Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Diễn văn của Đức Thánh Cha trước các Tân Đại sứ

Diễn văn của Đức Thánh Cha trước các Tân Đại sứ

Khi “chúng ta thúc đẩy đối thoại và tình đoàn kết, dù là cá nhân hay tập thể, thì chúng ta sẽ trải nghiệm được sự cao quý nhất của tình nhân loại, và bảo đảm một nền hòa bình dài lâu cho tất cả”
19 tháng 5, 2016
Pope Francis
Ordination - CTV Screenshot
Dưới đây là bản dịch tiếng Anh bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxico do Vatican cung cấp hôm nay khi ngài nhận trình Thư Ủy Nhiệm của các Tân Đại sứ lên Giáo hoàng từ Estonia, Malawi, Namibia, the Seychelles, Thailand và Zambia.
Kính thưa các ngài Đại sứ,
Tôi rất hân hạnh được đón tiếp quý vị nhân dịp trình Ủy nhiệm thư trong đó thể hiện quý vị là những vị Đại sứ xuất sắc và là Đại diện toàn quyền cho quốc gia của quý vị tại Tòa thánh: Estonia, Malawi, Namibia, the Seychelles, Thailand và Zambia. Tôi xin cảm ơn những lời chào thăm mà quý vị đã chuyển đến tôi thay mặt những vị đứng đầu quốc gia đáng kính của quý vị, về phần tôi, tôi xin quý vị chuyển lời cầu nguyện và những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi đến họ. Tôi nguyện xin Thiên Chúa ban hòa bình và thịnh vượng cho quốc gia và mọi công dân trong quốc gia của quý vị.
Sự hiện diện của quý vị hôm nay là một sự nhắc nhở rất thấm thía rằng, dù quốc tịch, văn hóa và niềm tin tôn giáo của chúng ta có khác nhau, nhưng chúng ta vẫn đoàn kết bởi tính đồng nhất của nhân loại và sứ mệnh chung là quan tâm bảo vệ xã hội và sự sáng tạo. Sự phục vụ này đã được đưa lên hàng cấp bách đặc biệt, vì quá nhiều nơi trên thế giới chúng ta đang phải chịu đựng những xung đột và chiến tranh, di cư và di tản bắt buộc, và sự bấp bênh về những khó khăn kinh tế. Những vấn đề này đòi hỏi chúng ta không những phải chú tâm và bàn thảo giải pháp, nhưng chúng ta còn phải thể hiện những dấu chỉ cụ thể về tình đoàn kết với những anh em, chị em đang rất cần những sự trợ giúp.
Để sự phục vụ tình đoàn kết này có hiệu quả, nỗ lực của chúng ta phải được định hướng theo đuổi hòa bình, nơi mà những quyền cơ bản của mỗi con người và sự phát triển con người toàn diện phải được duy trì và bảo vệ. Nhiệm vụ này đòi hỏi chúng ta phải làm việc với nhau trên con đường hợp tác và hiệu quả, cổ vũ mọi thành viên trong các cộng đồng của chúng ta chính họ trở nên những nghệ sĩ xây dựng hòa bình, những người cổ vũ cho công bằng xã hội và ủng hộ cho sự tôn trọng ngôi nhà chung của chúng ta. Điều này đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, vì thế giới của chúng ta có vẻ bị chia rẽ và bàng quan hơn bao giờ hết. Rất nhiều người đã tự cô lập mình ra khỏi những thực tế nghiệt ngã. Họ e ngại chủ nghĩa khủng bố và những làn sóng di dân ngày càng nhiều cơ bản đang làm thay đổi nền văn hóa, sử ổn định kinh tế và lối sống của họ. Đây là những nỗi sợ hãi chúng ta có thể hiểu được và không thể xóa bỏ được, tuy nhiên nó phải được giải quyết theo một con đường sáng tạo và khôn khéo, để những quyền lợi và nhu cầu của tất cả mọi người được tôn trọng và duy trì.
Với những người đang chịu thảm kịch của bạo lực và di cư cưỡng bức, chúng ta phải quyết tâm đưa hoàn cảnh của họ ra để cộng đồng thế giới hiểu được, để nếu họ không còn đủ sức mạnh hay khả năng đưa ra những tiếng kêu lớn, thì tiếng kêu của họ có thể được nghe thấy trong cộng đồng của chúng ta. Con đường ngoại giao giúp chúng ta làm mạnh mẽ hơn và chuyển tải tiếng kêu này đi khắp nơi bằng cách tìm kiếm những giải pháp cho nhiều nguyên nhân căn bản gây ra những cuộc xung đột ngày nay. Đặc biệt điều này phải được áp dụng vào trong những nỗ lực của chúng ta nhằm giải trừ vũ khí khỏi tay những người gây ra bạo lực, và chấm dứt hiểm họa buôn người và thuốc phiện là những hoạt động thường xuyên hỗ trợ cho tội ác này.
Trong khi những sáng kiến của chúng ta trên nền tảng hòa bình giúp mọi người được ở lại trên mảnh đất quê hương của họ, thì tình hình hiện tại thúc giục chúng ta phải hỗ trợ người tị nạn và những người đang làm công tác chăm sóc họ. Chúng ta không được để cho sự hiểu lầm và nỗi sợ hãi làm suy yếu giải pháp của chúng ta. Hơn thế nữa, chúng ta được kêu gọi để xây dựng văn hóa đối thoại, một nền văn hóa “có thể  làm cho chúng ta nhìn những người khác là những người bạn đối thoại tích cực, biết tôn trọng người nước ngoài, người di cư và những người từ những nền văn hóa khác nhau đáng được họ lắng nghe” (Phát biểu tại Giải thưởng Charlemagne, 6 tháng 5, 2016). Bằng cách này, chúng ta sẽ thúc đẩy được một sự hội nhập trong đó biết tông trọng những truyền thống của người di dân mà vẫn bảo tồn được nền văn hóa của cộng đồng đón nhận họ, tất cả sẽ làm phong phú thêm cho cả hai phía. Điều này rất quan trọng. Nếu sự hiểu lầm và nỗi sợ hãi cho rằng một cái gì đó của chúng ta sẽ bị mất đi, nền văn hóa, lịch sử và những truyền thống của chúng ta bị suy yếu, thì nền hòa bình sẽ bị tổn thương. Trong khi ngược lại nếu chúng ta thúc đẩy đối thoại và tình đoàn kết, dù là cá nhân hay tập thể, thì chúng ta sẽ trải nghiệm được sự cao quý nhất của tình nhân loại, và bảo đảm một nền hòa bình dài lâu cho tất cả, theo ý định của Đấng Tạo Hóa.
Thưa các vị Đại sứ, trước khi kết thúc chia sẻ này, tôi xin gửi qua quý vị lời chào thân ái đến tất cả anh em linh mục tu sĩ và giáo dân thuộc những cộng đoàn Công giáo ở trong đất nước của quý vị. Tôi cổ vũ họ hãy luôn là những sứ giả của hy vọng và hòa bình. Tôi đặc biệt suy nghĩ đến những Ki-tô hữu và những cộng đồng thiểu số đang phải chịu ngược đãi vì niềm tin của họ; với họ tôi xin tiếp tục thể hiện tình hiệp nhất và hỗ trợ qua lời cầu nguyện. Về phía Tòa Thánh, chúng tôi rất vinh dự có thể củng cố mạnh thêm với mỗi quý vị và đất nước mà quý vị làm đại diện một sự đối thoại cởi mở và tôn trọng và một sự hợp tác xây dựng. Từ quan điểm này, khi sứ mạng mới của quý vị chính thức bắt đầu, tôi xin gửi đến quý vị những lời chúc tốt đẹp nhất, cam kết với quý vị sự hỗ trợ liên tục của nhiều văn phòng khác nhau trong Giáo triều Roma để quý vị hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tôi xin gửi lời chúc lành thánh thiêng đến từng quý vị, gia đình của quý vị và các đồng nghiệp của quý vị.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý]
© Copyright – Libreria Editrice Vaticana
[Nguồn: ZENIT]


[Dịch từ tiếng Anh: TRI KHOAN 20/06/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét