Vatican Media Screenshot
Huấn từ Kinh Truyền Tin: Bài giảng của Chúa Giê-su về thời gian sau hết
‘Chúa kêu gọi chúng ta cộng tác cùng với Người trong công cuộc xây dựng lịch sử, trở thành những người xây dựng hòa bình và chứng nhân hy vọng về một tương lai của ơn cứu độ và phục sinh’
17 tháng Mười Một, 2019 15:22
Cuối Thánh Lễ trong Vương cung Thánh đường Vatican, nhân Ngày Quốc tế Người nghèo, Đức Thánh Cha Phanxico xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha trước và sau giờ Kinh Truyền Tin.
* * *
Trước Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin mừng của Chúa nhật áp chót Năm Phụng vụ (x. Lc 21:5-19) trình bày cho chúng ta bài giảng của Chúa Giê-su về thời gian sau hết, trong Tin mừng theo Thánh Lu-ca. Chúa Giê-su công bố điều đó trước Đền thờ Giê-ru-sa-lem, một tòa nhà được mọi người trầm trồ thán phục vì sự nổi bật và vẻ lộng lẫy của nó; nhưng Người báo trước với mọi người rằng vẻ đẹp của Đền thờ đó, của sự lộng lẫy huy hoàng đó, nhưng sẽ “có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (c. 6). [...] Quả thật, trước những người lắng nghe muốn biết như thế nào và khi nào thì những dấu chỉ này xảy ra, Chúa Giê-su trả lời bằng ngôn ngữ khải huyền đặc trưng của Kinh thánh.
Người sử dụng hai hình ảnh dường như đối chọi nhau: đầu tiên là một loạt những biến cố kinh hoàng: thảm họa, chiến tranh, đói kém, loạn lạc và bách hại (cc. 9-12); sau đó là là sự bảo đảm: “dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” (c. 18). Ban đầu, có một cái nhìn thực tế về lịch sử, đánh dấu bởi những tai ương và loạn lạc, những thương tích hằn lên tạo vật là ngôi nhà chung của chúng ta, và cả gia đình nhân loại sống trong đó, và chính cộng đoàn Ki-tô hữu. Chúng ta hãy nghĩ đến nhiều cuộc chiến tranh ngày nay, nhiều tai ương hôm nay. Hình ảnh thứ hai — lồng ghép trong sự bảo đảm của Chúa Giê-su — nói cho chúng ta về thái độ mà một người Ki-tô hữu phải có để sống lịch sử này, bị đánh dấu bởi bạo lực và những nghịch cảnh.
Và thái độ của người Ki-tô hữu phải là gì? Đó chính là thái độ hy vọng vào Chúa, là thái độ giúp chúng ta không bị đánh gục bởi những biến cố đau thương. Nhưng chúng trở thành cơ hội “để làm chứng” (c. 13). Người môn đệ của Đức Ki-tô không thể duy trì mình trong tình trạng nô lệ của sự sợ hãi và đau khổ; nhưng ngược lại, họ được kêu gọi sống trong lịch sử để ngăn chặn sức mạnh tàn phá của sự ác, bằng niềm tin vững chắc rằng hành động thiện ích của họ luôn được đồng hành bởi lòng nhân từ theo sự quan phòng và chắc chắn của Thiên Chúa. Đây là dấu hiệu hùng hồn cho thấy rằng Nước Thiên Chúa đang đến với chúng ta, tức là tính hiện thực của thế giới theo ý định của Chúa đang đến. Chính Người là Đấng dẫn dắt cuộc sống chúng ta và là Đấng biết được sự kết thúc của mọi sự và mọi biến cố.
Chúa kêu gọi chúng ta cộng tác cùng với Người trong công cuộc xây dựng lịch sử, trở thành những người xây dựng hòa bình và chứng nhân hy vọng về một tương lai của ơn cứu độ và phục sinh. Đức tin làm cho chúng ta bước theo Chúa Giê-su trên những con đường đau khổ của thế giới này, với lòng tin chắc chắn rằng sức mạnh của Thần Khí Người sẽ đánh bại những thế lực của ác thần, khuất phục chúng trước sức mạnh tình yêu của Chúa. Tình yêu là mạnh hơn, tình yêu thì mạnh mẽ hơn vì đó là Thiên Chúa: Thiên Chúa là tình yêu. Những ví dụ cho điều này là các vị tử đạo Ki-tô giáo — những vị tử đạo của chúng ta, kể cả trong thời đại chúng ta, với con số nhiều hơn trong thuở sơ khai — họ là những con người của hòa bình, bất chấp những bắt bớ bách hại. Họ trao cho chúng ta một di sản để bảo vệ và noi theo: Tin mừng của tình yêu và của lòng thương xót. Đây là gia tài quý giá nhất đã được trao tặng cho chúng ta, và là chứng tá hữu hiệu nhất mà chúng ta có thể đưa ra cho những người đương thời của chúng ta: đáp lại lòng hận thù bằng sự yêu thương, đáp lại sự xúc phạm bằng sự tha thứ. Cũng như trong cuộc sống hàng ngày: khi chúng ta vấp phải một sự xúc phạm, chúng ta cảm thấy đau đớn, nhưng cần phải tha thứ từ tận đáy lòng. Khi chúng ta cảm thấy bị ghen ghét, chúng ta hãy cầu nguyện cho người ghét chúng ta. Xin Mẹ Maria Đồng trinh gìn giữ hành trình đức tin của chúng ta mỗi ngày bằng sự can thiệp đầy tình mẫu tử của Mẹ, để bước theo Chúa là Đấng dẫn dắt lịch sử.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
Sau Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến,
Hôm qua tại Riobamba ở Ecuador đã diễn ra lễ tuyên phong Chân phước Cha Emilio Moscoso, linh mục tử đạo của Dòng Tên, bị giết năm 1897 trong không khí ngược đãi chống lại Giáo hội Công giáo. Nguyện xin mẫu gương của người tu sĩ khiêm nhường, người tông đồ cầu nguyện và nhà giáo dục tuổi trẻ, hỗ trợ cho hành trình đức tin của chúng ta và của chứng nhân Ki-tô. Một tràng pháo tay thật lớn cho vị Tân Chân phước!
Hôm nay là kỷ niệm Ngày Quốc tế Người Nghèo, với chủ đề lấy từ Thánh vịnh “Kẻ nghèo khổ chẳng tuyệt vọng bao giờ” (Tv 9:18). Cha xin gửi lời cảm ơn đến tất cả anh chị em trong các giáo phận và giáo xứ trên toàn thế giới, đã và đang thúc đẩy những sáng kiến của tình đoàn kết, để trao tặng niềm hy vọng cụ thể cho những người kém may mắn hơn. Tôi xin cảm ơn các bác sĩ và y tá đã phục vụ trong những ngày qua trong Khu Chăm sóc Y tế ở đây trong Quảng trường Thánh Phê-rô. Tôi rất cảm kích trước nhiều sáng kiến dành cho người đau khổ, người thiếu thốn, đó là làm chứng tá qua việc chăm sóc cho những anh chị em của chúng ta. Mới đây, ít phút trước, cha nhìn thấy một vài thống kê về nạn nghèo khổ. Những con số làm người ta phải đau khổ! Sự thờ ơ của xã hội đối với người nghèo khổ … Chúng ta hãy cầu nguyện [cầu nguyện thinh lặng].
Cha gửi lời chào đến anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia khác. Đặc biệt cha xin chào Cộng đoàn Ecuador của Roma, đang mừng kính Đức Nữ Đồng trinh Quinche; các tín hữu của New Jersey và Toledo, Tây Ban nha; Dòng Con cái Đức Mẹ Hằng Cứu giúp người Ki-tô hữu đến từ nhiều quốc gia và Hiệp hội những người Hỗ trợ các Đền thờ Mẹ Maria trên Thế giới. Cha xin chào các nhóm anh chị em của Porto d’Ascoli và Angri; anh chị em tham dự cuộc hành hương của các trường La Salle của Turin và Vercelli nhân bế mạc kỷ niệm ba trăm năm ngày qua đời của Thánh Gioan Tẩy giả de la Salle.
Thứ Ba tới cha sẽ bắt đầu chuyến đi đến Thái Lan và Nhật Bản: cha xin anh chị em cầu nguyện cho chuyến Tông du này. Và cha xin chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/11/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét