Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

Huấn từ Kinh Truyền tin: Đến với Chúa Giê-su khi cuộc sống trở nên quá nặng nề

Huấn từ Kinh Truyền tin: Đến với Chúa Giê-su khi cuộc sống trở nên quá nặng nề

Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng
9 tháng Bảy, 2017
Huấn từ Kinh Truyền tin: Đến với Chúa Giê-su khi cuộc sống trở nên quá nặng nề
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài huấn từ của Đức Thánh Cha hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
* * *
Trước Kinh Truyền tin
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong Tin mừng hôn nay, Chúa Giê-su nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Chúa không nói riêng câu này cho một số người bạn của Ngài, Không, Ngài nói cho “tất cả” những ai đang mệt mỏi và mang gánh nặng cuộc sống. Và có ai cảm thấy bị loại trừ ra khỏi lời mời gọi này? Chúa biết gánh nặng của cuộc sống là gì. Ngài biết rằng nhiều thứ làm mệt mỏi tâm hồn: những thất vọng và vết thương của quá khứ, những gánh nặng phải mang và những sai trái phải chịu đựng trong hiện tại, những bấp bênh và lo lắng cho tương lai.
Đứng trước tất cả những điều này, lời đầu tiên của Chúa Giê-su là một lời mời gọi, một lời mời gọi phải di chuyển và phải có sự phản ứng: “Hãy đến.” Sai lầm là chúng ta dừng lại tại chỗ khi mọi điều diễn ra không đúng, nằm im ở đó. Nó dường như quá rõ ràng, nhưng thật quá khó khăn để phản ứng và mở rộng lòng mình! Nó không hề dễ. Theo lẽ thường, trong những thời khắc đen tối người ta co cụm một mình, để nghiền ngẫm sự bất công của cuộc đời, sự vô ơn của người khác và tội lỗi của thế giới này, vân vân. Tất cả chúng ta đều biết điều đó. Chúng ta thỉnh thoảng đều có kinh nghiệm kinh khủng này. Và vì thế, vì chúng ta khóa cửa lòng mình, chúng ta nhìn thấy mọi thứ toàn một màu đen. Rồi chúng ta thậm chí trở nên quen dần với nỗi buồn, nó trở thành thân quen như ngôi nhà của chúng ta: nỗi buồn quật ngã chúng ta; nỗi buồn này là một điều kinh khủng. Nhưng Chúa Giê-su muốn giải thoát chúng ta khỏi “vũng bùn” này và như vậy Người nói với mỗi người: “Hãy đến!” – “Ai?” – Chính ông, bà, anh, chị . . .” Con đường thoát ra nằm trong mối quan hệ, trong việc đưa bàn tay ra và hướng đôi mắt về Đấng thực sự yêu thương chúng ta.
Quả thật, thoát ra khỏi con người mình vẫn chưa đủ, điều quan trọng phải biết đi đâu, vì quá nhiều mục tiêu chỉ là sự viển vông: chúng hứa hẹn sự nghỉ ngơi và tách biệt một chút, bảo đảm sự bình an và bồi dưỡng, và sau đó lại để người ta rơi vào trạng thái cô độc như trước; chúng là “những cụm pháo bông.” Vì vậy Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta biết phải đi đâu: “Hãy đến với Tôi.” Thông thường, đứng trước một gánh nặng cuộc sống hay một hoàn cảnh làm chúng ta đau đớn, chúng ta cố gắng nói về nó với một ai đó lắng nghe chúng ta, với một người bạn, với một chuyên gia … Làm như vậy là rất tốt, nhưng chúng ta đừng quên Giê-su! Chúng ta đừng quên mở lòng mình ra với Người và nói với Người về cuộc sống của chúng ta, để phó thác con người và hoàn cảnh cho Người. Có lẽ có “những khu vực” trong cuộc sống mà chúng ta chưa bao giờ mở ra với Ngài và nó vẫn còn trong bóng tối, vì nó chưa bao giờ nhìn thấy được ánh sáng của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta đều có câu chuyện riêng của mình. Và nếu ai đó có vùng tối này, hãy tìm kiếm Giê-su, hãy đến với một vị thừa sai thương xót, hãy đến với một linh mục, hãy đi … Nhưng hãy đến với Giê-su, và kể chuyện đó cho Giê-su. Hôm nay Người nói với mỗi người chúng ta: “Hãy can đảm, đừng đầu hàng những ách nặng cuộc đời, đừng khóa mình trong những nỗi sợ hãi và tội, nhưng hãy đến với Ta!”
Người chờ đợi chúng ta, Người luôn chờ đợi chúng ta, không phải để giải quyết những vấn đề của chúng ta như phép thuật, nhưng làm cho chúng ta mạnh mẽ trước những vấn đề của mình. Chúa Giê-su không cất đi những gánh nặng cuộc đời, nhưng cất đi những nỗi thống khổ của tâm hồn; Người không lấy thập giá khỏi chúng ta, nhưng cùng vác nó với chúng ta. Và với Ngài, mọi ách nặng nề trở nên nhẹ nhàng (x. c. 30), vì Người là sự nghỉ ngơi mà chúng tìm kiếm. Khi Giê-su đi vào cuộc đời của chúng ta, sự bình an đến, sự bình an đó tồn tại ngay cả trong những thử thách, trong những đau khổ. Chúng ta hãy đến cùng Giê-su, chúng ta hãy dâng cho Người thời gian của chúng ta, chúng ta hãy gặp gỡ Người mỗi ngày trong lời cầu nguyện, trong một cuộc đối thoại đầy tin tưởng và riêng tư; chúng ta hãy thuộc lòng lấy những Lời của Người, chúng ta hãy tái khám phá sự tha thứ của Người mà không hề sợ hãi, chúng ta hãy làm cho mình no nê với Bánh sự sống của Người: chúng ta sẽ cảm thấy được yêu và được an ủi bởi Người.
Chính Người yêu cầu chúng ta điều này, gần như năn nỉ. Người lặp lại lời đó ở cuối đoạn Tin mừng hôm nay: “Hãy học nơi tôi [...] và tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (c. 29). Và như vậy chúng ta học để đi đến với Chúa Giê-su và, trong khi vẫn còn trong những tháng mùa hè chúng ta hãy tìm cách nghỉ ngơi một chút thoát khỏi những gì làm hao mòn thân xác, chúng ta đừng quên tìm sự nghỉ ngơi thật sự trong Chúa. Nguyện xin Mẹ Maria Đồng trinh, Mẹ của chúng ta, Mẹ luôn luôn chăm sóc chúng ta khi chúng ta mệt mỏi và phải mang ách nặng, giúp chúng ta trong việc này và đưa chúng ta đến với Chúa Giê-su.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]
[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/07/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét