Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

TIẾP KIẾN CHUNG: Vui mừng trong Hy vọng

TIẾP KIẾN CHUNG: Vui mừng trong Hy vọng

‘Chúng ta có thể sống và làm cho anh em chúng ta không gì khác hơn là sự đền đáp lại những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và tiếp tục làm cho chúng ta.’
15 tháng Ba, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG: Vui mừng trong Hy vọng
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Buổi Tiếp Kiến Chung được tổ chức lúc 9:30 sáng 15 tháng Ba, 2017 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ với các nhóm khách hành hương và tín hữu từ Ý và mọi nơi trên thế giới.
Tiếp tục loạt giáo lý về niềm hy vọng của người Ki-tô hữu, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy tư vào chủ đề: “Hân hoan trong hy vọng” (x. Rm 12:9-13).
Sau khi tóm lược phần giáo lý bằng nhiều ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi những lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Chúng ta biết rằng lệnh truyền vĩ đại mà Chúa Giê-su để lại cho chúng ta là yêu thương: yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn của chúng ta, và yêu thương anh em như chính mình (x. M 22:37-39), nghĩa là, chúng ta được kêu gọi để yêu thương, để sống bác ái. Và đây là ơn gọi cao cả nhất của chúng ta, ơn gọi của chúng ta là vô cùng cao cả, và liên kết với ơn gọi đó là niềm vui của hy vọng của người Ki-tô hữu, của việc đến gặp gỡ với tình yêu cao vời là Thiên Chúa.
Trong trích đoạn Thư gửi tín hữu Roma mà chúng ta vừa nghe, Thánh Tông đồ Phao-lô đưa ra cho chúng ta cảnh báo: có nguy cơ là lòng bác ái của chúng ta trở thành giả nhân nghĩa, sự yêu thương của chúng ta là đạo đức giả. Vì thế, chúng ta phải tự hỏi mình: khi nào điều đó xảy ra? Và làm sao để chúng ta chắc chắn được rằng sự yêu thương của chúng ta là chân thành, lòng bác ái của chúng ta là sự thật? Để chúng ta không giả vờ làm bác ái hay sự yêu thương của chúng ta trở nên một vở kịch, nhưng là sự chân thành, một tình yêu mạnh mẽ …
Tính đạo đức giả có thể ngấm ngầm đi vào khắp nơi, ngay cả trong cách yêu thương của chúng ta. Điều này được nhận ra khi tình yêu của chúng ta là tình yêu có tính tư lợi, được thúc đẩy bởi những mục đích cá nhân, và có không biết bao nhiêu tình yêu tư lợi như vậy … khi những sự phục vụ bác ái, qua đó dường như chúng ta cho đi bản thân, lại được thực hiện để làm cho bản thân chúng ta cảm thấy được hài lòng: “Nhưng xem này mình quá giỏi!” Không, đây là đạo đức giả! – hoặc chúng ta tìm đến những việc có “tính thể hiện rõ ràng” để phô diễn sự thông minh hay những khả năng của chúng ta. Đàng sau tất cả những điều này là một tư tưởng sai lệch, dối trá, đến mức có thể nói rằng, nếu chúng ta yêu, đó là bởi vì chúng ta quá tốt, dường như sự bác ái là một sáng tạo của con người, một sản phẩm của tâm hồn của chúng ta. Ngược lại, bác ái trước hết là một ân sủng, một món quà; có khả năng yêu thương là một món quà của Thiên Chúa, và chúng ta phải xin ơn đó. Và Người sẵn sàng cho đi, nếu chúng ta xin. Bác ái là một ơn sủng: nó không gồm có trong những gì chúng ta được vang danh, nhưng là những gì Thiên Chúa cho chúng ta mà chúng ta được đón nhận một cách nhưng không. Và nó không thể được thể hiện qua việc chúng ta gặp gỡ với tha nhân, nếu ngay từ đầu nó không được tạo ra từ sự gặp gỡ với dung nhan nhân từ và thương xót của Chúa Giê-su.
Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta thừa nhận rằng chúng ta là những tội nhân, và thậm chí là cách yêu thương của chúng ta vẫn được đánh dấu bởi tội. Tuy nhiên, ngài vẫn nhận mình là người mang đến một công bố mới, một công bố sự hy vọng: Thiên Chúa mở ra trước chúng ta một con đường giải phóng, một con đường cứu độ. Đó là một cơ hội cho chúng ta được sống theo điều răn vĩ đại của tình yêu, trở thành những khí cụ của lòng nhân ái của Thiên Chúa. Và điều này xảy ra khi chúng ta để cho tâm hồn chúng ta được chữa lành và được canh tân bởi Đức Ki-tô Phục Sinh. Thiên Chúa sống lại ở giữa chúng ta, Người sống giữa chúng ta có thể chữa lành tâm hồn chúng ta: Người sẽ thực hiện điều đó nếu chúng ta cầu xin. Chính người làm cho chúng ta có thể trải nghiệm, cho dù tính hèn mọn và sự nghèo nàn của chúng ta, lòng thương xót của Chúa Cha và mừng vui trước những kỳ công của tình yêu của Người. Rồi chúng ta hiểu rằng tất cả những gì chúng ta có thể sống và làm cho anh em chúng ta không gì khác hơn là sự đền đáp lại những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và tiếp tục làm cho chúng ta. Vì thế, chính Thiên Chúa là Đấng, cư ngụ trong tâm hồn và trong đời sống của chúng ta, tiếp tục ở cạnh bên và phục vụ tất cả những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày trên hành trình của chúng ta, bắt đầu từ những người sau hết và thiếu thốn nhất mà Người đã đặt chính Người vào trong họ.
Vì vậy với những lời này Thánh Tông đồ Phao-lô không phải muốn quở trách chúng ta, nhưng thực ra, động viên và làm hồi sinh lại niềm hy vọng trong chúng ta. Quả thật, tất cả chúng ta, đều trải nghiệm cuộc sống không chu toàn như đáng lẽ chúng ta phải sống theo lệnh truyền của tình yêu. Tuy nhiên, đây  cũng là một ơn sủng, vì nó làm cho chúng ta hiểu rằng dựa vào chính bản thân chúng ta không thể yêu thương trọn vẹn: chúng ta cần có Thiên Chúa liên tục canh tân ân sủng này trong tâm hồn chúng ta, qua trải nghiệm của lòng thương xót vô biên của Người. Và rồi, chúng ta sẽ biết trân trọng những điều nhỏ bé, đơn sơ và bình thường; chúng ta sẽ biết trân trọng những điều nhỏ bé mỗi ngày này và sẽ có thể yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu thương họ, mong ước cho họ được tốt lành, cụ thể là, mong họ được nên thánh, là bạn của Thiên Chúa, và chúng ta sẽ hạnh phúc có cơ hội được gần gũi với người nghèo và thấp kém, như Chúa Giê-su làm với mỗi người chúng ta khi chúng ta xa lánh Người, quỳ xuống dưới chân của người anh em, như Ngài, người Sa-ma-ri Tốt Lành, làm cho mỗi người chúng ta, với lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài.
Anh chị em thân mến, những gì Thánh Tông đồ Phao-lô nhắc nhở chúng ta là một mầu nhiệm – tôi sử dụng lời của ngài – đó là mầu nhiệm được “vui mừng trong hy vọng” (Rm 12:12): vui mừng trong hy vọng. Sự vui mừng trong hy vọng vì chúng ta biết rằng trong mọi tình huống, cho dù có bất lợi nhất, và cũng qua những vấp ngã của chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi. Và rồi, với tâm hồn chúng ta được viếng thăm và được cư ngụ bởi ân sủng của Người và sự tín trung của Người, chúng ta sống trong niềm hy vọng hân hoan để đền đáp lại qua anh em của chúng ta, với một chút xíu chúng ta có được, chúng ta nhận lại được quá nhiều mỗi ngày từ Ngài. Xin cảm ơn anh chị em.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/03/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét