Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Lễ Thánh Phê-rô và Phaolo

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Lễ Thánh Phê-rô và Phaolo

‘Cầu nguyện làm ân sủng mở lối từ tình trạng khép kín chuyển sang mở rộng, từ sợ hãi thành can đảm, từ buồn thành vui.’
29 tháng 6, 2016
Pope on Feast of Sts Peter and Paul -CTV Screenshot
Đức Thánh Cha Phanxico trong ngày lễ Thánh Pê-rô và Phaolo - CTV Screenshot
Dưới đây là bản dịch do Vatican cung cấp bài giảng của Đức Thánh Cha trong lễ Thánh Phê-rô và Phaolo, được tổ chức trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô.
* * *
Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay trình bày một sự đối chọi chính rất rõ nét giữa 2 tình trạng đóngmở. Cùng với hình ảnh này chúng ta có thể nghĩ đến biểu tượng của những chìa khóa mà Chúa Giê-su hứa trao cho Simon Phê-rô để ông có thể mở cánh cổng vào nước Thiên đàng, mà không khép kín nó trước mọi người, như một số luật sĩ đạo đức giả và Pha-ri-sêu là những người bị Chúa Giê-su chỉ trích (Mt 23:13).
Bài đọc trong sách Công vụ Tông đồ (12:1-11) cho chúng ta thấy 3 ví dụ về tình trạng “khép kín”: Phê-rô bị quăng vào trong ngục; cộng đoàn tụ họp bên trong những cánh cửa khép kín để cầu nguyện; và – trong phần tiếp theo của bài đọc hôm nay – Phê-rô đến gõ cánh cửa khép kín nhà của Mary, mẹ Gioan cũng gọi là Mác-cô, sau khi được thả.
Trong 3 ví dụ của tình trạng “khép kín,” cầu nguyện xuất hiện như là con đường mở chính yếu. Nó là con đường mở ra cho cộng đoàn đang có nguy cơ bị khép chính mình vì bách hại và sợ hãi. Nó là con đường mở ra cho Phê-rô, ngay từ bước khởi đầu sứ vụ được Chúa trao phó, đã bị Hê-rôt quăng vào ngục và có nguy cơ bị xử tử. Khi Phê-rô đang trong ngục, “hội thánh cầu nguyện tha thiết lên Thiên Chúa cho ngài” (Cv 12:5). Thiên Chúa đã nhậm lời cầu nguyện và sai thiên thần xuống giải thoát cho Phê-rô, “cứu ông thoát khỏi tay của Hê-rôt” (c. 11). Cầu nguyện, như là một sự phó thác khiêm nhường cho Thiên Chúa và thánh ý của người, luôn luôn là một con đường mở giải thoát chúng ta khỏi cảnh “khép kín”, của từng cá nhân hay cộng đoàn.
Phaolo cũng vậy, khi viết cho Ti-mô-thê, ông nói về kinh nghiệm của sự giải phóng, của việc tìm được con đường giải thoát ông khỏi việc lùng sục thi hành án sắp tới. Ông kể cho chúng ta rằng Thiên Chúa đứng bên cạnh ông và ban cho ông sức mạnh để thực hiện công việc rao giảng Tin mừng cho muôn dân (Tim 2 4:17). Nhưng Phaolo còn nói về một con đường “mở” lớn hơn nhiều, về một chân trời mênh mông vô tận. Đó là chân trời của sự sống vĩnh hằng, đang chờ đợi ông ở cuối “cuộc chạy đua” trần thế. Chúng ta có thể thấy toàn bộ đời sống của vị Tông đồ diễn tả trong các cụm từ “ra đi” phục vụ Tin mừng. Đời sống của Thánh Phaolo đều hướng tới phía trước một cách dứt khoát, trong việc đem Chúa Ki-tô đến với những ai chưa biết Người, rồi là vội vã, như chính con người ông, chạy vào vòng tay của Chúa Ki-tô, để được “cứu và đưa vào vương quốc của Người” (c. 18).
Chúng ta quay lại với Phê-rô. Tin mừng (Mt 16:13-19) giải thích về việc tuyên xưng đức tin của ông và sứ vụ được Chúa Giê-su trao phó cho ông cho chúng ta thấy cuộc đời của Simon, ngư phủ người Ga-li-lê – cũng giống như đời sống của mỗi chúng ta – mở ra, mở trọn vẹn, khi đón nhận ân sủng đức tin từ Thiên Chúa Cha. Simon tiến bước trên hành trình – một hành trình dài và đầy khó khăn – đưa ông đến chỗ thoát ra khỏi chính bản thân, để lại sau lưng tất cả những sự hỗ trợ thuộc con người, đặc biệt niềm tự hào của ông sáng lên với sự can đảm và lòng vị tha rộng lượng. Qua việc này, tiến trình giải phóng của ông, lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trở nên dứt khoát: “Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh [Simon] để anh khỏi mất lòng tin (Lc 22:32). Tương tự như vậy, sự dứt khoát là cái nhìn thương xót của Chúa sau khi Phê-rô chối Người 3 lần: một cái nhìn đâm thâu trái tim và làm rơi những giọt lệ ăn năn (Lc 22:61-62). Đồng thời Simon Phê-rô được giải thoát khỏi ngục tù của lòng tự cao ích kỷ và sợ hãi, và vượt qua được sự cám dỗ khép kín tâm hồn mình lại trước tiếng gọi của Chúa Giê-su đi theo người trên con đường Thập giá.
Cha nhắc đến một điểm, trong trích đoạn tiếp theo của sách Công vụ Tông đồ, có một chi tiết đáng để suy ngẫm (12:12-17). Khi Phê-rô thấy mình được phép lạ cứu thoát khỏi ngục của Hê-rốt, ông đến nhà của mẹ của Gioan cũng gọi là Mác-cô. Ông gõ cánh cửa đang khép kín và một người hầu tên Rô-đa đi ra. Nhận ra tiếng của Phê-rô, vừa hoài nghi vừa mừng vui, thay vì mở cửa, bà chạy vào báo cho bà chủ. Câu chuyện có vẻ hơi hài hước làm chúng ta hiểu được không khí sợ hãi đang làm cho cộng đoán Ki-tô hữu phải giấu mình sau những cánh cửa khép kín, mà còn khép kín trước cả điều lạ của Thiên Chúa làm. Chi tiết này nói cho chúng ta biết một cám dỗ liên tục đối với Giáo hội, đó là khép kín vào trong bản thân mình khi đối mặt với nguy hiểm. Nhưng chúng ta cũng nhìn thấy những cánh cửa mở nho nhỏ qua đó Thiên Chúa có thể hoạt động. Thánh Lu-ca kể cho chúng ta biết rằng trong căn nhà đó “nhiều người đã tụ họp với nhau và cầu nguyện” (c. 12). Cầu nguyện làm ân sủng mở lối từ tình trạng khép kín chuyển sang mở rộng, từ sợ hãi thành can đảm, từ buồn thành vui. Và chúng ta có thể thêm vào: từ chia rẽ thành hiệp nhất. Vâng, hôm nay chúng ta nói điều này với sự tự tin, cùng với những anh em của chúng ta trong phái đoàn được Đức Đại Thượng phụ Đại kết Bartholomeo thân yêu gửi đến để tham dự lễ mừng các Thánh Bổn mạng của Roma. Hôm nay cũng là lễ mừng tình thân ái trong toàn Giáo hội như chúng ta thấy sự hiện diện của các đức tổng giám mục chính tòa đến để nhận phép lành dây pallia, mà các ngài sẽ nhận từ những vị đại diện của cha.
Nguyện xin Thánh Phê-rô và Phaolo chuyển cầu cho chúng ta, để chúng ta  hân hoan tiến bước trên hành trình này, trải nghiệm hoạt động giải thoát của Thiên Chúa, và làm chứng tá trước thế giới.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch của Vatican cung cấp]

[Nguồn: ZENIT]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/06/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét