Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

TIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy Trông

TIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy Trông

‘Nước mắt tạo ra niềm cậy trông. Không dễ để hiểu được điều này, nhưng nó là sự thật’
4 tháng 1, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy Trông
© PHOTO.VA - Osservatore Romano
Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi Tiếp Kiến sáng nay trong Sảnh đường Phaolo VI:
__
HUẤN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong phần giáo huấn hôm nay cha muốn cùng anh chị em suy ngẫm về hình ảnh của một người phụ nữ nói với chúng ta rằng sự cậy trông nằm trong những giọt lệ – sự cậy trông nằm trong những giọt nước mắt. Đó là bà Ra-khen, vợ của Gia-cóp và là mẹ của Giu-se và Ben-gia-min, như sách Sáng thế thuật lại, bà chết khi sinh đứa con thứ hai, là Ben-gia-min.
Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đề cập đến bà Ra-khen khi nói với dân Israel về cuộc lưu đày để an ủi họ, bằng những lời nói đầy cảm xúc và tính thơ; cụ thể là, ngôn sứ đã dùng những giọt lệ của bà Ba-khen nhưng tạo ra sự cậy trông:
Thiên Chúa nói: “Người ta nghe có tiếng khóc ở Ra-ma, tiếng khóc than ai oán: Đó là tiếng bà Ra-khen khóc thương con cái mình, bà không muốn được an ủi về những người con ấy, vì nay chúng chẳng còn” (Jeremiah 31:15). Bằng những vần thơ này, ngôn sứ Giê-rê-mi-a giới thiệu người phụ nữ này cho dân tộc của ngài, một phụ nữ đứng đầu của bộ tộc của ngài, trong thực tại đau buồn và khóc than, nhưng đồng thời có một triển vọng về sự sống phi thường. Ra-khen, người phụ nữ trong trình thuật sách Sáng thế đã chết khi sinh và nhận lấy cái chết để con bà được sống, lại được ngôn sứ mô tả như đang sống ở Ra-ma, nơi những người bị lưu đày đang tập trung, đang khóc thương cho con cái của bà phải chết vì bị đưa vào cuộc lưu đày; những đứa con, như chính bà nói, “không phải,” hư mất mãi mãi.
Và, vì lý do này, bà Ra-khen không muốn được an ủi. Sự từ chối của bà cho thấy tận sâu thẳm của đau khổ và sự cay đắng của những giọt lệ của bà. Trước thảm kịch bị mất những đứa con, một người mẹ không thể chấp nhận được những lời nói hay cử chỉ an ủi, tất cả đều không tương xứng, nhưng lại có thể làm dịu đi nỗi đau của một vết thương không thể và sẽ không thể được chữa lành — một nỗi đau cân xứng với tình yêu.
Mọi người mẹ đều hiểu điều này; và cả ngày nay, có không biết bao nhiêu người mẹ phải khóc, họ không thể chấp nhận trước việc mất một đứa con, không thể an ủi trước một cái chết không thể chấp nhận được. Bà Ra-khen nhận lấy cho mình nỗi đau khổ của tất cả mọi người mẹ trên thế giới, của mọi thời đại, và nước mắt của mọi con người phải khóc lên vì những mất mát không thể bù lại được.
Sự từ chối này của bà Ra-khen, bà không muốn được an ủi, cũng dạy chúng ta phải biết khéo léo thấu hiểu trước nỗi đau khổ của người khác. Để nói về sự cậy trông với người tuyệt vọng cần phải có sự chia sẻ nỗi tuyệt vọng của người đó, để lau được một giọt lệ trên mặt của người đang đau khổ đòi hỏi phải biết hợp nhất nỗi đau của chúng ta với nỗi đau của người đó. Chỉ bằng cách đó thì lời nói của chúng ta mới thực sự đưa ra được một chút hy vọng. Và nếu tôi không thể nói được những lời như vậy — khóc than, đau khổ, và rồi im lặng là hơn — chỉ cần một cái ôm, một cử chỉ và không cần nói một lời nào.
Và Thiên Chúa, bằng sự dịu dàng và tình yêu của Người, đáp lại những lời than khóc của bà Ra-khen bằng những lời chân tình không giả tạo, quả thật, Giê-rê-mi-a tường thuật tiếp:
ĐỨC CHÚA phán thế này: Thôi đừng than khóc nữa, hãy lau khô dòng lệ trên đôi mắt, vì công lao của ngươi sẽ được đền bù: - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - chúng sẽ rời bỏ đất quân thù trở về. Như thế, tương lai ngươi sẽ tràn trề hy vọng: - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - con cái ngươi sẽ trở về bờ cõi mình’”(Jeremiah 31:16-17). Quả thật, vì những giọt lệ của người mẹ, lại có hy vọng cho những đứa con sẽ sống trở lại.
Người phụ nữ này, chấp nhận cái chết khi sinh, để con bà được sống … bà và tiếng khóc của bà bây giờ là khởi nguồn cho một sự sống mới cho những đứa con bị lưu đày của bà, đó là những đứa con bị tù đày, xa quê hương. Trước sự đau khổ và những giọt lệ cay đắng của bà Ra-khen, Thiên Chúa đáp lời lại bằng một lời hứa mà đối với bà bây giờ có thể trở thành một động lực cho sự an ủi thực sự: dân tộc sẽ có thể trở về thoát khỏi lưu đày và sống trong niềm tin, và được tự do, trong mối quan hệ với Thiên Chúa. Nước mắt tạo ra nguồn cậy trông. Không dễ để hiểu được điều này, nhưng nó là sự thật. Rất nhiều lần trong cuộc đời của chúng ta, nước mắt gieo mầm hy vọng; chúng là những hạt giống của hy vọng.
Như chúng ta biết, văn bản này của ngôn sứ Giê-rê-mi-a sau  đó được tác giả Tin mừng Mát-thêu dùng lại và đưa vào đoạn mô tả cuộc tàn sát những trẻ thơ vô tội (2:16-18). Đoạn văn đặt chúng ta trước thảm kịch giết hại những người không có khả năng kháng cự, và sự kinh hoàng của giới quyền lực khinh miệt và coi rẻ sự sống. Những em bé ở Bê-lem chết vì Chúa Giê-su. Và Người, một Con Chiên vô tội, sau đó lại chết vì tất cả chúng ta. Con Thiên Chúa đi vào sự đau khổ của con người. Chúng ta không được quên điều này.
Khi có người quay sang tôi hỏi những câu hỏi khó, chẳng hạn như: “Thưa cha, tại sao trẻ em lại phải chịu đau khổ?” Tôi thực sự không biết phải trả lời sao. Tôi chỉ nói: “Hãy nhìn vào Đấng Chịu Đóng Đinh: Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta Con của Ngài, Người chịu đau khổ, và có thể anh/chị sẽ tìm được câu trả lời ở đó.” Nhưng nếu muốn tìm câu trả lời từ đây [Đức Thánh Cha chỉ vào đầu của ngài] sẽ chẳng có câu trả lời nào. Chỉ bằng cách nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa đã ban tặng Con của Người, và Ngài hiến mạng sống vì chúng ta, thì mới có thể tìm ra được cách nào đó để an ủi. Và vì chúng ta nói rằng Con Thiên Chúa đã đi vào sự đau khổ của con người; Ngài chia sẻ và chấp nhận cái chết; Lời của Người là lời an ủi muôn đời, vì nó được sinh ra từ những giọt lệ.
Và trên Thập giá chính Người, Chúa Con đang hấp hối, đã trao lại sức trổ sinh sự sống mới cho Mẹ của Người, trao phó Mẹ cho môn đệ Gioan của Người và trao cho Mẹ những môn đệ của Người. Sự chết đã được chế ngự, và do đó lời tiên báo của ngôn sứ Giê-rê-mi-a trở nên trọn vẹn. Những giọt nước mắt của Mẹ Maria cũng vậy, giống như của bà Ra-khen, đã tạo ra sự cậy trông và sự sống mới. Xin cảm ơn anh chị em.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]

Lời chào bằng tiếng Ý
Cha xin gửi lời chào nồng hậu đến anh chị em hành hương nói tiếng Ý, và cha xin chúc mọi sự bình an và hòa bình trong năm mới. Cha rất vui được đón các thành viên của nhóm “Gia đình Hiệp thông Cầu nguyện và Bác ái”, kỷ niệm 45 năm thành lập, và các đại diện của Trung tâm Tông đồ của Chân phước Vincenzo Romano, họp nhau tại đây nhân dịp 25 năm phục vụ công tác đào tạo ơn gọi, và cha xin cảm ơn về món quà bức ảnh nổi của Đấng sáng lập của họ.
Cha xin chào các tu huynh khấn tạm của Dòng Thánh An-tôn và Phong trào Giới trẻ Dòng Huynh Đệ Phanxico Bethany: cha khuyến khích mỗi người anh em hãy củng cố việc cầu nguyện để lớn lên trong tình bạn đích thực và sâu đậm với Chúa Giê-su.
Cuối cùng, cha rất vui được chào các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Các bạn trẻ thân yêu, cha hy vọng rằng chúng con sẽ có thể cân nhắc đến một món quà cho Thiên Chúa mỗi ngày trong Năm mới, để được sống với lòng tri ân và sự chính trực, và luôn luôn tiến bước! Luôn luôn! Anh chị em bệnh nhân yêu mến, cầu xin cho Năm mới này mang lại nguồn an ủi cả về thân xác và tâm hồn cho anh chị em. Nguyện xin Thiên Chúa luôn gần gũi anh chị em và Đức Bà an ủi anh chị em. Và những đôi uyên ương mới, hãy cam kết để nhận ra được một sự kết hiệp chân thành với cuộc sống phù hợp với chương trình của Thiên Chúa.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]

Lời thỉnh cầu của Đức Thánh Cha
Hôm qua, bản tin đến từ Brazil cho biết vụ thảm sát kinh hoàng trong nhà tù ở Manaus, tại đây một vụ đụng độ giữa hai băng nhóm đối thủ gây ra hàng chục cái chết. Tôi rất đau buồn và lo lắng vì những gì đã xảy ra. Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện cho những người đã chết, cho các gia đình của họ và cho các bạn tù trong nhà tù đó và cho tất cả mọi người làm việc tại đó. Và tôi nhắc lại lời thỉnh cầu của tôi cho các nhà tù phải trở thành nơi tái giáo dục và tái hòa nhập vào xã hội, và những điều kiện đời sống của các tù nhân xứng đáng với nhân phẩm.
Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện cho những tù nhân đã chết và còn sống, và cho toàn thể các tù nhân trên thế giới, để các nhà tù phải là nơi cải tạo chứ không quá đông đúc; phải là nơi tái hòa nhập. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, Mẹ của các tù nhân: Kính mừng Maria ...
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 05/01/2017]

TIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy Trông
TIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy Trông
TIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy Trông
TIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy Trông
TIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy Trông
TIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy Trông
TIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy TrôngTIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy Trông
TIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy Trông
TIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy Trông
TIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy Trông
TIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy Trông
TIẾP KIẾN CHUNG: Nước Mắt và Cậy Trông


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét