Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nghĩa trang của Mỹ ở Nettuno

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nghĩa trang của Mỹ ở Nettuno

Đây là kết quả của chiến tranh: chết chóc. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết khóc.
2 tháng Mười Một, 2017
Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nghĩa trang của Mỹ ở Nettuno
© L'Osservatore Romano
Ngày 2 tháng 11, 2017 – Lễ Các Linh Hồn — Đức Thánh Cha Phanxico đến viếng nghĩa trang của Mỹ ở Nettuno và địa điểm của cuộc tàn sát Ardeatine.
Ngài dâng Lễ tại vị trí chôn 7.860 tử sĩ, theo hình hơi vòng cung trong đồng cỏ xanh rộng lớn dưới những hàng cây thông Roma. Đa số những tử sĩ nằm ở đây đã chết trong cuộc giải phóng thành phố Sicily (từ 10 tháng Bảy đến 17 tháng Tám, 1943); trong những lần đổ bộ vào khu vực Salerno (9 tháng Chín, 1943) và trong chiến trường ác liệt về hướng bắc; trong các cuộc đổ bộ lên bãi biển Anzio và vùng tiền tuyến (22 tháng Một, 1944 đến tháng Năm 1944); và trong cuộc yểm trợ không quân và hải quân trong vùng.
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha của Vatican cung cấp
Hôm nay, tất cả chúng ta tập trung ở đây trong niềm hy vọng. Trong tâm hồn của chúng ta, mỗi người hãy lặp lại lời của ông Gióp mà chúng ta nghe trong Bài đọc Một: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất.” Niềm hy vọng được gặp Chúa, được gặp gỡ tất cả chúng ta như là anh em: và niềm hy vọng này không làm chúng ta thất vọng. Thánh Phao-lô đã dùng cách diễn đạt mạnh mẽ trong Thư thứ Hai: “Niềm trông cậy không làm thất vọng.” Tuy nhiên, niềm cậy trông thường được sinh ra và bén rễ trong những vết thương của con người, trong những sự phiền muộn, và với thời gian phiền muộn đó, đau đớn đó, thời gian đau khổ đó khiến chúng ta ngước nhìn lên trời và nói: “Con tin rằng Đấng Cứu độ con vẫn sống, nhưng lạy Chúa, xin đừng thêm nữa.” Và có lẽ, đây là lời cầu nguyện bộc phát ra từ tất cả chúng ta, khi chúng ta nhìn vào nghĩa trang này. “Lạy Chúa, con tin chắc rằng những người anh em này của chúng con đang ở cùng Chúa.”
“Con tin tưởng,” chúng ta cầu nguyện như vậy, “nhưng lạy Chúa, xin hãy dừng lại. Đừng thêm chiến tranh nữa, đừng thêm chiến tranh nữa, đừng có thêm những trận tàn sát vô ích này nữa,” như Đức Benedict XVI nói. Niềm hy vọng tốt đẹp hơn nếu không có sự tàn phá: bao nhiêu người trẻ … hàng ngàn, hàng ngàn, hàng ngàn niềm hy vọng tan vỡ. “Lạy Chúa, xin dừng lại.” Và hôm nay chúng ta phải nói câu này, chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người đã khuất, nhưng đặc biệt ở nơi đây chúng ta hãy cầu nguyện cho những thanh niên đang nằm nơi đây — hôm nay thế giới lại đi vào chiến tranh và đang chuẩn bị dấn sâu hơn. “Lạy Chúa. Xin đừng thêm chiến tranh nữa. Xin đừng thêm chiến tranh nữa.” Chiến tranh phá hủy tất cả.
Chợt hiện lên trong trí tôi là người phụ nữ lớn tuổi kia, bà nhìn và đống hoang tàn của Hiroshima, với sự nhẫn chịu cao cả nhưng vô cùng đau khổ, với sự nhẫn chịu trong bi ai đó mà những người phụ nữ đã có thể sống, vì đó là ân ban của họ, bà nói: “Con người làm cách này cách nọ để tuyên chiến và khơi mào chiến tranh, và cuối cùng, họ tàn phá chính họ.” Chiến tranh là như thế đấy: tàn phá chính bản thân chúng ta. Rõ ràng là người phụ nữ đó, người phụ nữ cao tuổi đó, đã mất những đứa con trai và cháu trai ở đó. Bà chỉ có sự đau đớn trong lòng và nước mắt. Và nếu hôm nay là một ngày của hy vọng, thì nó cũng là một ngày của nước mắt. Những dòng lệ như dòng lệ của người phụ nữ đó đã rơi xuống khi tin báo đến:
“Thưa bà, bà thật vinh dự vì chồng của bà là một anh hùng của quê hương; vì những người con trai của bà là anh hùng của dân tộc.” Đó là những dòng lệ mà nhân loại hôm nay không được quên. Niềm kiêu hãnh của nhân loại vẫn chưa học được bài học đó và dường nhưng không muốn học nó!
Nhiều lần trong lịch sử, khi con người nghĩ đến việc khơi mào một cuộc chiến, người ta nghĩ rằng họ sẽ đem đến một thế giới mới; người ta nghĩ rằng họ sẽ mang đến một “mùa xuân,” nhưng thực tế nó lại đem đến một mùa đông thê thảm, tàn nhẫn với sự thống trị của nỗi kinh hoàng và những cái chết. Ngày hôm nay chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đời, tất cả, nhưng đặc biệt là cho những thanh niên này, trong những khoảng thời gian với quá nhiều người chết trên các chiến trường mỗi ngày trong cuộc chiến. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những người chết vì chiến tranh hôm nay, cho cả những thiếu nhi vô tội. Đây là kết quả của chiến tranh: chết chóc. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết khóc.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

JF
[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/11/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét