Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

Đức Thánh Cha tiếp tục hành trình sách Tông đồ Công vụ

Đức Thánh Cha tiếp tục hành trình sách Tông đồ Công vụ
© Vatican Media

Đức Thánh Cha tiếp tục hành trình sách Tông đồ Công vụ

Toàn văn Tiếp Kiến Chung ngày 6 tháng Mười Một

06 tháng Mười Một, 2019 15:57

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:05 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về sách Tông đồ Công vụ, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị” (Cv 17:23). Phaolo tại A-rê-ô-ga-pô: một minh họa về sự hội nhập văn hóa đức tin tại A-thê-na (Trích đoạn Sách Thánh: trích Tông đồ Công vụ, 17:22-23).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục “hành trình” của chúng ta với sách Tông đồ Công vụ. Sau những cuộc thử thách trải qua tại Phi-líp-phê, Tê-sa-li-ni-ca, và Beroea, Phaolo đến A-thê-na, trung tâm của Hy Lạp (x. Cv 17:15). Thành phố này sống dưới bóng của những hào quang xa xưa cho dù đã bước vào thời kỳ suy đồi chính trị, và vẫn có vị trí dẫn đầu về văn hóa. Tại đây “Tông đồ nổi giận vì thấy thành phố nhan nhản những tượng thần” (Cv 17:16). Tuy nhiên, thay vì bỏ đi do “sự tác động” của ngoại giáo, nó lại khiến ngài tạo ra một cầu nối cho sự đối thoại với văn hóa đó.

Phaolo chọn cách làm quen với thành phố và từ đó ngài bắt đầu thường xuyên lui tới những nơi quan trọng và với những nhân vật quan trọng. Ngài đi đến hội đường, biểu tượng của đời sống niềm tin; ngài đến Quảng trường, biểu tượng của đời sống thành phố; và ngài đi đến A-rê-ô-ga-pô, biểu tượng của đời sống chính trị và văn hóa. Ngài đến gặp gỡ các triết gia người Do Thái, người Epicurean và Stoic, và nhiều người khác. Ngài gặp gỡ tất cả mọi người, ngài không khép mình, nhưng ngài đến để nói chuyện với tất cả mọi người. Từ đó Phaolo quan sát văn hóa, ngài quan sát môi trường của A-thê-na, “bắt đầu từ một cái nhìn chiêm niệm” để khám phá “thấy rằng có vị thần cư ngụ trong nhà của họ, trên những con đường và trong các quảng trường của họ: (Tông huấn Evangelii Gaudium, 71). Phaolo không nhìn đến thành phố A-thê-na và thế giới ngoại giáo bằng thái độ thù địch, nhưng bằng con mắt đức tin. Và điều này khiến chúng ta phải tự hỏi mình về cách chúng ta nhìn đến những thành phố của chúng ta: chúng ta có quan sát chúng với sự thờ ơ, với sự khinh miệt không? Hay với đức tin, nhận ra họ cũng là con cái của Thiên Chúa ở giữa những đám đông vô danh?

Phaolo đã chọn cách nhìn để dẫn đưa ngài đến việc tạo ra sự mở rộng giữa Tin mừng và thế giới ngoại giáo. Trong Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, trung tâm của một trong những thể chế nổi tiếng nhất của thế giới cổ đại, ngài đã cho một ví dụ điển hình về sự hội nhập văn hóa của thông điệp đức tin: ngài rao giảng Chúa Giê-su Ki-tô cho những người thờ thần, và ngài làm việc đó không bằng cách tấn công họ, nhưng bằng cách làm cho ngài trở thành “người xây dựng những cầu nối” (Bài giảng tại Nhà nguyện Martha, 8 tháng Năm, 2013). Phaolo lấy gợi ý từ bàn thờ của thành phố thờ “một vị thần vô danh” — không hình ảnh, không gì cả, chỉ có dòng chữ vậy thôi. Bắt đầu từ “sự sùng kính” dành cho vị thần vô danh đó, để đi vào sự thấu hiểu những người lắng nghe ngài, ngài rao giảng rằng Thiên Chúa “sống giữa mọi người” (Evangelii Gaudium, 71) và “Người không trốn tránh những người tìm kiếm Ngài với tấm lòng chân thành, cho dù họ có làm việc đó theo cách dò dẫm” (nt.). Chính trong sự hiện hữu này mà Phaolo tìm cách để vén mở: “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị” (Cv 17:23).

Để vén mở đặc tính của vị thần mà người A-thê-na thờ phụng, các Tông đồ bắt đầu từ sự tạo dựng, cụ thể là từ niềm tin vào Thiên Chúa mạc khải, để tiến đến mầu nhiệm ơn cứu chuộc và phán xét, tức là chính thông điệp của Ki-tô giáo. Ngài cho thấy tính bất cân xứng giữa sự vĩ đại của Đấng Tạo dựng và những ngôi đền thờ do con người xây dựng, và ngài giải thích rằng Đấng Tạo hóa luôn tỏ lộ để mọi người có thể tìm thấy Người. Do đó, theo một cách diễn đạt rất đẹp của Đức Giáo hoàng Benedict XVI, Thánh Phaolo “công bố về Đấng mà con người không để ý, nhưng có biết: Đấng Đã biết-Không biết (Unknown-Known)” (Benedict XVI, Cuộc họp với tổ chức World of Culture (thế giới văn hóa) tại Đại học Bernardines, 12 tháng Mười Hai, 2008). Rồi ngài mời gọi tất cả hãy vượt ra khỏi “những thời gian bất minh” và quyết tâm hoán cải trước sự phán xét sắp tới. Thánh Phaolo sau đó tiến tới việc rao giảng và hàm ý nói về Đức Ki-tô, mà không đề cập đến Ngài, miêu tả Ngài như là “người đã được Thiên Chúa chỉ định. Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết” (Cv 17:31).

Và đây là vấn đề. Lời nói của Thánh Phaolo, những lời mà cho đến bây giờ vẫn làm cho những người lắng nghe phải hồi hộp — vì nó là một sự khám phá thú vị –, đã gặp phải một chướng ngại: Cái Chết và sự Phục Sinh của Đức Ki-tô dường như là “điên rồ” (1 Cr 23) và làm dấy lên sự khinh miệt và nhạo báng. Vì thế Phaolo rời đi: cố gắng của ngài dường như đã thất bại; tuy nhiên, một số người tuân theo lời của ngài và mở lòng ra với đức tin, trong số đó có Đi-ô-ni-xi-ô, thành viên của Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, và một người phụ nữ tên Đa-ma-ri. Tại A-thê-na Tin mừng bén rễ và hoạt động với hai tiếng nói: tiếng nói của người đàn ông và tiếng nói của người đàn bà!

Chúng ta cũng hãy xin Chúa Thánh Thần hôm nay dạy chúng ta biết xây dựng những chiếc cầu nối giữa các nền văn hóa, với những người không tin hoặc có niềm tin khác với chúng ta. Luôn luôn xây dựng những cầu nối, luôn có bàn tay vươn ra, không gây hấn. Chúng ta hãy xin Người ban cho khả năng hội nhập thông điệp đức tin bằng sự tinh tế, đặt một cái nhìn chiêm ngắm cho những người chưa biết Đức Ki-tô, được lay động bởi một tình yêu làm ấm lên cả những tâm hồn chai đá.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT] 

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/11/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét