tốt mỗi ngày.
Chúng ta hiện nay đến gần với giai đoạn mới mà ở Marrakech sẽ kêu gọi tất cả các Đảng phái Chính phủ đến với Hiệp định về biến đổi khí hậu để đưa ra được hiệu quả cho những cam kết này. Tôi xin phản ánh lại lòng khát khao của rất nhiều người bày tỏ hy vọng rằng những mục tiêu được đề ra bởi Hiệp định Paris không chỉ tồn tại như một văn bản đẹp, nhưng hơn thế chúng phải được chuyển thành những quyết định can đảm có khả năng tạo ra sự thống nhất không chỉ là vấn đề đạo đức nhưng cũng là một mô hình làm việc trong kinh tế, và tình huynh đệ không chỉ còn là một khát vọng nhưng là một tiêu chuẩn cho sự lãnh đạo quốc nội và quốc tế.
Thưa ông Tổng Giám đốc, trên đây là một số phản ánh tôi mong muốn chuyển đến ông trong lúc này, trong đó có những lo lắng, những xáo trộn và căng thẳng do vấn đề khí hậu gây ra, nó đang hiện hữu ngày một lớn trong đời sống thường nhật của chúng ta và có một ảnh hưởng trên những điều kiện sống của quá nhiều người trong số anh chị em của chúng ta, trong đó có những người bé mọn và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Nguyện xin Thiên Chúa Toàn năng chúc phúc cho những nỗ lực của ông trong sự phục vụ nhân đạo chung.
Từ Thành phố Vatican, 14 tháng Mười 2016
FRANCIS
[Văn bản chính: tiếng Tây ban nha] [Bản dịch của Vatican cung cấp]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/10/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét