Đức Tổng Giám Mục Auza tại Hội Đồng Bảo An LHQ: kết thúc xung đột, chấm dứt buôn người
Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza đọc diễn văn tại Hội Đồng Bảo An LHQ (undated file photo) - RV
16/03/2017 09:34
(Vatican Radio) Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, đang tham dự Phiên Tranh Luận Mở của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc về Buôn Bán Người trong những tình hình xung đột: lao động cưỡng bức, nô lệ và những hình thức khác tương tự, đang diễn ra trong tuần này tại Trụ Sở Liên Hợp Quốc ở New York.
Trong tham luận chuẩn bị cho phiên họp này ngày 15 tháng Ba, Đức Tổng Giám mục Auza kêu gọi Hội Đồng Bảo An phải giữ một vai trò dẫn đầu trong việc ngăn chặn buôn người, đặc biệt qua việc thừa nhận sự liên hệ giữa buôn người và những xung đột vũ trang liên miên.
“Tòa Thánh thúc giục Hội Đồng Bảo An giữ lấy một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống lại tai họa của nạn buôn bán con người,” Đức Tổng Giám mục Auza nói, “trước hết qua trách nhiệm ngăn chặn và chấm dứt những xung đột vũ trang và giúp củng cố hòa bình và phát triển.”
Dưới đây, xin đọc toàn văn tham luận của Đức Tổng Giám Mục Auza
************************************************
Tham luận của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza
Khâm Sứ và Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc
Tranh luận mở của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc về
Buôn người trong những tình hình xung đột: lao động cưỡng bức, nô lệ và những hình thức tương tự khác
New York, 15 tháng Ba 2017
Thưa ông Chủ tịch,
Tòa Thánh cảm ơn Đoàn Vương Quốc Anh đưa ra chủ đề này lên tầm mức Tranh Luận Mở trong Hội Đồng.
Bằng lời nói và bằng những hành động, Đức Thánh Cha Phanxico đã thể hiện rất rõ từ những ngày đầu tiên lên ngôi Giáo hoàng rằng cuộc chiến chống lại nạn buôn người sẽ là một trong những ưu tiên dứt khoát cho triều đại của ngài. Ngài không lưỡng lự khi định nghĩa nó là một hình thức của nô lệ, một tội ác chống lại nhân loại, một sự vi phạm đáng hổ thẹn và nguy hại cho quyền con người, một tai họa tàn bạo đang hiện hữu trên toàn thế giới trên mức độ rộng lớn, thậm chí dưới hình thức du lịch.
Cơn lũ những nạn nhân buôn người có nhiều nhánh sông. Trong đó có sự nghèo đói cùng cực, chậm phát triển và sự loại trừ, đặc biệt khi được kết hợp với sự thiếu tiếp cận được với giáo dục hoặc khan hiếm, thậm chí không có, cơ hội việc làm. Những kẻ buôn người không hề cảm thấy băn khoăn về việc bóc lột những người không một chút khả năng bảo vệ đang trốn chạy khỏi cảnh thiếu thốn về kinh tế và những thiên tai.
Tuy nhiên, hiện nay chiến tranh và những cuộc xung đột đã trở thành đầu mối chính của nạn buôn người. Chúng cung cấp một môi trường thuận lợi cho những kẻ buôn người hoạt động, vì những người đang chạy trốn bách hại và xung đột đặc biệt rất dễ bị buôn bán. Những cuộc xung đột đã tạo điều kiện cho các kẻ khủng bố, những nhóm vũ trang và các mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia phát triển mạnh qua việc bóc lột những cá nhân và các nhóm dân tộc bị đẩy xuống tình trạng mất hoàn toàn sự bảo vệ do bách hại và nhiều hình thức của bạo lực.
Trong bối cảnh này, phái đoàn của chúng tôi một lần nữa bày tỏ quan ngại sâu sắc cho những cộng đồng Ki-tô hữu cổ xưa, Yezidis và những nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số khác ở Vùng Lưỡng Hà, họ đã bị buộc làm nô lệ, bị bán, bị giết và là đối tượng cho những hình thức bị làm nhục tận cùng. Sự thiếu những nỗ lực thật sự để mang đến công lý, các thủ phạm của những hành động diệt chủng và vi phạm nặng nề nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế như vậy đặt ra quá nhiều sự khó hiểu và thắc mắc không biết còn phải chịu bao nhiêu sự hung tàn nữa trước khi các nạn nhân có được sự giải cứu, bảo vệ và công lý.
Thưa ông Chủ tịch,
Tòa Thánh một lần nữa muốn nhấn mạnh sự kết án liên tục và chắc chắn của mình trước sự khá dễ dàng mà qua đó các loại vũ khí, thậm chí những vũ khí hủy diệt hàng loạt, rơi vào tay của những kẻ khủng bố và những nhóm vũ trang, cho họ có phương tiện để tiếp tục khá dễ dàng buôn bán và bắt nô lệ những cá nhân và thậm chí toàn thể cộng đồng. Sự gia tăng vũ trang, bất kể chúng là những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt hay “hợp quy ước,” tạo điều kiện thuận tiện và kéo dài những cuộc xung đột bạo lực làm con người trở nên quá yếu ớt trước những kẻ buôn người và buôn lậu. Cho đến khi nào chiến tranh và xung đột còn nổ ra, nạn buôn người để bóc lột tình dục, lao động cưỡng bức và những tội ác tương tự sẽ vẫn tiếp tục phát đạt. Vì thế Tòa Thánh mạnh mẽ thỉnh cầu các Chính phủ không cung cấp vũ trang cho các nhóm hay các chính thể có nhiều khả năng sử dụng chúng để chống lại chính những người dân của họ, thi hành dứt khoát những hiệp ước liên quan đến vũ trang, và sử dụng toàn bộ sức mạnh của luật pháp để chiến đấu chống lại buôn bán vũ khí.
Ngoài ra, sự phân biệt đối xử đối với những người di cư không có hồ sơ và bất thường làm trầm trọng thêm tình trạng không được bảo vệ của họ, đuổi họ đến gần hơn tới vòng tay của những kẻ buôn người và tới những hình thức bóc lột thậm tệ hơn, và làm cho họ ít có thể hợp tác được với những giới chức hành pháp để bắt giữ và trừng phạt những kẻ buôn người.
Thưa ông Chủ tịch,
Thách thức mà nạn buôn người đưa ra là vô cùng lớn và đòi hỏi một sự đáp trả tương xứng. Ngày nay, sự đáp trả đó còn xa mới tương xứng được với thách thức. Như Đức Giáo hoàng Phanxico đã nhiều lần lưu ý, cho dù cộng đồng quốc tế đã thông qua nhiều hiệp định và các quốc gia đã thông qua những luật nhắm chấm dứt tình trạng nô lệ và tất cả những hình thức của nó, thậm chí có nhiều chiến dịch khác nhau để chiến đấu với hiện tượng này đã được đưa ra ở cả tầm mức quốc gia và quốc tế, vẫn còn thêm nhiều điều cần phải làm trong phạm vi nâng cao ý thức chung của người dân và tạo hiệu quả hợp tác tốt hơn trong nỗ lực của các chính phủ, pháp lý, các nhân viên hành pháp và những nhân viên xã hội để cứu hàng triệu trẻ em, phụ nữ và đàn ông vẫn đang bị cướp mất tự do và bị bắt buộc sống trong những điều kiện như nô lệ.
Bằng một cách đặc biệt, Tòa Thánh thúc giục Hội Đồng Bảo An giữ lấy một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống lại tai họa của nạn buôn bán con người, trước hết qua trách nhiệm ngăn chặn và chấm dứt những xung đột vũ trang và giúp củng cố hòa bình và phát triển.
Xin cảm ơn ông Chủ tịch.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 17/03/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét