Nhà Thần Học và Đại Kết Thụy Điển nói về Chuyến Thăm của Đức Giáo Hoàng
“Người Công giáo quy cho Tin Lành Cải Cách là ‘Thảm kịch lớn.’ Có một lý do tại sao chúng tôi lại gọi như vậy. Thân thể của Đức Ki-tô không được phân chia ra thành từng mảnh.”
ANGELO STAGNARO
05/11/2016
Nhân dịp chuyến thăm lịch sử vừa qua của Đức Thánh Cha Phanxico đến Thụy Điển, Cha Dòng Tên Magnus Nyman, một linh mục Công giáo thuộc Giáo phận Stockholm, Thụy Điển và là Hiệu phó của Học viện Newman, Uppsala nói chuyện với Register về những ý nghĩa của Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha.
Cha Nyman là giáo sư ngành Lịch sử Khoa học và Ý tưởng tại Đại học Uppsala trước khi hợp tác với Học viện Newman, trường Đại học Công giáo duy nhất ở Scandinavia. Học viện Newman được thành lập bởi cộng đoàn Dòng Tên ở Thụy Điển năm 2001. Hiện tại cha đang giảng dạy môn Lịch sử Giáo hội ở đó.
Cha đã viết một số sách và nhiều chuyên mục về Tin lành Cải cách ở Scandinavia và sự chậm chạp trong việc tái giới thiệu Giáo hội Công giáo ở Thụy Điển. Do những ý tưởng về lòng khoan dung và tự do của Trào lưu Minh sáng, năm 1783 một khu Tông Tòa được thành lập ở Stockholm. Gần đây cha biên tập một quyển sách cùng với Cha Fredrik Heiding Dòng Tên có tựa đề Doften av rykande vekar, nói về Tin lành Cải cách ở Thụy Điển và những phản ứng khá bạo lực giữa những người bình thường đối với giáo lý mới về đức tin. Một trong những người góp sức cho quyển sách là Giáo sư John W. O´Malley, SJ (với hai chương nói về nền tảng của Châu Âu và chương trình nghị sự Cải cách Công giáo). Cha Nyman cũng là linh mục coi xứ của giáo xứ Thánh Giles, ở Enköping.
1. Cha hy vọng sẽ có những kết quả gì sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha?
Hy vọng rằng sẽ có nhiều người hơn nhận ra sự chia cách ở Scandinavia khỏi Giáo hội Công giáo là một điều không tốt và chống lại ý định của Đức Ki-tô ― do Cải cách “chính trị” của những vua muốn mở rộng quyền lực của họ và sử dụng giáo huấn của Tin lành Luther để đạt được những mục tiêu của họ trong tất cả các quốc gia vùng Nordic.
Từ năm 1617 trở đi, một người Thụy Điển tuyên xưng đức tin Công giáo bị kết án tử. Cho mãi đến năm 1860 thì các công dân Thụy Điển được cho phép theo Giáo hội Công giáo, với rất nhiều giới hạn.
Cộng đoàn Công giáo đầy sức sống ngày nay ở Thụy Điển, khoảng 2% dân số, vừa là những người di cư và người Thụy Điển gốc, đang cố gắng thể hiện đức tin sống động trong một xã hội thế tục hóa rất mạnh. Rất nhiều các giáo xứ của chúng tôi gồm những người từ cả trăm quốc gia khác nhau. Chúng tôi là “Công giáo” theo đúng nghĩa.
2. Cha nghĩ sao về những lễ kỷ niệm Tin lành Luther năm nay?
Chúng tôi những người Công giáo, cùng với Tin lành Luther, không mừng sự ly khai này. Nhưng chúng tôi kỷ niệm một thảm kịch lịch sử. Người Công giáo quy cho Tin Lành Cải Cách là “Thảm kịch lớn.” Có một lý do tại sao chúng tôi lại gọi như vậy. Thân thể của Đức Ki-tô không được phân chia ra thành từng mảnh. Chúng tôi phải chữa lành sự chia cách tồn tại giữa chúng tôi chứ không phải là mừng.
3. Cha có thấy một cảm nhận thực sự do lòng khao khát của người Tin lành Luther được hiệp nhất trọn vẹn với Giáo hội?
Chỉ nằm trong một vài nhóm thiểu số, nhưng rất ít và hầu hết những người đó đã được đón nhận vào Giáo hội. Với phần đông người Tin lành Luther, tôi không nghĩ điều này là sự thật, nhưng ngày nay rất nhiều người là bạn tốt của chúng tôi và cũng là bạn tốt của Giáo hội Công giáo.
4. Vai trò tham gia của cha trong đối thoại đại kết ở Thụy Điển là gì? Ở những nơi khác trên Châu Âu/toàn cầu?
Tôi là một thành viên của một nhóm nhỏ các nhà chuyên môn Công giáo và Luther thường xuyên gặp gỡ để tìm hiểu chắc chắn liệu có cần thêm đối thoại chính thức giữa các cộng đoàn. Rất buồn, nhiều năm nay đã không có thêm đối thoại sau khi phía Luther chính thức công nhận hôn nhân đồng tính. Kết quả của những cuộc nói chuyện của chúng tôi vẫn chưa thành hiện thực.
5. Chuyến thăm của Đức Giáo hoàng có ấn tượng gì đối với giới truyền thông?
Đức Thánh Cha Phanxico được đón tiếp nồng hậu và kính trọng giữa đa số người Thụy Điển. Tôi có thể nói rằng, người Thụy Điển hiểu ngài là một người yêu thương và khiêm nhường và là một nhà lãnh đạo rất quan trọng của thế giới và người Thụy Điển có tư tưởng rất cởi mở. Người Thụy Điển cùng hợp tác với Đức Thánh Cha với những nỗ lực của ngài gìn giữ hòa bình, cổ vũ các xã hội và các dân tộc giúp tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn, bảo vệ những nguồn tài nguyên thiên nhiên, chọn lựa ưu tiên cho người nghèo và nhiều đặc điểm khác trong tính cách của ngài và trách vụ của ngài là một Giáo hoàng. Vì thế, ngài được vẽ nên bằng những màu sắc tươi sáng nhất từ trước tới nay.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 07/11/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét