Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Đức Thánh Cha nói “không” với “những người gây rối”, những người phá hủy cộng đoàn bằng những lời đồn thổi

Đức Thánh Cha nói “không” với “những người gây rối”, những người phá hủy cộng đoàn bằng những lời đồn thổi

Trong Thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Martha, Đức Phanxico kết án những lời đồn thổi: “Ở Argentina, những người tung tin đồn bị gọi là ‘cizañeros’” (người gieo hạt xấu, hay nói khác đi là những người gây rối). Tin đồn “phân chia” thành “đố kỵ, ghen tuông, và ngay cả sự thân cận.” Khi chúng ta cảm thấy sự thúc bách muốn đồn thổi, “chúng ta cần phải cắn lưỡi,” Đức Thánh Cha nói.
Đức thánh cha phanxico
Đức Phanxico: “Ở Argentina, những người tung tin đồn bị gọi là ‘cizañeros’” (người gieo hạt xấu, hay nói khác đi là những người gây rối).”

12/05/2016
DOMENICO AGASSO JR
VATICAN CITY
Hôm nay lại một lần nữa Đức Thánh Cha Phanxico cảnh báo chống lại chuyện ngồi lê đôi mách, vì “cái lưỡi có khả năng phá hủy một cộng đoàn. Chúa Giê-su cầu nguyện cho sự kết hiệp giữa những Ki-tô hữu nhưng Giáo Hội lại không thể tránh khỏi có “những người gây rối”, những người gieo rắc xích mích bất hòa, “làm mất danh dự của người khác” và kích động lòng căm ghét và chiến tranh. Đức Thánh Cha đã nói điều này trong Thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Thánh Martha.
Suy tư câu truyện trong Kinh Thánh hôm nay, Đức Thánh Cha nói rằng “trước cuộc Thương Khó, Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho “sự hiệp nhất các tín hữu, cho cộng đoàn Ki-tô hữu,” để họ có thể lên một — để thế gian có thể tin theo.”
 
Ngài nhấn mạnh, “Sự hiệp nhất của cộng đoàn Ki-tô hữu, của gia đình Ki-tô hữu, là một chứng nhân: một chứng nhân cho sự thật rằng Chúa Cha đã sai Chúa Con. Và,” Đức Thánh Cha nhận xét, “có lẽ, đạt được sự hiệp nhất — trong một cộng đoàn Ki-tô, trong 1 giáo xứ, trong một địa phận của Đức Giám mục, trong một tổ chức Ki-tô giáo, trong 1 gia đình Ki-tô hữu — là một trong những điều khó thực hiện nhất. Lịch sử của chúng ta, lịch sử của Giáo Hội, có nhiều khi làm chúng ta phải xấu hổ: chúng ta đã khơi mào những cuộc chiến chống lại những anh em Ki-tô hữu của chúng ta! Chúng ta hãy nghĩ về Cuộc Chiến 30 Năm là một ví dụ.”
 
Ở nơi đâu “người Ki-tô hữu gây chiến với nhau,” Đức Thánh Cha nói, “sẽ không có chứng nhân”: Chúng ta phải kêu cầu, rất thường xuyên, sự tha thứ của Thiên Chúa cho lịch sử này! Một lịch sử trải qua quá nhiều lần phân chia — nhưng không phải chỉ trong quá khứ … Cả ngày hôm nay! Ngày hôm nay nữa! Và rồi thế gian nhìn thấy chúng ta bị phân chia và nói: “Cứ hãy để họ tự thỏa hiệp với nhau, và chúng ta chờ xem … Nếu Giê-su đã sống lại và vẫn đang hiển trị thì làm sao các môn đệ của ông ta lại bất đồng với nhau?”
 
Đức Phanxico tiếp tục: “Có lần, một Ki-tô hữu Công giáo nói chuyện với 1 Ki-tô hữu khác từ phương Đông — cũng là Công giáo —“Đức Ki-tô của tôi ngày mốt sẽ sống lại. Khi nào thì Đức Ki-tô của anh sống lại?” Chúng ta thậm chí còn chẳng hiệp nhất cả ngày Phục Sinh! Và đây là ở giữa thế gian. Thế gian sẽ không tin.”
 
Ngài Phanxico sau đó nhấn mạnh đến một điểm mà ngài đã đề cập trước đây: Đó là “từ sự đố kỵ của ma quỷ mà cái chết đã đi vào thế gian”. Do đó, giữa cộng đoàn Ki-tô hữu cũng vậy, tính ích kỷ, sự ghanh ghét, sự đố kỵ, thì chia rẽ “hầu như là phải có”. Và việc này dẫn người ta đến việc nói xấu sau lưng người khác. Chuyện đó xảy ra rất nhiều!”
Ngài lưu ý, “Ở Argentina, những người tung tin đồn về người khác bị gọi là ‘cizañeros’ (nghĩa bên tiếng Tây Ban Nha là “người gieo mầm xấu”, hay nói cách khác là “người gây rối”): họ gieo hạt, họ chia rẽ. Và vấn đề ở đây là những chia rẽ đều bắt đầu từ cái lưỡi. Qua sự đố kỵ, sự ganh ghét, và ngay cả sự gần gũi!” ‘Không! Vấn đề là ở chỗ này!’” Đức Phanxico nói, “cái lưỡi có khả năng phá hủy một gia đình, một cộng đoàn, một xã hội, qua cách gieo rắc sự căm thù và chiến tranh.” Thay vì đi tìm sự thông cảm hiểu biết nhau, ngài nói, “người ta lại cảm thấy dễ dàng nói sau lưng người khác hơn” và từ đó phá tan “danh dự danh tiếng của người khác.”
 
Đức Thánh Cha trích dẫn một giai thoại của Thánh Philiphê Neri: một người phụ nữ đã xưng tội là bà có đi tung tin đồn thổi về người khác, thánh cho bà đền tội bằng cách nhổ lông một con gà rồi đưa rắc lông khắp khu xóm — sau đó cố đi gom tất cả từng cái lông lại. ‘Nhưng điều đó là không thể được!’ người phụ nữ kêu lên. Và Thánh Philiphê liền trả lời: ‘Tung tin đồn cũng giống như vậy đấy …’
 
“Nói sau lưng người khác có nghĩa là làm giảm uy tín của họ,” Đức Phanxico nhấn mạnh. “Nó phá tan! Nó phá tan danh dự của một người, nó phá hủy cuộc đời và rất nhiều khi chẳng vì lý do gì cả, chỉ là để bóp méo sự thật.”
“Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho chúng ta, cho tất cả chúng ta, để chúng ta có thể hiệp nhất nơi đây, và cho các cộng đoàn, cho các giáo xứ, và cho các giáo phận của chúng ta rằng: “Xin cho họ hiệp nhất nên một.” Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa để Người có thể ban cho chúng ta ân sủng, vì sức mạnh của ma quỷ, của tội lỗi thúc đẩy chúng ta đi đến chỗ chia rẽ là rất lớn. Luôn luôn như vậy! Cầu xin Người ban cho chúng ta hồng ân, xin Người ban cho chúng ta ơn sủng. Và chúng ta cần ơn sủng gì để tạo nên sự hiệp nhất? Đức Phanxico hỏi, Đó là Chúa Thánh Thần! Xin Người ban cho chúng ta ơn sủng để xây đắp nên sự hòa hợp, vì Người chính là sự hòa hợp, Người là vinh quang của các cộng đoàn chúng ta. Và xin Người ban cho chúng ta sự bình an, cùng với sự hiệp nhất. Chúng ta hãy cầu xin sự hiệp nhất cho tất cả mọi Ki-tô hữu, đó là ơn sủng cao vời, và một ơn sủng nho nhỏ hàng ngày cho cộng đoàn chúng ta, cho gia đình chúng ta; và ơn sủng biết cắn lưỡi của mình!” Đức Phanxico kết luận.

[Nguồn: lastampa.it]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 13/05/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét