Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

TRIỀU YẾT CHUNG: Đức tin mang lại Ơn Cứu độ

TRIỀU YẾT CHUNG: Đức tin mang lại Ơn Cứu độ

‘Bà là người phụ nữ bị xã hội loại bỏ. Thật quan trọng cho chúng ta phải biết suy nghĩ đến tình trạng này — bị loại bỏ — để hiểu được suy nghĩ trong đầu của bà: bà cảm nhận rằng Chúa Giê-su có thể giải thoát cho bà khỏi căn bệnh và khỏi tình trạng bị gạt ra bên lề xã hội và bị mất phẩm giá, tình trạng mà bà phải chịu đựng bao năm. Nói tắt lại: bà biết, bà cảm nhận rằng Chúa Giê-su có thể cứu bà.
31 tháng 8, 2016
pope francis
© PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch bài giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi Triều yết chung sáng nay tại Quảng trường Thánh Phê-rô.
__
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Tin mừng chúng ta nghe hôm nay cho thấy một nhân vật giữ vững niềm tin và lòng can đảm của mình. Đó là người phụ nữ được Chúa Giê-su chữa lành chứng băng huyết (Mt 9:20-22). Đi qua giữa đám đông đằng sau Chúa Giê-su để chạm vào tua áo của Người, “bà ta nghĩ bụng, ‘Tôi chỉ cần sờ vào được áo của Người thôi, tôi sẽ được cứu’” (c. 21). Đức tin quá mạnh! Người phụ nữ này có một đức tin thật vững mạnh! Bà đã có lý vì bà được linh hứng bởi thật nhiều niềm tin và thật nhiều hy vọng, bằng một sự đụng chạm rất thông minh, bà đã làm những gì bà có trong tim. Sự khát khao được chữa lành bởi Chúa Giê-su đến mức làm cho bà dám vượt qua những quy định được thiết lập bởi Luật của Môi-sê. Quả thật, trong nhiều năm, người phụ nữ tội nghiệp này không chỉ đơn giản là bị bệnh, nhưng bị xem là ô uế vì bà bị chứng băng huyết (Levi 15:19-30). Vì thế, bà bị đuổi ra khỏi những nghi lễ, bị đuổi ra khỏi đời sống hôn nhân, và bị đuổi ra khỏi những quan hệ bình thường với hàng xóm anh em. Tác giả Tin mừng Mác-cô thêm rằng bà đã chạy đến với rất nhiều thầy thuốc, tiêu cả gia tài để trả cho họ và chịu đựng những cách chữa trị đau đớn, nhưng bà càng ngày càng trở nên nặng hơn. Bà là người phụ nữ bị xã hội loại bỏ. Thật quan trọng cho chúng ta phải biết suy nghĩ đến tình trạng này — bị loại bỏ — để hiểu được suy nghĩ trong đầu của bà: bà cảm nhận rằng Chúa Giê-su có thể giải thoát cho bà khỏi căn bệnh và khỏi tình trạng bị gạt ra bên lề xã hội và bị mất phẩm giá, tình trạng mà bà phải chịu đựng bao năm. Nói tắt lại: bà biết, bà cảm nhận rằng Chúa Giê-su có thể cứu bà.
Trường hợp này làm chúng ta suy nghĩ về những cách xã hội thường hiểu và nói về phụ nữ. Tất cả chúng ta lúc nào cũng thận trọng, kể cả các cộng đoàn Ki-tô, với  những quan điểm về phái nữ đầy những thành kiến và nghi ngờ về giá trị tiềm ẩn của họ. Với sự liên hệ này, chính Tin mừng đã trả lại sự thật và dẫn đến việc giải phóng cách suy nghĩ. Chúa Giê-su thán phục đức tin của người phụ nữ này, bà bị mọi người tránh xa, và biến niềm hy vọng của bà thành ơn cứu rỗi. Chúng ta không biết tên của bà, nhưng một vài dòng mà các Tin mừng miêu tả sự gặp gỡ của bà với Chúa Giê-su, vẽ lại một hành trình đức tin có thể lấy lại sự thật và sự lớn lao của phẩm giá mỗi con người. Chính trong sự gặp gỡ với Đức Ki-tô mở ra con đường giải thoát và ơn cứu độ cho mọi người, nam và nữ ở mọi nơi và mọi thời đại.
Tin mừng Mát-thêu nói rằng khi người phụ nữ chạm vào áo của Chúa Giê-su, Người “quay lại” và “nhìn thấy bà” (c. 22), và rồi Người chú ý vào bà. Như chúng ta đã nói, vì tình trạng bà bị loại bỏ nên người phụ nữ phải hành động một cách lén lút, ở phía sau Chúa Giê-su, bà hơi sợ, làm sao để không bị nhìn thấy, vì bà là người bị đuổi ra khỏi xã hội. Thay vì vậy, Chúa Giê-su nhìn thấy bà và cái nhìn của Người không phải là cái nhìn khinh rẻ, Người không nói: “Hãy biến đi, bà là người bị loại bỏ!” hoặc giả sử Người nói: “Bà là người phong cùi, hãy đi đi!” Không, người không khinh miệt bà, nhưng cái nhìn của Chúa Giê-su là cái nhìn của lòng thương xót và nhân hậu. Người biết chuyện gì xảy ra và tìm cách gặp gỡ riêng với bà, điều vượt ra ngoài mong đợi của người phụ nữ. Điều này có nghĩa là, Chúa Giê-su không chỉ đón nhận bà nhưng Người còn xem bà xứng đáng được có cuộc gặp gỡ đó đến mức trao tặng cho bà món quà Lời Người và sự Quan tâm của Người.
Trong phần giữa của câu chuyện, cụm từ ơn cứu độ được lặp lại ba lần. “Tôi chỉ cần sờ được vào áo Người thôi thì tôi được cứu!” Chúa Giê-su quay lại, nhìn thấy bà và nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu con!” Và ngay từ lúc ấy người phụ nữ được cứu chữa” (cc. 21-22). Cụm từ “này con, cứ yên tâm” mô tả tất cả  lòng thương xót của Thiên Chúa cho người đó – và cho từng con người bị gạt bỏ ra ngoài. Đã bao nhiêu lần chúng ta cảm thấy bị gạt ra ngoài vì những tội lỗi của chúng ta, chúng ta đã phạm quá nhiều, chúng ta đã phạm quá nhiều … Và Thiên Chúa nói với chúng ta: “Cứ an tâm! Đến đây! Cha không xem con là người bị gạt ra ngoài lề. Cứ an tâm, này con. Con là con của ta.” Và đây là thời khắc của ơn sủng. Hôm nay đối với tất cả chúng ta, những tội nhân, dù phạm những tội trọng hay nhẹ – nhưng tất cả chúng ta đều là tội nhân mà Thiên Chúa nói với chúng ta: “Cứ an tâm, hãy đến đây! Con không còn bị gạt ra ngoài nữa: Cha tha thứ cho con, cha ôm con.” Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta phải biết can đảm và tiến đến Người, xin sự tha thứ cho những tội lỗi của chúng ta và tiếp tục tiến bước – với lòng can đảm, như người phụ nữ này đã làm. Và “ơn cứu độ” bao hàm nhiều ý nghĩa: trước hết, nó phục hồi lại sức khỏe cho người phụ nữ; sau đó nó giải thoát bà ta khỏi tình trạng bị phân biệt đối xử của xã hội và tôn giáo; thêm nữa, nó làm trọn vẹn niềm hy vọng mà bà mang trong lòng, giũ bỏ mọi sợ hãi và bất an. Cuối cùng, nó đưa bà trở lại với cộng đoàn, giải thoát cho bà không phải hành động theo cách lén lút. Và điều cuối cùng này vô cùng quan trọng: một người bị gạt ra ngoài lề luôn hành động theo cách lén lút, đôi lúc hoặc trong suốt cuộc đời của người đó: chúng ta nghĩ đến những người phong hủi của thời đó, chúng ta nghĩ đến những người vô gia cư của ngày nay …; chúng ta nghĩ đến những tội nhân, nghĩ đến chúng ta là những tội nhân: chúng ta luôn làm một điều gì đó theo cách lén lút; và chúng ta cần phải làm điều gì đó theo cách lén lút, do chúng ta xấu hổ vì con người chúng ta … Và người giải thoát chúng ta khỏi những điều này, Chúa Giê-su giải thoát chúng ta và vực chúng ta đứng dậy: “Hãy trỗi dậy, đến đây, hãy đứng dậy!” Như Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta: Thiên Chúa tạo dựng chúng ta đứng thẳng, không bị nhục nhã — đứng thẳng. Điều Chúa Giê-su ban tặng là ơn cứu độ trọn vẹn, làm cho đời sống của người phụ nữ được tái hòa nhập vào trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, và đồng thời tái lập lại phẩm giá trọn vẹn cho bà.
Cuối cùng, không phải là cái áo mà người phụ nữ chạm vào đã cho bà sự cứu thoát, nhưng là Lời của Chúa Giê-su, được đón nhận trong đức tin, có khả năng an ủi bà, chữa lành bà và đưa bà trở lại mối quan hệ của bà với Thiên Chúa và với mọi người. Chúa Giê-su là nguồn phúc lành duy nhất từ đó ơn cứu độ tuôn đổ xuống cho muôn người, và đức tin là nền tảng căn bản để đón nhận ơn phúc đó. Một lần nữa, Chúa Giê-su, với thái độ đầy lòng thương xót của Người, hướng dẫn cho Giáo hội con đường đi theo để gặp gỡ mọi người để mỗi người có thể được chữa lành cả thể xác và tâm hồn và phục hồi lại giá trị làm con cái Thiên Chúa.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch của ZENIT]

Cha gửi lời chào thân ái đến những khách hành hương nói tiếng Ý.
Cha rất vui mừng được chào đón các tín hữu cua Tổng giáo phận Genoa, theo cùng đoàn có Đức Hồng y Angelo Bagnasco; và các tín hữu của giáo phận Melfi-Rapolla-Venosa, cùng với Đức giám mục, Đức ông Gianfranco Todisco. Cha xin chúc tất cả một chuyến hành hương Năm thánh tràn đầy hoa trái tinh thần cho phần ích của anh chị em và cho cộng đoàn mục vụ của anh chị em.
Cha xin chào các chủng sinh của Milan; các nhóm giáo xứ, đặc biệt các tín hưu của Pogliano Milanese, Inveruno, Pieve del Cairo và Polla, cũng như “những cua-rơ xe đạp của lòng thương xót”của Teggiano.
Một lời chào đặc biệt xin gửi tới các bạn trẻ, những người đau yếu và các cặp hôn phối mới. Nguyện xin sự tử đạo anh dũng của Thánh Gioan Tẩy giả mà chúng ta mừng kính hôm thứ Hai, cầu bầu cho các con, những bạn trẻ, lập định hướng cho tương lai của các con và không làm giảm giá trị của Tin mừng; các anh chị em bệnh nhân yêu mến, nguyện xin cho anh chị em được trở nên can đảm, tìm được sự bình an và an ủi nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh; Các cặp uyên ương mới thân mến, nguyện xin chúng con được dẫn đưa đến một tình yêu sâu đậm cho Thiên Chúa và cho nhau, để mỗi ngày trải nghiệm niềm vui ủi an tuôn đổ từ món quà ân sủng của nhau.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/09/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét