Đức Thánh Cha Phanxico: người cao tuổi mang chứng tá chân lý trường tồn
Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm hiệp hội công nhân cao tuổi trong một lần gặp gỡ đặc biệt ngài tiếp họ trong đại sảnh Phaolo VI tại Vatican, Thứ Bảy 15 tháng 10, 2016 - AP
15/10/2016 11:15
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha Phanxico đã tiếp những người tham dự trong một buổi họp mặt những công dân cao tuổi và những người chăm sóc cho họ hôm thứ Bảy, trong bối cảnh lễ mừng Ngày Quốc gia của Ông Bà của Ý – Festa dei nonni – được đánh dấu hàng năm vào ngày 2 tháng 10, với các sự kiện kéo dài liên tục trong tháng.
Dưới đây, xin đọc bản dịch tiếng Anh của đài phát thanh Vatican bài chia sẻ của Đức Thánh Cha
************************************
Anh chị em thân mến,
Cha rất vui mừng được ở đây với ông bà để trải nghiệm ngày suy tư và cầu nguyện này, nằm trong bối cảnh của Ngày của Ông Bà. Cha xin chào thân ái tất cả từng ông bà, bắt đầu với các vị Chủ tịch của các Hiệp hội, cha xin cảm ơn những lời chào đón của các vị. Cha xin bày tỏ lòng cảm kích với tất cả những ông bà đã phải đối mặt với những khó khăn và cực nhọc để không bỏ lỡ sự kiện này; và đồng thời cha rất gần gũi với những ông bà cao tuổi, những người vì bệnh tật mà không thể ra khỏi nhà, nhưng họ vẫn hiệp nhất với chúng ta trong tinh thần.
Giáo hội tôn kính người cao tuổi với lòng quý mến, tri ân, và trọng kính. Họ là một phần vô cùng quan trọng của cộng đoàn Ki-tô hữu và của xã hội: đặc biệt họ đại diện cho nguồn cội và ký ức của một dân tộc. Ông bà là một sự hiện hữu quan trọng, vì kinh nghiệm của ông bà là một gia tài vô giá, và nó vô cùng quan trọng nếu chúng ta nhìn về tương lai với sự hy vọng và trách nhiệm. Sự trầm tĩnh và thông thái của anh chị em, được tích lũy qua năm tháng, có thể trợ giúp cho lớp người trẻ khi tìm kiếm con đường riêng cho họ, hỗ trợ họ trên con đường phát triển và mở rộng đến tương lại. Quả thật, người cao tuổi cho thấy rằng, thậm chí trong những cơn thử thách khó khăn nhất, chúng ta không bao giờ được mất sự tín thác vào Thiên Chúa và vào một tương lai tốt đẹp hơn. Họ giống như những cây tiếp tục trổ sinh hoa trái: cho dù dưới sự đè nặng của năm tháng, họ có thể cho sự cống hiến của họ cho một xã hội giàu có về những giá trị và cho sự xác quyết của văn hóa sự sống.
Không phải chỉ có một vài vị cao tuổi đã quảng đại cho đi thời gian và tài năng mà Thiên Chúa đã tặng ban cho họ để giúp đỡ và hỗ trợ tha nhân. Cha đang nghĩ đến không biết bao nhiêu người trong ông bà luôn sẵn sàng trong các giáo xứ cho sự phụ vụ giá trị đích thực: một số trongông bà cống hiến cho việc trang trí nhà của Chúa, nhiều vị khác là những người dạy giáo lý, những vị chuẩn bị nghi thức phụng vụ, và có những vị khác là chứng nhân cho đức bác ái. Và vai trò của họ trong gia đình là như thế nào? Không biết bao nhiêu ông bà đang chăm sóc cho những đứa cháu, đơn giản là để truyền cho con cái kinh nghiệm sống, những giá trị tinh thần và văn hóa của một cộng đồng và một dân tộc! Ở những quốc gia phải chịu sự bách hại tôn giáo dữ dội, ông bà là những người truyền lại đức tin cho những thế hệ trẻ, dẫn đưa con cái được thanh tẩy trong một bối cảnh đau khổ trong bí mật.
Trong một thế giới như vậy, trong đó sức mạnh và diện mạo thường được thần thoại hóa, sứ mạng của anh chị em là mang theo chứng tá của những giá trị đích thực quan trong và trường tồn vì chúng được khắc sâu trong tim của mỗi con người và được bảo đảm bởi Lời của Chúa. Là những người được gọi là “thời đại thứ ba”, ông bà, hay đúng hơn là chúng ta – vì cha cũng là một trong số họ – chúng ta được kêu gọi để làm việc cho sự phát triển của văn hóa sự sống, làm chứng tá rằng mọi giai đoạn cuộc sống đều là một quà tặng của Thiên Chúa và mang nét đẹp riêng và tầm quan trọng riêng của nó, cho dù có dấu ấn của sự mỏng giòn.
Mặc dù có rất nhiều vị cao tuổi, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, tiếp tục phục vụ tha nhân, nhưng vẫn còn rất nhiều vị đang sống với bệnh tật và những khiếm khuyết về thể lý, và cần sự trợ giúp. Hôm nay cha xin tạ ơn Chúa vì có rất nhiều người và tổ chức tận hiến lo liệu sự phục vụ thường nhật cho người cao tuổi, thúc đẩy những bối cảnh nhân văn xứng hợp, trong đó mọi người có thể sống đúng với phẩm giá tại giai đoạn quan trọng này của cuộc đời. Những tổ chức nuôi dưỡng người cao tuổi được kêu gọi để trở thành những nơi của lòng nhân đạo và của sự quan tâm yêu thương, nơi những người yếu đuối nhất không bị quên lãng cũng không bị từ bỏ, nhưng được thăm viếng, được nhớ đến, và được chăm sóc như những người anh em chị em. Đây là cách diễn tả duy nhất lòng biết ơn dành cho những người đã trao tặng quá nhiều cho các cộng đoàn và là sự bảo tồn của những cội người của nó.
Vẫn còn nhiều điều mà các tổ chức và cấu trúc xã hội có thể làm để giúp người cao tuổi cống hiến hết khả năng của họ, để tạo điều kiện cho những đóng góp tích cực của họ, đặc biệt để bảo đảm rằng nhân phẩm của họ luôn được tôn trọng và được đánh giá đúng. Để làm được điều này chúng ta phải chống lại văn hóa loại trừ nguy hiểm gạt những người cao tuổi ra ngoài lề xã hội, xem họ như không còn hữu ích. Những người chịu trách nhiệm cho thịnh vượng chung, những nhà lãnh đạo văn hóa, giáo dục và tôn giáo, cũng như tất cả những người thiện chí, được kêu gọi để cam kết xây dựng một xã hội ngày càng biết chào đón nhiều hơn và bao dung tất cả. Một điều cũng rất quan trọng là thúc đẩy mối dây ràng buộc giữa các thế hệ. Tương lai của một dân tộc đòi hỏi có sự gặp gỡ giữa lớp trẻ và lớp già: người trẻ là sức sống của một dân tộc “đang tiến bước” và người cao tuổi củng cố cho sức sống này bằng ký ức và sự khôn ngoan.
Ông bà nội ngoại thân mến, xin cảm ơn ông bà về những mẫu gương yêu thương, cống hiến và khôn ngoan. Hãy tiếp tục với lòng can đảm mang chứng tá cho những giá trị này! Xin đừng để những nụ cười và ánh sáng rạng ngời của đôi mắt của ông bà thiếu vắng trong xã hội! Cha luôn đồng hành với ông bà trong lời cầu nguyện – và xin cũng đừng quên cầu nguyện cho cha. Và bây giờ, cha khẩn cầu sự chúc phúc lành của Thiên Chúa cho tất cả những ý định và công việc tốt đẹp của ông bà.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/10/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét