Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

Bài giảng của Đức Thánh Cha Thánh Lễ trong Căn cứ Không quân Las Palmas (Toàn văn)

Bài giảng của Đức Thánh Cha Thánh Lễ trong Căn cứ Không quân Las Palmas (Toàn văn)

‘Hôm nay Chúa kêu gọi mỗi người anh chị em hãy cùng đi với Ngài vào trong thành phố, trong thành phố của anh chị em.’

21 tháng Một, 2018
Bài giảng của Đức Thánh Cha Thánh Lễ trong Căn cứ Không quân Las Palmas (Toàn văn)
Vatican Media Screenshot
Dưới đây là văn bản bài giảng của Đức Thánh Cha ngày 21 tháng Một, 2018, do Vatican cung cấp, trong Thánh Lễ tại Căn cứ Không quân Las Palmas.


***


“Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.” (Gn 3:2). Chúa nói với Giô-na những lời này và hướng dẫn ông lên đường đến thành lớn đó, ngôi thành sắp sửa bị phá hủy vì nhiều tội của nó. Trong Tin mừng, chúng ta cũng thấy Chúa Giê-su đến Ga-li-lê để rao giảng Tin mừng (x. Mc 1:14). Cả hai bài đọc cho thấy một Thiên Chúa hướng cái nhìn của Người về những thành phố trong quá khứ và hiện tại. Chúa khởi hành lên đường: tới Ni-ni-vê, đến Ga-li-lê, đến Lima, đến Trujillo và Puerto Maldonado… Chúa đến đây. Người lên đường để đi vào lịch sử cụ thể của mỗi con người. Chúng ta vừa mừng biền cố này cách nay không lâu: Người là Emmanuel, là Thiên Chúa Đấng muốn ở cùng chúng ta. Vâng, ở đây trong Lima này, hoặc ở bất kỳ nơi nào anh chị em sinh sống, trong môi trường cuộc sống và công việc hàng ngày, trong việc giáo dục niềm hy vọng mà anh chị em truyền lại cho con cái, giữa bao khát vọng và lo toan; trong sự riêng tư gia đình và giữa những ồn ào inh tai của các con phố. Chính tại đây mà Thiên Chúa đến để gặp gỡ từng người anh chị em, dọc theo những con đường lịch sử bụi bặm.


Có khi những gì xảy ra với Giô-na cũng có thể xảy ra với chúng ta. Những thành phố của chúng ta, với những hoàn cảnh đau khổ và bất công mỗi ngày, cám dỗ chúng ta chạy trốn, thoát khỏi, và chúng ta có rất nhiều lý do để làm như vậy. Nhìn vào thành phố, chúng ta có thể nói rằng có “những công dân tìm được điều kiện thích hợp để phát triển cuộc sống riêng và cuộc sống gia đình – và điều đó làm chúng ta phấn khởi – nhưng vấn đề là với nhiều người “không phải công dân”, “những công dân một nửa” hoặc “những người thừa của đô thị” [1]. Những người này được tìm thấy dọc hai bên vệ đường, sống trong những vùng ven của đô thị, và thiếu những điều kiện cần thiết cho một cuộc sống đúng phẩm giá. Thật đau đớn khi nhận ra trong số “những người thừa của đô thị” đó, chúng ta thường tìm thấy những khuôn mặt của trẻ em và thiếu niên. Chúng ta hãy nhìn đến khuôn mặt của tương lai.

Nhìn thấy những điều này trong thành phố và khu xóm của chúng ta – nơi đáng lẽ là nơi của sự gặp gỡ, của tình liên đới và niềm vui – thì cuối cùng lại dẫn đến điều mà chúng ta có thể gọi là hiện tượng Giô-na: chúng ta ngã lòng và muốn chạy trốn (x. Gn 1:3). Từ đó chúng ta trở nên thờ ơ, không biết và điếc trước tha nhân, tâm hồn lạnh lùng và khô cứng. Khi tình trạng này xảy ra, chúng ta làm tổn thương linh hồn của dân tộc chúng ta. Như Đức Benedict XVI nói, “chuẩn mực đánh giá lòng nhân được xác định trong mối quan hệ với những sự đau khổ và người chịu đau khổ … Một xã hội không có khả năng chấp nhận những thành viên đau khổ của nó và không có khả năng giúp chia sẻ sự đau khổ của họ và mang lấy nó trong nội tâm qua ‘lòng trắc ẩn’ là một xã hội tàn nhẫn và phi nhân”.[2]

Sau khi họ bắt Gio-an, Chúa Giê-su về Ga-li-lê để loan báo Tin mừng của Thiên Chúa. Không như Giô-na, khi nghe tin về sự bắt bớ đầy bất công đối với Gio-an, Chúa Giê-su phản ứng bằng cách đi vào thành; Người vào Ga-li-lê và bắt đầu gieo những hạt giống hy vọng trong những làng mạc nhỏ của thành: rằng Nước Chúa đã đến gần, Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Tin mừng cho chúng ta thấy được niềm vui và hiệu ứng tiệm tiến của việc này mang lại: bắt đầu từ Simon và An-rê, rồi Gia-cô-bê và Gio-an (x. Mc 1:14-20). Rồi truyền tới Thánh Rose de Lima, Thánh Turibius, Thánh Martin de Porres, Thánh Juan Macías, Thánh Francisco Solano, cho đến chúng ta, được công bố bởi hàng đoàn đông đảo những chứng nhân đã tin nơi Ngài. Đến lượt chúng ta phải hành động để có liều thuốc giải kịp thời cho sự toàn cầu hóa tính thờ ơ. Trước dung nhan Thiên Chúa, chúng ta không thể giữ thái độ thờ ơ.

Chúa Giê-su mời các môn đệ của Ngài trải nghiệm ngay trong hiện tại một chút hương vị của sự trường tồn: tình yêu của Thiên Chúa và anh em. Ngài thực hiện điều này bằng con đường duy nhất của Ngài, con đường của Thiên Chúa, bằng cách đánh thức lòng nhân hậu và tình yêu thương xót, bằng cách đánh thức lòng trắc ẩn và mở đôi mắt của họ nhìn thấy được thực tại như Thiên Chúa. Người mời gọi họ tạo ra những khế ước mới, những giao ước mới đầy tràn sự sống bất diệt.

Chúa Giê đi qua thành với các môn đệ của Ngài và bắt đầu quan sát, lắng nghe, chú ý đến những người đã đầu hàng trước sự thờ ơ, nằm dưới đáy xã hội do tội hủ hóa nặng nề. Ngài bắt đầu đưa ra ánh sáng nhiều hoàn cảnh đã giết chết niềm hy vọng của dân Người và đánh thức dậy niềm hy vọng mới. Người gọi các môn đệ và mời gọi họ lên đường theo Ngài. Người gọi họ đi qua thành, nhưng với một tốc độ khác; Ngài dạy họ chú ý đến những gì trước đây họ chỉ nhìn từ trên cao, và Ngài chỉ ra những nhu cầu mới và cấp thiết. Ngài bảo họ hãy sám hối. Nước Trời có nghĩa là tìm thấy một Thiên Chúa Đấng can dự vào đời sống của dân Người qua Chúa Giê-su. Ngài can dự vào và để những người khác cùng can dự vào và không e ngại xây dựng lịch sử của chúng ta thành lịch sử cứu độ (x. Mc 1:15, 21).

Chúa Giê-su tiếp tục đi trên những con đường của chúng ta. Người gõ cửa nhà và cửa tâm hồn của chúng ta hôm nay như Người đã làm hôm qua, để khơi dậy ngọn lửa của hy vọng và khát khao có thể vượt qua sự tan vỡ bằng tình huynh đệ, đánh bại bất công bằng tình đoàn kết, làm cho bạo lực phải im tiếng bằng vũ khí hòa bình. Chúa Giê-su tiếp tục kêu gọi chúng ta; Người muốn xức dầu chúng ta bằng Thần Khí của Người để cả chúng ta cũng có thể ra đi và xức dầu cho người khác bằng loại dầu có khả năng chữa lành những hy vọng đã bị thương tổn và canh tân lại cách nhìn mọi việc của chúng ta.

Chúa Giê-su tiếp tục bước đi và đánh thức niềm hy vọng, một hy vọng giải thoát chúng ta khỏi những hiệp hội trống rỗng và những sự phân tích sáo rỗng. Người khuyến khích chúng ta thâm nhập vào nơi chúng ta ở, nơi chúng ta sống, và mọi góc cạnh của cuộc sống thường ngày giống như men bột. Người nói với chúng ta Nước Thiên Chúa ở giữa anh em. Đó là bất kỳ nơi đâu chúng ta thể hiện một chút lòng nhân từ và trắc ẩn, bất kỳ nơi đâu chúng ta không ngại tạo ra những không gian để người mù được nhìn thấy, người què đi được, người phong hủi được sạch và người điếc nghe thấy (x. Lc 7:22), để tất cả những người mà chúng ta thấy đã bị mất có thể được phục sinh. Thiên Chúa không bao giờ nản bước ra đi tìm gặp những đứa con của Người. Làm sao chúng ta nhóm lại được ngọn lửa hy vọng khi thiếu những ngôn sứ? Làm sao chúng ta đối mặt với tương lai nếu thiếu tình hiệp nhất? Làm sao Chúa Giê-su đến được với mọi ngõ ngách nếu thiếu những chứng nhân can đảm và anh dũng?

Hôm nay Chúa kêu gọi mỗi người anh chị em hãy cùng đi với Ngài vào trong thành phố, trong thành phố của anh chị em. Ngài mời gọi anh chị em trở nên môn đệ thừa sai của Ngài để anh chị em có thể trở thành một phần trong tiếng thì thầm vĩ đại được giữ âm vang vọng đến mọi ngõ góc khác nhau của cuộc sống: Mừng vui lên, Thiên Chúa ở giữa anh em!

[1] Tông huấn Evangelii Gaudium, 74.

[2] Tông thư Spe Salvi, 38.


© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/1/2018]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét