Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Thánh Teresa Calcutta và mộ của nhà độc tài

Thánh Teresa Calcutta và mộ của nhà độc tài

09 tháng 9, 2016 12:00 EST
Mother Teresa
Thánh Teresa Calcutta năm 1979. (CNS photo/KNA)
Những thập kỷ lịch sử bị giấu kín ẩn sau Bức Màn Sắt (Iron Curtain) là một kho chôn giấu những câu chuyện đang chờ được kể ra, những anh hùng và các thánh đang chờ được tôn vinh.
Một trong những câu chuyện này liên quan đến Thánh Teresa Calcutta, một sự kiện rất ít người biết. Tôi biết được chuyện này nhiều năm trước từ một nhà văn người Albania tên Marcel Hila, tôi đã hỏi ông xin thông tin cho một bài báo tôi viết về Pjeter Arbnori, một người Công giáo được nhiều người biết đến như là “Mandela của vùng Balkans” vì vẫn còn sống sót sau gần 29 năm trong nhà tù chính trị của cộng sản Liên xô. Tôi biết ông Arbnori đã gặp Mẹ Teresa, vì thế tôi nhờ bạn tôi là Marcel hỏi liệu ông có thể kể cho tôi nghe về chuyện đó. Marcel không có thông tin gì về tình bạn giữa Mẹ Teresa và Arbnori, ngoài việc hai người có gặp nhau ở New York, nhưng ông lại có chuyện khác để kể cho tôi, không phải về Arbnori nhưng về Mẹ Teresa.
Chuyện của ông bắt đầu tháng 9 năm 1985, khi Marcel là một lính được đưa vào một đơn vị không vũ trang và trang bị rất thiếu thốn — trang bị thấp nhất trong quân đội Albania, một đơn vị họ đưa những người được coi là nguy hiểm cho chính thể cộng sản. Nhà độc tài Enver Hoxha của Albania đã chết ngày 11 tháng 4, nhưng chế độ của ông ta vẫn còn tồn tại, và mặc dù không có chiến tranh, họ vẫn tuyển mộ quân đội để xây dựng những công sự, đường hầm và giao thông hào để chuẩn bị cho việc bảo vệ đất nước chống lại “kẻ thù.”
Chính tại đây một ngày kia, một tân binh đến, bị giáng cấp từ Đội Vệ binh Cộng hòa, quân đoàn tinh nhuệ nhất của quân đội. Vì các thành viên của Đội Vệ binh Cộng hòa được chọn lựa do sự trung thành của họ với thể chế, sự giáng chức này trông có vẻ gì đó đáng ngờ với đám lính chân đất trong đơn vị của Marcel. “Tất cả chúng tôi đều sợ rằng anh ta là một gián điệp,” ông nói với tôi, “vì thế chúng tôi giữ im lặng khi có anh ta. Nhưng một ngày kia, trong bữa cơm trưa, tôi quyết định hỏi anh ta xem anh ta đã làm gì mà bị chuyển vào đơn vị của chúng tôi. Anh ta trả lời rất đơn giản rằng anh ta đã có một cuộc cãi lộn với một người lính khác, và anh ta phải ở đây với chúng tôi như một hình phạt. ‘Chà, chắc là rất khó khăn cho anh, vì anh đến từ một quân đoàn danh tiếng, ở đó công việc của anh rất ít và anh có giầy ủng mang. Ở đây chúng ta phải gãy lưng vì công việc, và họ chẳng cho chúng ta giầy để đi.’”
“Tới đây, trước sự ngạc nhiên của mọi người, anh ta cười và kêu lên rằng thật may mắn được rời khỏi Vệ Binh Cộng Hòa, với công việc phải đứng gác tại mộ của Enver Hoxha: ‘Các anh chẳng hình dung nổi nó như thế nào vào ban đêm ở đó đâu! Anh nghe thấy những âm thanh, những tiếng động, những tiếng kêu gào, trái đất run lên dưới chân của anh — nó giống như có những tiếng rền rĩ than van từ dưới vực sâu. Đó là một sự tra tấn. Hơn 20 người trong đơn vị của tôi đã có kết cục là phải vào bệnh viện tâm thần do phải gác ở đó. Được đến đây đã cứu thoát tôi khỏi tất cả những chuyện đó. Đúng là tôi phải làm việc nặng nhọc hơn, nhưng ít nhất tôi không phải nghe những âm thanh của địa ngục đó.’”  
Albania lúc đó vẫn còn dưới gót giầy của một trong những bạo chúa độc ác nhất của thế kỷ 20, và nó làm cho đất nước hoàn toàn bị cô lập khỏi thế giới. Vì thế khi họ nghe anh chàng này huênh hoang về những điềm gở tại ngôi mộ của nhà độc tài rất đáng sợ hãi này, những người lính của đơn vị bị khinh miệt này bỏ tránh xa khỏi cái bàn. Bất kể vì coi thường hay thật lòng, người đàn ông này đại diện cho một mối nguy hiểm tiềm ẩn cho họ dưới sự kiểm soát gắt gao của chế độ, vì thế tất cả họ đều nhanh chóng cho thấy họ cố tình lảng tránh xa khỏi anh ta.
Đây là điều mà Marcel và các bạn đồng liêu của ông biết về những hiện tượng rùng rợn ban đêm, những hiện tượng làm cho thậm chí cả binh lính cũng run lên vì sợ.
Bốn năm sau lần gặp gỡ này, vào tháng 8 năm 1989, Mẹ Teresa đến sân bay Tirana, được một phái đoàn cấp cao đến gặp cùng với bà góa phụ Enver Hoxha, bà này đưa Mẹ thẳng đến mộ của ông chồng đã chết của bà.
Đây là một điều ngạc nhiên lớn cho mọi người, vì trong suốt gần 60 năm, Mẹ Teresa  chưa bao giờ được phép trở về quê hương, và luôn bị từ chối cấp visa cho mẫu thân và em gái của Mẹ đến thăm Mẹ ở Tây phương, thậm chí với mục đích đi chữa bệnh. Do đấy, bất cứ khi nào có tin tức gì đó tuyệt vời về Mẹ trên truyền thông, báo chí bị chính phủ điều khiển luôn đăng những bản tin châm chọc, chĩa những sự lăng mạ vào vị thánh và xem Mẹ như một sự ghê tởm mà cả dân tộc phải xấu hổ.
Vì vậy khi người dân, và đặc biệt các tín hữu Công giáo, đọc báo thấy Mẹ Teresa lại đi giao thiệp với thể chế đó, nó thực sự là một cú nổ khủng khiếp: làm sao Mẹ lại có thể cho phép mình bị lợi dụng để đánh bóng về ký ức của một tay độc tài đã chết?
Và phải đến 4 năm sau nữa, năm 1993, thì Marcel mới nghe thêm về câu chuyện từ cha Dom Gjergji, vị linh mục từ Kosovo người đã đi theo Mẹ Teresa trên chuyến đi về quê hương ở Albania. Cha Dom Gjergji nói với bạn tôi rằng Mẹ đã được Nexhmije Hoxha, vợ của nhà độc tài, mời trở về thăm quê hương, bà này hy vọng rằng sự can thiệp của thánh nhân có thể tống khứ hiện tượng kỳ bí khủng khiếp lan rộng xung quanh khu vực chôn chồng của bà. Lá thư mời Mẹ trở về được Ylli Popa mang đến, ông này là một trong những người trung thành nhất với chế độ, và là người thông dịch của Hoxha.
Ngay khi vừa tới nơi, cha Dom Gjergji kể lại, Mẹ Teresa được đưa ngay lập tức đến ngôi mộ, tại đây Mẹ có cầu nguyện một lát. Sau đó Mẹ được phép đến viếng mộ của thân mẫu và chị gái của Mẹ, các vị đã qua đời năm 1971 và 1974, khi đó Mẹ không được phép về thăm họ.
Vậy lời cầu nguyện chuyển cầu của Mẹ Teresa có được nhậm lời? Hiện tượng kinh dị xung quanh ngôi mộ của nhà độc tài có giảm bớt? Có vẻ là thế, Marcel tường thuật: từ đó đã có sự bình an và yên tĩnh, theo nhận định chung.
Từ đó cánh cửa của Albania vẫn mở cho Mẹ Teresa; Mẹ thậm chí có thể mở các nhà cho dòng Thừa sai Bác ái ở đó. Ngoài những hiện tượng dị thường này, hành động Mẹ đến cầu nguyện tại mộ của một người mà chế độ của ông ta đã gây ra quá nhiều đau khổ cho Mẹ là một chứng tá về sự nên thánh của Thánh Teresa và khả năng tha thứ của Mẹ.

[Nguồn:  catholicworldreport]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/09/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét