Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

TRIỀU YẾT CHUNG: Dụ ngôn Lazaro

TRIỀU YẾT CHUNG: Dụ ngôn Lazaro

‘Làm ngơ trước người nghèo là coi thường Thiên Chúa’
18 tháng 5, 2016
General Audience May 18, 2016
L'Osservatore Romano
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài huấn giáo của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi triều yết chung sáng nay tại Quảng trường thánh Phê-rô
__
Thân chào anh chị em, xin chào!
Hôm nay cha muốn suy tư với tất cả chúng ta về dụ ngôn người giàu có và anh Lazaro nghèo. Cuộc sống của 2 con người này dường như diễn ra song song cùng với nhau: nhưng điều kiện cuộc sống của họ lại ngược nhau và do đó tách biệt nhau hoàn toàn. Cánh cửa trước nhà người giàu có luôn đóng chặt trước người nghèo kia, anh ta đang nằm ở bên ngoài, mong chờ một cái gì đó có thể bỏ vào bụng từ bàn ăn của người giàu có. Người giàu có mặc bộ áo sang trọng, trong khi Lazaro toàn thân chỉ phủ sự đau đớn. Mỗi ngày người giàu có kia luôn tiệc tùng hoang phí, trong khi Lazaro đang hấp hối vì đói. Chỉ có những con chó là chăm sóc anh ta và đến liếm những vết thương của anh ta.
Cảnh này nhắc chúng ta nhớ lại sự phán xét gay gắt của người Con Người trong ngày Chung thẩm: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” (Mt 25:42-43). Lazaro là tượng trưng rất sống động cho tiếng khóc thầm lặng của người nghèo trong mọi thời đại và sự mâu thuẫn của một thế giới trong đó sự giàu có và những nguồn tài nguyên nằm trong tay của một nhóm ít người.
Chúa Giê-su nói rằng ngày kia người giàu có sẽ chết: người nghèo và người giàu đều chết, họ đều có chung một nhân vị, cũng như tất cả chúng ta; chẳng có một ngoại lệ nào ở đây. Rồi người giàu có kia quay sang Abraham, van xin với danh xưng là”cha” (c. 24.27). Và vì thế ông ta tự coi mình là người con, thuộc về dân Chúa. Nhưng trong cuộc sống ông ta chẳng thể hiện sự quan tâm đến Chúa; thay vì vậy, ông ta tự cho mình là trung tâm mọi sự, ngụp lặn trong thế giới xa hoa và thừa mứa của ông ta. Đuổi Lazaro ra, ông ta không bận tâm đến Thiên Chúa hay lề luật của Người. Làm ngơ trước người nghèo là khinh miệt Thiên Chúa! Chúng ta phải nhớ rõ điều này: làm ngơ trước người nghèo là khinh miệt Thiên Chúa.
Có một điểm quan trọng trong dụ ngôn: người giàu có không có tên, nhưng chỉ có một tính từ miêu tả “giàu có”; trong khi cái tên của người nghèo được nhắc đi nhắc lại 5 lần, và “Lazaro” có nghĩa là “Thiên Chúa cứu giúp.” Lazaro, anh ta nằm đàng trước cửa nhà, là một tiếng kêu sống trước mặt người giàu có để nhắc nhớ về Thiên Chúa, nhưng người giàu có không đáp lại tiếng kêu đó. Vì vậy, anh ta đã bị kết án, không phải vì sự giàu có của anh ta, nhưng vì anh ta đã không có lòng trắc ẩn với Lazaro và giúp đỡ anh.
Trong phần hai của dụ ngôn, chúng ta lại thấy Lazaro và người giàu có sau khi chết (c. 22-31). Ở đây, tình huống quay ngược: Lazaro nghèo khó được các Thiên thần đưa lên Thiên Đàng với Abraham; người giàu có, ngược lại, bị quăng xuống nơi đầy đau khổ. Rồi người giàu có “hướng mắt lên, và nhìn thấy Abraham từ xa xa và Lazaro ở trong lòng.” Ông ta dường như bây giờ mới nhìn thấy Lazaro lần đầu tiên, nhưng lời nói của ông ta phản lại ông ta: “Lạy Cha Abraham — ông ta nói – xin thương xót tôi, và xin sai Lazaro nhúng đầu ngón tay vào nước và làm mát lưỡi tôi; vì tôi đang đau đớn trong ngọn lửa.” Bây giờ thì người giàu có mới nhận ra Lazaro và xin ông cứu giúp, trong khi trên cuộc đời dương thế ông ta giả vờ như không nhìn thấy Lazaro. Vậy đã bao nhiêu lần và có bao nhiêu người giả vờ như không nhìn thấy người nghèo! Người nghèo không tồn tại cho bản thân họ. Trước kia, ông nhà giàu đã đi quá đà đến mức từ chối Lazaro cả những thứ còn thừa trên bàn ăn của mình, mà bây giờ ông ta lại muốn Lazaro mang cho ông ta ít nước để uống! Ông ta vẫn tin rằng mình có thể đòi quyền lợi vì điều kiện xã hội trước đây của mình. Cho biết rằng không thể nào đáp ứng được yêu cầu của ông ta, chính ông Abraham cho biết những chìa khóa của toàn bộ vấn đề: ông giải thích rằng những người tốt và người xấu được thưởng hay phạt như vậy là để bù lại cho những bất công của trần gian, và cánh cửa trong cuộc sống đã phân cách người giàu với người nghèo, đã bị biến thành một “vực sâu khổng lồ”. Nếu mà khi Lazaro đến nhà của ông nhà giàu, ông ta đã có được cơ hội cứu rỗi bằng việc mở rộng cửa nhà, giúp đỡ Lazaro, nhưng bây giờ cả hai đã chết, tình hình không thể thay đổi được. Thiên Chúa không được nói đến một cách trực tiếp, nhưng dụ ngôn đã đưa ra chi tiết rất rõ: lòng thương xót của Chúa được liên kết với lòng thương xót của chúng ta dành cho những người anh em chung quanh. Khi chúng ta thiếu vắng lòng thương xót thì lòng thương xót của Chúa cũng không tìm được nơi ngự trong con tim khép kín của chúng ta; lòng thương xót của Chúa không thể đi vào được. Nếu tôi không mở rộng cửa tâm hồn của tôi với người nghèo, thì cánh cửa đó mãi mãi khép kín, với cả lòng thương xót của Thiên Chúa. Và đây là điều khủng khiếp.
Tới đây thì người giàu có nghĩ đến anh em của ông ta, những người có nguy cơ bị tình trạng giống ông ta, và cầu xin cho Lazaro trở về trần gian để cảnh báo họ. Nhưng ông Abraham trả lời: “Họ đã có Môi-sê và các ngôn sứ; hãy để họ nghe những vị đó.”
Chúng ta không phải chờ những biến cố phi thường để hoán cải, nhưng chúng ta phải mở cửa tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa, Lời kêu gọi chúng ta yêu Chúa và yêu người. Lời Chúa có thể biến một trái tim khô cằn hồi sinh và chữa lành nó khỏi tình trạng mù lòa. Người giàu có kia biết lời Chúa, nhưng ông ta không để Lời Người đi vào tâm hồn mình, ông ta không lắng nghe Lời Người, và vì thế ông ta trở nên khuyết tật mất khả năng mở đôi mắt mình và có lòng trắc ẩn đối với người nghèo. Không có ngôn sứ nào hay sứ điệp nào thay thế được người nghèo chúng ta gặp trên đường, vì qua họ chính Đức Giê-su đến gặp gỡ chúng ta: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40), Đức Giê-su nói. Do vậy, ẩn chứa trong sự đảo ngược các số phận mà dụ ngôn mô tả là sự huyền bí của ơn cứu độ của chúng ta, trong đó Đức Ki-tô liên kết giữa sự nghèo nàn với lòng thương xót.
Anh chị em thân mến, lắng nghe Tin mừng hôm nay, tất cả chúng ta , cùng với những người nghèo trên trái đất này, có thể cất lên lời ca cùng với Mẹ Maria: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1:52-53).
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

[Nguồn: ZENIT]  



[Dịch từ bản tiếng Anh: TRI KHOAN 19/05/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét