TIẾP KIẾN CHUNG: Nhẫn nhịn chịu đựng những sai quấy
‘Chỉ ngón tay vào những lỗi phạm và thiếu sót của người khác thì rất dễ, nhưng chúng ta phải học cách đặt mình vào hoàn cảnh của họ.’
16 tháng 11, 2016
© PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT bài giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi tiếp kiến chung sáng nay tại Quảng trường Thánh Phê-rô.
***
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Chúng ta dành toàn bộ bài huấn giáo hôm nay để nói về mối phúc của lòng thương xót mà tất cả chúng ta đều biết rõ, nhưng có thể chúng ta chưa đem ra thực hành theo đúng những gì chúng ta nên làm: nhẫn nhịn chịu đựng những người làm chúng ta phật lòng. Tất cả chúng ta đều rất giỏi trong việc nhận biết một hình thức có thể làm chúng ta phật ý: nó xảy ra khi chúng ta gặp ai đó ngoài đường, hoặc khi chúng ta nhận một cuộc điện thoại … Ngay lập tức chúng ta nghĩ: “Mình sẽ phải nghe những lời càm ràm, những tin đồn, những đòi hỏi hoặc những khoác lác của con người này đến bao giờ đây? Cũng có lúc những người làm phiền chúng ta là những người gần gũi nhất với chúng ta: trong số những anh em họ hàng chúng ta chắc thế nào cũng có một người; những người như vậy cũng không thiếu trong chỗ làm việc và thậm chí là trong những lúc chúng ta được hưởng chút rảnh rỗi. Chúng ta phải làm gì với những người làm phiền chúng ta? Nhưng cũng rất nhiều lần chúng ta làm phiền tới người khác. Tại sao điều này cũng được đưa vào trong các mối phúc thương xót? nhẫn nhịn chịu đựng những người làm phiền chúng ta?
Trong Kinh Thánh chúng ta thấy rằng chính Thiên Chúa cũng phải dùng lòng thương xót để chịu đựng những kêu ca của dân của Người. Ví dụ, trong Sách Xuất Hành thực sự không còn chịu nổi dân chúng: trước tiên họ kêu khóc vì phải làm nô lệ trên đất Ai-cập, và Thiên Chúa đã giải thoát họ; rồi, trong sa mạc, họ kêu ca vì không có gì để ăn (đ. 16:3), và Chúa đã ban cho chim cút và bánh man-na (đ. 16:13-16), dù vậy, những kêu ca phàn nàn vẫn không dứt. Ông Môi-sê đã phải làm người trung gian giữa Thiên Chúa và dân, và thỉnh thoảng Thiên Chúa cũng làm phiền ông. Tuy nhiên, Thiên Chúa có lòng kiên nhẫn và vì vậy Người dạy ông Môi-sê và dân Người chiều kích đức tin rất quan trọng này.
Đồng thời, câu hỏi thứ nhất cũng xuất hiện: chúng ta có bao giờ kiểm tra lương tâm xem liệu chúng ta thỉnh thoảng cũng làm phiền người khác? Chỉ ngón tay vào những lỗi phạm và thiếu sót của người khác thì rất dễ, nhưng chúng ta phải học cách đặt mình vào hoàn cảnh của họ.
Trên hết chúng ta hãy nhìn đến Chúa Giê-su: Ngài đã kiên nhẫn biết bao nhiêu trong suốt ba năm cuộc đời công khai của Ngài! Có lần, khi Ngài đang đi với các tông đồ, ngài bị mẫu thân của ông Gia-cô-bê và Gioan chặn lại, bà nói với Ngài: “Xin thầy truyền cho hai con tôi đây, một đứa ngồi bên hữu, một đứa ngồi bên tả thầy trong nước của thầy” (Mt 20:21). Bà này dùng chiến thuật vận động hành lang cho các con của bà, nhưng bà ấy là người mẹ ...
Chúa Giê-su lại lấy tình huống này để làm chủ đề cho một bài giáo huấn quan trọng: Nước của Ngài không phải là vương quốc của quyền lực và vinh quang thuộc về thế gian này, nhưng là phục vụ và dâng hiến cho người khác. Lời dạy của Chúa Giê-su luôn luôn dẫn đến điểm then chốt và cái nhìn vượt xa hơn nữa để nắm lấy sứ mạng của con người với trách nhiệm. Ở đây chúng ta có thể nhìn lại hai mối phúc của lòng thương linh hồn: khuyên bảo kẻ có tội và dạy bảo kẻ mê muội. Chúng ta hãy nghĩ về sự tận tâm lớn lao mà chúng ta có thể trao tặng khi chúng ta giúp người khác lớn lên trong đức tin và trong đời sống. Chẳng hạn, cha đang nghĩ đến những giáo lý viên – trong đó có không biết bao nhiêu người mẹ và bao nhiêu nữ tu – những người cống hiến thời gian để dạy bảo lớp trẻ những phần căn bản của đức tin. Có biết bao nhiêu nỗi lực bỏ ra, đặc biệt khi các thiếu nhi chỉ thích chơi đùa hơn là ngồi nghe giáo lý!
Thật vô cùng quan trọng và tốt đẹp khi hỗ trợ những cá nhân trong việc đi tìm những gì là quan trọng, vì nó giúp chúng ta chia sẻ niềm vui trong việc thêm hương vị cho ý nghĩa của cuộc đời. Chúng ta thường gặp thấy những người dừng chân lại ở những điều hời hợt, phù du và tầm thường, đôi khi vì họ chưa gặp được người kích thích được cho họ đi tìm một điều gì khác hơn, đánh giá đúng đâu là gia tài thực sự. Dạy bảo người khác biết nhìn đến điều quan trọng là một sự giúp đỡ rất dứt khoát, đặc biệt trong thời đại như của chúng ta hiện nay, dường như đã lạc lối và đang chạy theo những sự thỏa mãn chóng qua. Dạy bảo người khác khám phá ra những gì Thiên Chúa muốn nơi chúng ta, và làm sao để chúng ta đáp lời lại cho Người, có nghĩa là phải vạch ra con đường để lớn lên trong ơn gọi của con người, con đường của niềm vui đích thực. Và đó là những lời của Chúa Giê-su trả lời cho thân mẫu của Gia-cô-bê và Gioan, và rồi cho tất cả nhóm môn đệ, cho thấy con đường để tránh rơi vào tính đố kỵ, tham vọng và nịnh hót, những cám dỗ luôn rình rập đâu đó giữa chúng ta là những Ki-tô hữu. Việc tư vấn, khuyên răn và dạy bảo không được làm với cảm giác mình có quyền cao hơn người khác, nhưng trước hết bắt chúng ta phải soi lại chính mình để kiểm điểm xem chúng ta gắn kết thực hiện đúng với những gì chúng ta yêu cầu nơi người khác. Chúng ta đừng quên lời dạy của Chúa Giê-su: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? (Lc 6:41).” Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết nhẫn nhịn và khiêm nhường đơn sơ trong lời dạy bảo.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]
Tiếng Ý
Xin gửi lời chào nồng hậu đến những anh chị em hành hương nói tiếng Ý. Cha xin chào Quỹ Masters of Work, mà anh chị em đang mừng kỷ niệm 60 năm thành lập và cha hy vọng rằng dịp này sẽ góp phần làm phong phú thêm sự đóng góp vào xã hội và kinh tế, đặc biệt cho những khu vực dân cư thấp kém nhất.
Cha xin chào mừng Cộng đoàn Con Chúa Florence; Hội Hồng Thập Tự Spoltore; Hiệp hội “Những Trái cam Giáng Sinh” Camisano Vicentino; các nhóm giáo xứ và sinh viên. Trong thời gian sắp bế mạc Năm Thánh Đặc biệt nguyện xin cho mỗi người chúng ta luôn khắc ghi tính quan trọng của việc trở nên thương xót như Chúa Cha và nguyện xin cho tình yêu chúng ta dành cho cho anh em làm cho chúng ta trở nên hoàn hảo hơn và Ki-tô hữu hơn.
Cha gửi lời chào đặc biệt đến với các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Trong tháng Mười Một, phụng vụ mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người qua đời. Nguyện xin chúng ta không bao giờ quên các vị tiền nhân đã yêu thương chúng ta biết bao nhiêu; các vị đã đi trước chúng ta trong đức tin, cũng như những người không có ai nhớ tới: cầu nguyện cho những người qua đời trước Thánh Thể là một cách giúp đỡ bằng tinh thần tốt nhất cho những linh hồn đó. Chúng ta đặc biệt hãy nhớ đến với lòng thương cảm những nạn nhân của trận động đất tại miền Trung Ý: chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và cho những thân nhân của họ và chúng ta hãy tiếp tục trong tình hiệp nhất với tất cả những ai chịu đựng sự tàn phá.
Lời thỉnh cầu của Đức Thánh Cha
Chúa nhật tới này, 20 tháng 11 là kỷ niệm Ngày Quốc tế Quyền của Trẻ em và Thiếu niên. Tôi kêu gọi lương tâm của tất cả mọi người, mọi tổ chức và gia đình, hãy làm sao để trẻ em và sự phát triển tốt đẹp của các em được bảo vệ, để các em không bao giờ rơi vào những hình thức bị nô lệ, bị tuyển mộ vào những nhóm vũ trang và bị ngược đãi. Tôi hy vọng rằng Cộng đồng Quốc tế sẽ theo dõi đời sống của các em, bảo đảm quyền của từng em được đến trường và được giáo dục, để sự phát triển của các em được tươi sáng và các em hướng về tương lai với sự tự tin.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 17/11/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét