Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Video làm nổi bật chủ đề của Tông huấn Gaudate et Exsultate

Video làm nổi bật chủ đề của Tông huấn Gaudate et Exsultate

Tiếng gọi nên thánh trong thế giới hôm nay

9 tháng Tư, 2018
Video làm nổi bật chủ đề của Tông huấn Gaudate et Exsultate
Vatican Media Screenshot
Truyền thông Vatican phát hành một video mới về chủ đề của Tông huấn Gaudate et Exsultate (Mừng rỡ hân hoan): Tiếng gọi nên thánh trong thế giới hiện đại của chúng ta. Đoạn video dài hai phút rưỡi cho thấy cách tông huấn tập trung vào những nhu cầu của con người thuộc mọi độ tuổi trên toàn thế giới.


Dưới đây là lời văn trong video, của Vatican cung cấp:


Lời dẫn Video về Tông huấn của Đức Thánh Cha Phanxico

GAUDETE ET EXSULTATE: tiếng gọi nên thánh trong thế giới hôm nay

Bạn có phải là một trong số những người không hài lòng với một cuộc sống tầm thường?[1]

Đức Thánh Cha Phanxico viết gửi bạn một lá thư rất dài.

Nó là một thông điệp cho những người giống như bạn đang sống trong những mối hiểm nguy, những thách đố và những cơ hội của ngày nay.[2]

Những người yêu thương và nuôi dưỡng con cái của họ.[3]

Những người đang làm việc hết sức mình để đưa lương thực đến bàn ăn.[4]

Những người già.[5]

Một nữ tu, một linh mục.[6]

Những người đang sẵn sàng cho tương lai.

Vì từng người chúng ta đều được kêu gọi để nên thánh.[7]

Điều đó cũng có nghĩa là chính bạn. Điều này có bao giờ xuất hiện trong tâm trí bạn chưa?[8]

Nó không có nghĩa là bạn tốt hơn bất kỳ ai khác vì bạn biết nhiều hơn[9], hay làm nhiều hơn[10], người khác.

Và nó cũng không có nghĩa là mù quáng tuân theo những luật lệ mà không có sự yêu thương.[11]

Nó nghĩa là phải tín thác vào Ơn sủng để giúp bạn nên thánh.[12]

Chúa Giê-su sẽ chỉ cho bạn con đường.[13]

Chúa Giê-su chính là đường.[14]

Hôm nay, bước đi theo Ngài là lội ngược dòng.[15]

Đó không phải là thờ ơ trước những đau khổ và bất công trên thế giới.[16]

Nó chính là sự can đảm,[17] chiến đấu,[18] là khiêm nhường[19] và có óc hài hước.[20]

[ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO]: Đừng sợ nên thánh![21]

[1] Gaudete et Exultate (Mừng rỡ hân hoan), 1: “Người muốn chúng ta nên thánh chứ không phải là sống một cuộc sống vô vị và tầm thường”.

[2] GE, 2: “Mục tiêu nhỏ bé của tôi chỉ là tái đề nghị lại tiếng gọi nên thánh theo một con đường thiết thực trong thời đại của chúng ta, với tất cả những hiểm nguy, những thách đố và những cơ hội của nó”.

[3] GE, 7: “Tôi thích chiêm ngưỡng sự nên thánh thể hiện trong sự kiên trì của dân Chúa: nơi những cha mẹ nuôi dưỡng con cái của họ với tình yêu bao la, nơi những người nam nữ cố sức làm việc để chu cấp cho gia đình của họ, nơi những bệnh nhân, nơi những tu sĩ cao tuổi nhưng không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trì của họ tôi nhìn thấy sự nên thánh của Giáo hội tại thế”.

[4] Ibid.

[5] Ibid.

[6] Ibid.

[7] GE, 10: “với Tông huấn này tôi muốn duy trì lời kêu gọi nên thánh mà Thiên Chúa gửi đến mỗi người chúng ta, tiếng gọi Người cũng gửi đến cá nhân anh chị em: ‘Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh’ (Lv 11:44; x. 1 Pr 1:16). Công đồng Vatican II trình bày vấn đề này rất rõ ràng: ‘Được củng cố bởi rất nhiều những phương cách vĩ đại của sự cứu rỗi, tất cả mọi tín hữu, bất kể điều kiện hay tình trạng của họ như thế nào, đều được Thiên Chúa kêu gọi – mỗi người theo cách riêng của họ – để sống thánh thiện vì Chúa Cha là Đấng Thánh’”.

[8] Ibid.

[9] GE, 37: “Tạ ơn Chúa, xuyên suốt lịch sử của Giáo hội đã cho thấy rất rõ rằng sự hoàn thiện của một người không được đo bằng lượng thông tin hoặc kiến thức họ có, nhưng bằng chiều sâu đức ái của họ”.

[10] GE, 49, Trích dẫn Tông huấn Evangelii Gaudium 94 (Niềm vui của Tin mừng: “Quá tin ở sức mình và chỉ biết nghĩ đến mình nơi những người cuối cùng chỉ cậy dựa vào sức của họ và cảm thấy họ trổi vượt hơn những người khác bởi vì họ tuân giữ những tiêu chuẩn đã được thiết lập hoặc trung thành với một phong cách Công Giáo nào đó”.

[11] GE, 101: “Sai lầm về hệ tư tưởng nguy hại khác được tìm thấy nơi những người luôn nghi ngờ về tình trạng xã hội của người khác, xem đó là sự thiển cận, trần tục, thế gian, duy vật, cộng sản hay dân túy. Hoặc tương đối hóa nó, nghĩ rằng có những vấn đề khác quan trọng hơn, hoặc điều đáng quan tâm duy nhất là một vấn đề đạo đức duy nhất hay là một nguyên tắc bản thân họ phải bảo vệ. (…) Chúng ta không thể ủng hộ một lý tưởng nên thánh nhưng lại bỏ qua những bất công trong một thế giới nơi những người hưởng thụ tiêu xài thừa thãi và chỉ sống để tìm đến những sản phẩm tiêu dùng mới nhất, ngay cả khi những người khác đang đứng nhìn thèm khát từ xa xa, họ đang phải sống cuộc đời nghèo khổ hèn hạ.”

[12] GE, 100: “Tôi thấy tiếc rằng có những lúc các hệ tư tưởng dẫn đưa chúng ta đến hai sai lầm nguy hiểm. Về một mặt, đó là sai lầm của những Ki-tô hữu tách rời những đòi hỏi của Tin mừng trong mối quan hệ riêng tư của họ với Thiên Chúa thoát khỏi sự kết hiệp nội tâm với Người, khỏi sự mở lòng ra cho những ơn sủng của Người. Ki-tô giáo như vậy trở nên như một hình thức NGO (Non-governmental organization: tổ chức phi chính phủ) vuột ra khỏi thực tại thần nghiệm thể hiện rõ ràng trong đời sống của các thánh Phanxico Assisi, Thánh Vinh Sơn de Paul, Thánh Teresa Calcutta, và nhiều vị thánh khác.”

[13] GE, 63: “Chúa Giê-su đã giải thích vô cùng rõ ràng sự nên thánh là gì khi Người ban cho chúng ta Tám Mối Phúc (x. Mt 5:3-12; Lc 6:20-23)”.

[14] Gioan 14, 6.

[15] GE, 65: “Cho dù lời của Chúa Giê-su có thể đánh động chúng ta như một bài thơ, nhưng những lời đó rõ ràng ngược lại với cách mọi việc thường được thực hiện trên trần gian. Dù chúng ta thấy thông điệp của Chúa Giê-su có sức cuốn hút, nhưng thế gian lại đẩy chúng ta đi theo một lối sống khác.”

[16] GE, 67 – 94 (Tám Mối Phúc).

[17] GE, 129: “Tính mạnh dạn, sự nhiệt huyết, sự tự do nói lên những gì suy nghĩ, sự nhiệt thành tông đồ, tất cả những điều này gồm có trong từ parrhesía”.

[18] GE, 159: “Chúng ta không chỉ đang đối mặt với một cuộc chiến chống lại thế gian và một tâm thức trần tục lừa gạt chúng ta và làm cho chúng ta trở nên trì trệ và tầm thường, thiếu nhiệt huyết và niềm vui. Cũng không thể thu hẹp cuộc chiến này thành một cuộc chiến chống lại những tính yếu đuối và khuynh hướng của con người chúng ta (bất kể đó là tính lười biếng, sự dâm ô, tính đố kỵ, sự ghen tương hay những thói xấu khác). Đó cũng là một cuộc chiến dai dẳng chống lại quỷ, hoàng tử của sự xấu xa. Chính Chúa Giê-su sẽ tán dương chiến thắng của chúng ta.”

[19] GE, 118: “Tính khiêm nhường chỉ có thể xuất phát từ tâm hồn qua những tình trạng bị làm nhục. Nếu không có chúng, sẽ không có sự khiêm nhường hoặc nên thánh. Nếu anh chị em không thể chịu đựng và dâng lên một vài lần bị làm nhục, anh chị em không khiêm nhường và anh chị em không bước đi trên con đường nên thánh. Sự nên thánh Thiên Chúa ban cho Giáo hội của Người từ tình trạng bị làm nhục của Con của Người. Ngài là con đường.”

[20] GE, 122: “Tránh xa trạng thái rụt rè, khinh khỉnh, gay gắt hoặc u uất, hay khoác bộ mặt u ám, các thánh luôn vui vẻ và có khiếu hài hước. Trong thực tại, các ngài thể hiện một tinh thần rất lạc quan và tràn đầy hy vọng. Đời sống người Ki-tô hữu là “hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14:17)…”

[21] Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxico, 10/2/2013: “Thiên Chúa nói với anh chị em: đừng sợ nên thánh, đừng sợ ngước nhìn lên cao, hãy để cho bản thân anh chị em được yêu thương và thanh tẩy bởi Thiên Chúa, đừng sợ để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn anh chị em.”

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/4/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét