Thứ Hai, 10 tháng 6, 2019

Chín ngày lóe sáng sự hợp tác giữa Hoa kỳ-Tòa Thánh và làm thay đổi thế giới

Chín ngày lóe sáng sự hợp tác giữa Hoa kỳ-Tòa Thánh và làm thay đổi thế giới

Tổng thống Ronald Reagan mỉm cười với đám đông khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II đứng bên cạnh ông trong một lần xuất hiện chung tại sân bay Fairbanks, Alaska, 2 tháng Năm, 1984. (Scott Stewart)


7 Tháng Sáu, 2019

Chín ngày bừng sáng của sự hợp tác giữa Hoa kỳ-Tòa Thánh và làm thay đổi thế giới

Đại sứ Hoa kỳ tại Tòa Thánh Callista Gingrich phản ánh về mối quan hệ chặt chẽ giữa Tổng thống Ronald Reagan và Thánh Gioan Phaolo II.

Callista Gingrich

Bốn mươi năm trước vào tuần này, Thánh Gioan Phaolo II trở về quê hương Ba Lan của ngài với cương vị là một Tân Giám mục của Roma. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo hoàng đến thăm một đất nước Cộng sản.

Từ ngày 2 đến 10 tháng Sáu năm 1979, vị Giáo hoàng người Ba Lan đi khắp đất nước nơi ngài chào đời, đọc hơn 50 bài diễn văn, và thôi thúc một cuộc cách mạng lương tâm làm biến đổi Ba Lan và định hình lại bối cảnh tinh thần và chính trị của thế kỷ 20.

Hàng triệu người Ba Lan, bị đè bẹp dưới ách của nền chuyên chế Xô-viết, đổ xô ra để xem Đức Thánh Cha. Trong ngày thứ nhất của chuyến hành hương của ngài, trong Quảng trường Chiến thắng của Warsaw, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II tuyên bố, “Không thể có một Châu Âu đúng nghĩa nếu không có nền độc lập của Ba Lan được đánh dấu trên bản đồ!”

Đó là một tuyên ngôn được lắng nghe trên toàn thế giới — và bởi một vị tổng thống Hoa Kỳ tương lai ở California.

Ronald Reagan được thôi thúc. Khi đó, ông dẫn một chương trình phát thanh nổi tiếng và dành rất nhiều buổi phát thanh tường thuật chuyến hành hương lịch sử của Đức Gioan Phaolo II. “Đã từ lâu lắm chúng ta mới nhìn thấy một vị lãnh đạo với lòng dũng cảm và một sự cống hiến bất khoan nhượng như vậy đối với đạo đức,” ông Reagan nói.

Vài tháng sau, vào tháng Mười Một năm 1979, cựu thống đốc của tiểu bang California tuyên bố tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Chẳng bao lâu sau khi nhậm chức, tổng thống xin hội kiến với Đức Giáo hoàng.

Hai nhà lãnh đạo gặp gỡ trong Thành Vatican năm 1982, và ngay sau đó Tổng thống Reagan hỏi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II rằng ngài nghĩ khi nào thì Đông Âu sẽ thoát khỏi sự thống trị của Xô-viết. Khi Đức Giáo hoàng trả lời, “Trong đời của chúng ta,” tổng thống liền bắt tay ngài và xin Đức Thánh Cha cùng cộng tác để khiến điều đó được xảy ra.

Khi ông về Hoa Kỳ, tổng thống chỉ thị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ làm việc sát sao với Vatican. Ông ra lệnh mở một sứ quán chính thức. Hai năm sau, năm 1984, Sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa Thánh được thiết lập.

Trước thời điểm đó, Hoa Kỳ và Tòa Thánh chỉ giữ mối quan hệ tôn trọng, nhưng không chính thức. Mối quan hệ mới này, như Tổng thống Reagan nói, “sẽ tồn tại vì lợi ích của những người yêu hòa bình ở khắp nơi.”

Vị Giáo hoàng người Ba Lan và Tổng Thống Mỹ không bị ảo tưởng về trách vụ khó khăn phía trước trong việc đánh bại chủ nghĩa Cộng sản Xô-viết, là chủ nghĩa đã gây ra hàng chục triệu cái chết. Sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết thành “đống tro tàn của lịch sử” ngày 25 tháng Mười Hai năm 1991, đã không thành sự nếu không có vai trò lãnh đạo của họ.

Đương nhiên, sự cần thiết của quan hệ đối tác lịch sử này không chấm dứt với sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Ngày nay, các chính phủ đang phải đối mặt với những thách thức khác — cũng lớn lao và nguy hiểm tương tự. Từ phản ứng đối với những khủng hoảng nhân đạo, đến việc bảo vệ nhân quyền, đến việc làm trung gian và ngăn ngừa xung đột và bạo lực, mối quan hệ đối tác của chúng tôi là một sức mạnh toàn cầu vì điều thiện.

Cũng như Hoa Kỳ, Tòa Thánh can dự trên mọi châu lục, với cách tiếp cận và tính khả tín trong những khu vực bất ổn nhất của thế giới — trong những nơi nhiều chính phủ không thể hoạt động.

Sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa Thánh tin tưởng vào sự tiếp cận và sức ảnh hưởng rất lớn này. Chúng tôi hoạt động như một vị trí gắn kết — tác động đến mạng lưới của Vatican để thúc đẩy những ưu tiên chung của chúng tôi trên toàn thế giới.

Những nỗ lực của chúng tôi đã không thể trở thành sự thật nếu không có tầm nhìn và cam kết của Tổng thống Reagan và Thánh Gioan Phaolo II. Sự hợp tác của họ đã mở ra con đường; và mẫu gương của họ luôn mãi hiện hữu.

Sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa Thánh tự hào vinh danh và ủng hộ di sản vĩ đại này.

Callista Gingrich là Đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh.



[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/6/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét