Phái viên của Vatican kêu gọi Việt nam tôn trọng tự do tôn giáo
Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli (giữa) đại diện không thường trú của Vatican tại Việt nam ở Hà nội mùa Phục sinh năm 2011.
18/08/2017 16:12
Đại diện Giáo hoàng tại Việt nam kêu gọi nhà nước cộng sản của quốc gia Đông Nam Á tôn trọng tự do tôn giáo, ngài nói rằng hãy xem Giáo hội Công giáo là một điều tích cực chứ không phải là một vấn đề cho đất nước.
Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, đại diện không thường trú của Vatican tại Việt nam, lên tiếng kêu gọi trong Thánh Lễ ngài dâng ngày 13 tháng Tám nhân dịp Đại hội Mẹ Maria, được tổ chức tại thánh địa quốc gia Đức Mẹ La vang ở tỉnh Quảng trị thuộc miền Trung Việt nam.
Hãy trả lại cho Xê-da những gì của Xê-da,
Trong bài giảng trước một đám đông khổng lồ người hành hương, Đức Tổng Giám mục Girelli đụng chạm đến vấn đề tự do tôn giáo trong nước. “Trong một số tỉnh, chính quyền địa phương lo ngại và phàn nàn về người Công giáo và những việc làm của họ,” Đức Tổng Giám mục nói. Vị Giám mục 64 tuổi người Ý đưa ra lời khuyên cho đám đông theo sự khôn ngoan của Thánh Phê-rô “Chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa hơn là nghe lời loài người” và lời dạy của Chúa Giê-su, “Hãy trả lại cho Xê-da những gì của Xê-da, và hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa.” “Tôi muốn nói rằng những Xê-da của Việt nam hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa,” ngài nói, và đám đông đáp lại bằng tràng pháo tay vang dậy.
Cùng dâng Thánh Lễ với Đức Tổng Giám mục Girelli là Đức Tổng Giám mục Nguyễn Chí Linh thuộc giáo phận Huế, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam, Đức Hồng y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn giáo phận Hà nội, 13 giám mục và khoảng 200 linh mục.
Giáo hội - không phải là một vấn đề
Ngài phái viên của Vatican cho biết ước nguyện của rất nhiều người về sự tự do tôn giáo ở Việt nam phải được tôn trọng trọn vẹn. Ngài nói rằng Giáo hội Công giáo phải được xem như một điều tích cực, chứ không phải là một vấn đề rắc rối cho đất nước. Đức Tổng Girelli mời gọi cộng đoàn dành thời gian cầu nguyện trong suốt kỳ đại hội để họ có thể tìm kiếm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của họ. Ngài nói, “Chỉ khi nào chúng ta noi theo Chúa Giê-su và ở trong Ngài, chúng ta mới thực sự được hạnh phúc.”
Đức Mẹ La vang
Khoảng 100.000 người hành hương - trong đó có những người thuộc tôn giáo khác từ Việt nam và nước ngoài - đã tham dự kỳ đại hội 3 ngày mừng kính Mẹ Maria Lên Trời ngày 15 tháng Tám. Trong suốt kỳ đại hội, khách hành hương tham dự các Thánh Lễ, xưng tội, đọc kinh Mân côi và xem những tiết mục trình diễn văn hóa.
Đại hội này được tổ chức lần đầu tiên tại Thánh Địa Mẹ Maria năm 1901. Mọi người tin rằng Mẹ Đồng Trinh Maria đã hiện ra ở Quảng Trị năm 1798 để an ủi những người Công giáo Việt nam đang bị bách hại. Năm 1961, các Giám mục Việt nam công bố khu vực này là Thánh Địa Mẹ Maria.
Cải thiện mối quan hệ Tòa Thánh - Việt nam
Những mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt nam đang được cải thiện, cho dù vẫn còn những căng thẳng trong mối quan hệ giữa nhà thờ-chính quyền ở cấp độ địa phương. Những quan hệ giữa hai bên bị cắt đứt năm 1975, sau khi chính quyền cộng sản miền Bắc tiến vào miền Nam Việt nam. Từ đó đến nay những chuyến thăm của hơn 20 phái đoàn của Vatican cuối cùng đã dẫn đến chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Đức Giáo hoàng Benedict XVI năm 2007. Từ đó những cuộc thương thuyết để tái thành lập những quan hệ ngoại giao dẫn đến việc thành lập một nhóm hoạt động chung năm 2009.
Năm 2008, Tòa Thánh cuối cùng đã có thể bổ nhiệm bảy tân giám mục ở Việt nam, và các giám mục đã truyền chức cho hàng trăm linh mục. Kết quả cũng dẫn đến việc Đức Tổng Giám mục Girelli được bổ nhiệm làm đặc phái viên không thường trú tại Việt nam năm 2011. Năm sau ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của đảng Cộng sản Việt nam, đã đến thăm Đức Giáo hoàng Benedict, cho thấy mong muốn của Việt nam bình thường hóa những quan hệ ngoại giao.
Đức Tổng Giám mục Girelli, ngài ở Singapore, thực hiện các chuyến thăm viếng đến các giáo phận ở Việt nam, mỗi chuyến kéo dài một tháng. Tất cả những hoạt động của ngài đều phải được chính quyền chấp thuận.
Việt nam, có 6 triệu người Công giáo trong tổng số 91 triệu dân, là một trong năm quốc gia trên thế giới thuộc chế độ Cộng sản. Bốn quốc gia khác là Trung quốc, Bắc Triều tiên, Lào, và Cuba. (Nguồn: UCANEWS)
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/08/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét