© Vatican Media
Đức Thánh Cha Phanxico: Bài giảng Ngày Người nghèo Thế giới
Những gia tài thật sự trong cuộc sống: Thiên Chúa và anh em
18 tháng Mười Một, 2018 14:29
Ngày 18 tháng Mười Một, 2018, Ngày Người nghèo Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô. Dưới đây là văn bản bài giảng (tiếng Anh) của ngài do Vatican cung cấp.
******
Chúng ta hãy nhìn đến ba việc Chúa Giê-su làm trong Tin mừng hôm nay.
Trước hết: trong khi trời vẫn còn sáng, Người “rời đi”. Người rời bỏ đám đông khi đang trên đỉnh cao thành công, được tung hô vì phép lạ hóa bánh ra nhiều. Dù các môn đệ muốn đắm mình trong vinh quang đó, Người lại bắt các ông rời đi và Người giải tán đám đông (x. Mt 14:22-23). Bị dân chúng tìm kiếm, Người bỏ đi; khi sự phấn khích lắng xuống, Người lên núi và cầu nguyện. Rồi, khi đêm dần tàn, Người xuống núi và đi đến với các môn đệ, đi trên mặt biển đầy sóng. Trong toàn bộ việc này, Chúa Giê-su đi ngược lại dòng chảy: trước hết, Ngài bỏ lại sau lưng sự thành công, và sau đó tìm đến sự tĩnh lặng. Người dạy chúng ta lòng can đảm biết buông bỏ: buông bỏ sự thành công lại đằng sau vì nó làm con tim lớn lên và sự tĩnh lặng làm lắng dịu linh hồn.
Và đến đâu? Đến với Chúa bằng sự cầu nguyện, đến với những người đang cần sự giúp đỡ bằng tình yêu thương. Đây là những gia tài thật sự trong cuộc sống: Thiên Chúa và anh em. Và đây là con đường Chúa Giê-su bảo chúng ta đi theo: bước lên tới Thiên Chúa và bước xuống với anh chị em của chúng ta. Người giúp chúng ta thoát khỏi sự an nhàn trong những đồng cỏ ấm êm của cuộc sống, thoát khỏi lối sống hưởng thụ trong những khoái lạc tầm thường mỗi ngày. Những môn đệ của Người không hướng đến sự nhàn hạ thảnh thơi của một cuộc sống tầm thường. Cũng như Chúa Giê-su, họ phải làm cho hành trang lên đường nhẹ nhàng, sẵn sàng bỏ lại sau lưng những vinh quang nhất thời, cẩn trọng không bấu víu vào những vật chất phù du. Người Ki-tô hữu biết rằng quê hương của họ là ở nơi khác, rằng thậm chí cả bây giờ “là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (cf. Eph 2:19) – như lời Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta trong bài đọc hai. Họ quen với việc trở thành những người lữ khách. Chúng ta không sống để tích góp của cải; vinh quang của chúng ta nằm trong việc buông bỏ sau lưng những thứ chóng qua để ôm chặt lấy những điều tồn tại bền vững. Chúng ta hãy xin Chúa biến chúng ta nên như Giáo hội được miêu tả trong bài đọc một: luôn luôn di chuyển, sẵn sàng buông bỏ và trung tín trong sự phục vụ (x. Cv 28:11-14). Lạy Chúa, xin hãy đánh thức chúng con thoát khỏi sự nhàn rỗi, khỏi sự ngủ mê nhàn hạ trong những khu vực an toàn của chúng con. Xin giúp chúng con thoát khỏi những sợi dây neo của những đam mê làm trì trệ cuộc sống; xin giải thoát chúng con khỏi sự mải mê đi tìm thành công. Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết cách “buông bỏ” để dấn bước trên con đường Chúa đã vạch ra cho chúng con: đến với Chúa và với anh em.
Thứ hai: khi đang đêm, Chúa Giê-su đến để làm vững tâm. Người đến với các môn đệ, trong giữa màn đêm, bước đi “trên biển” (c. 25). “Biển” ở đây thật ra chỉ là một cái hồ, nhưng ý tưởng nói đến “biển”, với những độ sâu âm u tăm tối, gợi lên hình ảnh những thế lực của ma quỷ. Như vậy, Chúa Giê-su đến gặp các môn đệ của Người qua cách đạp lên những kẻ thù thâm hiểm của con người. Và đây là ý nghĩa của dấu chỉ: vượt trên sự thể hiện sức mạnh đắc thắng, đó là một mạc khải về thực tại vô cùng chắc chắn rằng Chúa Giê-su, và chỉ một mình Chúa Giê-su, chiến thắng vinh quang trên những kẻ thù lớn nhất: ma quỷ, tội lỗi, sự chết, sự sợ hãi, tính thế gian. Và Người nói với chúng ta hôm nay: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây; đừng sợ” (c. 27).
Con thuyền cuộc đời của chúng ta thường bị chao đảo và vùi dập bởi những trận cuồng phong. Ngay cả khi mặt nước dù phẳng lặng, rồi nó cũng nhanh chóng nổi cơn ba đào. Khi chúng ta vướng vào những trận bão đó, thì chúng dường như chỉ là vấn đề riêng của chúng ta. Nhưng vấn đề ở đây vì nó không phải là cơn bão ngắn ngủi thì làm sao chúng ta có thể tiếp tục hành trình suốt cuộc đời. Bí mật cho hành trình được bình yên là hãy mời Chúa Giê-su lên cùng ngồi chung thuyền. Bánh lái của cuộc đời phải nghe theo Người để Người lái con thuyền đi theo đúng lộ trình. Chỉ một mình Người trao tặng sự sống trong cái chết và niềm hy vọng trong sự đau khổ; chỉ Người duy nhất chữa lành cho tâm hồn chúng ta bằng sự tha thứ của Người và giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi bằng cách gieo cấy trong chúng ta sự tín thác. Hôm nay, chúng ta hãy mời Chúa Giê-su lên con thuyền cuộc đời của chúng ta. Cũng như các môn đệ, ngay lập tức chúng ta sẽ nhận ra Người trên thuyền, và gió sẽ lặng (x. c. 32) và sẽ con tàu sẽ không bị đắm. Có Ngài cùng đi trên thuyền, con tàu sẽ không bao giờ bị đắm! Chỉ khi có Chúa Giê-su thì chúng ta mới có thể vững tâm. Chúng ta rất cần có những người có thể an ủi được người khác không chỉ bằng những lời nói trống rỗng, nhưng bằng những lời của sự sống, những hành động của sự sống. Nhân danh Chúa Giê-su, chúng ta có thể trao tặng sự an ủi đích thực. Nó không phải là những lời động viên sáo rỗng, nhưng là sự hiện hữu của Chúa Giê-su trao ban sức mạnh. Lạy Chúa, xin làm chúng con vững tâm: được Người ủi an, chúng con sẽ có thể đem đến sự an ủi thật sự cho người khác.
Việc thứ ba Chúa Giê-su làm là: trong giữa cơn phong ba, Người đưa tay ra (x. c. 31). Người nắm chặt lấy Phê-rô đang chìm dần trong nỗi sợ hãi và hoài nghi, và ông kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con với!” (c. 30). Chúng ta có thể đặt mình vào vị trí của Phê-rô: chúng ta là những người kém đức tin, đang nài xin ơn cứu độ. Chúng ta luôn khao khát một sự sống thật và chúng ta cần một bàn tay vươn ra của Thiên Chúa để kéo chúng ta ra khỏi tội lỗi. Đây là bước khởi đầu của đức tin: bỏ đi niềm kiêu hành khiến chúng ta tự mãn và nhận ra rằng chúng ta đang rất cần sự cứu độ. Đức tin lớn lên trong môi trường này: môi trường trong đó chúng ta thích ứng để đứng bên cạnh những người không đứng được trên bậc thềm vững chắc nhưng đang thiếu thốn và kêu lên xin trợ giúp. Đây là lý do tại sao vấn đề quan trọng cho tất cả chúng ta là phải sống đức tin trong sự tiếp xúc với những người đang cần được giúp đỡ. Đây không phải là một tùy chọn của xã hội, một phong cách của một triều đại giáo hoàng nào đó; nó là một sự đòi hỏi của thần học. Nó buộc chúng ta phải biết chân nhận rằng chúng ta là những người hành khất cầu xin ơn cứu độ, là anh chị em của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là của người nghèo mà Chúa yêu thương. Qua cách như vậy, chúng ta ôm lấy tinh thần của Tin mừng. Thật vậy, như Công đồng nói “tinh thần nghèo khó và yêu thương là vinh quang và chứng tá của Giáo hội Chúa Ki-tô” (Tông huấn Gaudium et Spes, 88).
Chúa Giê-su nghe thấy tiếng kêu của Phê-rô. Chúng ta hãy xin ơn nghe thấy được tiếng kêu của tất cả những người có cuộc sống đang bị vùi dập bởi những cơn sóng. Tiếng kêu của người nghèo. Đó là tiếng kêu bị bóp nghẹt của những bào thai chưa chào đời, của những trẻ em bị chết đói, của những thiếu nhi quen với tiếng nổ của bom đạn hơn là những tiếng reo đùa vui của sân chơi. Nó là tiếng kêu của người già, bị gạt ra bên lề và bị bỏ rơi. Đó là tiếng kêu của tất cả những người phải đối mặt với những cơn phong ba của cuộc đời mà không có sự hiện diện của một người bạn. Nó là tiếng kêu của tất cả những người bị buộc phải di tản khỏi nhà cửa và quê hương của họ với một tương lai vô định. Đó là tiếng kêu của toàn thể các dân tộc, bị tước đoạt thậm chí cả những nguồn tài nguyên tự nhiên thuộc quyền sử dụng của họ. Nó là tiếng kêu của mỗi Ladarô thổn thức khóc trong khi những người giàu có đang tiệc tùng linh đình với những thứ, mà theo lẽ công bằng, thuộc quyền của tất cả mọi người. Sự bất công là cội rễ của sự nghèo đói. Tiếng kêu của người nghèo mỗi ngày mỗi lớn nhưng mỗi ngày lại càng ít được nghe thấy hơn. Mỗi ngày tiếng kêu đó mỗi lớn hơn, nhưng mỗi ngày nó lại ít được nghe thấy hơn, bị chìm nghỉm trong tiếng ầm ỹ hỗn loạn của một thiểu số rất ít người giàu, với con số ngày càng ít hơn nhưng lại giàu có hơn.
Đứng trước sự khinh rẻ nhân phẩm, chúng ta thường đứng khoanh tay hoặc khoát tay thể hiện dấu hiệu của sự chán nản trước sức mạnh tàn nhẫn của cái ác. Nhưng người Ki-tô hữu chúng ta không thể đứng khoanh tay thờ ơ, hoặc khoát tay trong sự bất lực. Không. Là những người có đức tin, chúng ta phải giang rộng đôi tay, như Chúa Giê-su làm với chúng ta. Tiếng kêu của người nghèo tìm thấy sự lắng nghe cùng với Thiên Chúa. Nhưng cha đặt câu hỏi cho chúng ta. Chúng ta có đôi mắt để nhìn thấy không, có đôi tai để lắng nghe không, có đôi tay để đưa ra sự giúp đỡ không? Hay chúng ta cứ lặp lại câu: “Ngày mai hãy trở lại”? “Chính Đức Ki-tô cầu xin lòng bác ái của các môn đệ Người trong thân phận của những người nghèo” (Tông huấn Gaudium et Spes, loc. cit.). Ngài kêu gọi chúng ta nhận ra Ngài trong tất cả những người đang đói và đang khát, trong những người khách lạ bị tước mất phẩm giá, trong những người đau bệnh và những người trong lao tù (x. Mt 25:35-36).
Chúa đã đưa tay Ngài ra một cách tự do và đầy trách nhiệm. Và chúng ta cũng phải thực hiện như vậy. Chúng ta được kêu gọi không chỉ làm điều tốt cho những người yêu quý chúng ta. Như vậy chỉ là điều bình thường, nhưng Chúa Giê-su trao mệnh lệnh rằng chúng ta phải làm nhiều hơn thế (x. Mt 5:46): hãy trao tặng cho những người chẳng có gì để trả lại, yêu thương một cách nhưng không (x. Lc 6:32-36). Chúng ta hãy xem xét lại một ngày của chúng ta, với tất cả những gì chúng ta làm, chúng ta có bao giờ làm một cách hoàn toàn tự do không, làm điều gì đó cho một người không thể đáp trả cho chúng ta? Đó sẽ là bàn tay đưa ra của chúng ta, là gia tài thật sự của chúng ta trên thiên đàng.
Lạy Chúa, xin Người giang tay ra để đón lấy chúng con. Xin giúp chúng con biết yêu thương như Người. Xin dạy chúng con biết bỏ lại sau lưng tất cả những gì chóng qua, để trở thành một nguồn mạch làm chúng con an tâm, và trao tặng một cách nhưng không cho tất cả những người thiếu thốn. Amen.
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/11/2018]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét