Làm sao một linh mục hoàn tất vụ án phong thánh cho Mẹ Teresa
13 tháng 8, 2016
Cha Brian Kolodiejchuk tuần trước ở Roma trong trụ sở dòng của ngài, Các Cha Thừa sai Bác ái, được Mẹ Teresa thành lập. Cha là cáo thỉnh viên cho vụ án phong thánh của mẹ. CreditNadia Shira Cohen for The New York Times
Mẹ Teresa sẽ chính thức được Đức Thánh Cha Phanxico tôn phong hiển thánh vào ngày 4 tháng 9 tại Roma. Được toàn thế giới biết với tên gọi “Vị thánh của Calcutta,” mẹ đã lập dòng nam và nữ tu phục vụ người nghèo ở trên hơn 130 quốc gia. Ngay cả với một người phụ nữ là biểu tượng của sự thánh thiện trong thế giới hiện đại, Giáo hội Công giáo Roma vẫn đòi hỏi có người thu thập được những bằng chứng về phép lạ và trình bày vụ việc chứng minh Mẹ xứng đáng được công nhận là thánh.
Người đó là Cha Brian Kolodiejchuk, một linh mục người Canada và là thành viên của Dòng các Cha Thừa sai Bác ái (Missionaries of Charity Fathers), một dòng tu được Mẹ Teresa thành lập. Một thời gian ngắn sau khi Mẹ qua đời ở tuổi 87, cha được chọn làm cáo thỉnh viên — người chịu trách nhiệm chính cho vụ án phong thánh của Mẹ. Cha Brian, ngài phải phân chia thời gian giữa Roma và nhà Thừa sai Bác ái ở Tijuana, Mexico, cũng là người biên tập của quyển sách mới “Một tiếng gọi của Lòng thương xót: Những trái tim yêu thương, Những đôi tay phục vụ,” (“A Call to Mercy: Hearts to Love, Hands to Serve,”) lấy từ những lời giảng dạy của Mẹ Teresa và chứng tá về đời sống của Mẹ. Cha được phỏng vấn hồi tháng 8 trước khi rời đi Roma để chuẩn bị cho lễ phong thánh. Bài phỏng vấn này đã được biên tập và rút ngắn lại.
Bằng cách nào cha gặp được Mẹ Teresa?
Chị gái của tôi — chúng tôi chỉ có 2 người — gia nhập Dòng Nữ tử Thừa sai Bác ái năm 1976, và một năm sau cha mẹ tôi và tôi từ Winnipeg đến gặp chị ở Roma. Trong Thánh lễ với sáu thầy dòng chiêm niệm, Mẹ Teresa cài một thánh giá trên một linh mục và 6 giáo dân. Các nhánh dòng nam của M.C. đeo một thánh giá trên ngực trước trái tim, và các nữ tu đeo thánh giá trên vai, cũng có mục đích giữ bộ áo sari. Sau Thánh lễ, khi chúng tôi đang chào tạm biệt nhau, Mẹ Teresa nói với tôi, “À, Mẹ cũng muốn gắn một thánh giá trên người con.” Lúc đó tôi 21 tuổi, và đây chính là Mẹ Teresa nói chuyện với tôi, tôi thực sự choáng váng, tôi không nói gì được. Sáng hôm sau, sau Thánh lễ, trong cộng đoàn San Gregorio, tôi đã lấy đủ can đảm đến trước Mẹ và hỏi Mẹ rằng ý Mẹ là sao. Mẹ mời tôi gia nhập dòng các thầy. Và tôi đã nghe lời.
Thường thường cần phải có hai phép lạ để quyết định phong thánh — một để phong chân phước và một phép lạ khác để phong hiển thánh. Bằng cách nào cha điều tra được hai phép lạ?
Đúng là phải chờ đợi và hy vọng người ta báo cáo điều gì đó. Phép lạ thứ nhất, phép lạ cần cho phong chân phước, là chị Monica Besra ở Bengal, Ấn độ. Monica có một khối u, giống như một cục bướu, trong bụng, và nó kích thước 16 hay 17 cm — đại để bằng cỡ một phụ nữ mang thai 6 tháng. Gia đình chị đã chạy đủ cách, và không có gì hiệu quả. Họ mang chị đến với các nữ tu, và các nữ tu đem chị đến bác sĩ, sau đó bác sĩ gửi chị về nhà ngày 31 tháng 8 năm 1998. Gần như là chị sắp chết. Ngày 5 tháng 9, ngày giỗ đầu tiên của Mẹ Teresa, chị nữ tu bề trên lấy một mề-đay ảnh Đức Mẹ Maria đã đặt trên xác Mẹ Teresa trong tang lễ, và đặt trên bụng của Monica và đọc một lời cầu nguyện đơn sơ: “Mẹ ơi, hôm nay là ngày của Mẹ. Mẹ yêu người nghèo. Mẹ hãy làm gì cho chị Monica đi.” Lúc đó khoảng 5 giờ chiều ngày Thứ bảy. Lúc 1 giờ sáng, Monica thức dậy lúc nửa đêm đi vào phòng vệ sinh, chị phát hiện thấy bụng mình phẳng lì trở lại. Sáng Chúa nhật, các chị nữ tu nhìn thấy chị ấy thức dậy và đang quét nhà bằng một cây chổi, và các chị kêu lên, “Woa woa, có chuyện gì với Monica vậy?
Nhưng lấy gì để chứng minh rằng đó thực sự là một phép lạ, và y khoa và khoa học không có lời giải thích cho việc này?
Người ta rất nghiêm ngặt về những điều này. Ở Brazil, một vị cáo thỉnh viên tôi có quen trong một vụ án phong thánh khác nhận được tin nói rằng vụ án phép lạ mà cha đưa ra bị từ chối, vì nó không tự nhiên. Trong vụ ở Ấn độ của Mẹ Teresa, có 11 bác sĩ được hội ý, và chỉ có 1 người là Công giáo. Những người kia là Hindu. Anh không được hỏi các bác sĩ liệu họ có nghĩ đó là một phép lạ không. Anh chỉ được hỏi họ rằng, “Quý vị có thể giải thích điều này theo y khoa không?”
Một tranh ghép ảnh Mẹ Teresa treo trong vườn sau của nhà, Cha Brian ở bên phải. Khu nhà đã được biến thành gần như một bảo tàng để tôn vinh Mẹ. CreditNadia Shira Cohen for The New York Times
Tại sao lại cách đến 10 năm giữa phép lạ thứ nhất và phép lạ thứ hai?
Cũng có những vụ khác, nhưng khi chúng tôi có tài liệu, tôi hỏi ý những bác sĩ tôi biết ở Scripps [phòng y Scripps Clinic Torrey Pines ở La Jolla, California] hoặc ở Tijuana, và thường bác sĩ nói, “Nó có thể xảy ra một cách tự nhiên.” Tôi có một vụ khác, mọi thứ diễn ra trông có vẻ khá thuận lợi, ngoại trừ người mẹ chồng viết cho tôi một lá thư và nói rằng bà cầu nguyện thánh Padre Rio suốt năm. Và như vậy là kết thúc chuyện đó. Phép lạ đó của ai, của Mẹ Teresa hay của Padre Pio?
Phép lạ thứ hai cuối cùng cũng đã xảy ra ở Brazil (second miracle), và lần này là một người đàn ông tên Marcilio. Ông ta bị nhiễm khuẩn não gây ra nhiều áp-xe … và ông bị tràn dịch não. Vợ ông bắt đầu làm tuần cửu nhật, chín ngày cầu nguyện với Mẹ Teresa, và bà yêu cầu mọi người trong gia đình cùng cầu nguyện như bà. Ngày 9 tháng 12, lúc 2 giờ sáng, Marcilio bị một cơn đau dữ dội ở đầu, và đi vào hôn mê. Ông ta gần như chết. Cuối cùng bác sĩ phải đưa ông ta vào phòng mổ, hy vọng hút dịch ra, nhưng bác sĩ không thể làm theo cách ông đã dự định, ông rời phòng mổ khoảng 6.10 tối để tìm một bác sĩ có thể thực hiện theo cách khác. Khi bác sĩ quay lại phòng mổ — bất lực trong cố gắng của mình — ông thấy Marcilio đã tỉnh dậy, không đau, và bệnh nhân hỏi, “Tôi đang làm gì ở đây?” Hai bản chụp (scan) não được thực hiện, một bản ngày 9 tháng 12, và một bản ngày 13 tháng 12, và tất cả các bác sĩ giải phẫu nhìn vào 2 bản scan và tất cả họ nói rằng bạn không có cách chi bước từ điểm này sang điểm khác như vậy. Bác sĩ thậm chí nói với em trai của Marcilio rằng ông đã có 30 bệnh nhân bị tràn dịch não như vầy và 29 người đã chết. Chỉ một mình Marcilio sống.
Mẹ Teresa cũng bị những chỉ trích (her critics). Người ta tố cáo mẹ điều hành những cơ sở cung cấp sự chăm sóc không đủ tiêu chuẩn, và có phần ưu ái những nhà độc tài như Enver Hoxha ở Albani và Jean-Claude Duvalier của Haiti. Tiến trình điều tra phong thánh có xét đến những cáo buộc này không?
Ồ, có chứ. Thực ra, Christopher Hitchens được gọi đến làm nhân chứng, ở Washington. Khi chúng tôi chuẩn bị điều tra vụ án thực sự, chính tôi và những người trợ giúp đã xem bộ phim của ông ta “Thiên thần của Địa ngục” (Hell’s Angel) và đọc quyển sách của ông “Địa vị Thừa sai.” (Missionary Position). Chúng tôi đã phải nghiêm túc xem xét vấn đề. Nhưng một số trong đó là thông tin sai lệch. Mẹ không bao giờ nhận bất kỳ đồng tiền nào từ Duvalier. Và trong phim, Hitchens cho thấy Mẹ đến mộ của Enver Hoxha, một kẻ độc tài. Mẹ đã làm gì ở đó? Sự thật là Mẹ yêu cầu được đến thăm mộ của mẫu thân và chị gái của Mẹ. Những người hộ tống của chính phủ đưa Mẹ đến mà không nói với Mẹ rằng đó là đến mộ của Hoxha. Sau đó Mẹ hỏi, vậy bây giờ tôi có thể đến mộ của mẫu thân và chị gái tôi chứ? Người thông dịch Albani, cũng là người làm chứng cho Mẹ nói rằng, “Ở Albani chúng tôi chỉ biết rằng bất cứ khách nước ngoài nào cũng phải được đưa đến mộ của Enver Hoxha.” Đó là một phần của nghi thức ngoại giao.
Ở Ấn độ, có một số oán giận cho rằng Mẹ Teresa đã làm cho Calcutta đồng nghĩa với sự nghèo đói.
Không phải là Mẹ cố gắng tập trung vào sự nghèo đói ở Calcutta. Đó chỉ là nơi Mẹ bắt đầu. Điều thú vị là sau Ấn độ, quốc gia có số nhà nhiều nhất được điều hành bởi dòng Thừa sai Bác ái là Hoa Kỳ. Mẹ vẫn nói rằng sự nghèo đói lớn nhất của thế giới ngày nay là không được yêu thương, bị lãng quên và không được chăm sóc, và đó là sự nghèo đói khó khăn và gian nan hơn khi tiếp cận.
Những thư riêng và bài viết của Mẹ Teresa, đã được xuất bản trong một quyển sách mà cha biên tập (a book) năm 2007 nhân kỷ niệm giỗ thứ 10 của Mẹ, tiết lộ cho biết rằng Mẹ đã chịu đựng trong nhiều thập kỷ sự lo âu đau khổ vì Thiên Chúa đã bỏ rơi Mẹ. Đó có phải là một hình thức đau khổ tinh thần như là điều kiện tiên quyết để nên thánh, hay chỉ đơn thuần là một chướng ngại?
Trong tài liệu Positio — đó là tài liệu vụ án được viết bằng tiếng La tinh điều tra đời sống Ki-tô hữu của Mẹ Teresa — chúng tôi có một chương nói về bóng tối vì nó là một nét rất đặc trưng. Chúng tôi phải điều tra vấn đề đó nhờ vào mầu nhiệm thánh truyền. Không có gì ngạc nhiên khi Mẹ cũng có tình trạng đó vì mọi vị thánh đều có. Có điều thực sự ngạc nhiên hơn là nó kéo dài quá lâu, gần 50 năm. Sống được như vậy thật là vị anh hùng. Một người không đủ trưởng thành chắc chắn sẽ bị nghiền nát trong một trải nghiệm như vậy. Mẹ đã chịu đựng sự cô đơn, ý thức không được yêu, bị ruồng bỏ trong mối quan hệ của Mẹ với Chúa Giê-su, nhưng trong tình hiệp thông và đồng hóa với người khác, những người về một mặt nào đó sống ý nghĩa sự cô đơn và không được yêu thương.
Cha rất hài lòng chứng kiến Mẹ được tôn phong là một vị thánh.
Đã qua 17 năm,từ 1999. Thật tuyệt vời khi được đứng ở đó trong buổi sáng Chúa nhật. Nghi thức tôn phong thánh sẽ diễn ra trước Thánh lễ. Vị Tổng trưởng Bộ phong thánh đọc thỉnh cầu chính thức, và tôi sẽ đứng cạnh ngài. Tạ ơn, tôi phải mở miệng nói gì hết.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/08/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét