Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh cho Người bị Loại trừ

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh cho Người bị Loại trừ

“Sự có mặt của anh chị em nơi đây giúp chúng tôi được hòa vào tầng sóng của Thiên Chúa, thấy được những gì Ngài thấy”
13 tháng 11, 2016
messa-omelia-giubileo-marginati
Hôm nay Đức Thánh Cha Phanxico dâng Thánh Lễ trong một phần hoạt động của Năm Thánh cuối tuần này dành cho người bị loại trừ. Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican bài giảng của ngài:
“Nhưng đối với các ngươi … mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh” (Mal 4:2). Những lời của Ngôn sứ Ma-la-ki, mà chúng ta đã nghe trong bài đọc một, thắp nên ánh sáng cho Năm Thánh hôm nay. Những lời này đến với chúng ta từ trang cuối của vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước. Đó là những lời nói về những người luôn tín thác vào Chúa, họ đặt niềm hy vọng của họ vào Ngài, những người nhìn thấy nơi Ngài sự tốt lành vô giá của sự sống và từ bỏ cách sống chỉ dành cho riêng họ và cho những ích lợi của riêng họ. Với những ai nghèo về vật chất nhưng lại giàu có trong Thiên Chúa, mặt trời công lý sẽ mọc lên. Đây là những người nghèo trong tinh thần, người mà Chúa Giê-su đã hứa ban Nước trời (Mt 5:3) và những người, qua ngôn sứ Ma-la-khi, được gọi là “sở hữu của riêng ta” (Mal 3:17). Ngôn sứ so sánh như người kiêu căng, những người đi tìm cuộc sống an toàn nơi tính tự phụ và những của cải trần gian. Trang cuối cùng này của Cựu Ước đưa ra những câu hỏi thử thách về ý nghĩa chung cuộc của sự sống: tôi đi tìm sự an toàn ở đâu? Trong Thiên Chúa hay nơi những hình thức an toàn khác không làm hài lòng Thiên Chúa? Cuộc sống của tôi đang hướng về đâu, con tim tôi thuộc về điều gì? Thiên Chúa của sự sống hay những điều phù du không thể làm thỏa mãn?
Những câu hỏi tương tự như vậy cũng xuất hiện trong Tin mừng hôm nay. Chúa Giê-su ở Giê-ru-sa-lem để chuẩn bị cho trang cuối cùng quan trọng nhất của cuộc đời trần thế của Ngài: cái chết và sự phục sinh. Ngài ở trong khu tường thành của Đền thờ, “được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng” (Lc 21:5). Người ta bàn tán về vẻ đẹp bên ngoài của ngôi đền, thì Chúa Giê-su nói: “Sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (c. 6). Ngài còn thêm rằng sẽ không thiếu những cuộc chiến tranh, đói kém, loạn lạc trên mặt đất và cả trên trời. Chúa Giê-su không muốn làm chúng ta hoảng sợ, nhưng muốn cho chúng ta biết rằng mọi điều chúng ta nhìn thấy bây giờ chắc chắn sẽ qua đi. Ngay cả những vương quốc hùng mạnh nhất, những đền đài thánh thiêng nhất và những thực tại bảo đảm nhất của trần gian này không bao giờ tồn tại mãi mãi; không sớm thì muộn chúng sẽ sụp đổ.
Đáp lại, người ta ngay lập tức đặt cho Ngài hai câu hỏi: “Thưa thầy, vậy bao giờ các sự đó sẽ xảy ra?” (c. 7). Khi nào và như thế nào … chúng ta cứ mãi bị dẫn dắt bởi tính tò mò: chúng ta muốn biết khi nào và chúng ta muốn nhìn thấy dấu chỉ. Tuy nhiên Chúa Giê-su không quan tâm đến tính tò mò đó. Ngược lại, Ngài khuyên răn chúng ta đừng tin nghe những kẻ mạo danh. Những môn đệ theo Chúa Giê-su không quan tâm đến những thầy bói về ngày chung thẩm, sự vô nghĩa của tử vi, hay những bài thuyết pháp và những tiên báo kinh hoảng làm phân tán khỏi những điều thực sự quan trọng. Giữa những sự ồn ào của muôn vàn tiếng nói, Thiên Chúa khuyên chúng ta phải phân biệt được điều gì là đến từ chính Người và điều gì là của ngụy thần. Điều này rất quan trọng: phân biệt giữa Lời Khôn Ngoan mà Thiên Chúa nói với chúng ta mỗi ngày với những tiếng hét của những người nhân danh Thiên Chúa để gây kinh hoàng, nuôi dưỡng sự chia cách và hoảng sợ.
Chúa Giê-su mạnh mẽ nói với chúng ta đừng sợ hãi trước những biến động của mỗi giai đoạn lịch sử, thậm chí có phải đối mặt với những thử thách và những bất công kinh khủng nhất có thể xảy đến cho các môn đệ của Ngài. Ngài nói chúng ta hãy kiên gan bền chí trong những điều tốt lành và đặt sự tín thác của chúng ta vào Thiên Chúa, Người không làm thất vọng: “Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” (c. 18). Thiên Chúa không quên những kẻ trung thành với Người, sở hữu riêng của Người. Người không quên chúng ta.
Tuy nhiên, hôm nay Người chất vấn chúng ta về ý nghĩa cuộc đời của chúng ta. Bằng một hình ảnh, chúng ta có thể nói rằng các bài đọc này như một “bộ lọc” qua đó đời sống của chúng ta chảy qua: những bài đọc nhắc chúng ta rằng mọi sự trên thế gian này đang qua đi, như dòng nước chảy. Nhưng có những thực tại như kho báu vẫn tồn tại, như một viên ngọc quý trong bộ lọc. Những gì phải chịu đựng, những gì có giá trị trong cuộc đời, những gia tài nào không hư mất? Chắc chắn có hai: Thiên Chúa và anh em của chúng ta. Hai gia tài này không thể hư mất! Đây là những gia tài vô giá; đây là những gia tài được yêu. Tất cả mọi thứ khác – trời, đất, tất cả những kỳ quan đẹp nhất, thậm chí cả Vương Cung Thánh Đường này – cũng sẽ qua đi; nhưng chúng ta không bao giờ được loại trừ Thiên Chúa và anh em ra khỏi cuộc đời chúng ta.
Vì thế, hôm nay, khi chúng ta nói về sự loại trừ, chúng ta liền nghĩ ngay đến những con người cụ thể, không phải là những đồ đạc vô dụng nhưng là những con người vô cùng quý giá. Nhân vị, được Thiên Chúa thiết lập trên đỉnh điểm của tạo vật, thường bị vứt bỏ, bị gạt sang một bên nhường chỗ cho những sự phù du. Điều này không thể chấp nhận được, vì dưới nhãn quan của Thiên Chúa con người là điều quý giá nhất. Đây là một điềm xấu khi chúng ta dần dần trở nên quen thuộc với sự loại trừ. Chúng ta phải lo lắng khi lương tâm của chúng ta bị tê liệt và chúng ta không còn nhìn thấy anh chị em của chúng ta đang đau khổ ngay bên cạnh chúng ta, hoặc không còn nhìn thấy những vấn đề nhức nhối trong thế giới của chúng ta, nó đơn thuần chỉ là một điệp khúc của những tiêu đề bản tin quen thuộc trong phần tin tức buổi tối.
Anh chị em thân mến, hôm nay là Năm Thánh của anh chị em. Sự có mặt của anh chị em nơi đây giúp chúng tôi bắt nhịp được với tầng sóng của Thiên Chúa, thấy được những gì Ngài thấy. Ngài không nhìn đến những gì ở bên ngoài (1 Sam 16:7), nhưng tập trung sự chú ý đến “những tâm hồn khiêm nhường và ăn năn” (Is 66:2), nơi rất nhiều La-za-rô nghèo đói của thời đại chúng ta. Chúng ta tự làm nguy hại cho mình khi chúng ta không chú ý đến La-za-rô, những người bị loại trừ và bị quăng ra ngoài (Lc 16:19-21)! Đó là quay mặt đi với chính Thiên Chúa. Nó là hiện tượng xơ cứng tâm hồn khi chúng ta chỉ chú ý đến những vật dụng được sản xuất hơn là chú ý đến những người được yêu. Đây là nguồn gốc của sự nghịch lý thảm họa của thời đại chúng ta: khi sự tiến bộ và những cơ hội mới ngày càng gia tăng, điều này là tốt, nhưng ngày càng ít người có khả năng được hưởng lợi từ chúng. Đây là một sự bất công rất lớn đáng để chúng ta phải quan tâm hơn là muốn biết thế giới đến bao giờ sẽ kết thúc và kết thúc như thế nào. Vì chúng ta không thể đi chỗ này đi chỗ kia làm kinh tế một cách âm thầm khi La-za-rô nằm ở cửa. Không thể có an bình trong những gia đình giàu có thịnh vượng nếu thiếu sự công bình nơi mỗi gia đình.
Hôm nay tại các nhà thờ chánh tòa và các đền thờ trên khắp thế giới, Cửa Thánh sẽ được đóng lại. Chúng ta hãy cầu xin được ơn sủng không nhắm mắt trước Thiên Chúa là Đấng nhìn thấu chúng ta, và không nhắm mắt trước anh em đang cầu xin chúng ta điều gì đó. Chúng ta hãy mở mắt trước Thiên Chúa, thanh tẩy con mắt của tâm hồn chúng ta thoát khỏi những hình ảnh dối trá và sợ hãi, thoát khỏi thần quyền lực và báo thù là con đẻ của tính kiêu căng và sợ hãi của con người. Chúng ta hãy nhìn bằng sự tín thác cho lòng thương xót của Chúa, với sự vững tin rằng “tình yêu không bao giờ kết thúc” (1 Cor 13:8). Chúng ta hãy canh tân lại sự hy vọng của chúng ta vào sự sống thật mà chúng ta được kêu gọi, sự sống sẽ không bao giờ qua đi và chờ đợi chúng ta trong sự kết hiệp với Thiên Chúa và với anh em, trong một niềm vui tồn tại mãi mãi, không bao giờ ngưng.
Và chúng ta hãy mở mắt trước người anh em của chúng ta, đặc biệt những anh chị em bị lãng quên và bị loại bỏ, trước những “La-za-rô” trước cửa của chúng ta. Đó là nơi kim la bàn của Giáo hội hướng tới. Nguyện xin Thiên Chúa giải thoát cho chúng ta không để nó hướng vào bản thân. Nguyện xin Người kéo chúng ta thoát khỏi những cái bẫy làm sao lãng chúng ta, xin Người kéo chúng ta thoát khỏi những lợi ích và đặc quyền, thoát khỏi sự bấu víu vào quyền lực và chiến thắng, không bị cám dỗ bởi thần của trần gian. Mẹ Giáo hội “đặc biệt nhìn đến những phần nhân loại đang đau khổ và than khóc, vì bà biết rằng những người này là thuộc về bà theo quyền ê-van (PHAOLO VI, Diễn từ khai mạc Phiên họp thứ hai của Công đồng Vatican II, 29 tháng 9, 1963).
Theo quyền nhưng cũng theo bổn phận ê-van, vì trách nhiệm của chúng ta  là chăm sóc cho những gia tài thực sự đó là người nghèo. Dưới ánh sáng của những suy tự này, tôi muốn ngày hôm nay là “ngày của người nghèo.” Chúng ta được nhắc nhớ điều này bằng một truyền thống cổ xưa theo gương của thánh tử đạo Lawrence tại Roma, trước khi chịu khổ hình tử đạo vì yêu mến Chúa, ngài đã phân phát hết gia sản cho người nghèo, những người mà ngài mô tả là kho báu đích thực của Giáo hội. Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn để chúng ta có thể nhìn một cách can đảm đến những gì thực sự là giá trị, và hướng tâm hồn chúng ta về gia tài đích thực.
© Copyright – Libreria Editrice Vaticana

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/11/2016]

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh cho Người bị Loại trừ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh cho Người bị Loại trừ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh cho Người bị Loại trừ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh cho Người bị Loại trừ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh cho Người bị Loại trừ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh cho Người bị Loại trừ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh cho Người bị Loại trừ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh cho Người bị Loại trừ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh cho Người bị Loại trừ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét