Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

“Hãy xây dựng một lương tâm trong xã hội biết tôn trọng mọi vật xung quanh”

“Hãy xây dựng một lương tâm trong xã hội biết tôn trọng mọi vật xung quanh”

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico gửi đến các tham dự viên trong Đại hội Quốc tế “Laudato Si’ và Những Thành Phố Lớn,” Rio de Janeiro
14 tháng Bảy, 2017
“Hãy xây dựng một lương tâm trong xã hội biết tôn trọng mọi vật xung quanh”
Creation / Pixabay CC0 - Sanshiro, Public Domain
Dưới đây là bản dịch Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico gửi đến các tham dự viên trong một Đại hội Quốc tế “Laudato Si’ và Các Thành Phố Lớn,” đang diễn ra tại Rio de Janeiro, Brazil, từ 13-15 tháng Bảy, 2017, được tổ chức bởi Quỹ “Antoni Gaudi cho Những Thành Phố Lớn” của Barcelona, với sự hợp tác của Tổng Giáo phận Rio de Janeiro.
* * *
Sứ điệp của Đức Thánh Cha
Tới Đức Hồng y Lluis Martinez Sistach
Tổng Giám mục về hưu của Barcelona
Hiền huynh thân mến:
Tôi xin gửi lời chào đến hiền huynh, cũng như tất cả những vị tham dự trong sự kiện: Đại hội Quốc tế “Laudato Si’ và Những Thành Phố Lớn.” Trong Tông huấn Laudato Si’ tôi đề cập đến nhiều nhu cầu thể lý khác nhau mà con người ngày nay trong những thành phố lớn đang rất cần, và đó là những vấn đề phải được giải quyết với lòng tôn trọng, trách nhiệm và sự tương quan. Đó là ba chữ “R,” giúp kết hợp tương tác với nhau trước những mệnh lệnh quan trọng nhất của sự chung sống của chúng ta.
Tôn trọng (Respect) là thái độ căn bản của con người phải có đối với tạo vật. Chúng ta được đón nhận tạo vật như là một món quà quý báu và chúng ta phải dành tất cả mọi nỗ lực, để những thế hệ tương lai có thể tiếp tục tôn trọng và đón hưởng nó. Chúng ta phải dạy bảo và truyền tải sự chăm sóc này. Trong Bài ca Các Tạo Vật, Thánh Phanxico Assisi khẳng định: “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị Nước, thật lợi ích và khiêm nhu, quí hóa và trinh trong.” Những tính từ này diễn tả vẻ đẹp và tầm quan trọng của nguyên tố này, nó không thể thiếu được cho sự sống. Cũng như những những nguyên tố được tạo dựng khác, nước sạch và có thể uống được là một sự thể hiện tình yêu đặc biệt và quan phòng của Thiên Chúa cho từng loài trong các tạo vật của Người, nó là một quyền căn bản mà mọi xã hội phải bảo đảm (x. Laudato Si’, 30). Khi nó không có được sự chăm sóc xứng đáng, nó trở thành một nguồn gây bệnh tật và tình trạng thiếu nước đe dọa sự sống của hàng triệu con người. Trách nhiệm của mọi người là xây dựng một lương tâm trong xã hội biết tôn trọng mọi vật chung quanh; việc này tạo ích lợi cho chúng ta cũng như cho những thế hệ tương lai.
Trách nhiệm (Responsibility) liên quan đến tạo vật là cách thức chúng ta phải tương tác với nó và đó là một trong những trách nhiệm căn bản của chúng ta. Chúng ta không thể đứng khoanh tay, khi chúng ta biết rằng đang có một sự giảm sút nặng nề trong chất lượng của không khí hoặc sự gia tăng sản sinh ra những cặn bã nhưng không được xử lý thích đáng. Những thực tại này là hậu quả của một thái độ vô trách nhiệm trong việc chăm sóc tạo vật và chúng kêu gọi chúng ta phải thực hành trách nhiệm tích cực vì lợi ích chung. Ngoài ra, chúng ta nhìn thấy sự thờ ơ đối với ngôi nhà chung của chúng ta, và thật đáng thương cho không rất nhiều những thảm kịch và những nhu cầu đang làm đau khổ anh em chị em chúng ta. Sự thụ động này thể hiện “việc đánh mất ý thức trách nhiệm đối với đồng loại mà mọi xã hội dân sự đều được xây dựng trên nền tảng đó” (Laudato Si’, 25). Mỗi lãnh thổ và chính phủ phải khuyến khích những thái độ đầy trách nhiệm để thúc đẩy nơi những công dân của họ, để cùng với sự sáng tạo, họ có thể tương tác và xây dựng tạo hóa thành một ngôi nhà đáng sống và tốt lành. Nếu mỗi người nhận gánh vác một chút phù hợp với trách nhiệm của  mình, thì chắc chắn sẽ đạt được rất nhiều điều.
Quan sát trong các thành phố lớn, cũng như trong những vùng thôn quê, mối quan hệ (Relation) đang thiếu dần. Bất kể những nguyên nhân gì tạo ra sự thiếu thốn đó, dòng người di chuyển liên tục tạo ra một xã hội đông đảo hơn, đa văn hóa hơn, điều đó là tốt, nó tạo ra của cải và sự phát triển cho xã hội và cá nhân, nhưng nó cũng làm cho xã hội này khép kín hơn và nghi ngờ hơn bao giờ hết. Mất cội nguồn và tình trạng bị cách ly của một số người là những hình thức tạo ra sự nghèo nàn, và nó có thể biến thành những khu ổ chuột và là nguyên nhân cho những bạo lực và  bất công. Nhưng con người được kêu gọi hãy yêu thương và được yêu thương, thiết lập những mối dây tương thuộc và những những mắt xích của sự hiệp nhất giữa tất cả mọi người. Điều quan trọng là xã hội phải chung tay hoạt động trong những lĩnh vực chính trị, giáo dục và tôn giáo, để tạo ra những mối quan hệ giữa con người ấm áp hơn, nó phá vỡ những bức tường cách ly và gạt ra bên lề. Có thể đạt được điều này qua các nhóm, các trường học, các giáo xứ v.v.., với sự hiện hữu của họ những nhóm này có thể xây dựng một mạng lưới liên kết và tương thuộc. Bằng cách này, “không còn nơi nào là hỏa ngục cả và sẽ trở thành khung cho một cuộc sống xứng đáng” (Laudato Si’, 149).
Tôi phó thác những ngày nghiên cứu và suy tư này cho sự can thiệp của Rất Thánh Đồng Trinh, Nữ vương Thiên Đàng và Trần gian. Xin Mẹ soi sáng và hướng dẫn cho những quyết định của quý vị ưu tiên cho sinh thái toàn diện để bảo vệ cho ngôi nhà chung của chúng ta.
Tôi xin quý vị cầu nguyện cho tôi, và tôi cầu xin Thiên Chúa ban ơn lành cho quý vị.
Vatican, 12 tháng Sáu, 2017
FRANCIS
[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/07/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét