Đức Thánh Cha gợi ý những người vô gia cư trở thành những thầy dạy vĩ đại trong xã hội
Ngài nói, hãy dạy chúng tôi không biết tự thỏa mãn, và cách sống trong sự đoàn kết
11 tháng 11, 2016
© PHOTO.VA - Osservatore Romano
“Hãy đam mê và mơ ước,” là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay gửi đến những người sống “trong những điều kiện bấp bênh.” Buổi gặp gỡ, và 20 phút nói chuyện ứng khẩu của ngài bằng tiếng Tây Ban Nha, là một phần của những hoạt động Năm Thánh cho những Người bị Xã hội Loại trừ.
Buổi gặp gỡ hôm nay mang 6000 người đến Roma, đàn ông và phụ nữ từ nhiều quốc gia Châu Âu, những người đã sống, hay hiện tại, đang sống trên đường phố.
Năm Thánh mở rộng việc chào đón không chỉ những người vô gia cư, nhưng cả những người chịu thua thiệt và người sống trong nghèo khổ.
Sự kiện được thực hiện với sự giúp đỡ của “Fratello,” một hội đoàn chuyên tổ chức và xây dựng những chương trình sự kiện với và cho người trong những hoàn cảnh bị loại trừ, cùng hợp tác với những hội đoàn hỗ trợ những người này.
Sau chứng nhân trong số những người tham dự, Đức Thánh Cha nói chuyện với đám đông, cảm ơn họ đã đến Roma gặp ngài và cầu nguyện cho ngài. Đức Thánh Cha chia sẻ suy tư về những ý tưởng được hai người trình bày nêu lên.
Đức Thánh Cha nói với họ rằng sự đam mê có lúc bắt chúng ta phải chịu đau khổ, đặt ra những chướng ngại bên trong và bên ngoài chúng ta, sự đam mê trong bệnh tật, nhưng cũng là sự đam mê để tiến bước, đam mê tốt lành sẽ dẫn đến ước mơ.
Hơn nữa, đối với ngài, ngài chắc chắn với họ rằng một con người trở thành nghèo khi người đó mất “khả năng mơ ước, không đưa niềm đam mê tiến tới.” Vì thế, Đức Thánh Cha bảo họ đừng bao giờ từ bỏ mơ ước: “hãy mơ ước rằng một ngày nào đó thế giới này sẽ thay đổi.”
Cùng mạch tư tưởng đó, ngài nhấn mạnh rằng “nghèo là trung tâm điểm của Tin mừng.” Ngài nói, chỉ có người nào cảm thấy họ thiếu thốn thứ gì đó, mới đi tìm và ước mơ. Một người đã có tất cả không thể ước mơ.”
Cảm ơn
Đức Thánh Cha yêu cầu những người hiện diện dạy “cho tất cả chúng tôi là những người có một mái nhà, những người không hề thiếu thức ăn hay thuốc trị bệnh.” “Hãy dạy chúng tôi,” ngài nói, “để không biết tự thỏa mãn.”
Một khái niệm khác mà Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra trong bài diễn từ của ngài là phẩm giá, tức là, “tìm kiếm một cuộc sống đẹp trong những nghịch cảnh xấu nhất.” Chỉ một con người có nhân phẩm mới có khả năng tìm được cái đẹp thậm chí trong những điều đau buồn và chán nản nhất. “Nghèo, đúng, nhưng không gục ngã. Đó là phẩm giá,” Đức Thánh Cha nói.
Đây là “phẩm giá giống như Chúa Giê-su, người sinh ra trong nghèo khó và sống nghèo.”
“Nghèo, vâng; bị thống trị, không; bị bóc lột, không.” Tâm trạng này sẽ giúp nhìn thấy cuộc sống tươi đẹp, “phẩm giá này đã cứu anh chị em thoát khỏi tình trạng nô lệ,” ngài nói. “Nghèo, vâng; nô lệ, không.” Ngoài ra, ngài suy tư về ý nghĩa của sự hiệp nhất. “Có khả năng giúp đỡ, giúp người đau khổ hơn tôi.”
“Khả năng trở nên đoàn kết là một trong những hoa trái của cái nghèo ban tặng cho chúng ta,” ngài tiếp tục.
“Khi có quá nhiều của cải người ta quên đi tình đoàn kết vì họ quen với tình trạng không bị thiếu thốn thứ gì,” ngài cảnh báo. Trong khi “nghèo túng làm cho người ta trở nên đoàn kết và người ta vươn tay ra đến với những người khác đang trải qua hoàn cảnh khó khăn hơn.” Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxico cảm ơn những người có mặt vì tấm gương của họ và nói họ dạy tính đoàn kết này cho thế giới.
Hòa bình
Đức Thánh Cha cũng nói về hòa bình: “hòa bình đối với chúng ta là những người Ki-tô hữu phải bắt đầu trong một gia đình ổn định, trong một gia đình bị gạt ra bên lề.” Vì thế ngài Phanxico chắc chắn với những người hiện diện rằng họ là “những kiến trúc sư hòa bình.” Trong mối dây liên hệ này, ngài nói: “chiến tranh được thực hiện bởi những người giàu có và muốn có thêm.” Vì thế, ngài tiếp tục, “thật buồn khi chiến tranh được thực hiện nơi giữa những người nghèo.” Từ sự nghèo khổ của họ, người nghèo lại càng có nhiều khả năng hơn để trở thành những kiến trúc sư hòa bình, và, ngài khẳng định: “mọi tôn giáo đều cần phát triển trong hòa bình vì tất cả các tôn giáo là những sứ giả của hòa bình.”
Trong phần cuối của bài chia sẻ, Đức Thánh Cha xin sự tha thứ, nếu có một lúc nào đó ngài đã làm phật lòng họ bằng lời nói hay không nói lên những điều đáng lẽ phải nói. Ngài cũng xin họ tha thứ thay mặt cho những người Ki-tô hữu đọc Kinh Thánh, “không tìm thấy sự nghèo là trung tâm.” Tôi xin sự tha thứ — Đức Thánh Cha nói — cho những người Ki-tô hữu đứng trước một người nghèo hay một hoàn cảnh túng thiếu lại quay mặt đi hướng khác. Đồng thời, ngài khẳng định với những người có mặt rằng sự tha thứ của họ “là nước thánh cho chúng tôi.” Ngài nói thêm, nó giúp chúng tôi lại tin rằng sự nghèo là trung tâm của Tin mừng và như là một thông điệp lớn.
Cuối buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện này: “Lạy Chúa, Cha của tất cả chúng con, của mỗi đứa con của Người, con khẩn xin Người ban cho chúng con sức chịu đựng, để Người ban cho chúng con niềm vui, để Người dạy cho chúng con biết ước mơ và hướng về tương lai. Để Người dạy chúng con biết đoàn kết vì chúng con là anh em và để Người giúp chúng con biết bảo vệ phẩm giá của mình. Người là cha của mỗi người chúng con đây. Xin chúc lành cho chúng con. Amen.”
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 12/11/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét