Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

Đức Thánh Cha Phanxico tiếp phái đoàn Thượng phụ Đại kết

Đức Thánh Cha Phanxico tiếp phái đoàn Thượng phụ Đại kết
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico tiếp phái đoàn Thượng phụ Đại kết

‘Sự hiện diện của các huynh đệ cho thấy những mối ràng buộc vững chắc giữa các Hội thánh của Roma và Constantinople và nỗ lực chung của chúng ta trên hành trình tiến đến sự hiệp thông trọn vẹn …’

28 tháng Sáu, 2019 16:28

Ngày 28 tháng Sáu, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico tiếp phái đoàn Thượng phụ Đại kết Constantinople từ Istanbul, Thổ Nhĩ kỳ, hiện đang ở Roma, để đánh dấu nhân dịp lễ Thánh Phê-rô và Phao-lô, 29 tháng Sáu.

“Tôi xin gửi lời chào thân ái và sự chào đón nồng hậu đến các huynh đệ là những thành viên của Phái đoàn Thượng phụ Đại kết, là những người mà hiền huynh đáng kính Bartholomew của tôi và Hội đồng Thánh đã gửi các huynh đệ đến đây nhân dịp Đại lễ hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô,” Đức Thánh Cha nói. “Sự hiện diện của các huynh đệ cho thấy những mối ràng buộc vững chắc giữa các Giáo hội của Roma và Constantinople và nỗ lực chung của chúng ta trên hành trình tiến đến sự hiệp thông trọn vẹn mà chúng ta mong mỏi, tuân theo ý muốn lớn lao của Đức Giê-su (x. Ga 17:21). Lễ Thánh Phê-rô và Phao-lô, diễn ra trong cùng một ngày trên lịch phụng vụ của Đông phương và Tây phương, mời gọi chúng ta làm mới lại đức ái sinh ra sự hiệp nhất.”

Thánh Phê-rô, vị giám mục đầu tiên của Roma, và Thánh Phao-lô, Tông đồ Dân ngoại, cả hai đều tử đạo tại Roma và là các thánh bổn mạng của Kinh thành Muôn thuở.

Hàng năm, Tòa Thượng phụ Đại kết và Vatican gửi các phái đoàn nhân ngày lễ các thánh bổn mạng của hai bên. Vatican gửi một phái đoàn đến Istanbul vào ngày 30 tháng Mười Một Lễ Thánh An-rê, bổn mạng của Tòa Thượng phụ.

Phái đoàn hiện tại của Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew I được dẫn đầu bởi Đức Tổng Giám mục Job (Getcha) thuộc Telmissos, là người đại diện cho Tòa Thượng phụ Đại kết tại Hội đồng Đại kết các Giáo hội và là đồng chủ tọa của Ủy ban Quốc tế Đối thoại Thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống họp theo định kỳ.

Phái đoàn bao gồm Đức Giám mục Maximos thuộc Melitene và Phó tế Bosphorios Mangafas sẽ không tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxico nhưng sẽ tổ chức gặp gỡ với Hội đồng Giáo hoàng thúc đẩy sự Hiệp nhất Ki-tô hữu.

Thứ Bảy ngày 29 tháng Sáu, phái đoàn sẽ tham dự đại lễ do Đức Thánh Cha chủ tế, trong đó theo truyền thống ngài làm phép các dây Pallium sẽ được trao cho các tân tổng giám mục chính tòa trên khắp thế giới. Dây pallium là một dải dây len trắng mà các tổng giám mục chính tòa sẽ đeo chéo trên vai như là biểu tượng uy quyền và sự hiệp nhất với Giáo hoàng.

Sự chia ly giữa các giáo hội Byzantine và Roma xảy ra trên 900 năm trước. Tuy nhiên, những nỗ lực đã và đang được thực hiện từ Công đồng Vatican II để đạt đến mối quan hệ gần gũi hơn.



Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa các huynh đệ trong Đức Ki-tô,

Tôi xin gửi lời chào thân ái và sự chào đón nồng hậu đến các huynh đệ là những thành viên của Phái đoàn Thượng phụ Đại kết, là những người mà hiền huynh đáng kính Bartholomew của tôi và Hội đồng Thánh đã gửi các huynh đệ đến đây nhân dịp Đại lễ hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Sự hiện diện của các huynh đệ cho thấy những mối ràng buộc vững chắc giữa các Giáo hội của Roma và Constantinople và nỗ lực chung của chúng ta trên hành trình tiến đến sự hiệp thông trọn vẹn mà chúng ta mong mỏi, tuân theo ý muốn lớn lao của Đức Giê-su (x. Ga 17:21). Lễ Thánh Phê-rô và Phao-lô, diễn ra trong cùng một ngày trên lịch phụng vụ của Đông phương và Tây phương, mời gọi chúng ta làm mới lại đức ái sinh ra sự hiệp nhất.

Đồng thời, lễ này nhắc chúng ta nhớ về sự can đảm tông đồ rao giảng, nó cũng đòi phải có một cam kết để trả lời cho những thách đố mới của thời gian hiện tại. Đây cũng là sự trung thành với Tin mừng. Liên quan đến những lo lắng cho tình hình hiện nay, tôi muốn nhắc lại sự chú ý của Đức thượng phụ Đại kết về việc bảo vệ tạo vật; đó cũng là một nguồn cảm hứng cho tôi. Trước cuộc khủng hoảng môi sinh đáng báo động mà chúng ta đang trải qua, thúc đẩy việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta không những là một sự cần kíp bức thiết không thể trì hoãn, không chỉ đối với người tín hữu chúng ta mà cho tất cả mọi người khác, nhưng cũng là một cách cụ thể để phục vụ anh em trong tinh thần của Tin mừng. Vì vậy tôi nhìn sự hợp tác này như một tín hiệu tích cực giữa Giáo hội Công giáo và và Tòa Thượng phụ Đại kết liên quan đến những vấn đề cấp thiết của thời đại, chẳng hạn những nỗ lực chống lại các hình thức nô lệ hiện đại, nhu cầu phải tiếp nhận và hội nhập người di cư, người di tản và người tị nạn, và thúc đẩy hòa bình ở mọi cấp độ.

Tháng trước, trong chuyến tông du của tôi đến BulgariaRomania, tôi có được niềm vui gặp gỡ với các đức Thượng phụ Neofit và Daniel và các Hội đồng Thánh, và vô cùng khâm phục lòng tin và sự khôn ngoan của các vị Mục tử đó. Trong những lần gặp gỡ như vậy, cũng như trong các cuộc gặp gỡ của tôi với hiền huynh Bartholomew và với các Nhà Lãnh đạo của các Giáo hội khác, tôi đã có thể hiểu rõ sự phong phú về tinh thần hiện hữu trong Chính thống giáo. Tôi bảo đảm với huynh đệ rằng sau khi rời khỏi những đất nước đó tôi cảm thấy khao khát rất lớn về sự hiệp nhất. Và tôi ngày càng vững tin rằng việc phục hồi lại sự hiệp nhất trọn vẹn giữa người Công giáo và Chính Thống giáo sẽ tiến đến qua sự tôn trọng những bản sắc đặc thù và một sự chung sống hòa hợp trong những hình thức thích đáng của sự đa dạng. Về vấn đề đó, Chúa Thánh Thần là một người đầy sáng tạo đánh thức vô vàn ơn sủng, hòa hợp chúng và đưa chúng vào sự hiệp nhất đích thực, đó không phải là sự đồng nhất nhưng là một sự hài hòa của nhiều tiếng nói trong đức ái. Là Giám mục của Roma tôi mong muốn tái khẳng định rằng, đối với người Công giáo chúng tôi, mục đích của việc đối thoại là sự hiệp thông trọn vẹn trong những hình thức thích đáng của sự đa dạng, không phải là sự cân bằng buồn tẻ, với ít sức cuốn hút hơn.

Vì lý do này, tôi đánh giá những cuộc gặp gỡ của chúng ta để chia sẻ những cội nguồn là rất giá trị, để tái khám phá sự tốt lành mà Chúa đã gieo trồng và làm cho phát triển trong mỗi chúng ta, và để chia sẻ nó, học hỏi từ nhau và giúp nhau không e sợ sự đối thoại và sự hợp tác cụ thể. Những chia rẽ chưa được chữa lành trọn vẹn chỉ có thể được tháo cởi bởi ơn sủng của Thiên Chúa khi chúng ta cùng bước đi trên hành trình với nhau, cùng đồng hành trong sự cầu nguyện cho những bước đi của nhau, loan báo Tin mừng trong sự hòa hợp, cùng hoạt động để phục vụ những người thiếu thốn và đối thoại trong sự thật, không để cho bản thân bị đặt điều kiện bởi những thiên kiến trong quá khứ. Từ đó, trong sự chân thành và minh bạch mà Thiên Chúa rất yêu thích, chúng ta sẽ ngày càng gần gũi nhau hơn và càng trân trọng trọn vẹn hơn bản sắc riêng của chúng ta. Chúng ta sẽ phát triển trong sự hiểu biết và yêu thương lẫn nhau. Chúng ta sẽ trải nghiệm được sự thật rằng, trong tất cả những sự khác biệt của chúng ta, quả thật có nhiều điều khiến chúng ta hiệp nhất và truyền cảm hứng cho chúng ta cùng nhau tiến bước.

Thưa Đức Tổng Giám mục, thưa các huynh đệ, tôi xin cảm ơn chuyến viếng thăm và sự bày tỏ tình gần gũi của các huynh đệ. Tôi xin các huynh đệ chuyển những lời chào nồng ấm của tôi đến Đức Thượng phụ Bartholomew và tất cả các thành viên của Hội đồng Thánh. Và tôi cũng xin anh em cho tôi một vị trí trong các lời cầu nguyện của anh em. Nguyện xin Chúa là Đấng Toàn năng và đầy lòng Thương xót, qua sự chuyển cầu của các Thánh Tông đồ Phê-rô, Phao-lô, và An-rê; người anh em của Phê-rô, ban phúc lành và gìn giữ những nỗ lực của chúng ta trên con đường tiến đến sự hiệp thông. Xin cảm ơn anh em.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/6/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét