Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Bài giảng Lễ Thánh tâm Chúa Giê-su: toàn văn

Bài giảng Lễ Thánh tâm Chúa Giê-su: toàn văn

03-06-2016 Vatican Radio
Pope francis
(Vatican Radio) Thứ Sáu ngày 3 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxico đã dâng Thánh Lễ với các Linh mục tại Quảng trường Thánh Phê-rô như là một phần đặc biệt của Năm thánh cho các Linh mục.
Dưới đây là văn bản bài giảng của Đức Thánh Cha:
            Lễ mừng Năm thánh cho các Linh mục này vào đúng Lễ Kính trọng thể Thánh Tâm Chúa Giê-su mời gọi tất cả chúng ta trở về với con tim mình, cội nguồn sâu thẳm nhất và là nền tảng của mỗi con người, trọng tâm của đời sống tình cảm của chúng ta và, tóm lại một từ, là trung tâm điểm của một con người. Hôm nay chúng ta suy ngẫm về hai trái tim: Trái tim của Vị Mục tử nhân lành và trái tim của chúng ta là các linh mục.
        Trái tim của Vị Mục tử Nhân lành không chỉ là Trái tim thể hiện cho chúng ta thấy lòng thương xót, nhưng chính là Trái tim hay thương xót. Ở nơi đó tình yêu của Chúa Cha tỏa rạng; ở nơi đó tôi biết rằng tôi được chào đón và tôi được cảm thông theo chính thân phận của mình; ở nơi đó với tất cả tội lỗi và sự thiếu sót của tôi, tôi biết chắc một điều rằng tôi được chọn và được yêu. Suy ngẫm về Trái tim đó, tôi làm mới lại tình yêu ban đầu của tôi: những kỷ niệm về thời gian đó khi Thiên Chúa chạm vào linh hồn tôi và gọi tôi đi theo Người, kỷ niệm niềm vui vì đã thả được những kẻ lưới cuộc đời trên đại dương của Lời Người (Lc 5:5).
        Trái tim của Vị Mục tử Nhân lành nói cho chúng ta biết rằng tình yêu của người là vô tận; tình yêu đó không bao giờ mệt mỏi và không bao giờ bỏ cuộc. Ở đó chúng ta được nhìn thấy sự cho đi vô tận và vô biên của Người; ở đó chúng ta tìm thấy nguồn cội của lòng trung tín và tình yêu nhân từ, một tình yêu tạo nên sự tự do và làm cho mọi người được tự do; ở đó chúng ta  liên tục khám phá ra rằng Chúa Giê-su yêu chúng ta “thậm chí cho đến cùng” (Gioan 13:1), mà không bao giờ áp đặt.
        Trái tim của Vị Mục tử Nhân lành trải rộng ra trên chúng ta, trên tất cả mọi người và tới cả những người ở xa xôi nhất. Ở đó chiếc kim trên la-bàn của Người chắc chắn chỉ tới, ở đó chúng ta nhìn thấy “điểm yếu” đặc biệt của tình yêu của Người, một tình yêu khao khát được ôm lấy tất cả và không bỏ mất một ai.
        Suy ngẫm về Trái tim của Đức Ki-tô, chúng ta phải đối diện với câu hỏi căn bản của đời linh mục chúng ta: Con tim của tôi được định hướng về đâu? Thừa tác vụ của chúng ta thường đầy những kế hoạch, dự án và hoạt động: giảng dạy giáo lý đến những nghi thức, những công việc bác ái, những công tác tông đồ và quản lý. Trong giữa tất cả những việc này, chúng ta vẫn phải tự hỏi mình: Con tim của tôi được đặt trên cái gì, nó được định hướng đi đâu, gia tài mà nó đang tìm kiếm là gì? Vì như Chúa Giê-su nói: “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6:21).
        Thánh tâm Chúa Giê-su có hai kho tàng vĩ đại: Chúa Cha và chính chúng ta. Mỗi ngày của Người được phân chia ra giữa cầu nguyện với Chúa Cha và gặp gỡ con người. Do vậy con tim của linh mục của Chúa Ki-tô cũng chỉ có 2 hướng: Thiên Chúa và dân người. Trái tim của người linh mục là trái tim bị đâm thâu bởi tình yêu của Thiên Chúa. Vì lý do này, linh mục không còn nhìn về bản thân mình nữa, nhưng là hướng về Thiên Chúa và anh chị em của mình. Con tim không còn là “con tim bay bổng” bị cám dỗ bởi những đam mê chóng qua, tìm cách lảng tránh những bất đồng và tìm đến những thỏa mãn. Ngược lại, đó là con tim bén rễ sâu vào Thiên Chúa, được sưởi ấm bởi Chúa Thánh Thần, mở rộng tâm hồn và sẵn sàng đến với tất cả anh chị em tha nhân.
        Để con tim chúng ta được bùng cháy với lòng nhân hậu của Chúa Giê-su Vị Mục tử Nhân lành, chúng ta tự tập cho mình làm 3 điều sau đây được rút ra trong những bài đọc hôm nay: ra đi, hòa nhập và mừng vui.
           Ra đi. Tiên tri Ezekiel nhắc chúng ta rằng chính Thiên Chúa đi tìm đàn chiên của Người (Ez 34:11, 16). Trong Tin mừng cũng nói rằng, Người “ra đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất” (Lc 15:4), mà không hề sợ sệt những hiểm nguy. Không chần chừ, Người bỏ lại đàn chiên đang gặm cỏ và ngày làm việc bình thường của mình. Người không hoãn lại việc tìm kiếm. Người không nghĩ rằng: “À, hôm nay tôi tìm như vậy là đủ rồi; ngày mai tôi sẽ tính chuyện ngày mai”. Ngược  lại, ngay lập tức Người cất bước đi tìm; con tim Người luôn khắc khoải cho đến khi Người tìm lại được cho chiên bị mất. Khi tìm được nó, Người quên hết mọi nhọc mệt và đặt con chiên lên vai mình, vô cùng thỏa mãn.
        Một con tim ra đi là như vậy – một con tim không biết để dành thời gian và không gian cho riêng mình, một con tim không biết ghen tị với khoảng thời gian yên tĩnh mình đáng được hưởng và không bao giờ đòi hỏi cho mình được ở yên một mình. Một mục tử noi gương trái tim của Thiên Chúa không bao giờ biết bảo vệ cho không gian thoải mái của riêng mình; người mục tử không lo lắng để bảo vệ danh thơm của mình, nhưng ngược lại, không e sợ những chỉ trích, sẵn sàng bước vào vùng nguy hiểm để tìm cách bắt chước nên giống Thiên Chúa.
        Một mục tử  noi gương trái tim của Thiên Chúa có một con tim tự do không màng đến những lợi lộc cho riêng mình. Mục tử không sống để đếm những thành công của mình hay là tính toán xem mình đã làm việc được bao lâu: mục tử không phải là một người kế toán của Thần Khí, nhưng là một người Samaritano nhân hậu biết đi tìm những ai đang thiếu thốn. Đối với đoàn chiên, người là một người chăn dắt, chứ không phải là một viên thanh tra, và người dâng hiến đời mình cho sứ vụ không phải chỉ 50 hay 60 phần trăm, nhưng với tất cả những gì người mục tử có. Khi ra đi tìm kiếm, người tìm thấy, và người lại tìm thấy vì người dám mạo hiểm. Người mục tử không dừng lại khi thất vọng và không kêu lên trước những mệt mỏi. Ngược lại, người rất ương ngạnh khi làm điều tốt, được đóng dấu ấn bướng bỉnh trong sứ mệnh không để mất dấu bất kỳ một con chiên nào. Người mục tử không những luôn giữ cửa nhà mở rộng, nhưng còn phải ra đi để tìm kiếm những người không còn muốn quay bước vào nhà. Giống như những Ki-tô hữu công chính, và là một gương mẫu cho mọi Ki-tô hữu, người mục tử không ngừng dấn bước lên đường. Tâm điểm của con tim của người mục tử không còn là chính nó nữa. Người mục tử không bị lôi kéo bởi chữ “tôi” của riêng mình, nhưng bị lôi kéo bởi chữ “bạn” của Thiên Chúa và chữ “chúng ta” của những anh chị em khác.
           Hòa nhập. Chúa Ki-tô thương yêu và biết đàn chiên của mình. Người đã tặng ban cuộc sống của Người cho chúng, và không con chiên nào là con chiên lạ đối với Người (Gioan 10:11-14).  Đoàn chiên của Người là gia đình và là cuộc sống của Người. Người không phải là một ông chủ làm đàn chiên sợ hãi, nhưng là một người chăn dắt bước theo bên chúng và gọi tên từng con chiên (Gioan 10:3-4). Người muốn tụ họp những con chiên vẫn chưa đi vào đồng cỏ của Người (Gioan 10:16).
        Người linh mục của Chúa Ki-tô cũng như vậy. Người linh mục được xức dầu cho dân người, không phải để lựa chọn cho những kế hoạch của riêng mình nhưng là để gần gũi với những anh chị em mà Thiên Chúa đã trao phó cho mình. Trái tim, lời cầu nguyện hay nụ cười của người linh mục không được loại trừ một ai. Bằng một trái tim và cái nhìn yêu thương của người cha, linh mục phải chào đón mọi người và hòa nhập với mọi người, và nếu có những lúc phải sửa lỗi cho ai, thì phải kéo họ lại gần mình hơn. Linh mục không đứng tách biệt với một người nào, nhưng sẵn sàng nhúng tay mình vào mọi việc. Là một thừa tác viên của bí tích Thánh thể mà mình cử hành và sống mỗi ngày, người linh mục không mong chờ những lời chào đón và khen ngợi của người khác, nhưng phải là người đầu tiên dấn bước, loại bỏ những kiểu ngồi lê mách lẻo, xét đoán và ác ý. Người linh mục phải kiên nhẫn lắng nghe những vấn đề của dân người và đồng hành cùng họ, ban phát sự tha thứ của Thiên Chúa với sự cảm thông đại lượng. Người linh mục không quát mắng những con chiên lang thang hay lạc mất phương hướng, nhưng luôn sẵn sàng mang họ về để tháo gỡ những khó khăn và bất đồng.
           Mừng vui. Thiên Chúa là “tràn đầy niềm vui” (Lc 15:5). Niềm vui của Người phát xuất từ sự tha thứ, từ sự sống được tái sinh và canh tân, từ những đứa con hoang đàng một lần nữa quay trở về hít thở không khí ngọt ngào của gia đình. Niềm vui của Chúa Giê-su Vị Mục tử Nhân lành không phải là niềm vui chỉ cho riêng mình, nhưng là niềm vui cho tha nhân và với tha nhân, niềm vui thực sự của tình yêu. Đây cũng là niềm vui của người linh mục. Người linh mục được thay đổi bởi lòng thương xót mà người tự do cho đi. Qua lời cầu nguyện người linh mục khám phá ra nguồn an ủi của Thiên Chúa và nhận biết rằng không có điều gì mạnh mẽ hơn tình yêu của Người. Do đó người linh mục trải nghiệm được sự bình an nội tâm, và sung sướng vì được làm một kênh chuyển tải lòng thương xót, được mang anh chị em đến gần với Thánh tâm Chúa. Nỗi buồn cho người linh mục là một điều hơi khác thường, và nó chỉ là một bước chân trên suốt hành trình; tính nguyên tắc khắt khe là điều xa lạ với người linh mục, vì linh mục là một mục tử noi gương Trái tim nhân từ của Thiên Chúa.
        Anh em linh mục thân mến, trong phép Thánh thể chúng ta tái khám phá mỗi ngày vai trò mục tử của chúng ta. Trong mỗi thánh lễ hàng ngày, nguyện xin cho chúng ta thực sự biết lấy câu nói của Chúa Ki-tô cho riêng mình: “Đây là mình Ta, sẽ bị nộp vì các con.”  Đây là ý nghĩa cuộc đời của chúng ta; bằng những lời này, hàng ngày chúng ta có thể làm mới lại những lời hứa chúng ta đã tuyên thệ trong ngày tiến chức. Cha xin cảm ơn tất cả anh em vì đã nói lời “xin vâng” để dâng hiến đời mình trong sự kết hiệp với Chúa Giê-su: vì từ đây chúng ta tìm được suối nguồn niềm vui thanh khiết.

[Nguồn: news.va]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 04/06/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét