Tại sao các nhà trừ quỷ yêu cầu chúng tiết lộ tên?
05 tháng Tư, 2017
Trong bài phỏng vấn này với một nhà trừ quỷ từ Thụy sĩ, cha nói rằng không phải quỷ có mặt ở khắp nơi — nhưng cũng đừng đi tìm kiếm hắn, chỉ trong trường hợp nào đó thật cần thiết.
Với tâm lý hiện đại của chúng ta, những chủ đề về trừ quỷ và quỷ nhập thường gợi lên một thái độ phản ứng giữa sự tò mò và hoài nghi. Đây là những thứ trong phim ảnh, nhưng nó cũng làm bạn phải suy nghĩ.
Nhưng với Giáo hội Công giáo, trừ quỷ được thực hiện với một quyển sách nghi thức, De exorcismis et supplicationibus quibusdam (Nghi thức trừ quỷ và những kinh cầu trong các trường hợp đặc biệt, được phê chuẩn năm 1998 để thay thế cho phiên bản trước đây đã cũ, nhưng có lẽ vẫn còn được sử dụng), và nó tùy thuộc vào những điều kiện và những quy định cụ thể nào đó.
Những lý do dẫn đến các luật chặt chẽ này có nguồn gốc từ Kinh Thánh và trong thần học. Nó là một vấn đề rất tinh tế phải được xử lý một cách khôn ngoan bởi các linh mục đã được chuẩn bị phù hợp và có sự cân nhắc kỹ lưỡng (“đạo đức, am tường, cẩn trọng, và chính trực”), và được phép của đức giám mục địa phương.
Aleteia nói chuyện với Cha César Truqui, là một nhà trừ quỷ của Giáo phận Chur, Thụy sĩ, và là nhà thuyết trình tại khóa học thứ 11 về “Phép trừ quỷ và Lời nguyện Giải thoát” tại Học viện Giáo hoàng Regina Apostolorum của Roma (khóa học đã khơi nguồn cảm hứng cho bộ phim của Anthony Hopkins The Rite (Nghi thức).
Chiara Santomiero: Loại tà thần nào thường được gặp trong những lần trừ quỷ?
Cha Truqui: Tà thần nhập hồn. Đức Phao-lô VI nói đến “làn khói của Satan.” Không đơn thuần là một “privatio bonis,” tức là tình trạng mất đi sự tốt lành như được miêu tả theo triết học, nhưng hơn thế đó là một tà thần hoạt động thật và điều khiển thật. Ở đây chúng ta đang nói về một hữu thể ma quái. Chỉ đức tin, không phải khoa học, mới có thể cho chúng ta biết hữu thể ma quái này là gì. Đức tin Ki-tô cho chúng ta biết về sự hiện hữu của những hữu thể thiêng liêng: hữu thể tốt lành là các thiên thần, và hữu thể xấu là ma quỷ.
Chắc là khó chấp nhận được sự hiện hữu của một tà thần như là một hữu thể nhập vào thân xác một con người?
Vâng, đúng như vậy, vì trong đời sống bình thường hàng ngày, chúng ta không có những kinh nghiệm thuộc loại này. Nhưng nhờ thừa tác vụ tôi đã đảm nhận trong nhiều năm, tôi có cơ hội gặp được những người như vậy, và với tôi tin rằng hiện tượng này có tồn tại thì dễ dàng hơn.
Cha đã bắt đầu như thế nào?
Đó là sự quan phòng của Thiên Chúa. Khi tôi được tiến chức linh mục 12 năm trước, tôi tham gia một khóa học với các linh mục là những nhà trừ quỷ, chẳng hạn các Cha Bamonte và Amorth. Rồi chuyện xảy đến là một người đàn ông Pháp 40 tuổi. Ông ta bị Satan nhập và cần một nhà trừ quỷ, nhưng cha Bamonte không nói được tiếng Anh hay tiếng Pháp. Vì vậy, họ nhờ tôi giúp trong cuộc đối thoại mở đầu.
Cảm giác như thế nào khi cha thấy mình đối mặt với sự hiện hình của tà thần?
Cảm giác thay đổi từng lúc. Trong lần trừ quỷ đầu tiên tôi có tham gia, điều làm tôi nhớ nhất là sự khẳng định xác thực rằng Tin mừng mà tôi đã đọc và suy niệm là thật. Trong Tin mừng, Chúa Giê-su đã trừ những tên quỷ tự xưng bằng những tên như: “Tên tôi là Legion (đạo binh),” “Tên tôi là Satan.” Trong Cựu Ước sách Tô-bít có một con quỷ tên Át-mô-đai-ô. Tôi đã nghe các tên quỷ xưng danh những tên gọi này trong nhiều lần trừ quỷ khác nhau.
Trên mức độ thiêng liêng, nó là một trải nghiệm rất phong phú, vì nó cho phép tôi kinh nghiệm bằng chính con người của mình, qua nhận thức của tôi, về thực tại mà Chúa Giê-su nói đến.
Tính xác thực?
Ở trường hợp của người đàn ông Pháp trong lần trừ quỷ đầu tiên tôi tham gia, tôi nhớ khi quỷ tỏ mình hắn ra, tôi có cảm giác bị vây quanh bởi niềm kiêu ngạo, nó giống như khói hoặc sương mù. Rất khó giải thích, nhưng niềm kiêu ngạo giống như một thứ gì đó anh có thể đụng chạm vào được; nó tỏa khắp phòng. Nhà trừ quỷ hỏi tên của hắn, và hắn trả lời, “Ta là Rex.” Không có con quỷ nào tên là rex, king. Nhà trừ quỷ năn nỉ hắn, “Hãy cho tôi biết tên của ngươi,” và cuối cùng hắn trả lời, “Ta là Satan, hoàng tử của trần gian này.”
Tại sao cha lại hỏi tên của quỷ?
Nghi thức bắt buộc, vì một mục đích rõ ràng. Gọi tên một cái gì đó, hoặc biết tên của nó, nghĩa là có quyền trên nó. Thật vậy, Chúa đã cho ông A-đam quyền đặt tên mọi loài. Ngay khi tên quỷ tiết lộ tên của hắn, nó cho thấy hắn đã bị yếu thế; nếu hắn không nói ra, hắn vẫn còn sức mạnh.
Có những dấu hiệu đặc trưng nào khi bị quỷ nhập?
Chúng được ghi trong sách Nghi thức. Có bốn dấu hiệu: rất ghét những đồ thánh thiêng; nói những ngôn ngữ lạ hoặc của người đã chết, có sức mạnh khác thường vượt ra ngoài bản chất tự nhiên của người đó; biết những điều bí ẩn hoặc thầm kín.
Người ta có thể đưa mình vào tình trạng nguy hiểm không?
Có. Bằng cách tham gia vào những gì có liên quan đến pháp thuật, sự thần bí, yêu thuật, hoặc bói toán. Điều giúp chúng ta phát triển trong sự thánh thiêng là đi tham dự Thánh Lễ, cầu nguyện, xưng tội, hoặc lại gần bên Chúa; cùng một cách thức nhưng nếu đến với những nghi thức đen, những nghi thức của satan, những phim ảnh hoặc âm nhạc thuộc loại đó sẽ dẫn đến hậu quả đem chúng ta lại gần với quỷ hơn.
Tôi đối phó với trường hợp của một phụ nữ bắt đầu bằng việc xem loại bài Tarot để giải trí, như nhiều người làm. Riêng trong trường hợp của người phụ nữ này, bà ta bắt đầu chăm chú vào bói quá khứ và hiện tại của người khác, trong một số trường hợp, cả tương lai của họ. Và một cách rất tự nhiên, bà ấy thành công. Cho đến một lúc, bà ấy biết được sự thành công của bà lệ thuộc vào ai, và bà ngừng làm việc đó, nhưng đã quá muộn: bà đã bị quỷ ám.
Có thể đặt lời nguyền trên người khác không?
Nó cũng giống như tôi giao cho ai đó công việc giết người khác, tôi có thể nhờ quỷ làm hại người khác. Nhưng hãy nhớ điều này: gần như tất cả những nghi thức được các phù thủy và thầy pháp sử dụng đều là đánh lừa, không có hiệu quả.
Một lần trừ quỷ đã đủ để giải thoát một người bị ám không?
Vô cùng khó khăn. Thường cần phải có nhiều lần trừ quỷ.
Liệu nó có hiệu quả như một liệu pháp?
Có. Trừ quỷ là một á bí tích, không phải là một bí tích. Bản thân một bí tích mang giá trị hiệu quả trong nó. Nếu tôi ban phép tha tội cho một người trong toà cáo giải thì ngay lúc đó, tội của người đó thật sự được tha thứ. Ngược lại, phép trừ quỷ có hiệu quả tuỳ theo mức độ thánh thiện của linh mục, tuỳ theo đức tin của người đang được trừ quỷ, và tuỳ theo đức tin của toàn Giáo hội.
Đâu là sự khác biệt giữa phép trừ quỷ và cầu nguyện giải thoát?
Cả hai đều có chung một mục tiêu: đó là tìm kiếm sự giải thoát cho một người khỏi sự ảnh hưởng của tà thần hoặc khỏi sự nhập hồn. Trừ quỷ thực ra là một thừa tác vụ trong Giáo hội mà Đức Giám mục trao quyền cho một số linh mục nào đó. Việc này chỉ được thực hiện bởi linh mục, giáo dân thì không được, và chỉ được thực hiện bởi những người có phép đặc biệt của giám mục. Ngược lại, cầu nguyện giải thoát có thể được thực hiện bởi bất kỳ người nào, đàn ông hoặc phụ nữ, giáo dân hoặc linh mục, vì nhân đức là một Ki-tô hữu, vì Đức Ki-tô nói, “Bất kỳ ai tin tôi sẽ đuổi được các tà thần.”
Phép trừ quỷ cũng là một mệnh lệnh trực tiếp truyền cho quỷ, trong khi lời nguyện giải thoát chỉ là một sự khẩn xin Thiên Chúa hoặc Mẹ Maria Đồng Trinh để họ được giải thoát.
Có bao nhiêu người đến với cha là thực sự bị quỷ nhập?
Rất, rất tí.
Như vậy tại sao người ta lại quá sợ hãi?
Trong số những người đến với tôi, tôi có thể phân loại thành ba trường hợp: những người thực sự bị quỷ nhập, những người không bị nhập, và những người còn chưa chắc chắn. Trường hợp thứ nhất và thứ hai là dễ rồi: anh biết là anh đang đối mặt với một người thực sự bị quỷ ám vì họ thể hiện bốn dấu hiệu, và khi anh đọc lời nguyện, người đó đi vào trạng thái như bị thôi miên và phản ứng theo một cách mà nhà trừ quỷ nhận biết được. Điều này cũng có thể là giả, nhưng rất khó.
Trong trường hợp thứ hai, với kinh nghiệm của một linh mục và người giải tội, anh sẽ hiểu ngay khi có các vấn đề về tinh thần hoặc tâm lý, và như vậy anh loại trừ sự ảnh hưởng của tà thần.
Vấn đề là khi anh thấy một người nào đó có vẻ thực sự bị quỷ nhập — vì những tổn thương tinh thần rất sâu kèm theo những thái độ nguy hiểm, chẳng hạn đi cầu cơ hoặc đi bói bài — nhưng lại chưa thực sự bị nhập.
Tôi đã gặp một cô gái bị hãm hiếp bởi một người được gọi là thầy pháp người Mỹ La-tinh với đôi mắt hút hồn cô gái kia. Một ngày người đó cho cô ta uống một tách cà phê có pha chất ma tuý và hãm hiếp cô gái; cô vẫn ý thức được, nhưng không thể phản ứng. Sự tổn thương tinh thần khủng khiếp này làm cho cô nghĩ rằng mình bị quỷ nhập qua thuốc phiện vào bạo lực cô đã chịu đựng.
Tôi tin là cô gái thực sự bị nhập. Tuy nhiên, khi tôi đọc lời nguyện và đặt tay lên cô gái trong suốt buổi trừ quỷ, cô ta không đi vào trạng thái như bị thôi miên, và không có dấu hiệu của những hiện tượng khác. Vì vậy, tôi hiểu rằng nguyên nhân nằm ở chỗ khác. Đây là lý do tại sao cần có một số hồ sơ bệnh án và tâm lý trong những trường hợp như vầy được đem ra giải thích trong suốt khoá học dành cho các nhà trừ quỷ.
Những người bị quỷ nhập sống như thế nào?
Thật ra họ sống cuộc sống cũng bình thường. Quỷ không hoạt động qua họ liên tục. Cho phép tôi sử dụng cách so sánh hơi ngược đời để giải thích vấn đề này: Nếu một người mua một chiếc xe, cái xe đó thuộc về cách sắp xếp sử dụng của người đó bất cứ khi nào anh ta muốn. Họ có thể dùng để đi làm, rồi phải tìm chỗ đậu xe. Chuyện tương tự cũng xảy ra cho người bị quỷ nhập. Có những lúc quỷ hoạt động: hắn lên xe và lái xe bất kể theo cách nào hắn muốn; có những lúc, hắn không sử dụng. Chiếc xe có một người chủ, nhưng chủ xe không phải liên tục sử dụng nó.
Khi nào mới cần đến với một nhà trừ quỷ?
Khi những gì xảy ra với anh vượt ngoài tự nhiên. Tôi có gặp một phụ nữ ở Roma, bà ấy là người vô thần: một người Công giáo chỉ đơn giản được rửa tội, nhưng không tin gì hết. Cuối cùng bà ấy bị nhập, tôi không nhớ rõ các chi tiết. Bà ta bắt đầu liên tục nghe thấy các tiếng nói, cố thuyết phục bà ta giết chồng và con trai rồi tự tử.
Bà ta nghĩ bà bị bệnh tâm lý, và đến gặp một bác sĩ tâm lý, nhưng bác sĩ thấy bà hoàn toàn thông minh và mạch lạc trong mọi vấn đề với những ý kiến rất rõ ràng. Bác sĩ tâm lý không thể điều trị cho bà. Một ngày kia, những con bọ nhậy cắn toàn bộ quần áo của bà, nhưng không đụng chạm đến những thứ của chồng bà và của con trai — cùng để trong một tủ. Và không tìm thấy bất kỳ con bọ nhậy nào trong nhà. Điều này không thể giải thích.
Một trong các người bạn của bà đề nghị bà nên đến với Cha Amorth, và cha khám phá ra bà bị quỷ nhập. Tuy nhiên, bà không hề tin vào thiên thần hay quỷ dữ. Bây giờ bà trở thành một Ki-tô hữu nhiệt thành. Tại sao Chúa cho phép những điều như vậy xảy ra? Vì ích lợi riêng của con người.
Cha có bao giờ hỏi được người nào cảm giác của họ ra sao trong suốt buổi trừ quỷ?
Tôi có hỏi một người đàn ông người Pháp khi chúng tôi nói chuyện về cảm giác của ông trong lúc trừ quỷ, và ông ta giải thích rằng ông cảm thấy giống như có một chiến trường trong con người của ông. Về một mặt, ông cảm thấy như những con quỷ đang chạy lòng vòng một cách tuyệt vọng và nói chuyện với nhau; về mặt khác, khi linh mục đọc lời nguyện, ông cảm thấy ánh sáng của Thiên Chúa ném chúng ra ngoài.
Câu chuyện nào gây ấn tượng nhất cho cha?
Kinh nghiệm về một tên quỷ câm. Chúa Giê-su có nói về hắn trong Tin mừng, và Người nói rằng những tên quỷ này là khó đuổi nhất, và chúng chỉ xuất ra ngoài khi cầu nguyện và ăn chay. Quỷ câm rất hiếm. Trong suốt 12 năm trừ quỷ, tôi chỉ gặp có một lần.
Cha có sợ lắm không?
Ban đầu thì tôi sợ, nhưng rồi dần dần anh cũng quen với những hiện tượng và nó không làm anh ngạc nhiên nữa khi nghe thấy giọng nói của người khác biến đổi: Một người phụ nữ nói với một giọng yếu ớt, sau đó lại chuyển sang giọng vang rền. Anh phải thật chú ý để không bị ám ảnh bởi tà thần. Một nhà trừ quỷ biết rằng quỷ có tồn tại thật, nhưng không phải hắn có mặt khắp nơi.
Trên tất cả, tôi hiểu rằng trừ quỷ là một thừa tác vụ của lòng thương xót: một hành động yêu thương dành cho một người đang đau khổ. Vậy thôi.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/07/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét