Đức Thánh Cha Phanxico: Bài giảng trong Giờ Kinh Chiều Lễ Trọng Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa
Đức Thánh Cha Phanxico dâng giờ Kinh Chiều Lễ Trọng Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa. - RV
31/12/2016 17:10
(Vatican Radio) Ngày cuối cùng của năm, Đức Thánh Cha dâng Giờ Kinh Chiều đầu tiên cho Lễ Trọng Mẹ Thiên Chúa trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô. Trong Thánh Lễ có hát bài Thánh thi Te Deum để tạ ơn những ơn lành trong năm qua.
Dưới đây là bản dịch tiếng Anh chính thức của bài giảng của Đức Thánh Cha trong phụng vụ:
Giờ Kinh Chiều của Lễ Trọng, Lễ Mẹ Thiên Chúa,
và Thánh thi Te Deum để Tạ ơn trong Năm qua
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico
Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô
Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016
“Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật” (Gal 4:4-5).
Những lời này của Thánh Phaolo thật vô cùng mạnh mẽ. Bằng một cách ngắn gọn và chuẩn xác nhất, câu nói giới thiệu chương trình của Thiên Chúa cho chúng ta: Người muốn chúng ta sống như những đứa con của Người. Toàn bộ lịch sử cứu độ vang vọng lên trong câu nói này. Người không là đối tượng phải sống dưới lề luật, ngập tràn tình yêu, đã gạt sang một bên mọi đặc ân và xuất hiện ở một nơi bất ngờ nhất để giải thoát cho chúng ta là những người phải sống dưới lề luật. Điều vô quá đỗi ngạc nhiên là Thiên Chúa hoàn tất việc này qua sự bé nhỏ và mong manh của một hài nhi mới sinh. Ngài tự nguyện đến gần với chúng ta và dưới hình hài xác phàm của Ngài ôm ấp lấy xác phàm của chúng ta, bằng sự yếu đuối của Ngài để ôm ấp lấy sự yếu đuối của chúng ta, bằng sự bé nhỏ của Ngài để bảo bọc lấy sự bé nhỏ của chúng ta. Nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa không mang một mặt nạ của con người, nhưng Ngài trở thành con người và chia sẻ trọn vẹn tình trạng con người của chúng ta. Không mang tính ý tưởng hay đặc tính trừu tượng, Ngài muốn trở nên gần gũi với tất cả những ai bị lạc mất, bị tổn thương, bị ngã lòng, không được an ủi và hoảng sợ. Trở nên gần gũi với tất cả những ai mang trên mình gánh nặng của sự chia cách và cô đơn, để tội lỗi, sự ô nhục, sự tổn thương, sự ngã lòng và loại trừ không phải là lời nói cuối cùng cho đời sống của những đứa con của Ngài.
Máng cỏ mời gọi chúng ta hãy lấy “tính luận lý” này cho riêng mình. Nó không phải là một sự luận lý đặt trọng tâm trên sự đặc quyền, sự ngoại lệ hay sự loại trừ, nhưng là một tính luận lý của sự gặp gỡ và gần gũi. Máng cỏ mời gọi chúng ta phá bỏ tính luận lý của những sự ngoại lệ hay loại trừ và thay vào bằng những luận lý khác. Chính Thiên Chúa đến để phá tan những chuỗi mắt xích đặc quyền mà chúng luôn luôn gây ra tình trạng loại trừ, để giới thiệu sự chăm sóc thương xót mang đến sự bao dung, làm cho phẩm giá của mỗi con người được tỏa sáng lên, phẩm giá mà con người đó được tạo dựng nên. Một trẻ thơ trong khăn tã cho chúng ta thấy quyền bính của Thiên Chúa, Người đến với chúng ta như một ân ban, một sự tự hiến, một chất men và cơ hội để xây dựng nền văn hóa gặp gỡ.
Chúng ta không thể cho phép mình trở nên khờ khạo. Chúng ta biết rằng chúng ta bị cám dỗ theo nhiều cách để chấp nhận tính luận lý của sự chia rẽ, sự loại trừ và đóng cửa lòng chúng ta, trong khi chia rẽ, loại trừ và đóng cửa những giấc mơ và đời sống của không biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta.
Hôm nay, trước trẻ thơ của Bê-lem, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta cần Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta, vì tất cả chúng ta rất thường xuyên trở nên suy nghĩ hạn hẹp hoặc là tù nhân của một thái độ “hoặc tất cả hoặc không gì cả” để bắt buộc người khác phải thuận theo ý tưởng của chúng ta. Chúng ta cần ánh sáng này, ánh sáng giúp chúng ta học từ những sai lầm và sa ngã của chúng ta để tiến bộ và vượt qua chính mình; ánh sáng này đến từ sự nhận thức khiêm nhường và can đảm của những người tìm được sức mạnh, lần này và lần khác để đứng dậy và khởi đầu mới trở lại.
Khi một năm đang gần kết thúc, chúng ta hãy dừng lại trước máng cỏ và thể hiện tâm tình tri ân với Thiên Chúa vì tất cả những dấu chỉ của lòng quảng đại của Ngài trong cuộc sống của chúng ta và trong lịch sử của chúng ta, được tìm thấy trong vô vàn cách qua chứng tá của những người thầm lặng mang lấy sự nguy hiểm. Một tâm tình tri ân không phải nỗi hoài vọng khô khan hay ký ức rỗng tuếch về quá khứ lý tưởng hóa và viễn vông, nhưng phải là một sự ghi nhớ về cuộc sống, một sự ghi nhớ giúp xây dựng nên sức sáng tạo của cá nhân và cộng đoàn vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Chúng ta hãy dừng lại trước máng cỏ để chiêm ngắm những cách thức Thiên Chúa đã hiện diện trong suốt năm qua và nhắc chúng ta nhớ rằng mọi giai đoạn, mọi giây phút đều mang lấy những ân sủng và phúc lành. Máng cỏ thách thức chúng ta không biết đầu hàng trước bất kỳ điều gì hay bất kỳ ai. Chiêm ngắm máng cỏ có nghĩa là tìm thấy sức mạnh để đặt vị trí của chúng ta vào trong lịch sử mà không hề than van hay phẫn uất, không co cụm lại vào bản thân hay tìm kiếm một cách để trốn thoát, tìm con đường tắt cho những lợi ích cá nhân. Chiêm ngắm máng cỏ có nghĩa là nhận biết rằng những thời gian ở phía trước đang kêu gọi chúng ta có những sáng kiến đầy dũng cảm và ngập tràn hy vọng, cũng như từ bỏ sự tự phô trương hão huyền và quá quan tâm đến những hình thức thể hiện bề ngoài.
Chiêm ngắm máng cỏ có nghĩa là nhìn thấy cách thức Thiên Chúa đưa tay can thiệp qua việc đưa chúng ta can dự vào, làm cho chúng ta trở thành một phần trong công trình của Người, mời gọi chúng ta chào đón tương lai một cách gan dạ và dứt khoát.
Chiêm ngắm máng cỏ, chúng ta nhìn thấy Thánh Giu-se và Mẹ Maria, những khuôn mặt trẻ trung của các ngài ngập tràn hy vọng và khát vọng, đầy những câu hỏi. Những khuôn mặt trẻ nhìn về tương lai ý thức được trách nhiệm khó khăn của việc giúp đỡ cho Hài Nhi Thiên Chúa lớn lên. Chúng ta không thể nói về tương lai mà không suy tư về những khuôn mặt trẻ trung này và chấp nhận trách nhiệm chúng ta phải có đối với lớp trẻ; còn hơn cả một trách nhiệm, cụm từ đúng hơn phải là món nợ, vâng, món nợ chúng ta đang nợ giới trẻ. Nói đến sự kết thúc của một năm là cảm nhận được sự cần thiết của việc suy tư về cách thức chúng ta phải quan tâm như thế nào đối với vị trí của lớp trẻ trong xã hội của chúng ta.
Chúng ta đã tạo ra một văn hóa tôn sùng giới trẻ, và tìm cách làm cho nó bất diệt. Tuy nhiên cùng lúc, thật là nghịch lý, chúng ta lại loại bỏ lớp người trẻ của chúng ta không có một vị trí trong xã hội, vì chúng ta dần dần đẩy họ ra ngoài lề của đời sống xã hội, ép buộc họ phải di cư hoặc van xin để có những việc làm không hề còn tồn tại hay chẳng hứa hẹn cho họ một tương lai. Chúng ta thích đầu cơ hơn vào những công việc cao cấp và chuyên môn để cho phép giới trẻ được tham gia vai trò tích cực vào trong đời sống xã hội. Chúng ta mong chờ và đòi hỏi rằng họ phải là men bột cho tương lai, nhưng chúng ta lại phân biệt đối xử chống lại họ và “buộc” họ và gõ vào những cánh cửa mà hầu như đã khép lại.
Chúng ta được yêu cầu phải làm cái gì đó khác hơn là người chủ nhà trọ ở Bê-lem nói với đôi vợ chồng trẻ rằng: không còn phòng ở đây. Không còn phòng cho cuộc sống, cho tương lai. Mỗi chúng ta bị đòi hỏi phải gánh lấy ít trách nhiệm, cho dù là nhỏ, để giúp những người trẻ tìm được, ở đây trên mảnh đất quê hương của họ, những cơ hội thực sự để xây dựng một tương lai. Chúng ta đừng để bị tước mất sức mạnh của đôi bàn tay của họ, của khối óc của họ, và khả năng ngôn sứ những ước mơ của cha ông của họ (Jl 2:28). Nếu chúng ta muốn bảo đảm cho một tương lai xứng đáng cho họ, chúng ta phải làm việc đó bằng cách đặt cược vào tính bao dung thực sự: một điều kiện để cung cấp công việc xứng đáng, tự do, sáng tạo, từng người được tham gia và đoàn kết (Diễn từ tại Lễ trao giải thưởng Charlemagne, 6 tháng Năm 2016).
Chiêm ngắm máng cỏ thách thức chúng ta giúp đỡ những người trẻ không bị vỡ mộng bởi sự non nớt của chính chúng ta, và động viên họ để họ có thể ước mơ và đấu tranh vì mơ ước của họ, có năng lực để phát triển và trở thành những người cha và mẹ của dân tộc chúng ta.
Khi chúng ta chuẩn bị tiễn biệt năm nay, chúng ta hãy chiêm ngắm Hài nhi Thiên Chúa! Làm như thế sẽ là lời mời gọi chúng ta trở lại với những nguồn cội và căn nguyên của niềm tin của chúng ta. Trong Chúa Giê-su, niềm tin trở thành sự cậy trông; nó trở nên men bột và phúc lành. “Với lòng nhân hậu không bao giờ làm thất vọng, nhưng luôn có khả năng tìm lại được niềm vui mừng, Đức Ki-tô làm cho chúng ta có thể ngẩng đầu lên và khởi đầu trở lại” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 3)
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/01/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét