Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

Đức Thánh Cha dâng Lễ: Làm chứng, kêu ca, đặt câu hỏi

Đức Thánh Cha dâng Lễ: Làm chứng, kêu ca, đặt câu hỏiĐức Thánh Cha dâng Lễ sáng trong Nhà nguyện Thánh Marta  (Vatican Media)


Đức Thánh Cha dâng Lễ: Làm chứng tá, kêu ca, đặt câu hỏi

Trong Thánh Lễ sáng thứ Năm tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha cảnh báo chống lại tội “xầm xì bàn tán,” là một phần trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Và ngài nhắc chúng ta nhớ rằng luận lý của Tin mừng thì đối nghịch lại với luận lý của thế gian.

08 tháng Mười Một 2018, 13:39
Debora Donnini

Làm chứng tá, kêu ca, đặt câu hỏi. Đây là ba cụm từ Đức Thánh Cha Phanxico tập trung trong bài giảng Lễ sáng của ngài tại Nhà nguyện Thánh Marta thứ Năm. Ngài phân tích bài Tin mừng trong ngày (Lc 15:1-19), trích đoạn bắt đầu bằng chứng tá của Chúa Giê-su: những người thu thuế và các tội nhân đến và lắng nghe Ngài; và Ngài cùng ngồi ăn với họ.


Chứng tá làm cho Giáo hội phát triển

Đức Thánh Cha nói cụm từ đầu tiên là “làm chứng tá” của Chúa Giê-su “là một điều mới lạ vào thời gian đó, vì đến với người tội lỗi sẽ làm cho bạn trở nên ô uế cũng giống như đụng chạm vào một người phong hủi.” Vì lý do này các luật sĩ tránh xa họ. Đức Thánh Cha Phanxico lưu ý rằng làm chứng tá “chưa bao giờ là một điều dễ dàng, hoặc là đối với người làm chứng – họ thường phải trả bằng cái giá tử đạo – hoặc đối với người có quyền.”

Làm chứng tá tức là phá bỏ một thói quen, một lối sống … Phá bỏ nó để trở nên tốt hơn, thay đổi nó. Vì lý do này, Giáo hội phát triển qua chứng tá. Điều thu hút con người chính là chứng tá; không phải là lời nói. Đúng, nó cũng hỗ trợ; nhưng chính chứng tá mới là điều thu hút, và là điều làm cho Giáo hội phát triển. Nó là một điều mới, nhưng không phải hoàn toàn mới, vì lòng thương xót của Chúa cũng đã có trong Cựu Ước. Những người luật sĩ này không bao giờ hiểu được ý nghĩa của câu: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.’ Họ đã đọc về lòng thương xót, nhưng họ không hiểu đó là gì. Và Chúa Giê-su, qua hành động của mình; đã công bố lòng thương xót này bằng chứng tá của Ngài.

Đức Thánh Cha lặp lại rằng làm chứng tá “luôn phá bỏ một thói quen,” và cũng “đưa anh chị em vào vòng nguy hiểm.”


Thay vì giải quyết những xung khắc, họ lại rì rầm bàn tán

Thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxico nói, chứng tá của Chúa Giê-su khiến cho người ta rì rầm bàn tán. Người Pha-ri-sêu, các kinh sư, các luật sĩ kêu ca về Ngài rằng, “Ông ấy đón tiếp những kẻ tội lỗi, và cùng ngồi ăn với họ.” Họ không nói, “Nhìn kìa, con người này có vẻ tốt vì ông ta đang tìm cách hoán cải người tội lỗi.” Đức Thánh Cha tiếp tục, đây là một thái độ luôn dẫn đến những bình luận tiêu cực “để phá hủy chứng tá của một người.” Ngài nói, tội kêu ca về người khác là một phần trong cuộc sống thường nhật của chúng ta theo những mức độ lớn hoặc nhỏ. Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, chúng ta thường có những phàn nàn như, “vì chúng tôi không thích điều này hay điều kia”; và thay vì đối thoại, hoặc “cố giải quyết một tình huống xung khắc, chúng ta lẩm bẩm kêu ca, luôn với giọng hạ thấp, vì không có can đảm để nói rõ ràng.”

Ngài nói và nó thậm chí xảy ra trong các cộng đoàn nhỏ, “trong các giáo xứ.” Ngài hỏi, “Thường có bao nhiêu những sự xầm xì bàn tán trong các giáo xứ?” và ngài chỉ rõ ra rằng bất cứ khi nào “tôi không thích chứng tá đó, hoặc có một người tôi không thích, sự xì xào bàn tán liền nổ ra.”

Và trong các giáo phận? ‘Những xung khắc của cấp dưới giáo phận … xung khắc nội bộ bên trong giáo phận. Anh chị em biết điều này. Và cả trong chính trị cũng thế. Và điều này rất tệ. Khi một chính quyền không trung thực, họ liền tìm cách làm bẩn đối thủ của họ bằng những xì xào bàn tán. Luôn là những sự phỉ báng, vu khống, luôn tìm cái gì đó để chỉ trích. Và anh chị em cũng biết rõ những chính quyền độc tài, vì anh chị em đã có kinh nghiệm về họ. Điều gì làm nên một chính quyền độc tài? Trước hết nó chiếm độc quyền kiểm soát phương tiện truyền thông bằng một luật nào đó, và từ đó nó bắt đầu tung tin này tin kia, để làm xấu tất cả mọi người có thể là một sự nguy hiểm cho chính quyền. Xì xào bàn tán là thực phẩm hàng ngày của chúng ta, ở mức độ con người, mức độ gia đình, giáo xứ, giáo phận, mức độ xã hội.


Câu hỏi của Chúa Giê-su

Đức Thánh Cha nói, đó là vấn đề tìm cách “né tránh không nhìn vào thực tại, không cho phép người ta suy nghĩ.” Chúa Giê-su biết điều đó, nhưng vì Chúa nhân từ, và “thay vì kết án họ về tội xầm xì,” Ngài chỉ đặt một câu hỏi. “Ngài sử dụng chính phương pháp của họ.” Họ đặt câu hỏi với ác ý, để thử Chúa Giê-su, “để cài bẫy Ngài”; chẳng hạn, khi họ hỏi Ngài về việc đóng thuế, hay về việc ly dị. Trong Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su hỏi họ, “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” Và “đó là điều bình thường để họ hiểu được”; bằng không họ lại làm bài tính: “Tôi có 99 con,” vậy mất một con có là gì?:

‘Chúng ta cứ để mặc con đó mất, và theo phép cân đối thì nó sẽ dẫn đến kết quả là sinh lợi và tổn thất, và chúng ta sẽ tạo lợi nhuận với những con này.’ Đây là luận lý của các luật sĩ. ‘Người nào trong các ông?’ Và sự lựa chọn của họ hoàn toàn ngược lại với lựa chọn của Chúa Giê-su. Vì vậy họ không nói chuyện với các tội nhân, họ không đến với những người thu thuế. Họ không đến vì ‘tốt hơn là không để tôi bị vấy bẩn bởi những con người này, nó là một sự nguy hiểm. Chúng tôi phải tự cứu lấy mình.’ Chúa Giê-su rất khôn ngoan khi đặt cho họ câu hỏi này: Ngài đi thẳng vào cái lý lẽ ngụy biện của họ, nhưng lại đặt họ vào vị trí đối nghịch lại với điều đúng đắn. ‘Người nào trong các ông?’ Và không một ai giữa họ nói ‘Đúng, điều đó là đúng,’ nhưng tất cả đều nói, ‘Không, không, tôi sẽ không làm như vậy.’ Và vì vậy họ không thể tha thứ, không thể thương xót, không thể chào đón.


Luận lý của Tin mừng đối nghịch lại với luận lý của thế gian

Cuối cùng, Đức Thánh Cha tóm kết ba “cụm từ” mà ngài chọn để phân tích: “làm chứng tá” là điều dễ gây chướng mắt, và nó làm cho Giáo hội phát triển; “xầm xì bàn tán,” nó giống như một “người bảo vệ cho cái tôi của mình, để chứng tá không làm tôi tổn thương”; và “câu hỏi” của Chúa Giê-su. Sau đó Đức Thánh Cha thêm một cụm từ khác: niềm vui, không khí lễ hội, điều mà những người này không biết: “Tất cả những ai đi theo con đường của các luật sĩ đều không biết được niềm vui của Tin mừng,” ngài nói. Và ngài kết luận bằng lời cầu nguyện, “Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được luận lý này của Tin mừng, đối nghịch lại với luận lý của thế gian.”



[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/11/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét